Việt Nam nói hối tiếc về Báo cáo Nhân quyền thường niên của Hoa Kỳ
RFA, 23/03/2023
Phó phát ngôn nhân Phạm Thu Hằng của Bộ Ngoại giao Việt Nam vào ngày 23/3 bày tỏ hối tiếc về phần Việt Nam trong báo cáo nhân quyền thường niên mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố vào ngày 20/3.
Phó phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng - Hà Nội Mới
Trong trả lời truyền thông tại cuộc họp báo thường kỳ vào chiều ngày 23/3, bà Phạm Thu Hằng cho rằng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tiễn tại Việt Nam.
Báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tình hình nhân quyền trên thế giới được Bộ trưởng Antony Blinken công bố vào sáng ngày 20/3 (theo giờ miền Đông nước Mỹ).
Trong phần Việt Nam, báo cáo nêu rằng Chính phủ Việt Nam không cho phép các tổ chức nhân quyền trong nước được thành lập và hoạt động. Nhà cầm quyền thường khẳng định việc vận động cho nhân quyền và dân chủ là hành động chống lại Đảng và Nhà nước cộng sản này.
Vào đầu năm 2022, một số lãnh đạo các tổ chức xã hội dân sự được Chính phủ Hà Nội cho phép hoạt động bị bắt và sau đó bị kết án tù. Đó là trường hợp của bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc GreenID chuyên về vấn đề môi trường tại Việt Nam ; ông Mai Phan Lợi và Bạch Hùng Dương của Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng (MEC) ; và ông Đặng Đình Bách- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Bền vững (LPSD).
Họ bị kết án với cáo buộc trốn thuế. Tụy nhiên, các tổ chức nhân quyền quốc tế tin rằng cả bốn người này bị đàn áp do các hoạt động vận động về vấn đề môi trường.
Nguồn : RFA, 23/03/2023
***************************
Báo cáo nhân quyền 2022 của Mỹ vẫn còn sót nhiều !
RFA, 21/03/2023
Một số nhà hoạt động, theo dõi nhân quyền Việt Nam đánh giá rằng Báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tình hình Việt Nam vừa được công bố hôm 20/3 vẫn chưa phản ánh đầy đủ, sát sao tình hình nhân quyền của Việt Nam trong năm qua.
RFA edited
Báo cáo về đàn áp xuyên biên giới còn thiếu sót
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch BPSOS, một tổ chức chuyên vận động cho nhân quyền Việt Nam, cho biết báo cáo năm nay nhìn chung có công bố nhiều vụ việc vi phạm nhân quyền của nhà nước Việt Nam như trong các lĩnh vực tự do báo chí, tự do đi lại hay bỏ tù những nhà bất đồng chính kiến…
Nhưng ông cũng khá thất vọng khi bản báo cáo này nói rằng Hoa Kỳ không ghi nhận được trường hợp đàn áp xuyên biên giới nào trong năm 2022 vừa qua.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rằng trong những năm trước, các nhóm nhân quyền báo cáo rằng chính quyền Hà Nội đã gây sức ép với các nước lân cận như Campuchia hay Thái Lan nhằm không cho những người Việt Nam bị đàn áp được tị nạn chính trị, hay thậm chí là yêu cầu các nước này trả những người tị nạn về lại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam tuyên bố những cá nhân này là những người di dân bất hợp pháp, rời khỏi đất nước vì vấn đề kinh tế. Tuy nhiên, trong năm qua, Hoa Kỳ không ghi nhận trường hợp nào về việc chính quyền sách nhiễu những người lưu vong và gia đình của họ.
Ông Thắng nói :
"Riêng về phần đàn áp xuyên quốc gia thì tôi thấy rằng khá thất vọng khi bản báo cáo nói rằng không hề xảy ra trường hợp nào hết, mặc dù chúng tôi đã có gởi một số bản báo cáo.
Ví dụ như mục sư Aga đã bị liên tục đe dọa và chúng tôi đã gửi báo cáo cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Nhiều người tị nạn ở bên Thái Lan cũng nhận được lệnh truy nã của công an. Họ đe dọa chính đương sự đang ở Thái Lan và thân nhân gia đình họ ở Việt Nam".
Chưa kể, theo ông Thắng, các kênh truyền thông nhà nước như An Ninh TV, An ninh thế giới, báo Nhân Dân, báo Xây dựng Đảng… đã tấn công liên tục những người bất đồng chính kiến đang ở ngoài lãnh thổ Việt Nam. Ông Thắng khẳng định các hành vi đó đều được xem là đàn áp xuyên quốc gia.
Tất cả những vụ việc vừa nêu, ông Thắng cho biết đã gửi báo cáo cho Bộ Ngoại giao Hoa kỳ. Đồng thời, năm 2022, Freedom House đã có báo cáo về những trường hợp người tị nạn ở Thái Lan hay người thân của họ ở Việt Nam bị sách nhiễu. Do đó, ông Thắng nhận định Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kết luận không ghi nhận được báo cáo về vấn đề đàn áp xuyên quốc gia là hoàn toàn thiếu sót.
Ông Nguyễn Ân, một người tị nạn đang ở Thái Lan khẳng định trong năm 2022, chính quyền đã nhiều lần đến quấy rối gia đình ông ở Việt Nam. Công an tỉnh Nghệ An gửi thư kêu gọi đầu thú cho người thân của ông Ân cùng lời đe dọa nếu không về đầu thú thì có thể sẽ gặp tai nạn, hoặc là bị bắt đưa về Việt Nam. Do đó, ông cho rằng báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về vấn đề này chưa khách quan :
"Bản thân tôi thấy rằng đây là một công bố, nhận xét thiếu khách quan và chưa đúng với thực trạng đàn áp, sách nhiễu đang diễn ra tại Việt Nam đối với người nhà của những người đấu tranh và những người đang lưu vong ở một nước khác".
Một người tị nạn khác là ông Nguyễn Văn Tráng trao đổi với RFA qua ứng dụng tin nhắn cũng xác nhận rằng gia đình của ông thường xuyên bị chính quyền quấy nhiễu, và ông vẫn lưu trữ nhiều giấy tờ kêu gọi đầu thú được ký trong năm 2022.
Thư kêu gọi đầu thú do công an Việt Nam gởi đến gia đình hai ông Ân và Tráng. Ảnh : Nhân vật cung cấp
Báo cáo về buôn người không rõ ràng
Cô Minh Trang, đang theo học thạc sĩ chuyên ngành Quyền và Thực hành quyền tại Thụy Sĩ nói với RFA rằng ngoài thiếu sót trong báo cáo về tình trạng đàn áp xuyên biên giới, phần báo cáo về buôn người cũng chưa rõ ràng.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dẫn lại báo cáo về nạn buôn người trên toàn thế giới vào báo cáo nhân quyền của Việt Nam. Nhưng báo cáo về nạn buôn người trên toàn thế giới lại không nêu rõ vấn nạn ở Việt Nam.
Theo cô Trang, năm qua, hiện tượng người Việt bị lừa sang Campuchia làm việc trong các công ty đánh bạc trực tuyến được báo chí đưa tin rất nhiều, nhưng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại không nêu ra :
"Xảy ra hiện tượng là rất nhiều người Việt Nam bị lừa ra qua Campuchia lao động các tổ chức lừa đảo. Nếu muốn về là phải trả tiền chuộc, nếu không có tiền thì ở đó lao động, bị cưỡng bức, tra tấn, chích điện…
Có một số người liên lạc thành công với đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia để giải cứu nhưng số người bị kẹt lại vẫn rất đông. Và cái đó là thể hiện công tác của chính phủ Việt Nam và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chưa làm tốt".
Ngoài ra, theo cô Trang bản báo cáo này cho thấy các quyền dân sự, chính trị của người dân tệ đi trong năm qua. Còn quyền về LGBTQ+ có vẻ là có tiến triển hơn :
"Nặng nhất vẫn là quyền tự do ngôn luận và tự do lập hội. Bởi vì rõ ràng là càng ngày càng nhiều người lên tiếng bị bắt hơn và họ không phải là nhà hoạt động nổi tiếng gì cả mà có khi chỉ là những người rất bình thường trên mạng xã hội".
Trong năm 2022, Bộ y tế đã nộp báo cáo cho Chính phủ về đề án luật Chuyển đổi giới tính. Lần đầu tiên nhiều đề xuất quan trọng cho quyền và nghĩa vụ của người chuyển giới được đề cập, trong đó có quyền chuyển giới hợp pháp, quyền kết hôn theo giới tính mới, thay đổi hộ tịch…
Về quyền tự do lập hội, cô Trang nhận thấy rõ là không gian dân sự ở Việt Nam đang bị thu hẹp lại, thể hiện qua việc hàng loạt lãnh đạo của các tổ chức xã hội dân sự có đăng ký bị bắt và kết án.
Vai trò của báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ
Nói về vai trò của báo cáo nhân quyền thường niên của Mỹ, cô Minh Trang cho rằng thường thì các quốc gia sẽ cố gắng để không bị "chỉ mặt đặt tên" trong báo cáo nhân quyền với thành tích không tốt, nên báo cáo nhân quyền thường niên có thể đóng vai trò nhưng một cơ chế khích lệ sự tiến bộ trong một vài trường hợp.
Nó cũng có thể là nguồn thông tin chính thống để các NGOs hay giới nghiên cứu sử dụng trong việc giám sát và đánh giá, để các NGOs có thể làm vận động, lên án hay kêu gọi thay đổi… khi cần thiết.
Một số nhà phân tích và hoạch định chính sách Hoa Kỳ cho rằng việc gắn các chính sách của Mỹ với vấn đề nhân quyền có thể làm hạn chế sự linh hoạt của chính phủ trong việc giải quyết một số vấn đề, và làm ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ. Nhưng cũng có một số bên ủng hộ các giá trị nhân quyền và dân chủ cho rằng, làm như vậy thì Mỹ sẽ có lợi về lâu dài.
Báo cáo này có mục đích như nguồn thông tin cho một số chính sách của Mỹ, chứ không liên quan đến việc hạn chế viện trợ hay không. Do đó, theo bà Trang, dù các báo cáo về nhân quyền của Mỹ đã được tiến hành thường niên từ từ 47 năm nay, nhưng tình hình nhân quyền Việt Nam vẫn không có tiến triển gì.
Nguồn : RFA, 21/03/2023
************************
Bộ Ngoại giao Mỹ : vận động cho nhân quyền, dân chủ ở Việt Nam là chống lại Đảng, nhà nước !
RFA, 20/03/2023
Chính phủ Việt Nam không cho phép các tổ chức nhân quyền trong nước được thành lập và hoạt động. Nhà cầm quyền thường khẳng định việc vận động cho nhân quyền và dân chủ là hành động chống lại Đảng và Nhà nước cộng sản này.
Ba nhà hoạt động môi trường bị bắt giam với cáo buộc trốn thuế - Photo : RFA
Đây là một phần nội dung được thể hiện trong Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, phần cụ thể về Việt Nam. Báo cáo năm nay được Ngoại trưởng Mỹ Blinken chính thức công bố vào sáng ngày 20/3/2023 (giờ miền Đông nước Mỹ).
Một số nhà vận động cho nhân Việt Nam bị bắt vào đầu năm 2022 được ghi nhận bao gồm bà Ngụy Thị Khanh, các ông Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi và Bạch Hùng Dương. Những người này đều là lãnh đạo các tổ chức NGOs có đăng ký và họ bị kết án với cáo buộc trốn thuế. Tụy nhiên, các tổ chức nhân quyền quốc tế tin rằng cả bốn người này bị đàn áp do các hoạt động vận động về vấn đề môi trường.
Ông Y Wơ Niê, người dân tộc Ê-đê, vào ngày 20/5/2022, bị tuyên bốn năm tù giam về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ". Cáo trạng nêu rằng vào năm 2020, Y Wo Nie đã báo cáo những vụ vi phạm nhân quyền "bịa đặt" cho "các đối tượng phản động ở nước ngoài" thông qua các ứng dụng nhắn tin và gặp gỡ các nhà ngoại giao. Điều này bị cho là làm ảnh hưởng đến "an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội", "làm xói mòn niềm tin của công chúng vào chế độ"…
Ngoài ra, trong phần báo cáo cụ thể về từng quốc gia, Việt Nam còn bị cáo buộc vi phạm nhân quyền trong các lĩnh vực khác như bắt và giam giữ tụy tiện ; tù nhân chính trị ; sự độc lập của tư pháp ; những hạn chế nghiêm ngặt đối với quyền tự do ngôn luận, tự do internet ; trụy tố một cách tụy tiện những người chỉ trích chính phủ ; hạn chế các quyền tự do hội họp, tự do lập hội, tự do đi lại ; hạn chế nghiêm trọng quyền tham gia chính trị của người dân…
Trong năm qua, có ít nhất sáu người chết trong khi bị giam giữ. Nhà chức trách công bố rằng những cái chết này là do tự tử hoặc vì các vấn đề y tế. Không giống như những năm trước, năm nay, không có báo cáo nào cho thấy chính quyền sách nhiễu hay đe dọa gia đình của những nạn nhân khi họ cố gắng tìm nguyên nhân cái chết của người thân.
Tính đến ngày 16/9/2022, chính quyền đã bắt giữ ít nhất 173 người hoạt động chính trị hoặc nhân quyền, trong đó có 24 người đang bị tạm giam chờ xét xử. Từ ngày 1/1 đến ngày 16/ 9, có 19 người bị bắt giữ và 26 người khác bị kết án vì thực thi các quyền con người. Hầu hết những người này bị khép vào các tội danh như "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước" hay "lợi dụng quyền tự do dân chủ"…
Trại giam không cho phép những người bị tạm giam để điều tra trong các vụ án chính trị được gặp gia đình hay luật sư của họ. Chỉ cho đến khi có kết luận điều tra, những người này mới được gặp thân nhân và luật sư. Có trường hợp nhà nước cưỡng ép đưa những người bị giam giữ đi khám và điều trị bệnh tâm thần, như trường hợp của bà Nguyễn Thúy Hạnh hay ông Lê Anh Hùng. Cũng có một số trường hợp các tù nhân chính trị không thể gặp gia đình cho đến sau phiên xử phúc thẩm. Như trường hợp của bà Phạm Đoan Trang. Bà Trang được gặp mẹ và anh trai lần đầu tiên vào ngày 31/8, sau hơn hai năm bị bắt vào năm 2020.
Đặc biệt, những người nào bị xác định có liên hệ với các tổ chức hải ngoại thường sẽ bị tòa kết án nặng. Bản Báo cáo chỉ ra có ít nhất 19 cá nhân có liên hệ với Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời, một nhóm hải ngoại bị Bộ Công an liệt vào danh sách tổ chức khủng bố, đã bị kết án từ năm đến 16 năm tù về tội "hoạt động chống chính quyền nhân dân".
Các vụ tra tấn, bức cung, nhục hình vẫn còn xảy ra. Các nhà hoạt động cho biết cán bộ công an đã hành hung, tra tấn các tù nhân chính trị để lấy lời khai hoặc buộc họ phải nhận tội. Các nhóm giám sát nhân quyền cũng đưa ra nhiều báo cáo về việc công an dùng vũ lực trong khi thi hành công vụ và các điều tra viên bị cáo buộc tra tấn những người bị giam giữ. Ông Lê Chí Thành bị kết án hai năm tù về tội "chống người thi hành công vụ". Tại phiên tòa, ông cho biết đã bị tra tấn bằng cách treo ngược chân lên trời trong thời gian tạm giam trước khi xét xử. Tụy vậy, những cán bộ có liên quan ít khi bị điều tra về các cáo buộc tra tấn.
Điều kiện giam giữ ở các nhà tù cũng bị cho là khắc nghiệt. Dù chưa đến mức nguy hại đến tính mạng, tuy nhiên, điều kiện ăn ở, vệ sinh kém, thiếu nước uống… ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của tù nhân. Cán bộ quản trại tại Nhà tù Gia Trung được cho là đã khuyến khích bạo lực giữa các tù nhân. Bộ Công an và cơ quan chính phủ quản lý các nhà tù, đã không cho giám sát viên quốc tế được phép tiếp cận.
Bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, trong những năm trước, các nhóm nhân quyền báo cáo rằng chính quyền Hà Nội đã gây sức ép với các nước lân cận như Campuchia hay Thái Lan nhằm không cho những người Việt Nam bị đàn áp được tị nạn chính trị, hay thậm chí là yêu cầu các nước này trả những người tị nạn về lại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam tuyên bố những cá nhân này là những người di dân bất hợp pháp, rời khỏi đất nước vì vấn đề kinh tế. Tuy nhiên, trong năm qua, Hoa Kỳ không ghi nhận trường hợp nào về việc chính quyền sách nhiễu những người lưu vong và gia đình của họ.
Về quyền tự do báo chí, trong năm qua, chính phủ thực hiện kiểm soát chặt chẽ đối với tất cả các hình thức truyền thông, bao gồm in ấn, phát sóng, trực tuyến… Luật quy định các cơ quan truyền thông phải trực thuộc cơ quan chính phủ, và tổng biên tập phải là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Đối với các nhà báo và blogger độc lập, họ phải đối mặt với sự sách nhiễu của chính quyền. Chính phủ cũng chặn các trang web mà họ cho là không phù hợp về chính trị hoặc văn hóa, bao gồm Đài Á Châu Tự Do, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ và BBC tiếng Việt…
Chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục kiểm soát quyền tự do ngôn luận bằng cách hạn chế các phát biểu chỉ trích các nhà lãnh đạo hoặc chính sách của chính phủ. Thâm chí, các tổ chức hay các nhóm ủng hộ chính phủ đã đến tận nhà của các nhà hoạt động và đe dọa họ.
Quyền tự do biểu đạt trực tuyến cũng bị đàn áp qua các vụ bắt giữ, câu lưu, theo dõi, đe dọa và tịch thu bất hợp pháp máy tính và điện thoại di động của các nhà hoạt động. Chính phủ đã gây áp lực buộc các công ty như Facebook và Google phải loại bỏ các nội dung bị coi là "độc hại", bao gồm cả các tài liệu "chống phá nhà nước". Bộ Thông tin và truyền thông đã gây sức ép buộc các nền tảng truyền thông mạng xã hội phải tuân thủ các yêu cầu gỡ bỏ phát ngôn chính trị, đặc biệt là đối với các bài đăng chỉ trích các quan chức cấp cao của Đảng cộng sản.
Một số trường hợp bị bắt vì sử dụng mạng xã hội chỉ trích lãnh đạo hay các chính sách mà bị bắt điển hình như blogger Nguyễn Thái Hưng và vợ là Vũ Thị Kim Hoàng bị bắt vào ngày 5/1 hay ông Bùi Tuấn Lâm ở Đà Nẵng bị bắt với cáo buộc tội "phát tán thông tin chống nhà nước".
Các sự kiện văn hóa cũng bị kiểm duyệt, ngăn cản trong năm qua. Từ khi cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine diễn ra, chính phủ Việt Nam cũng có hành động ngăn cản, hạn chế tổ chức các sự kiện văn hóa. Ví dụ như các nhóm thân chính quyền liên tục đăng tải các bài viết chỉ trích đất nước Ukraine hay là Chính quyền đã quấy rối một hội thảo về văn hóa Ukraine với sự tham gia của cán bộ ngoại giao nước này. Buổi triển lãm tranh của họa sĩ Bùi Chát bị xử phạt và yêu cầu tiêu hủy tranh vì chưa được cấp phép.
Nguồn : RFA, 20/03/2023