Sau khi các Bộ trưởng bị chất vấn về chi phí cao ‘ngất ngưởng’ để xây dựng đường cao tốc tại Việt Nam tại Quốc hội, công chúng trên mạng xã hội đặt nghi vấn tại sao đường cao tốc Việt Nam lại đắt nhất thế giới.
Xây dựng cầu trên quốc lộ 5 ở Hà Nội. Giá xây dựng quốc lộ Bắc-Nam được dự kiến là 12 triệu đô la cho 1 km và được cho là đắt gấp 3 lần ở Mỹ.
Trong phiên họp quốc hội ngày 15/6, một đại biểu yêu cầu Bộ trưởng Giao thông Vận tải và Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư giải trình về mức chi phí 14 tỷ đô la để làm 1.370 km đường cao tốc Bắc-Nam. Theo báo chí trong nước, vị đại biểu quốc hội tính toán rằng dự án này sẽ chi trả 12 triệu đô la cho 1 km đường cao tốc và cho biết con số này cao hơn chi phí làm cao tốc ở các quốc gia đang phát triển.
"Cùng làm đường cao tốc 4 làn xe, chi phí làm đường cao tốc của nước ta cao gấp từ 2-4 lần so với các nước khác nhưng chất lượng hiện nay chưa tương đương." ZingNews trích lời đại biểu Lê Công Nhương nói tại phiên chất vấn. Đại diện của tỉnh Bình Định yêu cầu 2 vị Bộ trưởng đưa ra giải pháp "để giảm xuất đầu tư cho 1 km đường bộ hay đường sắt cao tốc" trong điều kiện nguồn lực của Việt Nam có hạn.
Trước đây trong các phiên họp của Quốc hội, nhiều đại biểu đã nêu lên những thắc mắc về chi phí cao làm đường cao tốc ở Việt Nam. Một đại biểu chất vấn về vấn đề này cho biết mức chi phí làm đường cao tốc của Việt Nam cao gấp 3 lần so với tại Hoa Kỳ.
Theo Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh "Người dân và trên mạng xã hội đều phản ánh rằng chi phí làm đường cao tốc ở Việt Nam là quá cao."
"Nhưng vừa rồi Bộ trưởng Giao thông Vận tải phát biểu tại Quốc hội lại đưa ra những con số phủ nhận nhận định đó", theo ông Doanh. "Và sau khi ông Bộ trưởng đưa ra những ý kiến đó thì mạng xã hội vẫn tiếp tục đưa ra những ý kiến".
Trả lời chất vấn ở quốc hội, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa đưa ra những số liệu cho thấy dự kiến suất đầu tư của Việt Nam trong dự án Bộ Giao thông Vận tải trình Quốc hội vẫn thấp hơn so với nhiều nước Châu Âu.
Dự án đường sắt cao tốc Cát Linh-Hà Đông của nhà thầu Trung Quốc bị đội vốn hơn 100% và gây bức xúc cho người dân vì thời gian thi công kéo dài. Sự thiếu minh bạch trong quy trình đấu thầu là một nguyên nhân dẫn đến sự tăng cao trong chi phí cho các dự án cơ sở hạ tầng ở Việt Nam.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải lý giải về lý do chi phí làm cao tốc cao ở Việt Nam là "do đầu tư, giá thành phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề" nhưng ông không đưa ra giải pháp khắc phục, và do đó phần trả lời của ông không đáp ứng mong đợi của người dân, theo báo Tuổi Trẻ.
Kinh tế gia Lê Đăng Doanh cũng nhận định rằng "chi phí xây dựng đường cao tốc ở Việt Nam là quá cao" và ông giải thích việc "sử dụng phương pháp BOT (xây dựng-vận hành-chuyển giao) tạo ra phí rất lớn, làm cho cho phí vận tải của Việt Nam rất cao."
Báo cáo của bộ Kế hoạch Đầu tư đưa ra những con số cho thấy chi phí vận tải một container từ Hải Phòng về Hà Nội cao hơn rất nhiều so với cho phí vận tải container đó từ Nhật Bản hay Hong Kong về Hải Phòng, theo cựu viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung Ương (CIEM).
Chính quyền Việt Nam viện ra một lý do khác làm cho chi phí xây đường cao tốc tăng cao là do chi phí đền bù giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên theo Tiến sĩ Doanh, không có sự minh bạch trong chi phí đầu vào và người dân cho rằng nó "không được kiểm soát."
"Theo như kiểm toán và thanh tra cho thấy nhiều các chi phí của các dự án BOT đã vượt quá dự toán rất nhiều và không có hóa đơn chứng từ hợp lệ để chứng minh". Ông Doanh nói "Tôi nghĩ rằng cần phải xem xét lại phương thức xây dựng đường cao tốc và phải có sự giám sát công khai minh bạch và phải có sự tham gia của các hiệp hội có chuyên môn".
Một yếu tố khác của tình trạng không minh bạch này là quy trình chỉ định thầu của chủ đầu tư, và không có đấu thầu công khai. So sánh về chủ đầu tư, 2 dự án cơ sở hạ tầng được thấy rõ là đường cao tốc từ sân bay Nội Bài về Hà Nội qua cầu Nhật Tân do Nhật tài trợ, và đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông do nhà thầu Trung Quốc tài trợ.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng chi phí cho dự án của nhà thầu Nhật cao nhưng được giám sát kỹ và chất lượng tốt. Trong khi đó dự án do Trung Quốc làm chủ đầu tư chậm tiến độ nhiều năm và đội hơn 100% tổng số vốn.
Để cải thiện tình hình này, Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh đề xuất một khung pháp luật, có sự giám sát độc lập và sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự.