Việt Nam kiểm duyệt câu chuyện tị nạn của Ke Huy Quan : ‘Đó là vết đen trong lịch sử’
Câu chuyện thành công của Ke Huy Quan từ "một chiếc thuyền" đến "sân khấu lớn nhất của Hollywood" đã truyền cảm hứng cho nhiều người và được Liên Hiệp Quốc nhắc tới như là một câu chuyện tiêu biểu của người tị nạn.
Câu chuyện tị nạn của Ke Huy Quan được Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn vinh danh nhưng không được Việt Nam nhắc tới sau khi nam diễn viên sinh ra ở Việt Nam giành tượng vàng Oscar.
Cao ủy Tị nạn của Liên Hiệp Quốc đã chúc mừng Ke Huy Quan ngay sau khi diễn viên được sinh ra ở Việt Nam và tới Mỹ tị nạn đoạt giải Oscar của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ cho vai diễn phụ xuất sắc nhất trong bộ phim "Everything Everywhere All at Once" hôm 12/3.
Tổ chức nàyđăng tải hình ảnh Ke Huy Quan cầm tượng vàng Oscar và trích dẫn câu nói của anh khi nhận giải thưởng điện ảnh danh giá nhất hành tinh : "Hành trình của tôi bắt đầu trên một chiếc thuyền. Tôi đã ở trại tị nạn một năm và không biết thế nào tôi lại đến được đây đứng trên sân khấu lớn nhất của Hollywood".
Kèm với lời chúc mừng và hình ảnh cùng câu chuyện tị nạn của Ke Huy Quan, tổ chức của Liên Hiệp Quốc nói rằng "với hơn 100 triệu người bị buộc phải rời khỏi nhà cửa của mình trên toàn thế giới, ông là một ví dụ tỏa sáng cho những gì mà những người tị nạn và những người bị buộc phải di tản có thể đạt được khi có cơ hội".
Hàng trăm nghìn người đã bỏ mạng khi vượt biển sau chiến tranh Việt Nam trong cuộc khủng hoảng "thuyền nhân" được cho là lớn nhất trong lịch sử. Có khoảng 800.000 người tị nạn Việt Nam vượt biển bằng thuyền trong thời gian từ 1975 đến 1995 đến được một nước khác an toàn. Mỹ tiếp nhận hơn 400.000 thuyền nhân Việt Nam sau chiến tranh, trong đó có gia đình Ke Huy Quan.
Bà Tana Thai Ha, từng là một thuyền nhân sau chiến tranh Việt Nam và hiện sinh sống ở Montreal, Canada, nói rằng bà "rất hãnh diện" về "câu chuyện một cậu bé vượt biên tị nạn thành công trên xứ Mỹ tạo một tấm gương sáng, nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ". Bà Tana cho biết bà "đã trải qua một chuyến đi chết đi sống lại" khi vượt biển sau chiến tranh Việt Nam nên bà "rất trân trọng cuộc sống và tất cả những thành tựu của từng thuyền nhân đã tạo dựng được nơi xứ người".
Câu chuyện của Ke Huy Quan cũng khiến một người Việt từng là thuyền nhân giờ đang sinh sống ở Úc tự hào.
Anh Tuan Le, sống ở thành phố Brisbane, nói rằng Ke Huy Quan "là người đầu tiên" đã làm anh "hãnh diện với câu nói đi vào lịch sử Hollywood".
"Anh (Ke Huy Quan) đã làm rạng danh hàng triệu người mang thân phận Boat People (thuyền nhân) với lời phát biểu của anh. Anh đã đem lại niềm vui, hãnh (diện) cho hàng trăm ngàn người kém may mắn khi cánh cửa tự do khép lại. Anh đã không quên bản thân là Thuyền nhân (Started on a boat), anh đã không giấu thân phận là người tỵ nạn (spent a year in a refugee camp)", anh Tuan Le viết trongđăng tải trên trang Facebook cá nhân.
‘Lịch sử tang thương’
Ngay sau khi Ke Huy Quan nhận giải thưởng Oscar, truyền thông Việt Nam đồng loạt gọi diễn viên này là người "gốc Việt". Nhưng cùng lúc đó, các trang mạng xã hội thân chính phủ lại chỉ trích việc diễn viên này tự hào về "cuộc hành trình trên những chiếc thuyền vượt biên" đến nước Mỹ và thành công ở Hollywood.
Mộtđăng tải trên trang Facebook có tên "Quân đội Nhân dân Việt Nam" hôm 12/3 viết rằng "Quan Kế Huy có bố là người gốc Hoa, mẹ là người Hong Kong, điều duy nhất mà ông này dính đến Việt Nam là ông này sinh ở Việt Nam năm 1971 – dưới chế độ ngụy quyền".
Đăng tải này kết luận rằng : "Báo chí cách mạng thì nên biết chọn lọc, đừng nên cái gì cũng vơ vào rồi cứ thấy ‘gốc Việt’ là nở mũi".
Đăng tải kể trên được các trang mạng xã hội khác, được cho là thuộc Lực lượng 47 "vừa hồng vừa chuyên" của Bộ Quốc phòng Việt Nam chuyên đả kích các thông tin mà chính phủ cho là "sai lệch" trên mạng, đăng lại và được các "dư luận viên" chia sẻ cũng như viết ý kiến đồng tình trên Facebook.
Ngày hôm sau, nhiều trang tin của báo chí chính thống do nhà nước Việt Nam kiểm soát, đã thay đổi các tựa và bài viết của họ về Ke Huy Qua từ "gốc Việt" sang "gốc Á" và không nhắc tới việc diễn viên này nói về quá khứ thuyền nhân và tị nạn sau chiến tranh Việt Nam trong bài phát biểu khi nhận giải. Các bài viết này chỉ đề cập ngắn gọn việc Ke Huy Quan sinh ra tại Sài Gòn, có bố mẹ là người gốc Hoa và theo gia đình sang Mỹ năm 7 tuổi.
"Vì đó là một vết đen trong lịch sử", anh Bùi Sơn, một kỹ sư sinh sống ở Hà Nội nói khi giải thích lý do vì sao chính phủ Việt Nam không muốn nhắc tới quãng lịch sử sau năm 1975 khi nhiều người vượt biên "bỏ xứ mà đi" trong khi những người từng làm việc cho chính quyền Việt Nam Cộng Hòa bị đi cải tạo trong điều kiện sống khắc nghiệt ở trại giam, nhiều trong số đó bỏ mạng.
Ke Huy Quan sinh ra ở Việt Nam năm 1971 trong một gia đình gốc Hoa làm ăn sinh sống ở khu Chợ Lớn của Sài Gòn lúc đó. Tuy nhiên, gia đình anh phải rời Việt Nam năm 1978 trong bối cảnh chính quyền Cộng sản Việt Nam lúc đó thực hiện chính sách "nạn kiều" khiến khoảng 30.000 doanh nghiệp lớn nhỏ của người gốc Hoa bị quốc hữu hóa nhằm giành lại sự kiểm soát nền kinh tế từ hàng triệu người gốc Hoa. Gia đình anh sống trong một trại tị nạn ở Hong Kong một năm trước khi tới Mỹ năm 1979.
Nhưng nhiều người Việt đã không may mắn đến được bến bờ an toàn như gia đình Ke Huy Quan sau hành trình vượt biển. Theo UNHCR, ước tính có khoảng 200.000 đến 400.000 thuyền nhân mất mạng trên biển vì hải tặc, chìm thuyền hoặc bão tố.
Còn theo giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, cũng từng là một thuyền nhân và hiện đang là Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế thuộc Đại học Công nghệ Sydney ở Úc, câu chuyện thuyền nhân tị nạn vào thập niên 1970 và 1980 "là một chương sử lớn và tang thương của dân tộc" Việt Nam. Trong mộtđăng tải với tựa đề "‘Tị nạn’ là kị húy ?", vị giáo sư của Đại học New South Wales này thắc mắc "tại sao báo chí Việt Nam khi viết về hai diễn viên Quan Kế Huy và Hồng Châu đều không đề cập đến nguồn gốc ‘tị nạn’ của họ. Có báo sửa tài tử Quan Kế Huy từ ‘gốc Việt’ thành ‘gốc Á’ hay ‘gốc Hoa’".
Hong Chau cũng là một diễn viên gốc Việt được đề cử cho giải Oscar năm nay cho vai nữ phụ xuất sắc nhất nhưng không đoạt giải. Nữ diễn viên này được sinh ra trong một trại tị nạn ở Thái Lan trước khi cùng gia đình tới Mỹ nhờ sự bảo trợ của một Nhà thờ Công giáo ở New Orleans.
‘Hòa hợp, hòa giải’
Theo anh Sơn cho biết, nhiều người dân Việt Nam không biết về câu chuyện của những người vượt biên đi tị nạn sau chiến tranh vì báo chí và sách giáo khoa không nhắc tới.
"Lịch sử dù màu hồng hay màu đen thì cũng phải cho thế hệ trẻ biết", anh Sơn nói.
Chính phủ Việt Nam gần đây kêu chính phủ Hàn Quốc "tôn trọng sự thật lịch sử khách quan" khi nước này kháng cáo yêu cầu bồi thường cho nạn nhân bị thảm sát ở Việt Nam dưới tay binh lính Hàn Quốc trong chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Trước đó, Việt Nam cũng kêu gọi các nhà làm phim Hàn Quốc tôn trọng lịch sử khi ra mắt bộ phim "Little Women" mà chính quyền Hà Nội nói là "xuyên tạc cuộc chiến chống Mỹ" của họ.
"Tôi thiết nghĩ nếu mình kêu gọi người ngoài tôn trọng lịch sử thì mình trước tiên hãy tôn trọng lịch sử của nước mình", Giáo sư Tuấn nói.
Nhưng theo nhà nghiên cứu Lương Nguyễn An Điền thuộc chương trình Truyền thông, Công nghệ và Xã hội tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak) có trụ sở ở Singaporenhận định trong một bài viết trên Fulcrum, việc khơi dây ký ức chiến tranh vẫn là điều ‘kỵ húy’ ở Việt Nam.
Ông Điền, người từng là một nhà báo ở Việt Nam, còn cho rằng việc "thể hiện sự bất an" với những "đề cập nhỏ đến bóng ma chiến tranh" của chính quyền, như câu chuyện thuyền nhân tị nạn chiến tranh Việt Nam của Ke Huy Quan, có thể làm "suy yếu các nỗ lực hòa giải dân tộc" vốn nhằm để khuyến khích cộng đồng người Việt ở hải ngoại trở về và đóng góp cho quê hương đất nước.
Chính phủ Việt Nam vẫn luôn kêu gọi kiều bào ở nước ngoài, nhất là ở Mỹ nơi họ mỗi năm gửi hơn 10 tỷ kiều hối về quê hương, về việc "hòa hợp, hòa giải" dân tộc và gọi họ là "khúc ruột ngàn dặm".
"Nếu không thừa nhận những gì đã xảy ra cũng như những sai lầm của mình thì không thể hòa giải thành công", anh Sơn nói khi đề cập tới việc Việt Nam không muốn nhắc tới hay đưa vào giảng dạy cho thế hệ trẻ về quãng lịch sử của thuyền nhân và người tị nạn Việt sau chiến tranh. Theo anh Sơn, thế hệ trẻ khi biết được những bài học lịch sử sẽ biết cách "hòa giải dân tộc".
Nguồn : VOA, 24/03/2023