Đức quan ngại về vụ bắt giữ nhà hoạt động Hoàng Thị Minh Hồng
AP, VOA, 08/06/2023
Chính phủ Đức ngày 7/6 bày tỏ quan ngại về vụ bắt giữ một nhà vận động môi trường nổi tiếng ở Việt Nam, đồng thời cảnh báo rằng một thỏa thuận trị giá nhiều tỷ đô la gần đây để giúp Việt Nam loại bỏ than đá cần có sự tham gia của các nhà hoạt động xã hội dân sự.
Ngân hàng Thế giới khen ngợi những đóng góp của bà Hoàng Thị Minh Hồng.jpg
Văn phòng Nhân quyền Liên hiệp quốc cho biết, trích dẫn các nguồn tin đáng tin cậy, bà Hoàng Thị Minh Hồng bị công an thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ vào tuần trước theo một lệnh tạm thời với cáo buộc trốn thuế. Báo cáo cho biết bà Hồng là nhà hoạt động môi trường nổi tiếng thứ năm bị bắt ở Việt Nam vì cáo buộc trốn thuế trong hai năm qua.
Bộ Ngoại giao Đức nói vụ bắt giữ bà Hồng và những người khác "là một tín hiệu đáng báo động đối với các tổ chức xã hội dân sự trên cả nước, cũng như đối với việc bảo vệ môi trường và khí hậu".
"Chúng tôi cũng xem vụ bắt giữ này là nghiêm trọng liên quan đến việc thi hành sắp tới Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) đã được thỏa thuận giữa Việt Nam và các nước G7, Đan Mạch và Na Uy", Bộ nói.
"Những người bảo vệ khí hậu và môi trường như bà Hoàng Thị Minh Hồng đóng một vai trò không thể thiếu", Bộ Ngoại giao Đức
Thỏa thuận được thống nhất vào cuối năm 2022 chứng kiến hai quốc gia Bắc Âu và Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển giàu có cam kết 15,5 tỷ đô la để giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ điện than sang năng lượng tái tạo.
Thỏa thuận này nhằm giúp Việt Nam giảm phát thải ròng bằng zero vào năm 2050, một mục tiêu mà các chuyên gia cho rằng cần phải được đáp ứng trên toàn cầu để hạn chế sự hâm nóng toàn cầu ở mức 1,5 độ C.
Đây là một trong một số thỏa thuận mà các quốc gia đang phát triển và giàu có đang đàm phán để đáp ứng các mục tiêu khí hậu toàn cầu. Thỏa thuận đầu tiên như vậy đã được ký với Nam Phi vào năm 2021 và một thỏa thuận tương tự đã đạt được với Indonesia vào năm ngoái.
Bộ Ngoại giao Đức cho biết sự tham gia của xã hội dân sự trong quá trình này "được đính kèm rõ ràng trong thỏa thuận với Việt Nam theo chỉ thị của chính phủ Đức".
"Những người bảo vệ khí hậu và môi trường như bà Hoàng Thị Minh Hồng đóng một vai trò không thể thiếu", Bộ Ngoại giao Đức nhấn mạnh.
***********************
Việt Nam lên tiếng về vụ bắt nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng
VOA, 01/06/2023
Trả lời báo chí về vụ bắt tạm giam nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng với cáo buộc trốn thuế, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam nói Việt Nam luôn khẳng định mạnh mẽ cam kết của mình trong bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển xanh và bền vững, còn những người vi phạm pháp luật sẽ phải xử lý.
Nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng. Ảnh : changevn.org
"Tại Việt Nam, các cá nhân, hội, tổ chức nhân dân, tổ chức phi chính phủ được bảo đảm hoạt động bình thường theo đúng quy định, đồng thời tuân thủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành động của mình. Như tại các quốc gia khác trên thế giới, những người vi phạm pháp luật sẽ phải xử lý theo đúng các quy định của pháp luật", báo Công An Nhân Dân dẫn lời Phó Phát ngôn Nguyễn Đức Thắng nói tại cuộc họp báo chiều 1/6.
Bà Hoàng Thị Minh Hồng là người sáng lập tổ chức bảo vệ môi trường Change, một tổ chức phi lợi nhuận địa phương năng động có sứ mệnh nâng cao nhận thức và truyền cảm hứng cho cộng đồng bảo vệ thiên nhiên môi trường, động vật hoang dã, chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển bền vững.
Bà cũng là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Nam Cực vào năm 1997, được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất tại Việt Nam năm 2019, trở thành đặc phái viên trẻ của UNESCO và nhận bằng khen của Thủ tướng Việt Nam trong cùng năm.
Trước đó, bà Hồng được vinh danh với nhiều giải thưởng về môi trường và được đưa vào danh sách "Anh hùng Khí hậu" (Climate Hero) vào dịp Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu COP21.
Bà còn được Tổng thống Mỹ Barack Obama nhắc đến trên trang Twitter vào năm 2018 như là một người trẻ truyền cảm hứng cho ông.
Bà Hoàng Thị Minh Hồng là nhà hoạt động môi trường thứ 5 bị bắt tại Việt Nam, sau ông Phan Mai Lợi, ông Đặng Đình Bách, bà Nguỵ Thị Khanh và ông Bạch Hùng Dương. Hầu hết các nhà hoạt động đều bị bắt với cáo buộc trốn thuế.
Việc bắt giam và bỏ tù các nhà hoạt động khí hậu tại Việt Nam diễn ra sau khi chính phủ Cộng sản cam kết đưa mức phát thải ròng về Zero vào năm 2050, và đạt được gói hỗ trợ chuyển đổi năng lượng sạch trị giá 15,5 tỷ đô la từ thỏa thuận Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Bình đẳng (JETP) vào tháng 12 vừa qua.
Tuy nhiên, điều trớ trêu là các nhà hoạt động môi trường hiện nay lại có rất ít không gian để hoạt động trong nước vì những người hoạt động về khí hậu có chiến dịch mở đường cho JETP đều bị bỏ tù vì tội "trốn thuế" mà nhiều người tỏ ra nghi ngờ về cáo buộc này.
NPR dẫn lời các chuyên gia nhân quyền nói các vụ bắt giữ là một phần của chiến dịch đàn áp các nhóm xã hội dân sự trong những năm gần đây của Đảng cộng sản cầm quyền tại Việt Nam.
Để phản đối tình trạng trấn áp này, các nhóm xã hội dân sự từ khắp nơi trên thế giới đang thúc đẩy các chính phủ và tổ chức tài chính muốn loại bỏ than đá của Việt Nam hãy gây áp lực với nhà cầm quyền về các hoạt động nhân quyền trước khi gửi khoản tiền cam kết cho Việt Nam, vẫn theo NPR.
Hôm 11/5, Nhóm Công tác về Bắt giữ Tùy tiện của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nói rằng việc bỏ tù nhà hoạt động Đặng Đình Bách là "vi phạm luật pháp quốc tế" và bày tỏ lo ngại về "vấn đề mang tính hệ thống với việc giam giữ tùy tiện" các nhà bảo vệ môi trường ở Việt Nam.
************************
Đắk Lắk : Hai thầy truyền đạo và một tín đồ Tin lành bị cưỡng ép lên đồn công an làm việc
RFA, 01/06/2023
Công an tỉnh Đắk Lắk nói chỉ mời hai thầy truyền đạo và một tín đồ Tin Lành lên trụ sở làm việc về an ninh trật tự, tuy nhiên một nhà hoạt động cho rằng công an đã bắt cóc họ ngay giữa đường khi đang đi công chuyện.
Thầy truyền giáo Y Bhuar Buondap và biểu ngữ đòi chấm dứt đàn áp người Thượng - Người Thượng vì Công lý
Theo ông Y Quynh Buon Dap, người sáng lập và điều hành tổ chức Người Thượng Vì Công lý, một tổ chức đấu tranh cho quyền của người Thượng ở Tây Nguyên, ba người đều ở xã Ea Bhok, gồm thầy truyền đạo Y Bhuar Bdap thuộc Hội thánh Truyền giảng Phúc âm ở buôn Ako Emong, thầy truyền đạo Y Broc Bya (hay còn gọi là Ama Rody) và tín đồ Y Gruih Niê thuộc Hội thánh Tin lành tư gia độc lập buôn Ea Khit.
Ông Y Quynh, người đang tị nạn chính trị ở Thái Lan, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) vào đầu giờ chiều ngày 01/6 :
"Trong ngày hôm nay (01/6), theo thông tin từ điểm nhóm buôn Ea Khit và buôn Ako Emong thì có ba người bị công an huyện Cư Kuin và tỉnh Đắk Lắk áp giải vào lúc 6 giờ sáng nay".
Dẫn nguồn tin từ một nhân chứng đi cùng những người bị bắt, ông Y Quỳnh Buon Dap cho biết có khoảng 10 công an đi trên xe màu đen bắt cóc thầy truyền đạo Y Bhuar Bdap và tín đồ Y Gruih Niê khi họ đang trên đường đi cầu nguyện ở buôn Kpung, xã Hòa Hiệp.
Trong khi đó, thầy truyền đạo Y Broc Bya bị bắt khi đang trên đường đi làm ruộng cùng vợ.
Phóng viên sau đó gọi điện cho Công an huyện Cư Kuin, người trực máy không nêu danh tính cho biết ba người nêu trên được công an tỉnh mời lên làm việc về an ninh trật tự ở địa phương, tuy nhiên ông này không cho biết buổi làm việc sẽ kéo dài trong bao lâu, rồi đột nhiên ngắt máy.
Theo ông Y Quynh Buon Dap, việc "bắt cóc" ba người theo đạo Tin Lành hôm nay nằm trong chiến dịch trấn áp các nhóm tôn giáo không đăng ký ở tỉnh Đắk Lắk trong thời gian gần đây, đỉnh điểm là việc bắt giữ hai người của Hội thánh Tin Lành Đấng Christ là thầy truyền đạo Y Kreek Buonya vào đầu tháng tháng tư với cáo buộc "Phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc" và thầy truyền đạo Nay Y Blang vào giữa tháng 5 với cáo buộc "Lợi dụng quyền tự do dân chủ".
"Đây là tình hình căng thẳng nhất từ trước tới nay đối với Hội thánh Tin lành Đấng Christ cũng như Hội thánh Tin Lành Độc lập và các hội thành khác liên quan như Hội thánh Truyền giảng Phúc âm.
Họ muốn ngăn chặn hết những hội thánh độc lập cũng như Hội thánh Tin lành Đấng Christ".
Ông cho biết có thể ba người bị công an tra khảo về việc việc kết nối với tổ chức Người Thượng vì Công lý, tham gia vào các lớp học trực tuyến về luật Việt Nam và luật nhân quyền quốc tế cũng như cách đăng ký sinh hoạt tôn giáo.
Ở xã Ea Bhok, Hội thánh Tin lành tư gia độc lập chỉ có khoảng 30 tín đồ còn Hội thánh Truyền giảng Phúc âm có 10 tín đồ nhưng có kết nối với Tổng hội ở Sài Gòn, ông Y Quynh Buon Dap cho biết.
Hội thánh Tin lành tư gia độc lập nhiều lần nộp đơn lên chính quyền huyện Cư Kuin để đề nghị hướng dẫn đăng ký sinh hoạt nhưng chính quyền địa phương không trả lời, ông cho hay.
Trong cùng ngày, tổ chức Người Thượng vì Công lý ra tuyên cáo bày tỏ sự lo ngại về vi phạm nhân quyền đang gia tăng ở Tây Nguyên và kêu gọi cộng đồng quốc tế, các tổ chức nhân quyền theo dõi chặt tình hình đàn áp tự do tôn giáo ở khu vực này.
Theo Phúc trình về tự do tôn giáo 2022 mới công bố gần đây của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, trong bốn năm liên tiếp vừa qua, Việt Nam không công nhận nhóm tôn giáo mới nào cho dù có nhiều nhóm xin đăng ký hoạt động. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng kêu gọi Hà Nội cải thiện các chính sách đăng ký bằng cách làm cho thống nhất và minh bạch hơn.
Trước đó, vào cuối tháng 11/2022, Ngoại trưởng Anthony Blinken đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt vì đã tham gia hoặc dung túng cho những vi phạm nghiêm trọng về tự do tôn giáo.
Trong nhiều năm gần đây, Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) liên tục đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về vi phạm tự do tôn giáo (CPC).
*************************
Sơn La : Một phụ nữ H’mong chết trong tư thế treo cổ tại trụ sở Công an xã Mường Lạn
RFA, 31/06/2023
Bà Th.Th.A người H’mong, trú tại bản Khá, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, vào ngày 31/5 được phát hiện chết trong tư thế treo cổ tại phòng làm việc của Công an xã.
Bà Th.Th.A chết trong tư thế treo cổ tại trụ sở công an xã. (Ảnh : Mam Ua Siab Ncaim/Facebook)
Truyền thông Nhà nước dẫn xác nhận tin vừa nêu từ Chủ tịch UBND xã Mường Lạn- ông Lò Trọng Đại. Theo đó, vụ việc xảy ra lúc hơn 6 giờ sáng ngày 31/5. Khi viên chức xã đến trụ sở UBND xã làm việc thì phát hiện bà Th.Th.A. chết trong tư thế treo cổ tại phòng làm việc của Công an Xã Mường Lạn.
UBND xã còn thông báo thêm, vào tối ngày 30/5, Công an xã Mường Lạn phối hợp với Công an huyện Sốp Cộp vận động hai người nghi nghiện ma túy tại bản Khá để đưa đi cai nghiện bắt buộc. Một người được đưa đến Công an huyện Sốp Cộp ; còn bà Th.Th.A. (60 tuổi) được nói do "tuối cao- sức yếu" nên được giữ tại phòng làm việc của Công an xã Mường Lạn để kiểm tra, xét nghiệm có sử dụng ma túy hay không.
Theo tin từ truyền thông Nhà nước, đến sáng 31/5, Công an xã mở khóa tay cho bà A. đi rửa mặt ; sau đó khi Công an xã và những viên chức khác đến thì phát hiện bà này đã chết trong tư thế treo cổ bên cửa sổ phòng làm việc của Công an xã.
****************************
Người dân tử vong bất thường khi làm việc, công an trưng cầu giám định pháp y
Sơn Nguyên, Trithucvn, 28/05/2023
Sau khi bị bắt giữ, đưa về trụ sở làm việc về vụ trộm cắp dây điện, nam thanh niên 27 tuổi có biểu hiện mệt mỏi, được công an đưa đến trung tâm y tế huyện thăm khám, tử vong sau đó.
Ngày 27/5, Công an Bình Phước cho biết đã phối hợp Trung tâm pháp y Thành phố Hồ Chí Minh giám định nguyên nhân tử vong của anh N.T.D. (SN 1996, ngụ xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước).
Người nhà anh D. bày tỏ mong sớm tìm ra sự thật về cái chết của anh D, đăng kèm hình ảnh vợ con anh D. trong đám tang kèm hình ảnh thi thể anh D. khi được nhận về. (Ảnh chụp màn hình/Facebook)
Theo thông tin ban đầu, khoảng 1h sáng 25/5, Công an huyện Bù Đăng nhận tin báo xảy ra vụ mất dây điện ở xã Minh Hưng. Tại thị trấn Đức Phong, công an phát hiện 4 người đi trên 2 xe máy có biểu hiện nghi vấn nên tiến hành kiểm tra. Tuy nhiên, 2 xe máy tăng ga bỏ chạy về 2 hướng khác nhau.
Sau đó, hai người bị công an bắt cùng một số tang vật liên quan. Qua khai thác nhanh, 2 nghi can khai nhận nhóm 4 người (trong đó có anh N.T.D.) vừa lấy trộm dây điện, chạy trốn khi bị công an truy đuổi.
Đến 5h cùng ngày, Công an huyện Bù Đăng phát hiện anh D. ở một quán nước, nên đưa về trụ sở làm việc. Phía công an cho hay trong quá trình làm việc, anh D. mệt mỏi nên được công an đưa đến Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng thăm khám nhưng người này đã chết sau đó.
Về phía gia đình anh D., mẹ anh D. cho biết sáng ngày 24/5, anh D. đi làm như thường lệ và chiều về ăn cơm cùng gia đình. Sau khi ăn cơm xong, anh D. rời khỏi nhà, đến khuya không thấy về. Vợ anh D. gọi điện không thấy chồng trả lời nên mở định vị cài đặt qua iCloud của máy thì biết anh D. đang ở cơ quan Công an huyện Bù Đăng.
Vợ anh D. lên Công an huyện Bù Đăng hỏi thì không nhận được thông tin gì. Tiếp tục xác định lại định vị qua điện thoại, chị biết hiện anh D. đang ở Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng. Khi đến Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng, vợ anh D. nhận được tin chồng đã tử vong khoảng 8h sáng ngày 25/5.
Gia đình anh D. từ chối nhận thi thể, yêu cầu làm rõ nguyên nhân.
Công an tỉnh Bình Phước đã trưng cầu Trung tâm Pháp y Thành phố Hồ Chí Minh trực tiếp tham gia giám định, xác định nguyên nhân chết của anh D. Kết luận ban đầu, anh D. chết có dấu hiệu bị phù phổi. Kết quả này cũng được thông báo đến gia đình anh D.
Đến sáng ngày 26/5, gia đình anh D. nhận thi thể anh đưa về làm lễ an táng.
Gia đình anh D. cho biết Công an huyện Bù Đăng nói sẽ thông báo đến gia đình kết quả xác định nguyên nhân tử vong của anh D. sau 10 ngày nữa.
Hiện Công an tỉnh Bình Phước đang tiếp tục điều tra vụ việc.
Sơn Nguyên