Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

02/12/2022

Đảng vừa vắt con bò sữa Thành Hồ vừa chống tham nhũng

RFA tiếng Việt

Đảng và "con bò sữa" Thành phố Hồ Chí Minh !

RFA, 02/12/2022

Tại buổi làm việc hôm 2/12 với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị đã cho ý kiến về Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

dang2

Ảnh minh họa chụp tại Thành phố Hồ Chí Minh hôm 22/9/2022. AFP PHOTO

Báo chí nhà nước mấy ngày qua cũng liên tục có nhiều bài vở tuyên truyền về sự quan tâm đặt biệt của đảng và nhà nước với Thành phố Hồ Chí Minh. Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài sự có mặt của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng còn có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Ủy viên Bộ Chính Trị...

Liệu đây có phải là sự thay đổi về chính sách của đảng CSVN đối với Thành phố Hồ Chí Minh ? Nhà báo Võ Văn Tạo hôm 2/12 nhận định :

"Lâu nay ai cũng biết Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước, là nơi làm ra nhiều tiền nuôi sống xã hội nhất so với các địa phương khác, chiếm 25 % GDP của cả nước. Trong khi Việt Nam có sáu mươi mấy tỉnh thành, nhưng chính sách của nhà nước đã bóc lột Thành phố Hồ Chí Minh hơi nặng, từ 1975 cho đến gần đây, hằng năm tất cả vật chất làm ra chỉ được để lại Thành phố Hồ Chí Minh 17 %, còn lại là đưa hết về trung ương. Điều nay gây ra sự bất bình ngấm ngầm của những người ở miền Nam, cũng như Thành phố Hồ Chí Minh, như thế là quá bất công. Trong khi ở phía Bắc được đầu tư rất mạnh về hạ tầng cơ sở đường xá, tất cả những cái đó đều là ngân sách trung ương rót xuống. Mà ngân sách đó từ đâu, từ thu thuế của các địa phương, cho nên có sự bất bình ngấm ngầm".

Theo Nhà báo Võ Văn Tạo, có thể vì tình hình đó cho nên nhà nước có những chính sách thay đổi nhất định, để tránh gây bất mãn không tốt trong dư luận của người dân. Ông nói tiếp :

"Thứ hai, danh chính ngôn thuận mà nói ai cũng biết Thành phố Hồ Chí Minh quan trọng, cho nên dù muốn hay không muốn, đảng và nhà nước cũng phải lưu tâm đến chuyện đó... Tức là có cách nào để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển tương xứng với tiềm năng có thể có của nó. Chứ lâu nay như thế là chưa chú trọng, nên đã kìm hãm tiềm năng của Thành phố Hồ Chí Minh, chính cái đó sẽ làm ảnh hưởng đến cả nước".

Tại cuộc họp hôm 2/12, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết với mục tiêu đến năm 2030 Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố dịch vụ – công nghiệp hiện đại, dẫn đầu về kinh tế số, xã hội số, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ, văn hóa của khu vực Đông Nam Á...

Không những thế, Bộ Chính trị còn đề ra mục tiêu đến năm 2045, Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ Châu Á, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu, có chất lượng cuộc sống cao, phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới...

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, nhận định với RFA hôm 2/12 :

"Vấn đề hiện nay là tổng số thu ngân sách ở Thành phố Hồ Chí Minh thì tỷ lệ để lại cho thành phố này là thấp, cần phải nâng lên. Tức là dành lại cho Thành phố Hồ Chí Minh một tỷ lệ thu ngân sách cao hơn, để Thành phố Hồ Chí Minh có thể thực hiện được các mục tiêu của mình. Ví dụ như là mục tiêu về kết cấu hạ tầng, xây dựng các khu đô thị hiện đại, vấn đề xây dựng nhà ở cho công nhân và người lao động... Tôi nghĩ rằng sắp tới đây, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tìm mọi cách tăng cường đầu tư để thu hút được lực lượng ưu tú khoa học công nghệ của người Việt ở nước ngoài và các lực lượng khoa học công nghệ của các nước khác... để về giúp Thành phố Hồ Chí Minh đạt được sự chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa trong cách mạng công nghiệp 4.0 sang kinh tế số".

dang3

Ảnh minh họa chụp tại Thành phố Hồ Chí Minh hôm 22/9/2022. AFP.

Nhiều năm trước đây, một số lãnh đạo Việt Nam cũng đề ra mục tiêu đến năm 2045, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ trở thành trung tâm kinh tế tài chính của Châu Á, chất lượng đời sống cao, thu nhập bình quân đầu người khoảng 37.000 USD/năm, là điểm đến của toàn cầu.

Một người dân hiện sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh, không muốn nêu tên vì lý do an toàn, cho biết cách biệt giàu nghèo tại Sài Gòn hiện quá lớn :

"Tôi thấy mức sống người dân Sài Gòn giữa cái nghèo và cái giàu chênh lệch nhau lớn lắm. Người nghèo thì nghèo lắm, người giàu thì giàu lắm... Mà hầu hết dân nhập cư tại Sài Gòn, rồi dân tại Sài Gòn vẫn lao động chân tay thì lấy đâu ra... Mình phải thấy rõ chứ sao tuyên bố như vậy được, điều đó là vô lý".

Còn Tiến sĩ Lê Đăng Doanh thì cho rằng mục tiêu đó còn khá xa vời :

"Mục tiêu đó đề ra, nhưng cho đến nay bước tiến để mà đến mục tiêu đó đang còn chậm và còn khá xa vời. Thành phố Hồ Chí Minh cần phải tiếp tục đẩy mạnh chuyển sang kinh tế số, phát triển mạnh mẽ hơn nữa các dịch vụ công nghệ thông tin, dịch vụ về quản trị doanh nghiệp và phát triển khoa học công nghệ... Cơ sở hạ tầng của Thành phố Hồ Chí Minh thì có các bước tiến, nhưng hiện nay sự kết nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh với Đồng bằng sông Cửu Long đang còn chậm. Điều này đã được nhận thức và hiện nay đang có các kế hoạch để cố gắng thúc đẩy cải thiện tình hình kết cấu hạ tầng kết nối giữa Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh, để thúc đẩy giao thương, kết nối chuỗi giá trị của Đồng bằng sông Cửu Long với công nghiệp chế biến, chế tác của Thành phố Hồ Chí Minh được tăng cường mạnh mẽ hơn nữa".

Lâu nay, nhiều vị lãnh đạo của Đảng và Chính phủ thường hay phát biểu, đưa ra mục tiêu Việt Nam sẽ sớm trở thành cường quốc về một lãnh vực nào đó. Đơn cử như tại Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X hôm 28/3/2010, nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh khi phát biểu bế mạc hội nghị, từng nói mục tiêu năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp, hiện đại. Đến nay mục tiêu đó cũng chưa đạt được.

Nguyên Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng khi còn tại chức cũng đã từng quyết xây dựng các tập đoàn Nhà nước lấy ý tưởng từ mô hình Chaebol của Nam Hàn để trang bị cho nền kinh tế những 'cú đấm thép' ; tức áp dụng chính sách chủ động công nghiệp hóa để phát triển nhanh, trong đó có vai trò của các tập đoàn trụ cột. Tuy nhiên, ước mơ của ông Dũng đã để lại hậu quả là những tổng công ty như Vinalines, Vinashin... với những món nợ khổng lồ lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.

Làm sao Thành phố Hồ Chí Minh có thể đạt được mục tiêu Bộ Chính trị đế ra ? Tiến sĩ Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này, cho rằng :

"Điều đó phụ thuộc vào sự đồng bộ của cơ chế và sự sáng tạo đột phá của người dân. Có thể nhanh hoặc chậm hơn, nhưng ở đây cần nhấn mạnh một điểm, đó là tạo lòng tin của nhà đầu tư và sự đóng góp của người dân vào sự nghiệp chung của Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng ta thấy, nếu cơ chế đủ thoáng, sức sáng tạo của người dân được giải phóng đầy đủ, thì mục tiêu đó không phải là ghê gớm. Có thể chính phủ thấy trong thời gian tới có thể đáp ứng được, thì mục tiêu đó cũng không có gì là ghê gớm, nhưng nếu không đáp được các điều kiện cần và đủ thì nó sẽ lâu hơn".

Chính phủ Việt Nam trước đây cũng đã đề ra ba khâu đột phá quan trọng : một là nỗ lực vượt bậc thiết lập thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa ; thứ hai là xây dựng kết cấu hạ tầng ; thứ ba là nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực. Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cả ba khâu đột phá đó cho đến nay cũng chỉ làm được rất khiêm tốn. Còn những việc chính yếu của Nhà nước như bảo đảm luật pháp, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô thì theo ông cũng chưa hiệu quả.

Nguồn : RFA, 02/12/2022

***************************

Mặt trái chống tham nhũng của Đảng

RFA, 29/11/2022

Reuters hôm 28/11/2022 đăng bài phân tích của tác giả Francesco Guarascio cho rằng, cuộc chiến chống tham nhũng rộng khắp của Đảng Cộng sản Việt Nam đang khiến cho nhiều giao dịch kinh tế bị tê liệt, có thể ảnh hưởng đến đầu tư trực tiếp nước ngoài, giảm xuất khẩu.

dang1

Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây. AFP PHOTO

Chống chưa đủ…

Cuộc chiến chống tham nhũng theo kiểu Trung Quốc được phát động ở Việt Nam từ năm 2016 đến nay theo ông Francesco Guarascio, đã khiến nhiều quan chức cấp cao vào tù hoặc đang bị điều tra. Điều này khiến các quan chức Chính phủ khác lo ngại và không dám bật đèn xanh cho việc mua bán hàng hóa hay các khoản đầu tư vì sợ bị điều tra tham nhũng.

Bài báo cũng cho rằng một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng đầu tiên và rõ nét nhất là lĩnh vực dược phẩm với khoảng 65% các bệnh viện lớn đang lâm vào tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế vì lãnh đạo không dám phê duyệt hợp đồng.

Là người có thâm niên trong ngành y, bác sĩ Đinh Đức Long từ Sài Gòn hôm 29/11 cho RFA biết ý kiến của mình :

"Ảnh hưởng bao nhiêu % thì tôi không thể nói được, nhà quản lý có thống kê cụ thể mới biết, nhưng tôi có thể khẳng định ảnh hưởng là chắc chắn. Như việc Bộ trưởng Bộ Y tế bị bắt, một loạt thứ trưởng đi tù, tức là đầu não Bộ Y tế đều vào tù hết. Bây giờ thay bằng một Bộ trưởng mới không có kiến thức y khoa gì cả, về mặt tổ chức chưa từng có trong lịch sử. Xưa nay các bộ trưởng y tế đều là người ngành y, lần đầu tiên bà Đào Hồng Lan không biết gì về ngành y, tốt hay không tốt hơn trước thì phải chờ xem, nhưng ảnh hưởng là có chắc chắn".

Tuy vậy, Bác sĩ Đinh Đức Long thừa nhận cuộc chiến chống tham nhũng của Việt Nam là đúng vì thực tế nhiều lãnh đạo vi phạm đã bị đi tù, ông nói tiếp :

"Họ vào tù là do tham nhũng, còn nếu không làm sai thì sợ gì ? Không nhận tiền, không thông thầu, lợi dụng quyền lực thì làm sao mà có có sai lầm được ? Nhưng không thể vì thế mà nói chống tham nhũng là sai, cho nên anh nào có tật thì giật mình, chứ còn chủ trương chống tham nhũng là đúng, bắt bỏ tù cũng là đúng người đúng tội thôi, không sai ông nào cả, mà là còn bắt chưa hết…".

Nhìn nhận ở góc độ kinh tế thông qua cuộc chiến chống tham nhũng tại Việt Nam thời gian qua, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, nhận định với RFA hôm 29/11 :

"Cuộc chiến chống tham nhũng có tác dụng tích cực là nâng cao trách nhiệm của các người ra quyết định, bảo đảm họ rất thận trọng để không mắc sai phạm. Vấn đề ở đây là hệ thống luật pháp của Việt Nam đang chồng chéo phức tạp, thí dụ vấn đề đất đai thì có luật đất đai, luật về nhà ở, lại có luật về xây dựng… và có rất nhiều nghị định và thông tư hướng dẫn. Luật pháp chồng chéo như vậy rất có nguy cơ làm việc này đúng luật, nhưng mà người khác viện dẫn các điều luật khác có thể lại là không đúng. Vì vậy có sự dè dặt, điều này cũng thể hiện ở nhiều mặt, trong đó có tỷ lệ thực hiện đầu tư công là chưa cao, cần phải đẩy mạnh hơn".

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng sắp tới cần phải điều chỉnh sửa đổi luật pháp, bảo đảm các luật tương thích với nhau và thực hiện tốt hơn nữa công khai minh bạch trong các hoạt động của doanh nghiệp, trong các hoạt động của chính quyền các cấp.

Cần cải cách thể chế

Việt Nam bị xếp hạng 87 trong danh sách 180 quốc gia về tham nhũng theo báo cáo của tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) công bố hôm 25/1/2022 .

Theo Reuters, việc chống tham nhũng về dài hạn được nhìn nhận là tích cực nhưng trong ngắn hạn có thể làm tê liệt hoạt động kinh doanh, đặc biệt là nếu việc thực thi pháp luật bị cho là không rõ ràng và có động cơ chính trị.

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 29/11 cho rằng, trong một chế độ khi mà mức lương Nhà nước chi trả cho công chức quá thấp, vốn chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu tiêu dùng cơ bản của họ, thì chuyện quan chức tìm cách "kiếm thêm", hay còn gọi là tham nhũng, nhờ dựa vào chức vụ của họ là chuyện dễ hiểu. Ông Vũ nói tiếp :

"Nền kinh tế chạy được vì quan chức cần những mắc xích dự án chạy để họ nhận được "phí giấy tờ". 

Ngược lại, khi các quan chức bị soi xét một cách quá chặt chẽ chuyện tham nhũng, họ dần mất đi động lực để thúc đẩy các dự án chạy. Kết quả là mọi thứ sẽ bị ù lỳ. 

Nhưng nếu không chống tham nhũng, tài sản của chính quyền nhanh chóng rơi vào túi của các quan. Trong những trường hợp khác, tham nhũng bẻ cong công lý và luật lệ, làm tổn hại lợi ích quốc gia. Việc tham nhũng tiếp tục sẽ khiến ngân sách trống rỗng và tài nguyên đất nước rơi vào túi một nhóm nhỏ người".

Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, song song với chống tham nhũng, muốn bộ máy xét duyệt dự án chạy được, chính quyền buộc phải tăng lương cho những quan chức nằm ở những bộ phận này. Để những vị trí đó trở thành một nơi cạnh tranh và hấp dẫn về đãi ngộ một cách lành mạnh, và luôn sẵn sàng để thay thế những người mới. Ông đưa ra giải pháp :

"Nhưng để có thể trả lương một cách hấp dẫn cho các vị trí trong chính quyền, buộc chính quyền trung ương phải sa thải bớt công chức hành chính, sắp xếp lại bộ máy hành chính tinh gọn hơn. Chẳng hạn, bỏ bớt lực lượng công an ; bỏ bớt các cơ quan của Đảng, tinh giản bộ máy chính quyền các cấp…

Cuộc cải cách hành chính này do đó phải đi cùng một cuộc cải cách thể chế". 

Ngược lại, theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, nếu chỉ chống tham nhũng mà không cải cách thể chế thì cuối cùng mọi thứ sẽ trở về chỗ cũ.

Nguồn : RFA, 29/11/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 444 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)