Đại sứ Hoa Kỳ nói gì về nhân quyền và cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam ?
RFA, 01/03/2023
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper thừa nhận nhân quyền vẫn là vấn đề khác biệt trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đồng thời nêu quan điểm của mình về cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam và khả năng nâng cấp mối quan hệ giữa hai nước.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper. (Ảnh : Hoàng Long)
Viện Brookings - nghiên cứu chuyên sâu về tất cả các vấn đề xã hội trên toàn cầu, từ đó đề xuất các ý tưởng giải quyết đã thực hiện một cuộc phỏng vấn trực tuyến vào sáng ngày 2/3 (giờ miền Đông Hoa Kỳ) với Đại sứ Hoa kỳ tại Việt Nam, ông Marc E. Knapper về chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam, các ưu tiên hàng đầu trong mối quan hệ và cơ hội - thách thức trong thời gian tới.
Tại buổi phỏng vấn, ông Marc E. Knapper nhấn mạnh tầm quan trọng của nhân quyền trong việc cải thiện mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Ông khẳng định dù hai nước có những khác biệt về thể chế chính trị, nhưng luôn tôn trọng các giá trị của nhau, đồng thời bày tỏ quan ngại của mình một cách tôn trọng và thẳng thắn.
Ông Marc cho biết các cuộc đối thoại nhân quyền giữa hai nước vẫn diễn ra thường niên từ hơn 20 năm qua, và đây vẫn sẽ là kênh trao đổi về nhân quyền giữa hai nước trong tương lai để cải thiện mối quan hệ :
"Chúng tôi vẫn tiếp tục bày tỏ mối quan tâm (về nhân quyền - PV) của mình theo cả hai cách tôn trọng và thẳng thắn, nhưng thường là riêng tư và có phần bí mật nhiều hơn. Chúng tôi không cố đưa những cuộc tranh luận này lên trang nhất của tờ báo.
Trong cuộc đối thoại nhân quyền gần đây nhất cách đây vài tháng, chúng tôi đã nêu lên những quan ngại liên quan đến tình hình nhân quyền, xã hội dân sự cũng như các vấn đề khác liên quan đến những người đang bị giam giữ".
Theo ông Marc, phía Việt Nam (trong những cuộc đối thoại-pv) cũng nêu lên quan ngại về những vấn đề liên quan đến bạo lực, súng đạn, tấn công người Châu Á và người Mỹ gốc Á hay là phân biệt chủng tộc… xảy ra tại Hoa Kỳ trong thời gian gần đây.
Cũng tại buổi phỏng vấn này, khi trả lời câu hỏi của RFA rằng những vấn đề nào có thể làm xấu đi mối quan hệ giữa hai nước, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nói :
"Đương nhiên chúng ta có sự khác biệt trong lĩnh vực nhân quyền, nhưng tôi nghĩ rằng cách chúng ta giải quyết những khác biệt đó mới thực sự quan trọng. Chừng nào chúng ta còn tôn trọng lẫn nhau, miễn là chúng ta nói rõ ràng và đảm bảo trung thực với các giá trị của mình, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thúc đẩy lĩnh vực này".
Khi được hỏi về cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam có ảnh hường gì đến mối quan hệ Việt - Mỹ ? ông Marc Knapper thừa nhận rằng rất khó để bình luận công khai về tình hình hiện tại ở Việt Nam, nhưng ông tin rằng mối quan hệ hiện nay giữa hai nước khó có thể thay đổi bất chấp những xáo trộn ở cấp cao nhất trong phủ Việt Nam vì cuộc chiến chống tham nhũng.
Đại sứ Hoa Kỳ cũng tỏ ra lạc quan về khả năng nâng cấp mối quan hệ song phương với Việt Nam lên "Đối tác chiến lược toàn diện", và cho biết ông đang tập trung hiện thực hóa điều đó.
Hiện nay Hoa Kỳ đã hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực như Biển Đông, y tế, biến đổi khí hậu, năng lượng và môi trường. Tuy nhiên, theo ông Marc Knapper, việc nâng cấp mối quan hệ sẽ giúp mở ra nhiều cơ hội hơn nữa để hai nước có những hợp tác chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực như quốc phòng, thực thi pháp luật, an ninh…
Về vấn đề Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung đang gia tăng, đại sứ Marc Knapper cho biết Hoa Kỳ không nên nói về Việt Nam trong chính sách của họ đối với Trung Quốc. Thay vào đó, Hoa Kỳ nên thúc đẩy các mục tiêu chung như hướng tới một Việt Nam hùng mạnh, độc lập và thịnh vượng, tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, đồng thời tôn trọng hệ thống chính trị của nhau.
Nguồn : RFA, 01/03/2023
*************************
Nghị viên EU tổ chức hội thảo đánh giá nhân quyền Việt Nam sau hơn 2 năm thực thi EVFTA
VOA, 28/02/2023
Hôm 28/2, các nghị viên Liên Hiệp Châu Âu tổ chức hội thảo xem xét mức độ vi phạm nhân quyền và quyền lợi của người lao động Việt Nam sau hơn hai năm chính quyền nước này thực thi Hiệp định Thương mại Tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA). Các diễn giả lên tiếng báo động rằng việc vi phạm nhân quyền, quyền tự do nhóm họp và quyền của người lao động Việt Nam tiếp tục bị chính quyền vi phạm ở mức ngày càng tồi tệ, đồng thời hối thúc các nghị viên EU gây sức ép mạnh hơn đối với chính quyền Hà Nội.
Các nghị viên Liên Hiệp Châu Âu tổ chức hội thảo xem xét mức độ vi phạm nhân quyền và quyền lợi của người lao động Việt Nam sau hơn hai năm chính quyền nước này thực thi Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) ngày 28/02/2023. Photo via Cisco Webex.
Hội thảo tập trung vào thực trạng thực thi Hiệp định EVFTA và tìm cách trả lời câu hỏi quan trọng : Điều gì đang thực sự xảy ra sau hai năm kể từ khi hiệp định thương mại có hiệu lực ?
Nghị viên EU Marianne Vind, Phó Chủ tịch Đoàn Nghị sĩ phụ trách quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á và ASEAN của Nghị viện EU, chủ tọa hội thảo. Nghị viên Saskia Bricmont tham dự và có bài phát biểu với các kiến nghị.
Nghị viên EU Marianne Vind và Saskia Bricmont phát biểu tại hội thảo ngày 28/2/2023. Photo via Cisco Webex.
Các thành viên của các tổ chức phi chính phủ về nhân quyền quốc tế và Việt Nam như Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF), Ủy ban Thụy Sĩ-Việt Nam (COSUNAM), tổ chức Việt Tân và tổ chức Bảo vệ Người lao động Việt Nam có bài thuyết trình đánh giá mức độ vi phạm nhân quyền trong thời gian chính quyền Việt Nam thực thi EVFTA từ ngày 01/08/2020 đến nay.
Ông Trần Đức Tuấn Sơn, đại diện cho tổ chức Việt Tân tại Châu Âu, cho VOA biết tóm tắt bài phát biểu của ông tại hội thảo.
"Chúng tôi thấy sau khi hiệp định với EU có hiệu lực từ 2,5 năm nay thì tình hình nhân quyền Việt Nam ngày càng thậm tệ hơn. Trước đây họ chỉ bắt bớ những người bất đồng chính kiến, Facebooker, blogger… vì họ lên tiếng chỉ trích chính phủ Việt Nam, nhưng gần đây chúng tôi thấy sự đàn áp đã vượt ra khỏi lằn ranh bất đồng chính kiến khi mà những người hoạt động vì môi sinh, nhân quyền một cách chung chung cũng đã bị bắt như bà Ngụy Thị Khanh, ông Đặng Đình Bách…hay một số người khác trong xã hội dân sự trong nước hoạt động công khai đã bị bắt, bị kết án về tội "trốn thuế"…Tình hình nhân quyền ngày càng xấu hơn".
EVFTA, được ký vào ngày 30/06/2019, là hiệp định thế hệ mới, bao hàm không chỉ các quy định về thương mại theo nghĩa rộng, mà cả các quy định về quyền con người.
Bà Julie Majerczak, đại diện của tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF), ông Sébastien Desfayes, Chủ tịch của Ủy ban Thụy Sĩ-Việt Nam (COSUNAM), cũng đánh giá sự thụt lùi về thành tích nhân quyền Việt Nam sau khi thực thi hiệp định EVFTA đến nay.
EVFTA quy định rằng các nước thành viên sẽ phải bảo vệ các quyền lao động cơ bản, đặc biệt là quyền được có công đoàn độc lập và quyền thương lượng tập thể của người lao động. Nếu các nước không tuân theo tiêu chuẩn quy định này sẽ bị chế tài về thương mại.
Ông Huy Nguyễn, đại diện cho tổ chức Bảo vệ Người lao động Việt Nam có trụ sở tại Hoa Kỳ, nêu nhận định của ông với VOA :
"Đã hơn 2 năm rồi từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, chúng tôi vẫn chưa thấy một nhóm công nhân nào đứng ra lập nghiệp đoàn độc lập, lý do về phía công nhân là thiếu sự hiểu biết về quyền người lao động và lợi ích tại nơi làm việc…một phần là vì đời sống của họ quá chật vật nên chỉ lo việc kiếm sống ; lý do thứ hai là nhà nước Việt Nam tìm đủ mọi cách ngăn cản, gây khó khăn cho người lao động trong việc thành lập nghiệp đoàn độc lập".
Ông Huy Nguyễn, Giám đốc tổ chức Vietnam Worker Defenders, phát biểu tại hội thảo, nêu việc chính quyền Việt Nam vi phạm chương 13 của Hiệp định EVFTA. Photo via Cisco Webex.
Ngoài ra, đại diện cho tổ chức Bảo vệ Người lao động Việt Nam còn cho biết rằng chính quyền Việt Nam đã vi phạm chương 13 của Hiệp định EVFTA.
Ông Huy cho biết :
"Việt Nam vi phạm chương 13 của Hiệp định EVFTA, quy định mỗi bên thành lập nhóm tư vấn và hai nhóm tư vấn này hoạt động cùng nhau đưa ra đề nghị, khuyến cáo cho các vị thực thi EVFTA. Hai năm vừa rồi, khi nhà báo Mai Văn Lợi và luật sư Đặng Đình Bách thuộc tổ chức xã hội dân sự độc lập nộp đơn tham dự nhóm tư vấn này (gọi là DAG) của Việt Nam thì hai vị này bị bắt giam. Chỉ vài tuần sau đó thì nhà nước Việt Nam đưa ra nhóm tư vấn của Việt Nam gồm 3 thành phần, trong đó có 2 thành phần rõ ràng là nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước. Đến đầu năm 2022, nhà nước Việt Nam lại đưa ra thêm 3 thành viên nữa cho nhóm DAG của Việt Nam, trong đó có một nhóm rõ ràng là không có sự độc lập cần thiết như quy định tại chương 13".
"Chúng tôi yêu cầu các vị dân biểu Châu Âu can thiệp vào vụ đó : trả tự do cho các nhà hoạt động này vì các bản án của họ mang tính chất chính trị và bị quy vào các điều luật rất vu vơ, mù mờ", ông Huy cho biết thêm.
"Chúng tôi kêu gọi quốc hội Châu Âu phải có hành động mạnh mẽ hơn để tạo một áp lực nào đó lên phía Việt Nam để họ tôn trọng nhân quyền một cách đúng đắn hơn, đặc là khi Việt Nam đã vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc thì phải có cách hành xử nhân quyền tuyệt đối hơn", ông Sơn nói với VOA.
Trong một đánh giá vào tháng 12/2022, Bộ Công thương Việt Nam nói rằng Hiệp định EVFTA đang "tác động tích cực đến thu nhập của người lao động", cụ thể như tác động tích cực đến vấn đề việc làm, thu nhập, tiền lương.
Chính quyền Việt Nam luôn bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền, cho rằng chỉ bắt giam và xét xử những ai "vi phạm pháp luật".
Nguồn : VOA, 28/02/92023
*************************
Nhiều tổ chức xã hội dân sự kêu gọi Quốc hội Châu Âu gây sức ép mạnh hơn lên Việt Nam về vấn đề nhân quyền
RFA, 01/03/2023
Nhiều tổ chức xã hội dân sự (xã hội dân sự) kêu gọi Quốc hội Châu Âu gây sức ép mạnh hơn lên Nhà nước Việt Nam về vấn đề nhân quyền và quyền của người lao động.
Fb Michel Tran Duc
Lời kêu gọi được đưa ra trong cuộc hội thảo ở Brussels, Bỉ ngày 28/2 dưới sự chủ toạ của Nghị viên Quốc hội Châu Âu Marianne Vind- Phó Chủ tịch Đoàn Nghị sĩ phụ trách quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á và ASEAN của Nghị viện EU.
Trong cuộc hội thảo được tổ chức hơn hai năm sau khi Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự Do (EVFTA), các tổ chức Việt Tân, Hội Bảo vệ Người Lao động Việt Nam (Vietnam Workers’ Defenders), Phóng viên Không Biên giới (RSF), và Ủy ban Thụy sĩ –Việt Nam (Cosunam) đã lên tiếng báo động về tình trạng nhân quyền ngày càng tồi tệ ở Việt Nam.
Các diễn giả đã tập trung phân tích về vi phạm của nhà nước độc đảng ở Việt Nam trong các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, và quyền của người lao động.
Gia tăng đàn áp quyền tự do ngôn luận
Bà Helena Hương Nguyễn, thành viên của Việt Tân tại Đan Mạch, và là người tham gia tổ chức buổi hội thảo, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngay sau sự kiện này :
"Sau khi ký kết hiệp định thương mại (EVFTA- PV) thì vấn đề nhân quyền của Việt Nam tồi tệ hơn bất cứ lúc nào hết.
Trước kia, chỉ có những người bất đồng chính kiến bị bỏ tù nhưng trong những năm gần đây, người hoạt động xã hội dân sự, người hoạt động môi trường, người hoạt động có quan tâm đến hiệp định thương mại cũng bị bỏ tù.
Những phản kháng trên mạng đều bị nhà nước Việt Nam càn quét".
Trong hội thảo, một diễn giả tham gia trực tuyến từ trong nước (ẩn danh vì lý do an ninh) cho biết, ông cùng nhiều nhà hoạt động nhân quyền khác ở Việt Nam từng có hy vọng cùng với các lợi ích về kinh tế mà EVFTA mang lại cho Việt Nam là các giá trị nhân quyền của EU.
Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng hy vọng này không xảy ra và tình hình nhân quyền xấu đi trong hai năm qua, với việc đàn áp gia tăng về quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí.
Ông cho biết Luật An ninh mạng 2018 cho phép nhà chức trách phạt hành chính những bài viết được cho là có nội dung độc hại hoặc xuyên tạc chủ trương của đảng và chính sách pháp luật của nhà nước trong khi Bộ luật Hình sự 2015 hà khắc hơn với việc chính quyền lạm dụng hai điều 117 và 331 để bịt miệng giới bất đồng chính kiến.
Diễn giả này cũng đưa ra các con số người bất đồng chính kiến và người hoạt động nhân quyền bị bắt giữ trong thời gian gần đây : 40 người bị bắt trong năm 2019, 60 trong năm 2020, và 25 người trong hai năm vừa qua.
Giải thích về số người bị bắt giữ thấp trong hai năm qua, ông cho rằng không phải vì nhà cầm quyền nới lỏng việc đàn áp mà là tại vì những người nổi trội đã bị bắt giữ và những người khác thận trọng hơn.
Tự do báo chí ở Việt Nam ngày càng suy giảm
Đại diện của RSF, bà Julie Majerczak cho biết tự do báo chí ở Việt Nam suy giảm hai năm sau khi EVFTA được phê chuẩn, Việt Nam xếp thứ 174 trong tổng số 180 quốc gia tham gia khảo sát về tự do báo chí năm 2022 và trở thành nhà tù lớn thứ tư thế giới đối với các nhà báo sau Bắc Triều Tiên, Myanmar và Trung Quốc.
Gần đây số nhà báo bị bắt giữ và kết tội có giảm nhưng tại vì đa số nhà báo độc lập đã bị cầm tù, bà nói.
Ở Việt Nam không còn blog như thập niên trước trong khi nhà báo thì sợ hãi và nhà nước ngày càng kiểm duyệt chặt báo chí truyền thống.
Bà cũng nêu trường hợp bắt giữ và kết án nhà báo Phạm Đoan Trang, người được RSF trao giải Ảnh hưởng năm 2019, với bản án chín năm tù giam về tội danh "tuyên truyền chống nhà nước".
Trong khi đó, điều kiện giam giữ hà khắc trong nhà tù khiến nhà báo công dân Đỗ Công Đương bị chết trong khi đang thi hành án tù, bà nói.
"EU không nên hợp tác kinh tế với chế độ Việt Nam cho đến khi Hà Nội cải thiện hồ sơ nhân quyền.
EU nên sử dụng EVFTA để buộc Hà Nội phải trả tự do cho các nhà báo và cải thiện điều kiện giam giữ các nhà bảo vệ nhân quyền", bà Majerczak kết thúc bài phát biểu của mình.
Vi phạm Công ước ILO và quyền của người lao động
Thay mặt Hội Bảo vệ Người Lao động (Vietnam Workers’ Defenders), một tổ chức có trụ sở ở Hoa Kỳ tập hợp những người hoạt động bảo vệ quyền của người lao động Việt Nam, ông Huy Nguyễn cho biết đại đa số công nhân Việt Nam không hiểu về quyền của người lao động nên thường sợ bị mất việc trong khi nhà nước áp dụng nhiều biện pháp để ngăn cản người lao động thành lập nghiệp đoàn độc lập.
Bộ luật Lao động hiện nay của Việt Nam vi phạm Công ước ILO khi chứa các quy định về thành lập công đoàn, ông nói.
Ông cũng tố cáo chính phủ Việt Nam vi phạm quy định của EVFTA về thành lập nhóm tư vấn trong nước (Domestic Advisory Group- DAG).
Ông cho biết trong tháng 7/2021, lực lượng an ninh Việt Nam bắt giữ hai nhà hoạt động xã hội, nhà báo Mai Phan Lợi và luật sư Đặng Đình Bách khi hai tổ chức xã hội dân sự của hai ông là Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng (MEC) và Trung Tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD) đăng ký làm thành viên của DAG Việt Nam. Một thời gian ngắn sau đó, Việt Nam thành lập DAG gồm ba thành phần trong đó hai thành phần nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước.
Tháng 1 năm 2022, Việt Nam lại đưa ra thêm ba thành viên nữa cho nhóm DAG của Việt Nam, trong đó có một nhóm rõ ràng là không có sự độc lập cần thiết như quy định của EVFTA. Cũng trong thời gian này, Hà Nội kết án ông Mai Phan Lợi bốn năm tù giam và ông Đặng Đình Bách năm năm tù về tội danh nguỵ tạo "trốn thuế", ông nhấn mạnh.
EU cần yêu cầu Việt Nam quy định lại thành phần của DAG và cho phép các thành viên xã hội dân sự độc lập thực sự tham gia đồng thời hối thúc Hà Nội trả tự do cho hai nhà hoạt động Mai Phan Lợi và Đặng Đình Bách, ông nói.
Việt Nam cần sửa đổi Bộ luật Hình sự
Đại diện Ủy ban Thụy sĩ–Việt Nam (Cosunam), ông Sébastien Desfayes kêu gọi Việt Nam, với tư cách là thành viên mới được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc khóa 2023/2025, cần có những hành động cụ thể để cải thiện hồ sơ nhân quyền, bao gồm trả tự do cho các nhà hoạt động, tổ chức bầu cử tự do, tôn trọng các quyền cơ bản của con người và quyền tiếp cận tư pháp độc lập.
Ông cũng kêu gọi Việt Nam xóa bỏ các điều khoản 117, 118, và 331 trong Bộ luật Hình sự dùng để đàn áp quyền tự do ngôn luận.
Bà Helena Hương Nguyễn cho rằng các tổ chức xã hội dân sự của người Việt Nam ở trong nước và trên thế giới cần tiếp tục thông tin về tình hình nhân quyền ở Việt Nam và vận động các chính khách trên thế giới để họ quan tâm hơn.
"Vai trò của các tổ chức người Việt rất là quan trọng, chúng ta cần vận động chính giới, tiếp xúc với họ thông tin cho họ về sự thật xảy ra ở trong nước, tạo ra sự quan tâm của họ cho vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.
Khi mà họ biết những trường hợp cụ thể như thế, ít nhiều họ sẽ lên tiếng đẩy mạnh hơn để EU có thể can thiệp mạnh hơn về vấn đề đàn áp nhân quyền ở Việt Nam".
Phóng viên gọi điện nhiều lần cho Bộ Ngoại giao Việt Nam để đề nghị bình luận nhưng không ai nghe máy. Chúng tôi cũng chưa nhận được phản hồi của cơ quan này qua email.
Nguồn : RFA, 01/03/2023
***************************
Bị chính quyền đàn áp, thêm một tín đồ Tin Lành phải bỏ xứ, xa quê !
RFA, 28/02/2023
Một phụ nữ khuyết tật ở Nghệ An bị Chính quyền đàn áp, bôi nhọ đến mức không thể sống nổi ở Việt Nam, phải tìm đường chạy sang Thái tị nạn.
Ảnh : nhân vật cung cấp
Bị Chính quyền đàn áp, bôi xấu vì theo đạo Tin Lành
Chị Lầu Y Tòng, một người sắc tộc H’Mong, 36 tuổi, quê ở huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, sức khỏe yếu, hai chân gần như bị liệt, không thể đi lại như người thường. Chồng chị đi lao động ở nước ngoài, mọi sinh hoạt trong nhà đều phải nhờ vào hai con phụ giúp.
Vốn không nói lưu loát tiếng Kinh nhưng chị Tòng vẫn cố gắng thuật lại câu chuyện của mình với chúng tôi.
"Mình tin Chúa nhưng chỉ để trong lòng thôi, chỉ cầu nguyện trong nhà thôi, không đi nhà thờ, không thờ cúng gì hết".
Theo lời chị Tòng, từ cuối năm 2020, chị tình cờ thấy các video giảng đạo Tin Lành được đăng trên YouTube. Chị tin và cầu nguyện theo. Không biết nguyên nhân cụ thể như thế nào nhưng theo mô tả của chị Tòng, kể từ khi cầu nguyện, chân của chị bớt đau hẳn khiến chị càng tin và cầu nguyện nhiều hơn.
Sau đó, chị được một mục sư (chị trao đổi qua mạng) gởi tặng một quyển kinh thánh. Câu chuyện về đức tin của chị đã bị người dân phát hiện và báo chính quyền. Chị Tòng kể tiếp :
"Ở Kỳ Sơn, chủ tịch, phó chủ tịch với cán bộ, công an họ vào nhà tôi để đe doạ, họ cứ đi liên tục như vậy. Họ nói ở Kỳ Sơn, Nghệ An là họ không cho ai tin theo Chúa cả.
Họ nói nếu tôi không bỏ Chúa thì một ngày nào đó, khi tôi ra khỏi nhà mà tôi có chết ở nơi nào đó là không liên quan tới họ, mà họ cũng không quan tâm đâu. Trưởng và phó công an nói rứa với tôi.
Khi tôi ra đường là công an đuổi theo, tôi đi là họ bắt lại, lúc đó tôi muốn tìm con đường để chạy trốn nhưng cũng không biết đi đâu".
Việc chị Tòng đọc kinh cầu nguyện cũng bị gia đình chồng cấm cản :
"Từ khi chồng biết mình tin Chúa thì các con bị đưa cho gia đình chồng theo chính quyền nuôi, mình không được gặp con nữa".
Một vị mục sư mà chị Tòng không muốn nêu danh tính, hiện đang theo Giáo hội Tin Lành Việt nam, sau khi hay hoàn cảnh của chị Tòng đã đồng ý viết một bức thư gởi cho chính quyền huyện Kỳ Sơn. Bức thư xác nhận chị Tòng là tín đồ sinh hoạt với Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, tổng hội miền Bắc. Đây là tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước Việt Nam cho phép hoạt động. Tuy nhiên, điều này cũng không giúp chị Tòng ít bị đàn áp hơn.
Không chỉ đe doạ, chính quyền địa phương còn cho phát loa trong làng mỗi ngày, cáo buộc chị Tòng theo đạo Tin Lành là vi phạm pháp luật :
"Ở bản làng của tôi ở là chính quyền họ thông báo trên loa ai cũng biết cả mà. Họ nói là tôi tin Chúa là trái phép, vi phạm pháp luật tội hình sự.
Cả cán bộ huyện Kỳ Sơn, cả bản, cả làng không ai chấp nhận chuyện tôi tin theo Chúa. Tôi có giải thích nhưng họ không chấp nhận".
Bị gia đình bỏ rơi, chính quyền đàn áp, xã hội xa lánh, chị Tòng nói chị không còn con đường nào khác đành phải bỏ xứ ra đi, chạy sang Thái Lan lánh nạn.
Chị Tòng kể, có một người hoạt động theo dõi tình hình trong nước và biết được hoàn cảnh của chị nên đã chủ động liên hệ, gợi ý có thể giúp chỉ đường cho chị sang Thái Lan xin tị nạn. Chị Tòng chấp nhận bỏ lại gia đình, con cái, một mình vượt biên và đặt chân đến đất Thái cách đây hơn một tháng :
"Ở Việt Nam là tôi không thể sống được nữa.
Chồng tôi còn gọi điện về, doạ sẽ giết nếu tôi không bỏ đạo. Còn Chính quyền nói sẽ bắt tôi vào tù.
Nếu họ không làm vậy thì mình cũng không muốn đi. Bởi vì con đường đi nó mù mịt, nguy hiểm, không biết tương lai thế nào".
Hiện nay, cuộc sống của chị cũng rất khó khăn, vẫn chưa dám ra ngoài vì sợ cảnh sát Thái phát hiện. Nhưng chị Tòng nói, ít ra bây giờ còn được tự do tin theo Chúa và cầu nguyện mà không phải lo sợ gì.
Phóng viên RFA gọi điện cho công an huyện Kỳ Sơn, Nghệ An để xác minh vụ việc nhưng được yêu cầu cầm giấy giới thiệu của toà soạn, đến trụ sở làm việc trực tiếp với công an.
Người H’Mong tị nạn trên đất Thái
Chị Lầu Y Tòng không phải là trường hợp người sắc tộc H’Mong theo đạo Tin Lành hiếm hoi phải trốn chạy sang Thái Lan chỉ vì theo đạo Tin Lành.
Anh Johnny Huy, hiện đang tị nạn tại Thái Lan cũng là một trường hợp như vậy. Anh Huy kể, em họ của anh bị đánh chết trong đồn công an ở tỉnh Đắk Lắk hồi năm 2017. Chính quyền lúc đó không những không điều tra làm rõ mà còn đe doạ, sách nhiễu và ngăn cản gia đình tìm công lý cho em trai.
Do đó, anh Huy đã đến các diễn đàn ở các nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan hay Philippines để tố cáo vụ việc. Sau khi về nước, anh bị công an liên tục theo dõi, sách nhiễu, khiến anh phải trốn sang Thái Lan xin tị từ đó.
Hiện nay, theo anh Huy, dù chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng số người H’Mong đang xin tị nạn tại Thái Lan khá đông.
Cuộc sống của những người như chị Tòng, anh Huy vô cùng khó khăn. Anh Huy kể :
"Ở những vùng mà họ (cộng đồng người tị nạn H’Mong - PV) tập trung, những ngôi nhà ở thật sự rất nhếch nhác, một không gian phòng rất nhỏ hẹp mà cả nhà bảy, tám người ăn, ngủ ở đấy thì nó rất là chật hẹp, ẩm thấp, rất là khổ".
Cũng theo anh Huy, đa số những người sắc tộc H’Mong tị nạn ở Thái Lan đều theo đạo Tin Lành bị đàn áp ở Việt Nam. Anh Huy nói, chính quyền Việt Nam ngăn chặn, tấn công cả những tín đồ theo các hệ phái Tin Lành mà nhà nước đã cho phép hoạt động như Hội Thánh tin Lành Việt Nam.
Nguyên nhân, theo anh Huy phân tích, có thể là do ở các địa phương chưa có nhiều tín đồ theo đạo Tin Lành, Chính quyền địa phương không muốn đạo này phát triển nên tìm cách triệt tiêu từ sớm. Vì vậy nên tín đồ ở một số địa phương như Nghệ An hay khu vực Tây Nguyên bị đàn áp rất mạnh tay. Trong khi ở các thành phố lớn thì tín đồ Tin Lành được phép sinh hoạt tôn giáo bình thường.
Như RFA đã đưa tin, Chính quyền huyện Kỳ Sơn, Nghệ An đã từng nhiều lần đàn áp, ngăn cản và mở nhiều đợt tấn công nhắm vào những tín đồ Tin Lành sắc tộc H’Mong. Điển hình như các vụ "Gia đình 13 người H'mong bị "trục xuất khỏi địa phương" vì theo Tin Lành" hay "Chính quyền địa phương viện cớ "trộm" lúa để bắt người theo đạo Tin Lành"
Nguồn : RFA, 28/02/2023