Nắng nóng kỷ lục khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn, thu nhập giảm
RFA, 09/05/2023
Cuối tuần vừa qua, cả Việt Nam vừa trải qua một đợt nắng nóng kỷ lục trong vòng hai thập niên qua khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
FP
Ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác, nền nhiệt phổ biến ở mức 36-39 độ C. Truyền thông Nhà nước đưa tin nhiệt độ cao nhất được xác lập tại huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) là 44,1 độ C vào ngày 06/5.
Nắng nóng kéo dài hai ngày, và tới chủ nhật (07/5), nhiều tỉnh thành ở phía Nam xuất hiện mưa làm không khí dịu lại. Ở Hà Nội và một số nơi của Bắc Bộ, mưa và không khí lạnh đã tràn về.
"Nóng nhất trong vòng hai mươi năm qua"
Ông Đỗ Thế Đăng, một kỹ sư làm việc ở một công ty liên quan đến hàng không ở Hà Nội cho biết thời tiết nóng một cách bất thường trong hai ngày cuối tuần. Ông chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do (RFA) vào sáng ngày 09/5 :
"Thời tiết kinh khủng luôn. Đi làm mà người ướt sũng ra. Nhiệt độ do được ở sân bay là 40 độ C trong khi anh em nói nhiệt độ trên đường băng là 65 độ".
Ông cho biết trong ngày thứ bảy vừa qua, dân kinh doanh ở phố đi bộ thuộc trung tâm thủ đô Hà Nội thất thu nặng nề vì đường phố không một bóng người do nắng nóng.
Ông nói trong văn phòng của công ty ông điều hòa hoạt động hết công suất nhưng không lại được với thời tiết, và nhiều thiết bị báo cháy kêu lên vì nóng.
Nhà quan sát Đinh Kim Phúc từ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đợt nóng này kéo dài trong hai ngày khiến cả thành phố hừng hực, nhiệt độ trong phòng khách nhà ông lên tới 34 độ C.
"Tôi cho rằng đợt nóng này là nóng nhất trong vòng hai mươi năm qua", ông nói với RFA vào sáng thứ ba, và dự đoán tình trạng này sẽ lặp lại nhiều hơn vào hè này và nhiều năm tới.
"Vấn đề thời tiết này không chỉ tác động đến đời sống bình thường của con người mà nó tác động đến tâm sinh lý của mỗi người tùy theo hoàn cảnh sống của mỗi người. Vấn đề suy thoái kinh tế, vấn đề thất nghiệp, những vấn đề của chính trị xã hội cộng với thời tiết nóng bức thì dễ dẫn con người ta đến phát điên và có những hành động khó kiểm soát", ông Phúc nói.
Ông cho biết bản thân ông bị nhiễm bệnh viêm da cơ địa mãn tính nên cảm thấy rất khó chịu khi trời nóng, đặc biệt như đợt nóng vừa qua.
Thời tiết nóng ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống của những người lao động ở trên đường phố. Một người đàn ông chạy xe ôm công nghệ Grab ở Thành phố Hồ Chí Minh trong nhiều năm nay cho RFA biết vì nắng gắt nên ở thời điểm giữa trưa và đầu giờ chiều hai ngày cuối tuần qua ông phải tạm dừng lao động để tránh nóng, và do vậy thu nhập của ông giảm khoảng 20%, từ 500.000 đồng/ngày trong những ngày bình thường xuống còn 400.000 đồng.
Bà Lê Thị Bình, một chủ cửa hàng bán thức ăn và dịch vụ ăn uống ở Phú Quốc cho biết thời tiết tuần nay mưa nóng thất thường, nắng nóng trong khi mưa ngắn. Do thời tiết bất lợi nên việc kinh doanh của gia đình cũng bị suy giảm khoảng 30%, bà chia sẻ với RFA vào ngày 09/5.
Không chỉ riêng Việt Nam
Phó Giáo sư Tiến sĩ Anh Tuấn, cựu Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), cho RFA biết đợt nắng nóng vừa qua xảy ra không chỉ riêng ở Việt Nam mà cả vùng Châu Á đang bị ảnh hưởng nặng nề.
"Chúng ta có thể xem những dự báo thời tiết ở trên thế giới cho thấy từ Ấn Độ đi qua cả vùng Đông Nam Á đều bị nắng nóng hết. Tuy nhiên ở một số vùng nắng nóng nó đặc biệt nóng và vượt qua kỷ lục nắng nóng đợt trước", ông nói với RFA từ Italy, nơi ông đang có chuyến công tác dài ngày.
Ông giải thích về đợt nắng nóng vừa qua :
"Nguyên nhân theo tôi được hiểu đang có dấu hiệu là hiện tượng El Nino quay trở lại khu vực của biển Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương và đồng thời nó kết hợp với những sự bất thường và sóng nhiệt nó gia tăng ở trong khu vực làm cho nắng nóng gia tăng gay gắt.
Đặc biệt là những vùng nằm sâu trong lục địa ghi nhận nắng nóng kỷ lục".
Theo ông, mùa hè này sẽ rất gay gắt, đặc biệt ở các vùng đô thị của Việt Nam. Bên cạnh hiện tượng biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan gia tăng, hoạt động của con người cũng làm cho cuộc sống của người dân ngột ngạt hơn.
"Ở vùng đô thị như Sài Gòn, Hà Nội hay là các vùng khác là do hoạt động của con người, mật độ giao thông hiện nay càng ngày càng gia tăng lên phát triển đô thị quá nhiều nên diện tích cây xanh hay là mặt hồ bị thu hẹp lại, đồng thời các công sở sử dụng năng lượng nhiều hơn. Tất cả hơi nóng thổi ra ngoài không gian bên ngoài nên làm cho nhiệt độ trở lên gay gắt và khó chịu hơn".
Ông dự báo : "Trong các năm tới, khô hạn sẽ gia tăng lên, và điều này ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống ở vùng đô thị và sản xuất ở vùng nông nghiệp. Đặc biệt ở các vùng ven biển nước mặn sẽ xâm nhập sâu hơn vào trong nội địa. Tôi dự báo năm nay hoặc trong hai năm tới hiện tượng này sẽ lặp lại".
Theo ông, rất khó để người dân có thể đối phó với thời tiết bất thường như đợt nóng vừa qua. Tuy nhiên, con người có thể giảm thiểu tác động bằng cách tăng diện tích cây xanh và mặt hồ nước, thậm chí làm các vòi phun nước.
Bên cạnh đó, giảm phương tiện cá nhân và phát triển phương tiện giao thông công cộng cũng mang lại lợi ích.
Theo ông Đinh Kim Phúc, Việt Nam phải giảm sự lệ thuộc vào nhiệt điện than và tăng cường phát triển năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời. Bên cạnh việc xả thải gây ô nhiễm môi trường dẫn đến hàng chục ngàn người chết vì bệnh ung thư mỗi năm thì nhiệt điện than cũng làm cho không khí nóng lên và gây ra biến đổi khí hậu.
"Tôi không cho rằng đây (thời tiết cực đoạn- PV) là lỗi tại thiên nhiên mà đây là bàn tay của con người phá rừng và sử dụng nhiêu liệu hóa thạch quá nhiều khiến bầu khí quyển thay đổi một cách căn bản.
Tôi tha thiết Chính phủ Việt Nam xem lại kế hoạch phát triển nguồn điện của mình, nhất là trong vấn đề sử dụng điện than, vì đây không phải là vấn đề của riêng ai, cuộc sống của cả lãnh đạo và người bình dân đều bị đe dọa".
************************
Sau 4 năm, kỷ lục nắng nóng ở Việt Nam bị phá vỡ vào đúng ngày lập hạ
An An, Lao Động online, 07/05/2023
Vào ngày 6/5, xã Hồi Xuân ở Thanh Hoá ghi nhận nhiệt độ lên tới 44,1 độ C, phá vỡ kỷ lục nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay ở nước ta.
Mức nhiệt 44,1 độ C vào ngày 6/5 ở Thanh Hóa đã phá vỡ kỷ lục nhiệt độ ở Việt Nam. Ảnh : Vũ Linh.
Hôm qua 6/5 - ngày lập hạ của năm 2023, phía Tây Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên đã xảy ra nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 38 - 41 độ C, có nơi trên 42 độ C như : Lạc Sơn (Hòa Bình) 43,4 độ C, Hòa Bình 42,5 độ C, Quỳ Châu (Nghệ An) 43,2 độ C, Tương Dương (Nghệ An) 43,5 độ C, Tây Hiếu (Nghệ An) 43,3 độ, Con Cuông (Nghệ An) 42,6 độ C, Hương Khê (Hà Tĩnh) 42,2 độ C…
Đặc biệt, cũng trong ngày lập hạ xã Hồi Xuân ở Thanh Hoá ghi nhận nhiệt độ lên tới 44,1 độ C phá vỡ mức nhiệt độ kỷ lục trước đó là 43,4 độ C xuất hiện ở Hương Khê (Hà Tĩnh) vào ngày 20/4/2019.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng đưa ra nhận định, trong đợt nắng nóng này, Tây Bắc Bộ và vùng núi các tỉnh từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên Huế, nhiều điểm nhiệt độ khả năng cao trên 40-41 độ C, một số điểm có thể vượt giá trị lịch sử cùng kì tháng 5.
Trong ngày 6/5 phía Đông Bắc Bộ có nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37 - 39 độ C, có nơi trên 40 độ C như : Bắc Mê (Hà Giang) 41,4 độ, Bảo Lạc (Cao Bằng 41,4 độ, Hoài Đức (Hà Nội) 40,2 độ, Nho Quan (Ninh Bình) 42,0 độ,…
Tây Nguyên và Nam Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 37 độ C, có nơi trên 37 độ C.
Ngày 7/5, dự báo khu vực phía Tây Bắc Bộ xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36 - 38 độ C, có nơi trên 39 độ C ; khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên xảy ra nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36 - 39 độ C, có nơi trên 40 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 30 - 45%.
Khu vực đồng bằng Bắc Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 36 độ C ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 45 - 60%.
Khu vực Nam Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 37 độ C ; độ ẩm tương đối thấp nhất 40 - 60%. Từ ngày 8/5 nắng nóng diện rộng có khả năng chấm dứt.
An An