Việt Nam muốn trở thành điểm du lịch hấp dẫn hàng đầu thế giới vào năm 2030
RFA, 06/03/2023
Chiến lược quảng bá du lịch Việt Nam năm 2030 vừa được bắt đầu với tham vọng đưa Việt Nam trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu thế giới, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch có nhiều tiền và ở lâu.
Khách du lịch đi qua một cửa hàng bán áo dài ở Hội An (minh họa) - AFP
Theo chiến lược quảng bá này, du lịch Việt Nam đặt mục tiêu nhận 18 triệu khách du lịch quốc tế và 130 triệu khách nội địa, duy trì mức tăng trưởng ở 8 – 9 phần trăm một năm từ nay đến năm 2025. Đến năm 2030, Việt Nam hy vọng đón 35 triệu khách quốc tế với mức tăng trưởng là 13 – 15 phần trăm một năm.
Các điểm nhấn của du lịch Việt Nam sẽ tập trung vào văn hóa, ẩm thực, di tích cổ, cảnh quan, môi trường thiên nhiên và con người thân thiện.
Duc lịch Việt Nam tiếp tục được quảng bá với khẩu hiệu là "Việt Nam – vẻ đẹp bất tận". Các địa điểm du lịch được quảng bá gồm Hạ Long, Nha Trang, Phan Thiết, Phú Quốc, Đà Lạt và Sapa.
Theo chiến lược này, Việt Nam cũng sẽ duy trì và mở rộng thị trường khách du lịch truyền thống là Nga, đông bắc Á, Châu Âu, ASEAN và Bắc Mỹ.
Ngành du lịch Việt Nam được các chuyên gia đánh giá là có bước phát triển mạnh trong các năm qua. Số lượng lượt khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng từ khoảng sáu triệu người vào năm 2012 lên 18 triệu lượt khách vào năm 2019, ngay trước khi đại dịch COVID bùng nổ.
Tuy nhiên báo chí Việt Nam thời gian qua cũng đưa ra các nhận định về khả năng cạnh tranh về du lịch của Việt Nam còn kém so với nước láng giềng Thái Lan. Lý do là là chi phí rẻ, thủ tục nhập cảnh thuận tiện, dịch vụ du lịch đa dạng, hấp dẫn ở Thái Lan.
Năm 2022, Thái Lan đón 10,5 triệu khách quốc tế, con số này ở Việt Nam là 3,6 triệu lượt. Năm 2019, Thái Lan đón gần 40 triệu du khách trong khi Việt Nam chỉ đón được 18 triệu người.
************************
Việt Nam thúc đẩy triển khai dự án Phố Việt Nam đầu tiên ở Thái Lan
RFA, 06/03/2023
Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy việc thành lập một khu phố của người Việt đầu tiên trên đất Thái Lan tại tỉnh Udon Thani ở vùng đông bắc Thái Lan, nơi có khoảng 60.000 người Việt đang sinh sống.
Người Thái theo Công giáo và người Việt ở Thái Lan tại một nhà thờ ở tỉnh Suphan Buri (minh họa) - AFP
Báo chí Nhà nước hồi cuối tháng trước cho biết Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan là Phan Chí Thành đã tới thị sát việc triển khai dự án Phố Việt Nam và gặp gỡ với giới chức địa phương để thúc đẩy việc phát triển dự án.
Nơi đây được cho là có ý nghĩa với Chính phủ Việt Nam vì là nơi ông Hồ Chí Minh đã từng sống vào những năm 1920.
Chính phủ Việt Nam mong muốn đưa thị trấn này trở thành trung tâm văn hóa cho người Việt ở vùng đông bắc Thái Lan, gìn giữ truyền thống và văn hóa của cộng đồng Việt và trở thành một địa điểm du lịch.
Báo chí Nhà nước Việt Nam cho biết, dự án này đã nhận được sự đóng góp, ủng hộ của các cá nhân và doanh nghiệp, chính quyền thành phố Udon Thani với vốn đầu tư được đóng góp từ nguồn này là 86.000 đô la để xây dựng và cải tạo cơ sở hạ tầng cho khu phố Việt Nam.
Thái Lan cũng là nơi có đông đảo người tị nạn Việt Nam cư trú trong khi chờ đợi xét duyệt để được sang định cư ở nước thứ ba. Trong số những người tị nạn tại đất Thái Lan có những người là các nhà hoạt động chính trị, bất đồng chính kiến với Chính phủ Việt Nam.
Năm 2019, một blogger của RFA là nhà báo Trương Duy Nhất đã bị an ninh Việt Nam bắt cóc khi đang ở Bangkok xin quy chế tị nạn. Ông Nhất sau đó đã bị đưa về Việt Nam và kết án tù 10 năm với cáo buộc "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".