'Đảng viên đi trước, làng nước theo sau' ?
BBC, 05/02/2023
Nhà nghiên cứu Trần Thị Bích từ CSIS nói "tình trạng tham nhũng tràn lan đã làm suy giảm tính chính danh của Đảng"
Chiến dịch 'đốt lò' của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng "chưa nhắm tới giải quyết gốc rễ của vấn đề", một nhà nghiên cứu từ Center for Strategic and International Studies (CSIS) bình luận với BBC News Tiếng Việt hôm 05/02.
Đảng cộng sản Việt Nam đã 'rầm rộ' tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 93 năm ngày thành lập hôm 03/02.
Lễ trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) diễn ra vào ngày 03/02 tại Hà Nội.
Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, ông Vương Đình Huệ nói : "Sức hấp dẫn và hiệu ứng lan tỏa của các tác phẩm báo chí về đề tài xây dựng Đảng càng khẳng định trách nhiệm và sự ủng hộ to lớn của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự cổ vũ nhiệt thành của toàn thể nhân dân đối với nền báo chí cách mạng Việt Nam", theo báo Nhân Dân .
Thành tựu và mục tiêu gì ?
Về những thành tựu của Đảng cộng sản Việt Nam từ năm 1930 đến nay, nhà nghiên cứu Trần Thị Bích từ CSIS nói với BBC :
"Đảng cộng sản Việt Nam đã đưa ra những cải cách và chính sách có thể nói là kịp thời giúp Việt Nam thích ứng với tình hình mới sau Chiến tranh Lạnh và từ đó phát triển kinh tế và nâng cao vị thế. Trong đó phải kể đến chính sách Đổi Mới năm 1986 và chiến lược hợp tác và đấu tranh năm 2003.
Nhờ vào những thay đổi đó, từ một đất nước bị cô lập và bị cấm vận, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189 trên tổng số 193 thành viên Liên Hợp Quốc, bao gồm cả 5 thành viên Hội Đồng Bảo An, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 17 nước và đối tác toàn diện với 14 nước".
"Hiện Việt Nam là thành viên của 63 tổ chức quốc tế, có quan hệ kinh tế thương mại với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, và đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do với 65 trung tâm và nền kinh tế hàng đầu thế giới", bà Bích cho biết.
Đảng cộng sản Việt Nam thừa nhận "mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 không hoàn thành" .
Thay vào đó, Đảng cộng sản Việt Nam lập mục tiêu vào năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, "Việt Nam sẽ trở thành nước đang phát triến, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao" .
Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao .
Tuy nhiên mức thu nhập đầu người cụ thể đã không được đề cập trong các mục tiêu này.
Thay vào đó, Đảng cộng sản Việt Nam chỉ đề cập mục tiêu đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 - 5.000 USD .
Tính chính danh 'suy giảm'
Trong báo cáo 'Corruption Perceptions Index năm 2022' của tổ chức Transparency International, Việt Nam đã được tăng 3 điểm lên mức 42 điểm, và ở vị trí thứ 77. Đây cũng mức điểm cao nhất của Việt Nam kể từ năm 2012 đến nay
Nhà nghiên cứu từ CSIS cho rằng "tình trạng tham nhũng tràn lan đã làm suy giảm tính chính danh của Đảng".
"Lãnh đạo Việt Nam đã nói rất nhiều về việc chống tham nhũng nhưng hiệu quả còn chưa cao. Chiến dịch 'đốt lò' của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mới chỉ tập trung vào việc làm giảm bớt triệu chứng nhưng chưa nhắm tới giải quyết gốc rễ của vấn đề".
Ngày 02/02, tại Lễ trao Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng, ông Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến tác phẩm "Thép đã tôi thế đây" của nhà văn Liên Xô Nikolai Ostrovski, cụ thể ông trích dẫn câu nói, "Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần".
Danh dự "mới là điều thiêng liêng" đã được ông Trọng nhắc đến nhiều lần trước đó trong bối cảnh chiến dịch 'đốt lò' vẫn tiếp tục 'nóng' lên với hai đại án là chuyến bay 'giải cứu' và kit xét nghiệm Việt Á.
Một số nhân vật hàng đầu trong chính phủ Việt Nam đã rời khỏi chức vụ, và được truyền thông trong nước nhắc đến là "được miễn nhiệm".
Ông Nguyễn Xuân Phúc được Quốc hội làm thủ tục miễn nhiệm chức Chủ tịch nước hôm 18/01 để 'chịu trách nhiệm chính trị' trước 'Đảng và nhân dân'.
Hôm 04/02, vị nguyên Chủ tịch nước nói một ý về vụ Việt Á : "Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp giám đốc Việt Á, điều này đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rõ ràng".
Trước đó chiều 09/01, hai phó thủ tướng là ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam được miễn nhiệm "trên cơ sở nguyện vọng cá nhân".
Trong báo cáo 'Corruption Perceptions Index năm 2022' của tổ chức Transparency International, Việt Nam đã được tăng 3 điểm lên mức 42 điểm, và ở vị trí thứ 77 .
Đây cũng mức điểm cao nhất của Việt Nam kể từ năm 2012 đến nay.
Hiện chưa rõ căn cứ Transparency International tăng điểm cho Việt Nam.
BBC News tiếng Việt đã liên lạc về vấn đề này nhưng Transparency International từ chối đưa ra bình luận.
Về lý do sâu xa của tham nhũng, bà Trần Thị Bích đề cập đến một trong các nguyên nhân là "lương công chức còn rất thấp".
"Trước ngày 07/01/2023, lương công chức loại C bậc 1 chỉ có 2.011.500 đồng/tháng. Bậc lương công chức cao nhất là loại A3, bậc 6 cũng chỉ dừng ở mức 11.920.000/ tháng. Mức lương như vậy không đủ sống, khiến cho công chức phải tìm đến những nguồn thu nhập ngoài luồng".
"Để giải quyết được nạn tham nhũng, Việt Nam cần nâng cao mức lương công chức không chỉ đủ sống mà còn dư để tiết kiệm. Việc tiếp theo là tăng mức hình phạt cho việc tham nhũng để răn đe", bà Bích nhận định.
Vẫn là lực lượng 'tiên phong' ?
Danh dự "mới là điều thiêng liêng" đã được ông Trọng nhắc đến nhiều lần trước đó trong bối cảnh chiến dịch 'đốt lò' vẫn tiếp tục 'nóng' lên với hai đại án là chuyến bay 'giải cứu' và kit xét nghiệm Việt Á
Trả lời câu hỏi của BBC về việc liệu Đảng cộng sản Việt Nam vẫn sẽ giữ 'vai trò tiên phong' hay không hay liệu có kịch bản nào xảy ra tiếp theo, nhà nghiên cứu Trần Thị Bích đánh giá :
"Điều 4 của Hiến pháp Việt Nam ghi rõ Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Điều này chỉ có thể thay đổi khi Hiến pháp được sửa đổi".
Cho đến nay trên thế giới có 5 quốc gia theo chế độ cộng sản gồm Trung Quốc, Bắc Hàn, Lào, Cuba và Việt Nam.
Tháng 11/2022, Viện International Institute for Democracy and Electoral Assistance (International IDEA) đã công bố báo cáo về Tình trạng Dân chủ Toàn cầu năm 2022 .
Bản báo cáo của IDEA cho thấy trong khu vực Đông Nam Á, thì Campuchia, Lào và Việt Nam "vẫn gắn chặt với chủ nghĩa chuyên chế mà không thấy dấu hiệu thay đổi nào".
Trong các nhóm nước, thì IDEA xếp Việt Nam nằm ở nhóm nước theo chế độ chuyên chế (authoritarian regime).
Nội dung báo cáo 2022 có liên quan đến Việt Nam như sau : "Việt Nam, giống Trung Quốc và Singapore đã thành công trong việc mang lại sự thịnh vượng kinh tế mà không trao quyền dân chủ, mang lại cho thể chế cộng sản một vỏ ngoài về tính chính danh trước quần chúng".
"Ở Trung Quốc và Việt Nam, người dân có thể cảm thấy tiến trình dân chủ hiện là không khả thi hoặc quá nhiều rủi ro".
Gần hơn với Trung Quốc hay là Mỹ ?
"Đất nước Việt Nam muốn duy trì một vị trí cân bằng và không chọn phe. Tuy nhiên, sự cân bằng đó có được duy trì hay không phụ thuộc vào hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và cách Mỹ tiếp cận với những vấn đề nhạy cảm, như nhân quyền, trong quan hệ với Việt Nam", nhà nghiên cứu Trần Thị Bích cho biết.
Nhận định về triển vọng Đảng cộng sản Việt Nam sẽ xích lại gần hơn với Trung Quốc hay sẽ là với Mỹ trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị đang dâng cao trên thế giới, nhà nghiên cứu Trần Thị Bích nói :
"Cần phân biệt rõ Đảng cộng sản Việt Nam và đất nước Việt Nam. Kể từ khi bình thường hóa quan hệ Việt-Trung năm 1991, Đảng cộng sản Việt Nam vẫn luôn duy trì quan hệ tốt với Đảng cộng sản Trung Quốc để giúp đỡ lẫn nhau sau sự sụp đổ của khối Cộng sản chủ nghĩa".
"Đất nước Việt Nam muốn duy trì một vị trí cân bằng và không chọn phe. Tuy nhiên, sự cân bằng đó có được duy trì hay không phụ thuộc vào hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và cách Mỹ tiếp cận với những vấn đề nhạy cảm, như nhân quyền, trong quan hệ với Việt Nam", bà Bích nhận định với BBC.
Trước đó, hồi tháng 11/2022, trong chuyến công du của ông Trọng đến Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói cả hai nước và hai Đảng cộng sản "không bao giờ để bất kỳ ai can thiệp" vào tiến trình của đôi bên, theo đài truyền hình nhà nước CCTV.
Bình luận với BBC vào tháng 11/2022, Giáo sư Carl Thayer cho rằng, hai nhà lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc sẽ chú trọng vào đường hướng tương lai của hai đảng và các cam đoan lẫn nhau rằng đôi bên đều đoàn kết xã hội chủ nghĩa.
"Tập Cận Bình sẽ nêu vấn đề lo ngại về sự nhúng tay của Mỹ vào các vấn đề đối nội của Việt Nam nhằm làm thay đổi chế độ. Ông Tập cũng sẽ đảm bảo với ông Trọng rằng Trung Quốc sẽ không tìm cách phá hoại hệ thống chính trị của Việt Nam", theo ông Carl Thayer.
Nguồn : BBC, 05/02/2023
****************************
Đảng cộng sản Việt Nam tròn 93 tuổi và Tầm nhìn 2045 từ các phía
BBC, 03/02/2023
Trước ngày kỷ niệm 93 năm thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (03/02/1930-2023), báo chí chính thống ở nước này có nhiều bài về các hoạt động kỷ niệm công cộng.
Những ngày đầu của nền độc lập : Thị trưởng Hà Nội, bác sĩ Trần Duy Hưng đọc diễn văn chào mừng Chủ tịch Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Hồ Chí Minh từ Pháp trở về. Đây là giai đoạn Đảng cộng sản Việt Nam chấp nhận có tính chiến thuật thể chế đa đảng trong Quốc hội 1946. Trong số quan khách có sĩ quan Pháp.
Ví dụ như đợt chiếu phim kỷ niệm ngày 03/02, phong trào "cán bộ, đảng viên tiên phong nêu gương" trong nhiệm vụ... cùng nhiều hoạt động khác.
Bên cạnh dòng tin bài thuần tuý ca ngợi cũng có những phân tích về thách thức cho đảng cầm quyền ở Việt Nam hiện nay.
Trên trang Tuần Việt Nam (VietnamNet 01/02/2023), Tiến sĩ ngành quản trị công Nguyễn Văn Đáng đề cập đến hai thách thức ông cho là lớn nhất của Đảng cộng sản Việt Nam trong hai thập niên tới : thu hút sự ủng hộ của dân, và quản trị quốc gia tốt.
Tác giả này viết :
"Từ góc độ lãnh đạo và cầm quyền, có thể thấy hai thách thức lớn nhất đối với Đảng Cộng Sản Việt Nam trong tiến trình hiện thực hóa khát vọng quốc gia phát triển trong hơn hai thập kỷ tới.
Thứ nhất, với vai trò lãnh đạo là thu hút và vun đắp sự ủng hộ của quảng đại quần chúng nhân dân cho tầm nhìn lãnh đạo...
Thứ hai, với vai trò cầm quyền là thực hiện quản trị quốc gia tốt".
Thực tế thay đổi nhanh hơn bộ máy ?
Có vẻ như cả hai điều này, được giới quan sát nước ngoài chỉ ra lâu nay, đều nảy sinh từ hoàn cảnh đặc thù của Việt Nam hiện nay :
Hội nhập quốc tế sâu rộng dẫn tới đa dạng hóa tư duy, tư tưởng, lối sống ; dân số trẻ rất đông (không còn nhớ 'công lao cách mạng' của các thế hệ cộng sản đi trước), và độc quyền của đảng cộng sản lãnh đạo nhà nước ở quốc gia gần 100 triệu dân - đông dân nên quản lý và phát triển không dễ như trước.
Xã hội Việt Nam đã thay đổi nhiều và các vấn đề trở nên phức tạp hơn, yêu cầu, áp lực với bộ máy chuyên chính kiểu Leninist xem ra đã bất cập ở nhiều điểm.
Thế nhưng, trong khuôn khổ của hệ thống hiện nay, Tiến sĩ Đáng chỉ nêu ra biện pháp mang tính kỹ thuật, tăng hiệu năng chứ không thay đổi cơ bản thể chế hiện hành, vì mô hình tam quyền phân lập bị chính thức tẩy chay ở Việt Nam :
"Đảng cần đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa cấu trúc quản trị quốc gia nhằm gia tăng hiệu lực, hiệu quả của việc ban hành và thực thi chính sách.
Những chính sách tốt sẽ chứng minh năng lực cầm quyền của Đảng với bằng chứng là sự thay đổi tích cực cho các nhóm xã hội cụ thể, qua đó góp phần vào sự thay đổi chung của đất nước…".
Điều này đã được các nhà nghiên cứu nước ngoài chỉ ra từ mấy năm trước khi nói về tham vọng tự đổi mới của Đảng cộng sản Việt Nam.
Cuối năm 2017, bài của Adam Fforde và Lada Homutova "Political Authority in Vietnam : Is The Vietnamese Communist Party a Paper Leviathan ?" (Uy quyền chính trị ở Việt Nam : Đảng cộng sản Việt Nam có phải là nhà khổng lồ chân đất sét ? - nguyên văn : bằng giấy) đặt câu hỏi tiến trình Đổi mới có mục tiêu gì.
Theo họ, ban đầu thì Đổi mới là để cứu chế độ, nhưng sau nó có thêm mục tiêu là tạo thành công. Tham vọng của Đảng cộng sản Việt Nam vừa là "bảo tồn thể chế" (regime survival) và "thành công của thể chế này" (regime success).
Điều này lý giải một mặt nền kinh tế và xã hội cứ tiếp tục mở, một mặt, bộ máy cứ tiếp tục học theo lối cũ, nặng về tư tưởng.
Từ 2017 đến nay, tiến trình không thay đổi.
Điểm mới là xung khắc 'thị trường-ý thức hệ' tiếp tục giằng xé nội bộ, nhân sự của 5 triệu đảng viên ở Việt Nam, và một số không nhỏ đã dính án tham nhũng.
Ngay tuần này các báo Đảng cộng sản ở Việt Nam tiếp tục đề xuất lấy lý luận chính trị là kim chỉ nam cho hệ thống công :
"Mọi cán bộ, đảng viên ra sức học tập lý luận chính trị, nâng cao trình độ lý luận, trí tuệ, khắc phục tình trạng ngại, lười học lý luận hoặc học hời hợt, hình thức cốt có bằng cấp để xếp ngạch cán bộ, công chức hoặc quy hoạch cán bộ, thăng tiến".
Có chỗ cho cải cách kiểu 'tân tự do' hay không ?
Trong các văn bản chính thức tại Việt Nam về Tầm nhìn 2045 (có chỗ nêu 2050), Đảng cầm quyền hoàn toàn bác bỏ mô hình đa nguyên chính trị và 'dân chủ, nhân quyền kiểu Phương Tây".
Cùng lúc cải cách kinh tế của nước này hưởng lợi lớn từ hệ thống tân tự do toàn cầu, tạm gọi là 'Trật tự đồng đô la'.
Dù các nhóm phản biện trong nội bộ hệ thống ở Việt Nam, cùng một số nhà hoạt động, nhân sĩ đã nêu ra nhu cầu cải tổ thể chế từ lâu, các báo Đảng coi việc chuyển đổi mô hình này là nguy hiểm :
"Bốn nguy cơ Đảng nêu ra gần 30 năm trước đến nay vẫn tồn tại có mặt phức tạp hơn, như tham nhũng, suy thoái, tiêu cực, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Trong khi đó, các sử gia quan trọng trên thế giới như Niall Ferguson (Đại học Harvard) tin rằng sau Chiến tranh Lạnh, bước vào Thế kỷ 21, "công nghệ và kinh tế" sẽ quyết định chính trị, xã hội và sự tồn vong của các dân tộc, chứ không phải ngược lại.
Điều này làm bật ra câu hỏi tính đặc thù của thể chế ở Việt Nam có sức sống thế nào, và với các học giả nước ngoài, mô hình tân tự do (neoliberalism) có tương lai gì ở Việt Nam hay không.
Vẫn hai tác giả nước ngoài nói trên, gồm ông Adam Fforde, một chuyên gia có thời gian làm việc lâu tại Việt Nam, dùng biểu tượng Leviathan - người khổng lồ nắm quyền, của Thomas Hobbes để cho rằng chính quyền ở Việt Nam cố tìm một con đường khả thi trong bối cảnh thay đổi nội bộ và quốc tế.
Họ không phải là độc tài, mà là một thứ thể chế nhấn mạnh đến uy quyền để làm một cái gì đó cho quốc gia và cho chính họ. Nói ngắn gọn thì thể chế của Đảng cộng sản Việt Nam cố gắng làm một thứ Leviathan có uy quyền thực sự, không phải "hổ giấy".
Họ giữ quyền trong tâm thế vì quốc gia và bảo vệ dân, tuy bằng ngôn ngữ khá độc đoán, chứ không phải là thứ quyền lực thô bạo, hai nhà nghiên cứu viết.
Tuy thế, thách thức hiện đại hóa bộ máy lại gặp một cản trở lớn... ngay trong mảng khái niệm chính trị cơ bản.
Phân tích hai khái niệm 'uy' (authority) và 'quyền lực' (power) trong chính tiếng Việt, Fforde và Homutova đi đến kết luận khá cơ bản về cơ hội tiếp tục áp dụng các biện pháp của chủ nghĩa tân tự do tại Việt Nam, hiểu rộng ra là cải cách kiểu hiện đại hóa, toàn cầu hóa, kỹ trị :
"Nếu thể chế này muốn dùng các kỹ năng quản trị tân tự do, nó phải cải tổ về mặt chính trị và cùng lúc, đảm bảo uy quyền" (if it wants to use neoliberal governing techniques, it must reform politically and, concurrently, secure authority).
Tầm nhìn 2045 như thế có vẻ như đang tiếp tục cần được thảo luận để xem con đường nào ít mâu thuẫn nội tại nhất cho hệ thống chính trị Việt Nam những năm tháng tới.
Nguồn : BBC, 03/02/2023