Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

08/05/2023

Giới hạn carbon và xuất khẩu của Việt Nam

RFA tiếng Việt

Giới hạn carbon của Liên Âu tác động xuất khẩu của Việt Nam ra sao ?

Liên Hiệp Châu Âu – EU vào tháng 12 năm 2022 thông báo sẽ thực hiện carbon border adjustment mechanism – CBAM (tạm dịch : ‘cơ chế điều chỉnh biên giới carbon’) từ tháng 10 năm 2023. Cơ chế này sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu vào thị trường EU, dựa trên mức độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại quốc gia xuất xứ hàng hóa.

carbon1

Ảnh minh họa chụp tại một nhà máy ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 2 tháng 12 năm 2022. AFP PHOTO

Theo thông tin từ trang europa.eu, CBAM ban đầu sẽ áp dụng đối với 6 loại hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ ô nhiễm cao là sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro… nhóm hàng hóa này hiện chiếm 94% lượng khí thải công nghiệp của EU. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu vào EU sẽ phải báo cáo lượng khí thải khi sản xuất hàng hóa, nếu vượt quá tiêu chuẩn sẽ phải mua chứng chỉ khí thải theo mức giá carbon hiện nay tại EU.

Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 8/5 cho biết, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 15 của Liên Hiệp Châu Âu và là đối tác lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á. Trong giao dịch thương mại giữa hai phía, Liên Hiệp Châu Âu xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu các sản phẩm công nghệ cao như máy móc, xe cộ, các mặt hàng thuộc về y tế, hóa chất. Ngược lại theo ông Vũ, Việt Nam xuất khẩu sang Châu Âu chủ yếu là nông sản, đồ gỗ, hàng may mặc và các sản phẩm điện tử được lắp ráp tại Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ cho rằng, lấy lý do là làm giảm và kiểm soát phát thải khí nhà kính, trong suốt một thời gian dài, Liên Hiệp Châu Âu đã thực hiện cơ chế trao đổi lượng khí phát thải. Các công ty phát thải khí nhà kính nhiều buộc phải trả tiền cho các công ty phát thải khí nhà kính ít để mua hạn ngạch phát thải khí. Với cơ chế này, theo Tiến sĩ Vũ, nhiều doanh nghiệp, thường thuộc lĩnh vực công nghiệp nặng, đã phải đối diện với chi phí gia tăng và chọn di chuyển sản xuất ra khỏi Châu Âu. Ông Vũ nói tiếp :

"Việc các công ty ở Châu Âu phải chịu một mức thuế phát thải trong khi các công ty ở các nước khác không phải chịu mức thuế phát thải đã dẫn đến tình trạng là một số mặt hàng làm ra ở các nước khác rẻ hơn là ở Châu Âu. Các mặt hàng này chủ yếu là các mặt hàng sử dụng nhiều năng lượng. Chính sách đánh thuế lượng khí phát thải đã vô tình giết chết một số ngành công nghiệp nặng của Châu Âu và giúp phát triển những ngành công nghiệp nặng ở các nước khác".

Giờ đây, Liên Hiệp Châu Âu đã rà soát lại chính sách trên và định áp thuế đối với những doanh nghiệp phát thải khí nhà kính nhiều ở các nước đang phát triển. Dưới danh nghĩa là giảm lượng phát thải khí nhà kính cho toàn cầu, việc đánh thuế này yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu của Châu Âu phải mua các chứng chỉ phát thải khí nhà kính hàng tuần. Mức thuế này cuối cùng thì người tiêu dùng sẽ gánh chịu".

Tiến sĩ Vũ cho rằng, trên bề mặt thì chương trình áp thuế phát thải khí nhà kính mới của Châu Âu (CBAM) sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển sang dùng năng lượng sạch. Tuy vậy theo ông Vũ, nó sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất ở các nước đang phát triển khó cạnh tranh hơn ở thị trường Châu Âu khi giờ đây, giá cả hàng hóa của họ sau khi bị đánh thuế phát thải, không rẻ hơn bao nhiêu hàng do các doanh nghiệp Châu Âu sản xuất. Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ cho biết thêm :

"Trước mắt Liên Hiệp Châu Âu chỉ tập trung vào một số lĩnh vực để thử nghiệm như xi măng, sắt, thép, nhôm, phân bón, và điện. Đây không phải là những mặt hàng chủ lực mà Việt Nam xuất khẩu sang Châu Âu. Vì vậy mà một chương trình áp thuế phát thải khí nhà kính mới của Châu Âu (CBAM) sẽ không ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn".

Nhưng chính sách này của Châu Âu theo ông Vũ, sẽ đóng vai trò như là một động lực nhằm khuyến khích Việt Nam nhanh chóng chuyển sang một nền kinh tế xanh, giảm thiểu phát thải khí nhà kính — một điều vốn cần cả thời gian và tiền bạc.

carbon2

Ảnh minh họa : Một nhà máy chế biến cà phê ở Buôn Ma Thuột. AFP.

Theo số liệu của Bộ Tài chính Việt Nam, từ tháng 8 năm 2021 đến tháng 7 năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - EU đạt 61,4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 45 tỷ USD và nhập khẩu đạt 16,4 tỷ USD.

Các nhóm hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU trong năm 2022 nhiều nhất theo Tổng cục Hải quan là : điện thoại các loại và linh kiện đạt 6,7 tỷ USD ; máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện 6,87 tỷ USD ; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác 5,76 tỷ USD ; hàng dệt may 4,46 tỷ USD và giày dép các loại đạt 5,91 tỷ USD.

Chủ một Doanh nghiệp tư nhân có gia công hàng xuất khẩu đi Châu Âu, không muốn nêu tên vì lý do an toàn, cho biết ý kiến về việc này :

"Việc Châu Âu áp dụng thuế carbon như thế cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp. Chẳng hạn giá thành như giá thành sản phẩm của doanh nghiệp cũng sẽ bị tăng lên. Cái thứ hai là doanh nghiệp cũng sẽ khó thực hiện hơn, đồng thời sẽ hạn chế khả năng mà doanh nghiệp có thể tiếp cận thị trường Châu Âu".

Tiến sĩ Kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - CIEM từ năm 1993 đến năm 2002, hôm 8/5/2023 nhận định :

"Việt Nam đã ký 20 Hiệp định Thương mại Tự do, trong đó với EU là một trong các Hiệp định Thương mại Tự do đầy đủ và quan trọng đối với Việt Nam. Bản thân Việt Nam cũng muốn giảm lượng khí phát thải CO2. Để làm việc đó thì Việt Nam hiện đang cố gắng tăng cường tỷ lệ cung cấp điện bằng các nguồn điện tái tạo là điện mặt trời và điện gió, giảm sản lượng điện từ than và các nguồn nguyên liệu khoáng sản khác. Tuy vậy, để thực hiện đang khó khăn do tác động của El Niño làm nguồn thủy điện của Việt Nam bị hạn chế rất nhiều".

Tiến sĩ Kinh tế Lê Đăng Doanh đưa ra khuyến nghị đối với những ngành hàng của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nhiều từ điều chỉnh này của EU :

"Đối với ngành sắt thép để đáp ứng yêu cầu này thì phải chuyển đổi công nghệ, vận dụng nhiều hơn các năng lượng tái tạo thay cho sử dụng các nguồn năng lượng truyền thống như trước đây. Điều đó đòi hỏi phải đầu tư về khoa học công nghệ và phải có liên kết giữa các doanh nghiệp với các viện nghiên cứu và các trường Đại học. Có doanh nghiệp của Việt Nam đã thành công trong việc đổi mới như vậy, nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp khác chưa thành công và chưa có nỗ lực về việc đó".

Tiến sĩ Kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, bộ máy Nhà nước cần phải hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các doanh nghiệp, để thực hiện các cam kết này.

Theo Bách khoa Toàn thư Mở, thuế carbon là một loại thuế môi trường đánh vào lượng carbon của nhiên liệu. Đây là một hình thức định giá carbon. Các nguyên tử carbon có mặt trong mọi nhiên liệu hóa thạch than, dầu mỏ, khí tự nhiên và thải ra khí CO2 khi được đốt cháy.

Nguồn : RFA, 08/05/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 318 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)