Để hạn chế tình trạng người dân đổ nợ vì tín dụng đen, một số tổ chức tín dụng hợp pháp đã cố gắng đưa ra nhiều biện pháp để giúp người dân thoát bẫy nợ này, nhưng đến nay không đạt kết quả. Theo những người có liên quan việc vay, cho vay và cả những chuyên gia trong ngành tài chính, chính thủ tục rườm rà, cứng nhắc trong các văn bản cho vay đã "nuôi" mạng lưới tín dụng đen khắp nơi trong cả nước, dù nhiều đường dây bị xóa sổ.
Khách hàng giao dịch tại ngân hàng ACB. Ảnh minh họa. AFP
Theo tin từ truyền thông nhà nước, hàng chục nhóm tín dụng được nói cho vay với lãi suất từ 365%/năm đến 1.460%/năm, thậm chí mức lãi chồng lãi có thể lên đến hơn 2.000% /năm, đã bị triệt phá trong mấy năm gần đây. Trong đó có cả "ông trùm" Nguyễn Cao Thắng với qui mô hoạt động trên 63 tỉnh thành cả nước.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc xóa bỏ tín dụng đen là điều không thể dù chính phủ và các ngân hàng nhà nước Việt Nam đã rất cố gắng. Ông nói :
"Tín dụng đen lãi suất có thể lên đến hàng trăm phần trăm, hàng nghìn phần trăm mỗi năm nhưng người ta vẫn phải lao vào. Lý do là vì có những người không thể vay ngân hàng, hoặc không thể vay được ở những định chế tài chính chính thức. Họ phải vào tín dụng đen.
Cho dù Nhà nước muốn tìm cách triệt hạ tín dụng đen nhưng không thể triệt hạ được, tại vì luôn luôn có những người không thể vay ngân hàng mà lại cần gấp một số tiền để trang trải nhu cầu trong cuộc sống. Xóa bỏ tín dụng đen là vô phương.
Còn ở ngoài kia có rất nhiều tổ chức tội phạm có tiền, có nguồn tiền đến từ Trung Quốc. Thành ra họ sẵn sàng cho vay. Nhưng cho vay với lãi suất rất cao. Khi người vay tiền không trả được thì họ sẽ dùng mọi thủ đoạn, kể cả việc đe dọa, gọi điện thoại cho người vay và thân nhân của họ để khủng bố tinh thần, để đòi nợ.
Dĩ nhiên chính phủ có những quỹ tín dụng đại phương có thể cho vay với số tiền nhỏ. Thế nhưng các quỹ tín dụng đó cũng phải theo quy định của nhà nước, tức là người đi vay phải có tài sản bảo đảm, phải có thế chấp. Ngay cả những quỹ tín dụng nhân dân, quỹ tín dụng hỗ trợ người nghèo hay ngân hàng chính sách xã hội, là ngân hàng giúp người nghèo, thì người nghèo cũng không thể vay được".
Hiện các ngân hàng có nhiều hình thức cho vay như vay tín chấp, vay thế chấp, vay tiêu dùng, vay mua nhà, vay mua xe… nhưng tất cả các khoản vay đều yêu cầu người đi vay phải có mục đích vay rõ ràng ; phải chứng minh thu nhập ổn định theo mức quy định của ngân hàng ; phải có tài sản đảm bảo như nhà, xe, bất động sản, sổ bảo hiểm, thẻ tín dụng ; không vướng tranh chấp tài sản ở bất cứ đâu… Chưa kể thời gian xét duyệt, chấp thuận kéo dài chưa biết bao lâu.
Trong khi đó, với rất nhiều người dân lao động hiện nay, những điều kiện như phía ngân hàng đưa ra là quá "xa xỉ" với họ, trong khi nhu cầu cần tiền chữa bệnh, đóng tiền học, tiền thuê nhà là nhu cầu có thật và cấp bách. Họ không còn cách nào khác là phải nhờ vào tín dụng đen. Ông Hải, một người có nhiệm vụ thu tiền góp mỗi ngày ở chợ An Đông cho RFA hay :
"Vay ngân hàng thì thủ tục khó khăn. Với lại vay ở ngoài thì trốn được, vay ngân hàng đâu có trốn được. Ở ngoài lãi xấu quá thì mình "lặn" một thời gian rồi về trả nhỏ cho người ta được. Còn vay ngân hàng đâu có được. Vay tín dụng đen cũng phải có giấy tờ đàng hoàng. Nếu mình không trả họ cũng xiết này xiết kia nhưng sau này chính quyền không cho nữa. Làm vậy là nó bắt hết.
Khi vay tiền ở ngoài thì lợi một cái là thủ tục rất dễ, hại một cái là lãi suất rất là cao. Vay một triệu mỗi ngày trả 40 ngàn góp trong một tháng thành triệu hai. Gọi là bạc 12. Còn tiền đứng là một ngày đóng 10 ngàn, một triệu đó còn hoài chừng nào trả một triệu thì thôi, tính ra là tới bạc 13 lận. Vay ngân hàng phải có lúa, có sổ đỏ mới mượn gạo được. Vay ở ngoài cần uy tín, cần tiếng nói thôi".
Ông Hải nói thêm, nếu con nợ không chịu trả trong nhiều ngày thì bên ông sẽ có ‘biện pháp’ mà chính quyền không thể can thiệp.
Mới hôm 28/5/2023, Công an Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 9 bị can là lãnh đạo, trưởng và phó phòng của 3 công ty. Theo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, các công ty này núp bóng công ty dịch vụ cầm đồ, tư vấn tài chính để cho vay với lãi suất từ 153%/năm đến 1300%/năm và đã thu lợi bất chính hơn 4.000 tỷ đồng.
Ngoài các ngân hàng, các tổ chức tín dụng đen, từ năm 2015, tại Việt Nam xuất hiện hình thức cho vay trực tuyến ngang hàng. Đây là hình thức các doanh nghiệp thu hút tiền của nhà đầu tư, sau đó kết nối với bên cần vay tiền là người dân hay doanh nghiệp nhỏ, với cam kết lợi nhuận cao qua trang web hoặc nền tảng ứng dụng, giao dịch mà không qua ngân hàng. Tuy nhiên cũng có nhiều công ty công nghệ cũng chính là bên cho vay.
Hình thức này có ưu điểm là người đi vay tiền không cần qua định chế trung gian, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, đáp ứng nhu cầu vay tiền nóng mà không có tài sản thế chấp. Tuy vậy, trong một trả lời báo chí trong nước về vấn đề này, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, trong 40 công ty cho vay ngang hàng đang hoạt động ở Việt Nam thì có 10 công ty có nguồn gốc từ Trung Quốc, một số công ty trong số 40 doanh nghiệp này đã xuất hiện những hoạt động biến tướng, vi phạm pháp luật về ngân hàng và tín dụng.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, rất nhiều số điện thoại cho vay tiền, cho mượn tiền góp được dán trên các bức tường hay cột điện ở những khu dân cư, xóm lao động nghèo. Một người cho vay cho hay :
"Bên tôi cho vay nhưng góp trong ngày, tức là ngày nào cũng phải góp. Vay 10 triệu thì góp 600 ngàn một ngày cả lãi lẫn gốc trong 21 ngày thành 12 triệu 600 ngàn. Nếu không góp được vậy thì cho vay đứng. Nếu vay 20 triệu thì đóng mỗi ngày tiền lời là 400 ngàn. Khi nào có tiền thì trả một lúc tiền gốc 20 triệu. Cứ trả lãi đều đều ngày 400 ngàn thì vay 10 năm cũng được. Chỉ có tiền lời đóng được hay không thôi.
Nhưng nói thật, bên tôi phải giữ giấy tờ gì đáng giá 20 triệu thì mới làm được đứng. Nếu giấy tờ nhà ok mà vay năm, bảy chục triệu thì bên tôi có thể giảm lãi còn khoảng 18 thôi. Nếu cần gấp thì kể cả một, hai trăm triệu cũng được. Tôi xuống xem giấy tờ nhà mà ok thì viết giấy là góp tiền luôn. Cái này giải ngân nhanh lắm".
Theo người này, số người vay tiền không có giấy tờ thế chấp rất nhiều nên họ phải chịu mức lãi cao hơn, số tiền được vay nhỏ hơn nhưng họ vẫn chấp nhận. Nếu không trả thì người đi vay chỉ có nước "trốn biệt xứ".