Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

15/06/2017

Chiến tranh Việt Nam, Việt-Hàn tìm cách hàn gắn và hòa giải

RFA tiếng Việt

Việt Nam Hàn Quốc, cái bóng của quá khứ (RFA, 16/06/2017)

Ngày 6 tháng sáu năm 2017, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vinh danh những người lính Hàn Quốc đã tham gia chiến tranh Việt Nam bên cạnh lực lượng Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa.

viethan1

Lực lượng viễn chinh của Hàn Quốc đến Việt Nam tháng 3 năm 1965. AFP photo

Việc vinh danh này đã gây ra phản ứng không hài lòng từ phía Việt Nam.

Tuy nhiên sau đó hai bên đều khẳng định tầm quan trọng của quan hệ hai nước và, ngày 15 tháng sáu, bà Lê Thị Thu Hằng phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng lãnh đạo hai nước đã nhận thức được chuyện gác lại quá khứ và hướng về tương lai.

50 ngàn quân tham chiến tại Việt Nam

Theo các số liệu từ các trang mạng của chính phủ Việt Nam đến các trang mạng của người Việt tại hải ngoại, lực lượng Hàn Quốc (còn gọi là Nam Triều Tiên trước đây) tham chiến tại Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 1965 đến năm 1972, gồm 50 ngàn quân với hai sư đoàn bộ binh là Mãnh Hổ, Bạch Mã, và một lữ đoàn thủy quân lục chiến Thanh Long. Lực lượng này đóng quân dọc duyên hải miền Trung từ Quảng Nam cho đến Nha Trang.

Theo trang Việt báo tại hải ngoại thì những người lính Nam Triều Tiên là những chiến binh rất can đảm, có khả năng thuyết phục dân chúng Việt Nam kêu gọi các du kích cộng sản đầu hàng.

Theo trang Báo Quảng Ngãi của chính phủ Việt Nam thì lính Nam Triều Tiên là những người rất hung hãn, đã gây nên nhiều cuộc thảm sát dân thường tại miền Trung Việt Nam, nhất là tại tỉnh Quảng Ngãi.

Báo mạng Vnexpress của Việt Nam, trong bản tin ngày 15 tháng sáu có trích lời một nhà sử học người Hàn Quốc nói rằng lực lượng Nam Triều Tiên đã thảm sát 9 ngàn dân thường Việt Nam trong chiến tranh Việt Nam.

Theo nhà báo tự do Võ Văn Tạo, vào năm 1992, ông có hướng dẫn một đoàn cựu chiến binh Nam Triều Tiên thăm lại các căn cứ quân sự của họ tại tỉnh Bình Định. Ông kể lại câu chuyện sau đây :

"Có mấy người lục trong túi ra đưa cho tôi xem mấy cái ảnh chụp hồi đi lính sang Việt Nam, hình trắng đen cỡ 9x12, ngồi trong công sự, đội nón sắt, xung quanh là bao cát, cầm khẩu trung liên theo kiểu thanh niên ấy. Rồi có một ông nói rằng thông cảm nhé, hồi đó Hàn Quốc nghèo quá, phải đi đánh thuê lấy tiền thôi chứ không có thù hận gì với Việt Nam hết. Ông đấy nói thật lòng như thế, tôi cho đó là một lời nói thật".

Nhà báo Võ Văn Tạo nói rằng liên minh quân sự thời chiến tranh Việt Nam giữa Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ đã đem về cho Seoul một khoản ngoại tệ lớn, cũng như là một số tiền không nhỏ cho các binh sĩ tham gia cuộc chiến. Theo số liệu của viện ASAN nghiên cứu về Châu Á của Hàn Quốc, thì số tiền mà Seoul thu được trong những năm từ 1966 đến 1969 chiếm từ 7 đến 8% tổng sản lượng quốc dân của quốc gia này trong thời gian đó.

Rắc rối ngoại giao và quan hệ kinh tế ngày càng lớn

18704-17

Những người lính bị bắt làm tù binh trong chiến tranh Việt Nam. Ảnh chụp tại một làng, tháng 3/1965. AFP photo

Nhận xét về phản ứng không hài lòng của Việt Nam sau tuyên bố của tân Tổng thống Hàn Quốc, ông Moon Jae-in vào ngày 6 tháng 6 năm 2017, vinh danh những người lính Nam Triều Tiên tham chiến tại Việt Nam, Tiến sĩ Trần Công Trục nguyên trưởng ban biên giới, thuộc Bộ ngoại giao của chính phủ Việt Nam cho rằng :

"Tôi nghĩ rằng phản ứng của phía Việt Nam có nghĩa rằng việc những người lính Hàn Quốc qua đây gây ra những tội ác đối với nhân dân Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam không thể gọi là những điều được tôn vinh được, bởi vì quan điểm của người Việt Nam, những người chịu những cuộc tàn sát đó, không chấp nhận những người lính đó được vinh danh được".

Ông Võ Văn Tạo, quê tại Quảng Ngãi, từng tham chiến trong hàng ngũ quân đội nhân dân Việt Nam trong chiến tranh Việt Nam, nhận xét với chúng tôi về thái độ hiện nay của dân chúng vùng Quảng Ngãi về sự có mặt của quân đội Nam Triều Tiên trong quá khứ :

"Nó cũng có nhiều cung bậc, phần lớn, kể cả người già, cho rằng chuyện đã qua rồi không vương vấn gì nữa, cũng còn một số người vẫn nhớ đến và vẫn cay, tức tối với chuyện đó. Còn đa phần thế hệ trẻ thì không biết".

Khi được đặt câu hỏi về lời vinh danh của tân tổng thống Hàn Quốc vào ngày 6 tháng sáu vừa qua đối với các cựu binh từng tham gia chiến tranh Việt Nam, ông Tạo cho rằng đó là một điều rất tự nhiên :

"Đất nước Hàn Quốc có cất đầu lên được cũng nhờ những người đó. Đấy là ông ấy phát biểu cảm ơn họ thì cũng là một tình cảm tự nhiên, đứng về góc độ của họ cũng là rất hợp lý. Mà phía Việt Nam phản ứng căng quá thì không nên. Nếu có hiểu biết kỹ về lịch sử Hàn Quốc, về giai đoạn đó, trên một quan điểm là vị tha và hòa hiếu, thì không nên nổi giận về chuyện này".

Ông Võ Văn Tạo cũng nói là có thể do quan điểm chính trị vẫn còn có sự khác biệt nên Việt Nam mới có những phản ứng như vậy. Ông trích dẫn một diễn văn của Tổng thống Hoa Kỳ Obama, được ông coi là người thân Việt Nam, trong đó ông Obama có ca ngợi những người lính Mỹ đã ngã xuống tại trận đánh Khe Sanh khốc liệt trong chiến tranh Việt Nam.

Bài diễn văn ông Tạo nói đến là bài diễn văn nhậm chức nhiệm kỳ thứ nhất của tổng thống Obama vào tháng giêng năm 2009, đã được báo chí Việt Nam dịch sang tiếng Việt nhưng lược bỏ phần nói về những người lính Mỹ.

Hiện nay theo số liệu từ báo Việt Nam Vneconomy, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế sống ở Hà Nội thì hầu như toàn bộ sản phẩm điện thoại thông minh của hãng Samsung của Hàn Quốc đang được làm ở Việt Nam, và hãng này đang sử dụng đến 1000 kỹ sư tin học của Việt Nam.

Ngoài sự phát triển quan hệ kinh tế, theo báo chí Hàn Quốc, nhiều tổ chức dân sự Hàn Quốc đã thực hiện những công việc nhân đạo tại các vùng mà binh lính Nam Hàn tham chiến trước đây như một nỗ lực hàn gắn những vết thương chiến tranh. Điển hình nhất là tổ chức Tôi và Chúng Ta. Tổ chức này đã đến nơi mà lữ đoàn Thanh Long của Nam Hàn trước đây tại Quảng Nam đã gây ra một cuộc thảm sát dân thường để xây cầu và đường sá.

Sau những phát biểu của thứ trưởng bộ ngoại giao Hàn quốc vào ngày 14 tháng sáu, và của người phát ngôn bộ ngoại giao Việt Nam vào ngày 15 tháng sáu, Tiến sĩ Trần Công Trục nói rằng đó là một định hướng đúng đắn, và Hàn Quốc là một quốc gia phát triển rất tốt tại Châu Á có nhiều kinh nghiệm mà Việt Nam cần phát triển tốt mối quan hệ.

Ông Võ Văn Tạo thì cho rằng hai nước cùng là nạn nhân của chiến tranh nên Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng.

Kính Hòa, phóng viên RFA

******************************

Việt Nam - Hàn Quốc nên gác lại quá khứ chiến tranh (RFA, 15/06/2017)

viethan3

Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Yun Byung-Se (thứ hai, trái) trong buổi làm việc chính thức với đối tác Việt Nam Phạm Bình Minh tại Hà Nội vào ngày 20 tháng 3 năm 2017.  AFP photo

Chuyện lời qua tiếng lại về quá khứ tham chiến của quân đội Hàn Quốc tại Việt Nam dường như đã lắng xuống sau khi các quan chức ngoại giao lên tiếng nói về sự hợp tác giữa hai quốc gia.

Phía Việt Nam thì bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn nhân Bộ ngoại giao vào ngày 15 tháng 6 lại được báo chí hỏi về vấn đề liên quan có trả lời rằng Việt Nam mong muốn có quan hệ hữu nghị với tất cả các quốc gia từng tham chiến tại Việt Nam trong đó có Hàn Quốc, và lãnh đạo hai nước đã nhận thức được rằng cần gác lại quá khứ chiến tranh.

Phía Hàn Quốc thì ông Cho June-hyuck, phát ngôn nhân Bộ ngoại giao khẳng định Seoul rất coi trọng mối quan hệ với Hà Nội.

Hàn Quốc có hai sư đoàn tham chiến cùng quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Báo chí Việt Nam trích tài liệu từ một nhà sử học Hàn Quốc nói rằng quân đội Hàn Quốc đã gây ra các cuộc thảm sát dân thường Việt Nam trong chiến tranh.

Hôm 6 tháng 6 Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có nói trong buổi lễ tưởng niệm tử sĩ của nước này rằng những người lính Hàn Quốc tham gia chiến tranh Việt Nam cần được ghi nhớ công lao. Phát biểu này đã gây ra phản ứng không hài lòng từ phía Hà Nội.

Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư lớn thứ hai tại Việt Nam với hầu như toàn bộ việc sản xuất điện thoại thông minh của công ty Samsung.

Quay lại trang chủ
Read 737 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)