Tù nhân lương tâm Lê Trọng Hùng được trao giải Phóng viên Vỉa hè 2023
RFA, 04/04/2023
Tù nhân lương tâm Lê Trọng Hùng, người đang thi hành án tù năm năm về tội danh "tuyên truyền thông tin nhằm chống Nhà nước", được tổ chức Việt Nam Infos (Thông tin Việt Nam) trao giải thưởng Phóng viên Vỉa hè 2023.
Ông Lê Trọng Hùng trong một video phát trực tiếp trên Facebook cá nhân - Chụp màn hình FB Lê Trọng Hùng
Ông Lê Trọng Hùng, 44 tuổi, là thành viên của "Phong trào chấn hưng nước Việt" có mục tiêu sử dụng nền tảng mạng xã hội để khai dân trí cho người dân bằng cách thẳng thừng phanh phui những sai phạm của tầng lớp lãnh đạo đất nước trên cơ sở pháp luật và giải ảo thần tượng lãnh tụ.
Ông bị bắt vào tháng ba năm 2021 sau khi nộp đơn tự ứng cử vào quốc hội trong cuộc bầu cử vào tháng năm năm đó.
Hôm 4/4/2023, từ Paris (Pháp), ông Bùi Xuân Quang, đại diện Việt Nam Infos, cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết về việc chọn ông Hùng để trao giải thưởng năm nay :
"Lê Trọng Hùng có một thái độ đấu tranh khác thường. Ông tôn trọng luật pháp và muốn dùng luật pháp của nhà nước để mà nói lên những điều ông nghĩ.
Chúng tôi trao giải thưởng để mà cho ông Lê Trọng Hùng biết ông không chỉ một mình, nghĩa là có nhiều người hiểu cách đấu tranh của ông và cảm phục cách đấu tranh của ông".
Giải thưởng Phóng viên Vỉa hè năm nay, ngoài kỷ niệm chương, còn có hiện vật là 1.000 USD.
Từ Hà Nội, bà Đỗ Lê Na, vợ của ông Lê Trọng Hùng, cho biết gia đình bà rất vui khi nhận được tin chồng mình được trao giải thưởng. Bà nói với RFA:
"Cái giải thưởng này là sự ghi nhận cho những đóng góp của chồng tôi. Chồng tôi nói rằng có những người khác có thể xứng đáng hơn anh nhưng dù sao thì anh cũng rất cảm động trước sự ghi nhận của ban tổ chức".
Theo ông Quang, mục tiêu của giải thưởng nhằm khuyến khích tinh thần công dân, can đảm và tự do của người dân Việt Nam, đồng thời giúp những người lên tiếng can đảm trong nước như ông Trịnh Bá Phương và Phạm Minh Vũ…
Việt Nam Infos (Thông tin Việt Nam) là một tờ liên lạc thông tin về Việt Nam được thành lập năm 2000. Hiện nay, hoạt động chính của tổ chức này là trao giải thưởng Phóng viên Vỉa hè thường niên, với sự trợ giúp của tổ chức Phóng viên Không Biên giới, Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, và Quỹ tù nhân lương tâm Úc.
Từ năm 2011 đến nay, Việt Nam Infos đã trao giải thưởng này cho 68 cá nhân, trong đó có các ông bà Nguyễn Thuý Hạnh, Trương Văn Dũng, Trịnh Bá Phương, Lưu Minh Vũ…
Những người được lựa chọn để trao giải thưởng hàng năm là người dân can đảm đưa tin tức về Việt Nam, dân oan và blogger, và người hoạt động về chính trị và dân quyền, ông Quang cho biết.
Ông Lê Trọng Hùng là giáo viên của Trường câm điếc Xã Đàn (Hà Nội). Năm 2015, ông nghỉ việc và tố cáo sai phạm của hiệu trưởng nhà trường nhằm bảo vệ quyền lợi cho các đồng nghiệp và học sinh khuyết tật nơi đây.
Ông quyết định tham gia vào lĩnh vực báo chí tự do nhằm thay đổi nhận thức của xã hội hướng tới một nền văn minh, dân chủ. Ông tham gia Phong trào Chấn hưng nước Việt của nhà hoat động Vũ Quang Thuận.
Sau khi ông Thuận bị bắt vào đầu năm 2017, ông Lê Trọng Hùng cùng với một số người bạn lập kênh truyền hình CHTV (Chấn hưng tivi) để phổ biến kiến thức pháp luật và giúp dân oan tố cáo sai phạm trong việc giải tỏa, đền bù đất đai và giúp họ soạn thảo đơn thư gửi các cơ quan chức năng yêu cầu giải quyết theo quy định của pháp luật.
Ông cùng nhiều người trong nhóm mua bản in Hiến pháp Việt Nam để tặng cho người dân nhằm giúp họ hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình.
Từ năm 2015 đến ngày bị bắt, ông Hùng còn tích cực tham gia hoạt động cùng nhóm Cựu giáo chức Chu Văn An do giáo sư Nguyễn Khắc Mai cùng một số trí thức yêu nước thành lập.
Ông Hùng còn tham gia các hoạt động biểu tình phản đối tập đoàn Fomosa xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển ở các tỉnh miền Trung Việt Nam.
Đầu tháng 3/2021, ông nộp hồ sơ tự ứng cử vào Quốc hội Việt Nam trong cuộc bầu cử vào tháng năm năm đó với mong muốn cải tổ cơ quan lập pháp này để nó xứng đáng là cơ quan quyền lực cao nhất của người dân.
Tuy nhiên, cuối tháng 3, ông bị bắt với cáo buộc "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Sau đó, ông bị kết án năm năm tù giam và năm năm quản chế.
Trước và sau phiên toà, nhiều tổ chức quốc tế như Theo dõi Nhân quyền (HRW) và Phóng viên Không Biên giới kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ông.
Nguồn : RFA, 04/04/2023
**************************
Tòa án Hà Nội sẽ xử kín nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng vào ngày 12/4
RFA, 03/04/2023
Cập nhật ngày 04/4/2023: Bà Lê Bích Vượng đã nhận được giấy triệu tập của Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội để vào tham dự phiên xử sơ thẩm của chồng là ông Nguyễn Lân Thắng trong phiên tòa ngày 12/4 với tư cách "người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan".
Blogger Nguyễn Lân Thắng trước khi bị bắt - Facebook Nguyễn Lân Thắng
Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ tổ chức phiên xử sơ thẩm với hình thức xử kín vào ngày 12/4 để xét xử blogger Nguyễn Lân Thắng về cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước" theo khoản 1, Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Gia đình và luật sư xác nhận thông tin này với Đài Á Châu Tự Do (RFA)
Ông Nguyễn Lân Thắng, 48 tuổi, nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ và là blogger của RFA, bị bắt vào ngày 05/7/2022. Vào cuối tuần trước, tòa án đã ra quyết định đưa ông ra xét xử. Ông đối diện với án tù từ năm năm đến 12 năm nếu bị kết tội.
Bà Lê Bích Vượng, vợ của ông Nguyễn Lân Thắng, nói với RFA về phiên tòa dự kiến vào thứ tư tuần tới:
"Tôi được thông báo qua luật sư lịch xử phiên tòa của anh Thắng sẽ diễn ra vào sáng ngày 12/4. Quyết định xét xử ghi là xét xử kín".
Bà Vượng cho biết cả gia đình và luật sư đều bất ngờ về quyết định xử kín vì trong vụ án của ông Thắng không có yếu tố nào dẫn tới phải xử kín. Bà nói:
"Thậm chí các luật sư cũng ngỡ ngàng không hiểu tại sao bây giờ lại có quyết định xử kín. Những cái mà quy kết cho anh ấy anh ấy hoàn toàn vô tội nhưng với một phiên xử kín thì gia đình và bàn bè rất là hoang mang".
Điều 25 của Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định: "Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai".
Phóng viên không thể gọi điện cho Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội theo số điện thoại đăng trên website của cơ quan này để hỏi về lý do đưa ra quyết định xử kín trong phiên tòa xử ông Nguyễn Lân Thắng.
Trong nhiều năm gần đây, các phiên tòa chính trị xét xử người bất đồng chính kiến đều là phiên tòa công khai, cho dù chỉ có một vài trường hợp số ít người thân được tham dự phiên tòa còn bạn bè và người quen biết hay các nhà hoạt động khác hoặc bị quản thúc tại gia hoặc bị lực lượng an ninh ngăn cản bằng bạo lực khi họ đến gần khu vực xử án.
Bà Vượng cho biết không một người thân nào của ông Thắng, kể cả bà, nhận được giấy mời tham dự phiên toà. Do vậy, gia đình và luật sư đang làm đơn đề nghị tòa cho phép họ được vào phòng xử án để chứng kiến phiên xử.
Dẫn cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội, bà Vượng cho biết chồng bà bị cáo buộc "tàng trữ" gần 20 cuốn sách trong đó có hai cuốn Chính trị Bình dân và Phản kháng Phi bạo lực của nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền Phạm Đoan Trang, người đang thụ án tù chín năm về tội danh "Tuyên truyền chống nhà nước".
Tuần trước, ông Trương Văn Dũng cũng bị kết án sáu năm tù giam vì "tàng trữ" cuốn sách Chính trị Bình dân của Phạm Đoan Trang, bên cạnh việc trả lời phỏng vấn đài báo nước ngoài.
Cáo trạng cũng cáo buộc ông Thắng "tuyên truyền chống nhà nước" bằng việc tham gia với tư cách là khách mời trong 12 cuộc hội luận bàn tròn về tình hình Việt Nam của Đài BBC (Anh Quốc).
Bà Vượng cho biết những cuốn sách mà cơ quan công an thu giữ từ nhà bà là sách được tặng có chữ ký của tác giả, và một số cuốn mà bà mua ở hội chợ sách về cho con gái mình đọc.
Bà chia sẻ thêm về phần trả lời phỏng vấn Đài BBC của chồng mình :
"Anh Thắng có trả lời là các phần trả lời phỏng vấn đấy của anh ấy không vi phạm pháp luật, không tuyên truyền chống phá (nhà nước- PV) và anh ấy đang cùng các luật sư làm khiếu nại để phản đối kết quả điều tra của cơ quan điều tra".
Cáo trạng cũng đề cập đến Facebook Nguyen Lan Thang (Nguyễn Lân Ké) và trang Fanpage Nguyễn Lân Thắng nhưng thừa nhận trang này không công khai email và điện thoại cá nhân nên chưa xác định được thông tin đăng ký, tạo lập tài khoản, người quản trị trang Fanpage không công khai nên cũng không xác định được cá nhân quản lý, điều hành trang.
Phóng viên cũng liên lạc với hai luật sư của ông Thắng là Lê Văn Luân và Lê Đình Việt để đề nghị bình luận về vụ án này. Luật sư Lê Văn Luân xác nhận phiên tòa sẽ xử vào tuần tới và xử kín nên không thể trả lời RFA.
Bà Vượng cho biết Công an Hà Nội đã kết thúc điều tra vào ngày 17/01 năm nay, và ông Thắng được gặp luật sư lần đầu vào ngày 26/02. Tuy nhiên, cho tới nay, gia đình vẫn chưa được gặp ông cho dù đã nhiều lần viết đơn đề nghị.
Ông Nguyễn Lân Thắng xuất thân từ một gia đình khoa bảng ở Hà Nội. Ông nội ông là giáo sư Nguyễn Lân, tác giả cuốn Từ điển tiếng Việt được sử dụng từ nhiều thập niên qua. Nhiều người con của cụ Nguyễn Lân là giáo sư, tiến sĩ, hoặc bác sĩ nổi tiếng của Việt Nam.
Kỹ sư xây dựng Nguyễn Lân Thắng tham gia phong trào biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam từ năm 2011 và là một nhà nhiếp ảnh có nhiều đóng góp các hình ảnh và video về biểu tình vì chủ quyền biển đảo và đấu tranh chống bất công ở Việt Nam.
Facebook Nguyen Lan Thang (Nguyễn Lân Ké) được cho là của ông hiện nay có gần 160.000 người theo dõi, mặc dù ông đang bị tạm giam tài khoản này vẫn hoạt động bình thường với nhiều bài đăng, chia sẻ...
Ngoài ra, ông còn tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện cùng với những người cùng chí hướng, như cứu trợ đồng bào miền Trung bị bão lụt, và xây trường cho trẻ em vùng cao.
Ông Nguyễn Lân Thắng có nhiều vài bài viết về tự do, dân chủ và nhân quyền trên trang blog của RFA từ cuối năm 2013.
Nguồn : RFA, 03/04/2023