Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

31/03/2023

Càng bối rối, Đảng cộng sản càng gia tăng kiểm soát tư tưởng

RFA tổng hợp

"Cuộc chiến thông tin" của Việt Nam chống lại ai ?

RFA, 31/03/2023

Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Đức Kiên, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Khoa học, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 35 - Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tại buổi sinh hoạt chuyên đề Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng gắn với hoạt động báo chí, diễn ra hôm 29/3 phát biểu trên tờ Tiền phong rằng : "hiện nay, đang có 'cuộc chiến' thông tin với các thế lực thù địch, chống phá".

thongtin1

Công an ngăn cảnh nhà báo tác nghiệp tại một cuộc biểu tình năm 2011/ Reuters

Ông này cũng nhấn mạnh, các đối tượng, tổ chức phản động chủ yếu lợi dụng các mạng xã hội lớn như Facebook, Google, Youtube... lợi dụng các vấn đề về tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền... để cài cắm các thông tin xấu độc, lập các trang giả mạo, v.v.

Độc quyền, thao túng

Mặc dù không nêu cụ thể các tổ chức mà ông Kiên cho là phản động nhưng ông mặc định rằng : "Giữa ta và thế lực thù địch đang có cuộc chiến thông tin".

Nhận định về phát biểu của ông Kiên, luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài từ Đức Quốc hôm 31/3 cho rằng, Đảng cộng sản Việt Nam từ khi thiết lập sự cai trị đến nay luôn kiểm soát thông tin. Ông nói tiếp:

"Việt Nam có khoảng 700 tờ báo, phát thanh, truyền hình đều thuộc quyền kiểm soát của nhà nước. Mặc dù hiến pháp quy định người dân Việt Nam có quyền tự do báo chí, nhưng không có một cơ quan báo chí nào thuộc về tư nhân. Việc kiểm soát truyền thông mang tính sống còn đối với các chế độ độc tài, đặc biệt là Đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng từ khi có truyền thông mạng xã hội, người dân Việt Nam có một vũ khí rất mạnh để tìm kiếm thông tin sự thật, đồng thời bày tỏ những quan điểm phê phán những điều không hay của chế độ cộng sản, làm cho họ rất lo ngại... Nên họ tìm mọi cách để bưng bít như kiểm soát internet, rồi đánh đập bắt bỏ tù những người dám bày tỏ chính kiến".

Cũng theo Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, bản chất của cuộc chiến thông tin của chính quyền Việt Nam là chống lại người dân, để bảo vệ cho quyền lực của đảng cộng sản.

Còn Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già từ Sài Gòn hôm 31/3 thì cho rằng nếu nhà cầm quyền Việt Nam xác định đây là cuộc chiến thông tin, thì họ phải xem đó là cuộc chiến chính nghĩa hay phi nghĩa. Ông phân tích thêm :

"Bởi vì nhiều năm qua, những người bị bắt vì tội tuyên truyền chống nhà nước, hay lợi dụng các quyền tự do dân chủ... thì đều là thường dân. Không có một căn cứ nào để cho thấy được cấu thành từ thế lực thù địch. Riêng tội âm mưu lật đổ chính quyền, rất nhiều người bị bắt kết án vì liên quan tổ chức Đào Minh Quân người Mỹ gốc Việt. Tổ chức này bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cáo buộc là một tổ chức khủng bố. Thì đây lại là trách nhiệm của phía Việt Nam về mặt đối ngoại, họ để cho tổ chức này bằng cách nào đó dụ dỗ người dân trong nước, cuối cùng người dân lãnh hậu quả vì tin vào những lời gạ gẫm của họ".

Theo nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, đây là trách nhiệm của nhà nước, vì nếu thật sự người dân tham gia vào tổ chức của ông Đào Minh Quân vì những lời dụ dỗ ngon ngọt... thì cần phải giáo dục người dân, phải bao dung với người dân, giống như là chính nhà cầm quyền đang bao dung giáo dục những đảng viên tham nhũng... Chứ không phải đi bắt người dân rồi xử án rất nặng. Ông Già nói tiếp:

"Về mặt bản chất, những người ra tòa họ không cho thấy gây ra một hậu quả mang tính lượng hình. Trong khi đó, những vụ án tham nhũng từ lớn cho đến rất lớn thì người dân chỉ vỡ lẽ ra khi báo chí trong nước được phép đăng tin cụ thể. Khi đó, việc người ta bàn tán cười cợt lên án là chuyện bình thường, thì tại sao chính quyền lại ghép người ta vào tội lợi dụng tự do dân chủ hay tuyên truyền chống nhà nước. Như vậy là không đúng".

Việc chống chính quyền theo ông Già là phải có tổ chức, phải có kế hoạch, tài chính dồi dào và nhiều điều kiện khác thì mới hình thành thế lực, mới đủ khả năng để đối đầu trong cuộc chiến thông tin mà nhà cầm quyền đang rất lo lắng.

Ngày càng siết chặt 

Từ năm 2017 cho đến nay, có ít nhất 60 người bị kết án vì bị cáo buộc theo tổ chức của ông Đào Minh Quân có tên Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời. Những người này hầu hết bị cáo buộc "hoạt động chống chính quyền" với các hành vi bạo lực, khủng bố...

Tại Hội nghị Giao ban báo chí đầu Xuân Quý Mão 2023 vào ngày 2/2/2023, ông Lại Xuân Môn - Phó Ban Tuyên giáo Trung ương đã phát biểu yêu cầu Báo chí phải tạo ra dòng thông tin thung thực, chủ lưu tích cực, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết…

Dù kêu gọi nhà báo phải trung thực, nhưng Ban Tuyên giáo và mới đây hôm 28/2/2023 Ban Bí thư trung ương đảng ra qui định kiểm soát báo chí, thậm chí phạt nặng các báo đăng tải tin tức bị cho là không có lợi cho Đảng Cộng sản Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề kiểm soát, đàn áp những tiếng nói phản biện, luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài cho biết thực trạng về việc nhà cầm quyền Việt Nam đàn áp các tiếng nói bất đồng chính kiến trong những năm qua:

"Khoảng bốn năm trở lại đây, việc bắt bớ rất mạnh mẽ. Nếu như cách đây hai năm, chúng ta còn thấy loáng thoáng những người bất đồng chính kiến trong nước sử dụng các kênh như YouTube, Facebook để live stream hằng ngày bày tỏ quan điểm cá nhân, cũng như bình luận các sự kiện trong nước và quốc tế có hướng đối lập với chính quyền... thế nhưng bây giờ 100 % là không còn. Chỉ còn những người làm live stream ủng hộ chính quyền, hay liên quan đến lĩnh vực phi chính trị, còn tất cả những người có quan điểm chính kiến khác biệt đều bị bắt bỏ tù".

Tuy vậy, vẫn theo luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài, dù nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có thể kiểm soát thông tin trái chiều từ trong nước, nhưng không thể ngăn cản thông tin từ truyền thông hải ngoại mà bấy lâu nay bị cho là "chống đối" như RFA, VOA hoặc BBC. Ông kết luận :

"Cho nên họ có thể kiểm soát một phần nào đó trong nước, nhưng họ không thể kiểm soát được thông tin tiếng Việt từ hải ngoại lan tỏa trong nước, nên họ vẫn đối diện với sự khó khăn".

Báo chí ở Việt Nam được nói đã phải chịu sự kiểm duyệt rất khắt khe từ Ban Tuyên giáo. Không chỉ bị kiểm soát trực tiếp từ Ban Tuyên giáo Trung ương đến Ban Tuyên giáo địa phương và các Sở Thông tin và truyền thông, các tờ báo còn bị kiểm duyệt thông qua việc bố trí nhân sự trong các cơ quan báo chí như bí thư chi bộ, đảng bộ, v.v.

Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay được Liên Hiệp Quốc công nhận, có ban giao với hàng trăm quốc gia trên thế giới... thế nhưng "cứ hở ra là ghép những người dân rất bình thường vào những tội an ninh quốc gia". Do đó, nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng, điều đó không xứng với tầm cỡ của một nhà nước mang danh của dân, do dân, vì dân.

"Tôi thấy chúng tôi là những người dân đang sống tại Việt Nam quá bất hạnh" - Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già chia sẻ.

Nguồn : RFA, 31/03/2023

***************************

Đảng cộng sản Việt Nam tăng cường kiểm soát tư tưởng với cổng thông tin điện tử

RFA, 29/03/2023

Cổng thông tin điện tử Đảng cộng sản Việt Nam ra đời là kênh thông tin chính thống, chủ lực trong tuyên truyền chủ trương, đường lối của đảng trên mạng Internet…

baove1

Lễ khai trương Cổng Thông tin điện tử Đảng cộng sản Việt Nam Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam

Đó là tuyên bố của Bí thư Trung ương đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương- Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, tại lễ khai trương cổng thông tin điện tử Đảng cộng sản Việt Nam vào ngày 29/3.

Cổng thông tin này được cho biết tích hợp dữ liệu từ các cổng thông tin, tạp chí của hơn 100 cơ quan đảng trung ương ; tổ chức chính trị-xã hội ; bộ, ngành ; tỉnh/thành ủy.

Đề án xây dựng cổng thông tin điện tử đảng cộng sản Việt Nam được phê duyệt vào ngày 22/4 năm ngoái.

Trong diễn biến liên quan, cũng trong ngày 29/3, đại diện đảng cộng sản Việt Nam và đại diện đảng cộng sản Trung Quốc tiến hành cuộc hội thảo lý luận lần thứ 17 giữa đôi bên.

Chủ đề cuộc hội thảo trực tuyến là "Kinh nghiệm về sáng tạo quản lý xã hội trong thời đại thông tin hóa".

Thông tấn xã Việt Nam dẫn phát biểu của trưởng đoàn Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Thắng- Chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương, Giám đốc học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, rằng "cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự bùng nổ của làn sóng công nghệ mới cũng đưa đến nhiều vấn đề mới đối với quá trình Đảng lãnh đạo quản lý phát triển xã hội, đặt ra yêu cầu Đảng phải đổi mới, sáng tạo trong quản lý xã hội để thích ứng với những thay đổi mạnh mẽ của thời đại thông tin hóa".

*************************

Miễn kỷ luật cán bộ 'dám nghĩ, dám làm' là vi phạm pháp luật ?

RFA, 29/03/2023

Bộ Nội vụ Việt Nam vừa đề xuất cán bộ được cho "dám nghĩ, dám làm" sẽ hưởng đặc quyền "miễn kỷ luật". Bộ Nội vụ đưa ra đề xuất vừa nêu tại Hội thảo góp ý kiến dự thảo nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm hôm 24/3/2023.

TRIỂN KHAI CHÀO MỪNG NGÀY CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA NĂM 2022 (10/10) (650 × 400 px) - 4

Cán bộ dám nghĩ dám làm sẽ được miễn kỷ luật có đúng không? Cán bộ không thực hiện được mục tiêu đề ra vẫn có thể được miễn trách nhiệm trước pháp luật có đúng không? (Hình từ internet)

Theo đại diện Bộ Nội vụ, cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung nhưng không đạt hoặc gặp rủi ro cần được xem xét miễn kỷ luật.

Cựu Trung tá Vũ Minh Trí, trước khi về hưu công tác tại Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng nói với RFA quan điểm của ông hôm 29/3/2023 :

"Tôi thấy đề xuất này vi phạm thượng tôn pháp luật. Cán bộ dám nghĩ dám làm, đổi mới sáng tạo… thì đều phải theo nguyên tắc tuân thủ pháp luật. Mà hệ thống pháp luật của Việt Nam qua nhiều lần xây dựng, sửa đổi, bổ sung… thì tôi nghĩ chắc chắn chưa hoàn chỉnh, nhưng nó đủ vận hành nhà nước và xã hội như bấy lâu nay. Cho nên đưa ra quy định cán bộ có thể làm những việc mà không phải chịu hậu quả về mặt pháp luật thì hoàn toàn là một quy định sai trái và đi ngược tinh thần thượng tôn pháp luật".

Tuy nhiên, Dự thảo nghị định vừa nêu lại cho biết các biện pháp bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm dựa theo quy định của Đảng cộng sản Việt Nam và pháp luật của nhà nước.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này hôm 29/3 cho rằng đề xuất này sẽ dễ bị lợi dụng :

"Tôi cho rằng đề xuất này chưa có cơ sở chắc chắn, bởi vì tất cả phải quy định vào pháp luật. Đúng pháp luật thì tốt, nhưng không đúng pháp luật thì phải có xử lý, chứ không thể nêu ra một chủ trương chung chung, không có tiêu chí, không có phạm vi, không có mức độ… Mà chủ trương ‘dám nghĩ dám làm sẽ không bị kỷ luật’ thì tôi cho rằng có thể sẽ bị lợi dụng".

Bởi vì theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, mọi chủ trương phải được xây dựng, thực hiện trên cơ sở pháp luật. Chứ còn một ý tưởng không được luật hóa, thì chắc chắn sẽ không có cơ sở để thực hiện. Ông Võ lo ngại cán bộ sẽ lợi dụng ý tưởng đó để mưu lợi cá nhân.

Những năm gần đây, Việt Nam gia tăng chống tham nhũng, nhiều cán bộ bị bắt và truy tố vì vi phạm… dẫn đến công việc bị đình trệ trong bộ máy nhà nước vì các cán bộ bị bắt quá nhiều, số còn lại sợ mắc sai phạm nên không dám thực hiện công việc. Hai ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất là y tế và đăng kiểm.

Liệu đề xuất cán bộ 'dám nghĩ, dám làm' được miễn kỷ luật của Bộ Nội vụ có giúp giải quyết tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm khi làm việc ? Cựu Trung tá Vũ Minh Trí nói :

"Tôi nghĩ hệ thống vì đã quen tham ô, tham nhũng… cho nên nếu không còn thể tham ô, tham nhũng, không thể kiếm chác, chấm mút… thì cán bộ sẽ tìm cách lãng công, không làm việc".

Thay vì nghĩ ra những biện pháp như kiểu Bộ Nội vụ đề xuất, theo ông Vũ Minh Trí, nhà nước phải đưa ra được những quy định rõ trách nhiệm của từng vị trí, mô tả rõ công việc và phải có đánh giá nếu không đạt thì cho nghỉ việc. Ông Trí nói tiếp :

"Chứ còn đưa ra những quy định kiểu như Bộ Nội vụ chẳng qua lại tạo điều kiện cho người ta có ‘Thượng Phương Bảo Kiếm’, có những lá bùa để người ta tiếp tục làm những việc sai trái, tham nhũng. Bây giờ mà tìm cán bộ vì nước vì dân, dám nghĩ dám làm… thì tôi nghĩ không có đâu. Cho nên quy định này không có tác dụng điều chỉnh, mà nó chỉ tạo ra thêm những hành lang pháp lý, những ngõ tắt để cán bộ nhà nước tiếp tục sai trái, tiếp tục vi phạm pháp luật, tiếp tục tham ô tham nhũng…".

Tại Hội thảo về dự thảo nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm do Bộ Nội vụ tổ chức hôm 24/3, theo truyền thông nhà nước, có 21/28 lãnh đạo Sở Nội vụ các tỉnh, thành phía Bắc đã đóng góp ý kiến, đều thống nhất đối tượng áp dụng của dự thảo nghị định về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm là tất cả cán bộ công chức, viên chức chứ không chỉ với người giữ chức vụ lãnh đạo.

Cũng theo báo chí nhà nước, các vị lãnh đạo cấp sở còn mong dự thảo nghị định sớm được thông qua và áp dụng ngay vào thực tiễn để những cán bộ dám đổi mới được miễn trách nhiệm hành chính, hình sự.

Trước đó vào đầu tháng 3/2023, trong tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định số 108, 113 và 143 về chính sách tinh giản biên chế… Bộ Nội vụ cũng đã đề xuất cán bộ, công chức bị kỷ luật 'tự nguyện tinh giản biên chế'...

Hay mới đây, vào ngày 20/3/2023, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng đã đề nghị giảm phạt tù đối với người đứng đầu có sai phạm, nhưng không có mục đích vụ lợi. Dư luận khi đó cho rằng, làm sao xác định "cán bộ vi phạm" mà "không vụ lợi" để giảm án ?

Nguồn : RFA, 29/03/2023

**********************

Gần hai triệu thuê bao có nguy cơ bị khóa sau ngày 31/3

RFA, 29/03/2023

Còn gần hai triệu thuê bao chưa chuẩn hóa lại thông tin cá nhân và nằm trong diện có nguy cơ bị khóa thuê bao sau ngày 31/3.

baove3

Thời điểm 31/3 là hạn cuối cùng để các thuê bao thực hiện chuẩn hóa thông tin, nếu sau thời điểm này khách hàng chưa chuẩn hóa sẽ bị khóa thuê bao.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Phạm Đức Long cho biết tin trên trong ngày 28/3 và được truyền thông nhà nước loan trong ngày 29/3.

"Nếu lùi thời hạn sẽ làm cho nhiều thuê bao lần lữa trong việc chuẩn hóa thông tin khi nhận được thông báo từ nhà mạng. Vì vậy, Bộ Thông tin và truyền thông kiên quyết thực hiện nghiêm túc thời gian khóa thuê bao sau ngày 31/3 và các nhà mạng tiếp tục chuẩn hóa lại thông tin cá nhân cho những thuê bao bị khóa", ông Long xác nhận trên tờ Vietnamplus.

Cũng trong ngày 28/3, ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và truyền thông) cho biết tính đến ngày 28/3 đã có hơn 1,8 triệu thuê bao thực hiện chuẩn hóa lại thông tin cá nhân với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chiếm 46,89% số thuê bao thuộc diện phải chuẩn hóa.

Ông Nhã đồng thời cho hay từ 31/3 các nhà mạng bắt đầu khóa một chiều với những thuê bao có thông tin không trùng khớp với thông tin đối soát cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sau đó nhà mạng sẽ tiếp tục khóa thông tin hai chiều và sau hai tháng sẽ chấm dứt hợp đồng thuê bao không đăng ký chuẩn hóa thông tin cá nhân.

Cũng theo ông Nhã, Cục Viễn thông sẽ phối hợp với các Sở Thông tin và truyền thông giám sát, kiểm tra quá trình thực hiện của các nhà mạng, doanh nghiệp.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 222 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)