Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

18/01/2023

Ông Nguyễn Xuân Phúc bị miễn nhiệm và buộc về hưu trước hạn kỳ

RFI, RFA, VOA

Quốc hội Việt Nam "miễn nhiệm" chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Thanh Phương, RFI, 18/01/2023

Trong một phiên họp bất thường, chiều ngày 18/01/2023, Quốc hội Việt Nam bỏ phiếu "miễn nhiệm" chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, mở đường cho cuộc tranh đua giành vị trí thứ hai trong ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam.

phuc1

Từ trái qua : Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ và thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 15, ngày 10/07/2021 tại Hà Nội. AFP – Nhac Nguyen - Ảnh minh họa

Cuộc bỏ phiếu hôm nay tại Quốc hội chỉ là một thủ tục mang tính hình thức, sau khi hôm qua Ban chấp hành trung ương Đảng đã chấp nhận cho ông Nguyễn Xuân Phúc "thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác và nghỉ hưu", tức là từ chức ủy viên Bộ Chính Trị, ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng cũng như chủ tịch nước, đồng thời rút khỏi chính trường. 

Theo thông cáo của Trung ương Đảng, ông Nguyễn Xuân Phúc, nguyên thủ tướng nhiệm kỳ 2016- 2021, phải "chịu trách nhiệm chính trị" của người đứng đầu chính phủ khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 phó thủ tướng, 3 bộ trưởng "có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng". Trong số này, 2 phó thủ tướng (Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam) đã "xin thôi giữ các chức vụ", 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự.

Đây là lần đầu tiên một chủ tịch nước bị buộc từ chức, trong bối cảnh phe của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng để qua đó củng cố quyền lực.

Trong thời gian chờ Quốc hội chính thức bầu một nhân vật khác để đứng đầu nhà nước, chiếu theo Hiến pháp Việt Nam, phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân sẽ trở thành quyền chủ tịch nước. 

Ai sẽ là tân chủ tịch nước ?

Theo hãng tin Bloomberg, bà Võ Thị Ánh Xuân, năm nay 53 tuổi, lên làm phó chủ tịch nước vào năm 2021, có thể là một trong những ứng viên cho chức chủ tịch nước. Nhưng vì bà không phải là ủy viên Bộ Chính Trị, nên trước hết phải được bầu vào cơ chế này thì mới có thể trở thành chủ tịch nước. Tuy khả năng đắc cử rất thấp, Bà Xuân có thể là ứng viên mang tính thỏa hiệp, nếu các phe phái trong Đảng không đạt được đồng thuận về một ứng viên khác.

Trong số những nhân vật có thể lên lãnh đạo Nhà nước, có đương kim bộ trưởng Công an Tô Lâm 65 tuổi. Tuy bị mang tiếng về vụ "ăn thịt bò dát vàng" vào năm ngoái, ông Tô Lâm lại không bị khiển trách mà lại được giao chỉ huy chiến dịch chống tham nhũng do ông Nguyễn Phú Trọng phát động. Là ủy viên Bộ Chính Trị trong hai khóa, ông Tô Lâm được xem là thuộc thành phần bảo thủ trong Đảng. 

Nhân vật số ba, theo Bloomberg, có thể thay ông Phúc chính là ông Võ Văn Thưởng, 52 tuổi, đứng hàng thứ 5 trong ban lãnh đạo Đảng và là thành viên trẻ tuổi nhất trong Ban bí thư Trung ương Đảng. 

Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, 65 tuổi cũng là một trong những ứng viên "nặng ký". Theo hãng tin Bloomberg, ông Nên được sự ủng hộ của phe miền nam trong Ban chấp hành trung ương, vì phe này muốn có một đại diện trong "tứ trụ". Hiện nay, bốn nhân vật lãnh đạo cao nhất là gốc miền bắc và miền trung.

Thanh Phương

*************************

Đảng không minh bạch trong vụ cho thôi chức đối với ông Nguyễn Xuân Phúc

RFA, 18/01/2023

Quốc hội Việt Nam trong chiều 18/1 họp phiên bất thường thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước đối với ông Nguyễn Xuân Phúc, một ngày sau khi Trung ương Đảng chấp thuận để ông Phúc rời chức vụ do nguyện vọng cá nhân.

phuc2

 Ông Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh Thống Nhất/TTXVN.

Một số nhà quan sát cho rằng, Đảng cộng sản không minh bạch trong việc cho thôi giữ nhiệm vụ với các quan chức cấp cao, đặc biệt đối với chức danh Chủ tịch nước.

Việc ông Phúc bị buộc phải rời chức vụn chưa có tiền lệ

Nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang cho rằng việc ông Phúc rời chức vụ chủ tịch nước, được coi là một trong bốn vị trí cao nhất của bộ máy nhà nước, cho thấy sự thay đổi trong việc xử lý đảng viên cao cấp sai phạm, có thể sánh với việc kỷ luật Tổng bí thư Trường Chinh trong Cải cách ruộng đất trong những năm 1950.

Tuy nhiên, việc xử lý này không minh bạch, chỉ do một nhóm người trong Bộ Chính trị quyết định, ông Tạo nói với phóng viên RFA :

"Truyền thống của Đảng cộng sản Việt Nam là bưng bít rất kín chuyện nội bộ, đặc biệt là hành vi sai trái tiêu cực của các đảng viên cấp cao, cỡ như là uỷ viên trung ương đảng, uỷ viên bộ chính trị, và tứ trụ.

Lý do họ đưa ra né tránh thực chất vấn đề nhưng giới hiểu biết đều biết các vị ấy đều có dính líu đến tham nhũng".

Báo Nhà nước cho biết, ông Phúc có công lớn trong công tác phòng chống dịch Covid/19, tuy nhiên phải chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có hai phó thủ tướng, ba bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, đặc biệt trong hai đại án "chuyến bay giải cứu" và "bộ xét nghiệm Covid/19 của Việt Á".

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (Viet Nam Center for Economic and Strategic Studies- VESS) trong cuộc phỏng vấn với hãng tin AFP, nói :

"Việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từ chức có thể coi là một động thái chưa có tiền lệ trong lịch sử, cả về đảng và chính quyền. Và có thể coi đây là một dấu mốc rất quan trọng.

Chúng ta nhìn nhận sự phát triển của hệ thống chính trị Việt Nam đặc biệt từ bây giờ cho đến năm 2026 lúc diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc 14 chỉ còn ba năm nữa.

Việc thay đổi liên quan đến nhân sự cấp cao như thế này tạo ra sự bất ổn nhất định về mặt nhân sự. Đặc biệt chúng ta nhìn về thế hệ nhân sự kế cận những vị trí vừa mới bỏ trống thì không có nhiều ứng cử viên tiềm năng".

Ông cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng không có vùng cấm. Khi Chủ tịch nước xin nghỉ vì lý do cá nhân cũng như uy tín của ông không bảo đảm do liên quan đến sai phạm tham nhũng của ít nhất là cấp dưới cho thấy uy tín của cuộc chiến chống tham nhũng tăng lên rất nhiều.

Ông Phúc bị kỷ luật vì để người thân lũng đoạn ?

Bình luận về việc ông Phúc phải rời bỏ chính trường Việt Nam, nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng Đảng né tránh vấn đề trong khi thực chất ông Phúc bị kỷ luật vì bảo kê cho doanh nghiệp sân sau, để cho người thân là vợ, con và người bà con lũng đoạn.

"Thực ra trong cộng đồng mạng từ vài tháng nay người ta đã xôn xao những chuyện khuất tất trong đó bà vợ, con cháu và bạn bè của bà vợ ông Nguyễn Xuân Phúc dính líu đến scandal Kit Test Việt Á và vài việc khác nữa, ví dụ như sân sau làm ăn hoặc liên quan đến thân hữu cánh hẩu của ông Nguyễn Xuân Phúc".

Phóng viên Đài Á Châu Tự Do không thể kiểm chứng thông tin này.

Đồng quan điểm trên, nhà báo Quang Hữu Minh (có hơn 25.000 người theo dõi trên Facebook) từ Sài Gòn nói rằng, ông Phúc bị kỷ luật vì các hoạt động bảo kê sân sau và cả tranh chấp chính trị.

"Nhiều cán bộ có sân sau, tuy nhiên ông Nguyễn Xuân Phúc có nhiều sân sau hơn cả. Tôi cho rằng ông ấy bị kỷ luật vì các hoạt động sân sau. Thời gian qua dư luận cho là liên quan đến vụ Kit test xét nghiệm Việt Á".

Nhà báo tự do - chủ sở hữu trang blog nhà báo Nguyễn An Dân nhận định, việc ông Phúc bị ngã ngựa là do đấu đá quyền lực trong nội bộ đảng mà mục tiêu là chức vụ Tổng bí thư đảng trong Đại hội lần thứ 14 vào năm 2026 khi ông Nguyễn Phú Trọng phải rời bỏ do tuổi cao sau ba khóa liên tiếp giữ cương vị này.

"Bên trong còn có lý do chính trị nữa, là cuộc tranh chấp ghế chủ tịch nước, tiền đề cho ghế tổng bí thư".

Một giảng viên kỳ cựu của Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) nói trong điều kiện giấu tên để bảo đảm an ninh :

"Theo tôi, lý do thực sự là đấu đá phe nhóm và để người thân lũng đoạn. Nhưng họ viện lý do trách nhiệm người đứng đầu để tỏ vẻ công cuộc chống tham nhũng là công minh, luật pháp rõ ràng khi xác định trách nhiệm cá nhân".

Hậu từ chức : hậu quả đối với ông Phúc và gia đình

Nhà báo Võ Văn Tạo tiên liệu ông Phúc không bị truy tố, nhưng không chắc chắn lắm về người thân của ông.

Ông Quang Hữu Minh thì đi xa hơn, cho rằng ông Phúc và người thân sẽ bị truy tố, và thậm chí bị thu hồi tài sản.

"Đầu tiên là cắt các chức vụ trong đảng và chính quyền. Sau đó Bộ Công an sẽ xem xét xử lý hình sự.

Tôi cho là sẽ xử lý hình sự (trong trường hợp ông Phúc- PV). Xử lý hình sự xong mới xử lý tài sản được.

Vấn đề đốt lò của Đảng lúc này là xử lý (thu hồi- PV) tài sản. Bời vì ngân sách quốc gia đang cạn kiệt".

Ông cho rằng mục tiêu chiến dịch đốt lò của đương kim Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hiện nay là thu hồi tài sản của quan chức tham nhũng để bù vào ngân khố đang ngày càng eo hẹp.

Năm 2016, trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, Thủ tướng khi đó Nguyễn Tấn Dũng bị buộc nghỉ hưu khi hết nhiệm kỳ với thoả thuận ngầm không bị truy tố và các con vẫn được bảo đảm. Theo nhà báo Quang Hữu Minh, trường hợp hai người khác hẳn nhau, vì ông Dũng có "tầm ảnh hưởng lớn hơn".

Một nhà quan sát thời cuộc ở thành phố Hồ Chí Minh nói trong điều kiện giấu tên :

"Những diễn biến liên quan về việc nộp đơn xin ‘thôi việc’ từ Phó Thủ tướng cho đến Chủ tịch nước cho thấy đó là những công việc riêng tư của đảng cộng sản tự giải quyết với nhau chứ không phải là công việc của người dân, do đó bình luận thì sẽ không thể chính xác vì mọi thông tin hoàn toàn mù mờ".

Ông chất vấn về trách nhiệm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Phạm Minh Chính trong vụ kỷ luật các ông Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, và nhiều quan chức cao cấp khác trong thời gian gần đây :

"Nhưng dựa trên những gì mà báo Nhân Dân mô tả, một ít thông tin cho thấy là ông Phúc ý thức về trách nhiệm của mình đối với những sai phạm của cấp dưới trong 2 năm qua, nên xin từ chức.

Vậy câu hỏi còn lại là ý thức về trách nhiệm của ông Phạm Minh Chính và Nguyễn Phú Trọng đến đâu khi tất cả những người sai phạm cũng đều là cấp dưới của mình ?"

Truyền thông quốc tế viết gì về vụ ông Phúc ?

Phóng viên Jonathan Head của BBC viết rằng vụ này được gọi dưới cái tên chống tham nhũng nhưng thực chất là cuộc chiến quyền lực ở cấp cao nhất trong Đảng cộng sản Việt Nam.

Điều này dường như không dẫn đến thay đổi nào về chính sách chung khuyến khích đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế của Việt Nam và cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, với việc có nhiều quan chức cao cấp nhất của Đảng xuất thân từ công an sẽ là tin xấu cho nhân quyền và những người phê bình chế độ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hiện nay xuất thân từ ngành tình báo, trở thành Thứ trưởng Bộ Công an sau đó tham gia vào hệ thống chính quyền, trong khi đó một trong số các ứng viên nổi bật có thể thay ông Phúc là Bộ trưởng Công an Tô Lâm.

Viết trên hãng truyền thông công cộng quốc tế của Đức - DW, nhà báo David Hutt coi ông Phúc là một trong số nhà kỹ trị hàng đầu của Việt Nam, có quan hệ chặt chẽ với phương Tây trong thời gian làm thủ tướng.

Ông bị buộc thôi chức vì vài tuần sau khi một số nhà chính sách đối ngoại dày dạn kinh nghiệm khác bị đưa ra khỏi ban lãnh đạo.

Việc thay đổi ban lãnh đạo hiện này sẽ củng cố quyền lực của lực lượng công an ở Việt Nam, David Hutt nói.

Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á có trụ sở ở Singapore nói với AFP rằng vụ việc của ông Phúc liên quan đến điều tra tham nhũng nhưng không loại trừ khả năng ông bị các đối thủ chính trị loại bỏ vì lý do chính trị. 

Nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp, một thành viên cao cấp cùng tổ chức trên, cho biết việc ra đi của ông Phúc có thể khiến các nhà đầu tư lo lắng. Ông nói với trong cuộc phỏng vấn của Reuters :

"Điều này có thể dẫn Việt Nam đến một thời kỳ bất ổn khiến bạn bè và nhà đầu tư nước ngoài lo lắng".

Nhà báo Võ Văn Tạo khẳng định chiến dịch đốt lò chống tham nhũng của ông Trọng và Đảng cộng sản Việt Nam không hiệu quả khi đảng vẫn giữ độc quyền chính trị, không có tam quyền phân lập, và quyền tự do ngôn luận cùng tự do báo chí không được tôn trọng.

Nguồn : RFA, 18/01/2023

***************************

Quốc hội miễn nhiệm ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Võ Thị Ánh Xuân đảm nhiệm quyền Chủ tịch nước

RFA, 18/01/2023

Đúng như mọi tin đồn suốt thời gian qua, vào chiều ngày 18/1, Quốc hội Việt Nam họp phiên bất thường lần thứ ba miễn nhiệm Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc.

phuc3

Bà Võ Thị Ánh Xuân được Bộ Chính trị phân công giữ quyền Chủ tịch nước.

Truyền thông Nhà nước loan tin nêu kết quả biểu quyết 465/482 (tức 93,75%) tán thành với việc miễn nhiệm đối với ông Nguyễn Xuân Phúc.

Theo quy định tại khoản 5 Điều 88 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh ; do đó khi Quốc hội miễn nhiệm chức danh Chủ tịch nước thì đương nhiên chức danh Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng - An ninh cũng bị cho thôi. Ông Phúc cũng bị thôi chức đại biểu quốc hội.

Bà Võ thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026, thay thế ông Nguyễn Xuân Phúc thực hiện quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu ra chủ tịch nước mới.

Reuters dẫn các nguồn tin cho biết vị tân chủ tịch sẽ được xướng danh tại kỳ họp Quốc hội vào tháng năm tới đây.

Vào chiều ngày 17/1, Ban chấp hành trung ương đảng cộng sản Việt Nam cũng có phiên họp bất thường và đồng ý để ông Nguyễn Xuân Phúc tôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương đạng khóa XIII, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng- An ninh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Na.

Ông Phúc bị cho phải chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi làm thủ tướng nhiệm kỳ 2016-2021, để nhiều cán bộ, trong đó có hai phó thủ tướng, ba bộ trưởng vi phạm.

Nguồn : RFA, 18/01/2023

***************************

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bị buộc về hưu, ai sẽ là người thay thế ?

RFA, 17/01/2023

Chiều ngày 17/1, truyền thông Nhà nước đồng loạt đưa tin Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã đồng ý để ông Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ các chức vụ trong đảng như Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng khóa 13, cũng như hai chức vụ trong chính quyền là Chủ tịch nước và Chủ tịch Hội đồng quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021-2026.

phuc4

Ông Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 của Văn phòng Chính phủ. Ảnh : VGP/Quang Hiếu

Ông bị cho là chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có hai phó thủ tướng và ba bộ trưởng có vi phạm và khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Trước ông, hai Phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam đã xin thôi giữ các chức vụ. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và cựu Bộ trưởng Khoa học - Công nghệ Chu Ngọc Anh bị bắt và khởi tố hình sự vì những sai phạm liên quan đến vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, đưa hối lộ, nhận hối lộ" liên quan tới Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á.

Báo Nhà nước đưa tin ông Phúc đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu "sau khi nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân".

Gần một tuần qua, mạng xã hội đã rộ lên tin đồn ông Phúc bị Bộ Chính trị buộc viết đơn từ chức do trách nhiệm của ông liên quan đến một số vụ tham nhũng gần đây, trong đó có vụ Việt Á với sự dính líu của vợ ông, bà Trần Thị Nguyệt Thu, trong khi truyền thông Nhà nước hoàn toàn im lặng.

Trên mạng xã hội, nhiều nhà quan sát chính trị Việt Nam đưa tin Bộ Chính trị đã quyết số phận chính trị của ông Phúc từ ngày 13/1, và Ban chấp hành trung ương sẽ nhóm họp vào ngày 17/1 để ra quyết định cho cựu thủ tướng thôi tất cả các chức vụ trong đảng. Cuối cùng, Quốc hội Việt Nam sẽ nhóm họp một ngày sau đó để bỏ phiếu một cách hình thức cho ông Phúc "về vườn" cũng như bầu người thay thế.

Các ứng viên tiềm năng thay thế ông Phúc

Theo một số quan sát chính trị Việt Nam, có bốn ứng cử viên thay thế vị trí của ông Phúc, đó là đương kim Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, và Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai.

Giáo sư Carl Thayer, Giáo sư về chuyên ngành Chính trị, Đại học New South Wales tại Học viện Lực lượng Quốc phòng Úc cho RFA biết qua tin nhắn như sau :

"Các nguồn tin của tôi cho biết có ba ứng cử viên khả dĩ. Thứ nhất, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch nước. Điều này sẽ tiếp nối tiền lệ khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần. Thứ hai, tên của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang đã được đề cập. Và thứ ba, Tô Lâm có thể là một ứng cử viên triển vọng".

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng kiêm nhiệm chức Chủ tịch nước vào năm 2018 sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần. Ông Trọng đã kiêm nhiệm hai vị trí cho đến Đại hội 13 Đảng cộng sản Việt Nam vào đầu năm 2021 khi ông Phúc được bầu vào vị trí Chủ tịch nước.

Trong bài viết mang tựa đề "Thẻ đỏ" cho Chủ tịch nước ? Màn kịch chính trị lớn nhất của Việt Nam trong nhiều thập kỷ (nguyên văn "Red Card" for the President ? Vietnam’s Biggest Political Drama in Decades) đăng trên Fulcrum ngày 17/1, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, một nhà quan sát chính trị Việt Nam đang làm việc tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, viết :

"Trong trường hợp của ông Phúc, ứng cứ viên hàng đầu có thể là Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Ông Tô Lâm dường như đã giành được sự tin tưởng từ ông Trọng vì sự trung thành và vài trò quan trọng trong việc điều hành các điều tra chống tham nhũng. Là uỷ viên Bộ Chính trị nhiệm kỳ thứ hai, ông Tô Lâm cũng có phần mạnh hơn so với các ứng viên cạnh tranh khác".

Bên cạnh đó, Trưởng ban Tổ chức Trương Thị Mai cũng là ứng viên tiềm năng, ông Hiệp viết.

Theo học giả Lê Hồng Hiệp, với việc ra đi của ông Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cũng giành được các lợi thế khi bước vào Đại hội 14 Đảng cộng sản Việt Nam vào đầu năm 2026 khi họ bớt đi một đối thủ trong việc chạy đua vào ghế Tổng bí thư.

phuc5

Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Hình : Báo Nhân Dân

Tương lai chính trường Việt Nam

Bill Hayton, chuyên gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chatham House- Vương Quốc Anh cho rằng :

"Tôi thấy đây là "Tập Cận Bình hoá" của Việt Nam. Đảng cộng sản Việt Nam dưới thời ông Trọng dường như đang áp dụng nhiều ý tưởng và chiến thuật của Đảng cộng sản Trung Quốc của Tập Cận Bình".

Ông dự đoán không khí chính trị ở Việt Nam sẽ ngột ngạt hơn trong tương lai :

"Họ đang thu hẹp không gian cho những ý tưởng khác biệt và khăng khăng đòi độc quyền chính trị. Nếu lấy quá khứ để dự báo cho tương lai, thì ở Việt Nam càng kiểm soát nhiều hơn thường mang lại nhiều bất mãn hơn".

Trong khi đó, trong bài viết mới của mình, học giả Lê Hồng Hiệp cho rằng sự thay đổi nhân sự cấp cao ở Việt Nam không gây ra bất ổn chính trị dẫn tới lung lay chế độ hoặc kìm hãm hoạt động kinh tế của Việt Nam. Ngược lại, ông cho rằng "việc thanh trừng những lãnh đạo tham nhũng có thể mở đường cho những lãnh đạo trong sạch hơn và có năng lực hơn vươn lên, giúp Đảng chống tham nhũng tốt hơn và cải thiện quản trị".

Tuy nhiên, giáo sư Carl Thayer thì cho rằng sẽ là quá sớm để có thể rút ra kết luận về tương lai của chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam ở giai đoạn này và nhận định này dường như cho rằng "tất cả các các ứng cử viên tiềm năng để lấp chỗ trống đều không tham nhũng, ngoại trừ đương kim Thủ tướng Phạm Minh Chính".

Theo học giả Lê Hồng Hiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong tương lai cũng sẽ gặp rắc rối do liên quan đến bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), người mới bị kết án 30 năm tù giam vắng mặt về hai tội danh "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "đưa hối lộ" trong vụ án tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

Hồi tháng 8 năm ngoái, Cơ quan Điều tra thuộc Bộ Công an Việt Nam thông báo diễn tiến mới của vụ việc đó là ra quyết định khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC và Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh hồi năm 2012. Lúc đó ông Phạm Minh Chính là Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh.

Theo Giáo sư Carl Thayer, nếu thực có sự tồn tại phe phái trong Đảng cộng sản Việt Nam thì những phe phái này cũng "sẽ cố thủ để bảo vệ vị trí của mình trước sự trả giá của các đối thủ. Người tốt không phải lúc nào cũng chiến thắng".

Nguồn : RFA, 17/01/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI, RFA, VOA
Read 348 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)