Khơi dậy tinh thần yêu nước : Hô hào và thực tế !
RFA, 16/06/2023
Tại Hội nghị đánh giá việc đẩy mạnh ‘học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh’ do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức vừa diễn ra hôm đầu tuần. Tại đây, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng Việt Nam đã khơi dậy tinh thần cống hiến, phụng sự đất nước trong mọi tầng lớp xã hội.
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội hôm 30/4/2023. AFP Photo.
"Chủ nghĩa yêu nước" quá xa vời
Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già từ Sài Gòn hôm 16/6 cho rằng, khơi dậy tinh thần cống hiến, phụng sự đất nước chính là chủ nghĩa yêu nước :
"Bây giờ ban Tuyên giáo Trung ương phải diễn giải dài dòng như vậy bởi vì gọi tên yêu nước thì có vẻ hơi sống sượng và khó thuyết phục với hiện trạng cả về đối ngoại lẫn đối nội. Về đối ngoại, đặc biệt là chiến sự giữa Nga và Ukraine thì Việt Nam vẫn chọn thái độ đu dây như bao năm qua, chính vì vậy khó tạo được sự đồng lòng trong dân chúng suốt từ hơn một năm qua".
Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, không có sự đồng lòng trong dân chúng thì khó tìm được sự thống nhất nhân tâm. Mà muốn chủ nghĩa yêu nước thành công thì phải có sự thống nhất nhân tâm. Qua đó, nhà báo Nguyễn Ngọc Già nói thêm về chính sách đối nội của chính quyền Việt Nam :
"Những cuộc biểu tình chống Trung Quốc trước đây đều đã bị dập tắt hoàn toàn và tiếp theo đó là đàn áp bắt bớ đối với giới bất đồng chính kiến. Xã hội dân sự nói chung không có một cơ may nào để tồn tại trong chế độ độc đảng, đó là điều chắc chắn. Khi không có được tự do về xã hội dân sự thì người ta cũng không thể nào đoàn kết, mà chủ nghĩa yêu nước là rất cần sự đoàn kết, đồng lòng của người dân".
Ông Già cho rằng, chủ nghĩa yêu nước đặt ra trong hiện trạng hiện nay sẽ không có hiệu quả, bởi vì, nhà cầm quyền Việt Nam phải dám nhìn vào sự thật một cách rõ rang, nhất là trong sự việc vừa diễn ra tại tỉnh Đắk Lắk. Ông Già nói tiếp :
"Quảng đại quần chúng hiện nay chia làm hai luồng dư luận, một bên gọi nhóm người này là khủng bố và lên án. Một bên thì trình bày đó là sự xung đột sắc tộc và những uất ức mà người Thượng đã phải chịu đựng suốt hàng chục năm qua với sự cai trị hà khắc. Ở đây cho thấy rõ là lòng dân bị chia rẽ trầm trọng. Bên cạnh vấn đề về an ninh trật tự thì về an sinh xã hội hiện nay người dân rất khổ, thất nghiệp, bệnh hoạn, kinh tế tiêu điều Muốn yêu nước, muốn phụng sự đất nước, muốn cống hiến thì người ta phải mạnh khỏe và ấm no".
Do đó ông Già cho rằng, có thể là quá muộn, nhưng ở cấp cao nhất của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam nên suy nghĩ thấu đáo và nhìn nhận nghiêm túc để làm sao vực dậy sức sống của người dân, rồi hãy nói đến phụng sự đất nước.
Khát vọng của tuổi trẻ
Một bạn trẻ tên Q. ở miền Trung (không muốn nêu tên đầy đủ vì lý do an ninh), khi trả lời RFA liên quan vấn đề này cho biết ý kiến của mình :
"Họ kêu gọi khơi dậy tinh thần yêu nước theo em nghĩ là về kinh tế, văn hóa, giáo dục nhưng cốt lõi là họ vẫn giữ độc tôn về lĩnh vực chính trị. Tức là giới trẻ có khát vọng đi làm xây dựng kinh tế, còn riêng về chính trị thì vẫn độc quyền họ làm thôi. Ví dụ đối với giới trẻ mà không quan tâm chính trị, không ý thức được quyền làm chủ của mình thì mấy bạn sẽ theo hướng tích cực. Còn theo riêng em thì khát vọng Việt Nam duy nhất vẫn là khát vọng quyền làm chủ của nhân dân. Từ xưa đến giờ quyền làm chủ của người dân chưa được hiện thực lúc nào, người Việt Nam chưa được làm chủ về đất đai, chưa làm chủ về pháp luật, chính quyền hay không có quyền phế truất chính phủ khi hoạt động không hiệu quả. Tức những quyền cơ bản nhất của nhân dân vẫn chưa được hiện thực".
Vào năm 2021, lần đầu tiên khát vọng Việt Nam được đưa vào văn kiện Đại hội Đảng có nội dung : "Cần phải khơi dậy và nuôi dưỡng khát vọng, tạo thành sức mạnh tinh thần cho đất nước bứt phá vươn lên, sức mạnh đó không kém gì sức mạnh của cải vật chất".
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, trả lời RFA từ Hà Nội khi đó, cho rằng :
"Khi xây dựng một quốc gia, những khát vọng như thế, là có thể rất là quan trọng. Nếu hiểu một quốc gia gồm có lãnh thổ, dân cư, có chính quyền, rồi có những dự án quốc gia thì những dự án này có thể là xây dựng những cái có thể sờ mó được như tượng đài, đường giao thông Nhưng về mặt tinh thần, ở tầng văn hóa, thì những việc nêu lên khát vọng thật sự là sự thao túng tư duy của con người".
Báo cáo nghiên cứu thế hệ trẻ Việt Nam được Hội đồng Anh công bố tháng 8 năm 2020 cho thấy có đến 70% người Việt Nam trong độ tuổi từ 16 đến 30 cho biết an ninh lương thực và ổn định nghề nghiệp là mối quan tâm hàng đầu của họ. Trong khi đó các vấn đề thời sự trong nước dường như không gây được nhiều hứng thú trong giới trẻ. Chỉ 26% tỏ ra quan tâm đến công cuộc chống tham nhũng đang diễn ra, vốn là chủ đề nóng ở Việt Nam trong những năm gần đây. Cuộc khảo sát cũng cho thấy tỷ lệ thanh niên quan tâm đến hòa bình, công lý và các thể chế vững mạnh chỉ là 14%.
Nguồn : RFA, 16/06/2023
*************************
Báo cáo Buôn người 2023 : Việt Nam lên hạng nhưng vẫn thuộc danh sách theo dõi
RFA, 16/06/2023
Báo cáo Buôn người 2023 (2023 Trafficking in Persons Report), vừa được công bố ngày 15/6 tại trụ sở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cho biết Việt Nam vẫn chưa đáp ứng đủ các yêu cầu tối thiểu trong công cuộc bài trừ nạn buôn người, dù Chính phủ đã có những nỗ lực đáng kể. Những nỗ lực này bao gồm : bắt đầu nhiều cuộc điều tra hơn, truy tố và kết án nhiều tội phạm buôn người hơn, tăng cường hợp tác thực thi pháp luật quốc tế, khởi xướng thủ tục tố tụng hình sự đối với các quan chức bị cáo buộc đồng lõa, xác định và hỗ trợ nhiều nạn nhân hơn, và thực hiện các biện pháp bảo vệ cho người lao động ở nước ngoài.
AFP
Do vậy, so với báo cáo năm 2022, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc, Campuchia và Myanmar từ hạng ba (tức hạng cuối) lên hạng hai. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách theo dõi.
Tăng cường điều tra nhưng dữ liệu không đạt tiêu chuẩn quốc tế, xử phạt chưa triệt để
Theo báo cáo, Chính phủ Việt Nam đã điều tra 247 nghi phạm buôn người trong 90 vụ án vào năm 2022, tăng gần 100 người so với 149 nghi phạm buôn người trong 77 vụ án vào năm 2021. Trong số 90 vụ được điều tra, có 49 vụ liên quan đến mua bán người xuyên quốc gia sang Trung Quốc và Campuchia.
Không như năm trước đó, Chính phủ Việt Nam năm 2022 không cung cấp dữ liệu phân tách buôn bán mại dâm hay buôn bán lao động, một số dữ liệu không xác định hình thức buôn người, và một số còn tồn đọng từ năm trước. Chính quyền không cung cấp đủ thông tin để xác định xem các hình thức buôn người không xác định có đáp ứng định nghĩa của luật pháp quốc tế về buôn người hay không.
Vào tháng 6/2022, Chính phủ đã triệu hồi một tùy viên lao động và một nhân viên khác từ Saudi Arabia bị cáo buộc đã trực tiếp tạo điều kiện khiến một số công dân Việt Nam bị cưỡng bức lao động ở Saudi Arabia. Vào tháng 1/2023, Chính phủ thông báo đã khởi xướng các thủ tục hình sự đối với hai quan chức này.
Mặc dù các cơ quan chức năng đã áp dụng hình phạt hành chính đối với một số đơn vị liên quan đến việc tuyển dụng hoặc vận chuyển các nạn nhân đến Saudi Arabia, họ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Một số đồng phạm bị cáo buộc này đã trở về Việt Nam hoặc đi du lịch ở nơi khác, và ít nhất một người được cho là vẫn tiếp tục các hoạt động tuyển dụng mà không bị trừng phạt.
Tăng cường bảo vệ nạn nhân nhưng quá trình xác định còn rườm rà, thiếu hệ thống
Theo báo cáo, Chính phủ Việt Nam năm 2022 đã xác định được 255 nạn nhân – 102 nữ, 153 nam, và trong số đó 74 nạn nhân là trẻ em – so với 126 nạn nhân năm 2021 – 114 nữ, 12 nam, trong số đó 45 là trẻ em. Trong số 255 nạn nhân, 195 nạn nhân bị cưỡng bức lao động và 14 nạn nhân bị bóc lột tình dục. Những người còn lại là nạn nhân buôn người không được phân loại, trong những năm trước đó có tính "kết hôn bất hợp pháp" và "nhận nuôi bất hợp pháp" không với mục đích bóc lột, cả hai hình thức này đều không phù hợp với định nghĩa của luật pháp quốc tế về buôn người.
Quá trình xác định nạn nhân vẫn còn quá rườm rà và phức tạp, cần có sự chấp thuận của nhiều bộ, ngành trước khi nạn nhân có thể chính thức được xác định và hỗ trợ.
Mặc dù đã tiến hành hơn 32.000 cuộc kiểm tra các cơ sở bị tình nghi buôn bán mại dâm, chính quyền lại chỉ xác định được hai nạn nhân bị bóc lột tình dục. Do không có một quy trình có hệ thống để xác định nạn nhân trong các cuộc kiểm tra này, các cơ quan chức năng có thể đã xử phạt một số nạn nhân buôn người tiềm ẩn vì những hành vi trái pháp luật họ bị ép làm trong lúc đang bị buôn bán.
Các nhà quan sát trong báo cáo cho biết nhiều nạn nhân buôn người không hiểu đầy đủ về quyền lợi của họ và cách tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, cản trở việc xác định kịp thời và hỗ trợ pháp lý, cũng như các dịch vụ bảo vệ nạn nhân khác.
Tăng cường công tác phòng chống buôn người, bảo vệ lao động nước ngoài
Năm 2022, Chính phủ Việt Nam đã phân bổ 14,5 tỷ đồng cho các nỗ lực phòng chống buôn người, so với mức phân bổ 17 tỷ đồng trong ngân sách năm 2021. Chính phủ không công khai bất kỳ thông tin nào về các nỗ lực nói trên. Các chính quyền cấp địa phương đã hợp tác với các tổ chức phi chính phủ để tổ chức các chiến dịch nâng cao nhận thức của trẻ em đang đi học về nạn buôn người.
Từ tháng 1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 69, bãi bỏ phí môi giới cho người lao động ở nước ngoài, từ lâu được cho là nguyên nhân khiến các lao động Việt Nam có nguy cơ cao bị cưỡng bức do áp lực phải làm việc để trả khoản nợ đã vay để đóng phí.
Vào tháng 12/2022, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an thu thập dữ liệu về nạn buôn người từ 20 cơ quan Chính phủ, bộ, ngành hàng quý và báo cáo hai lần một năm. Các nhà quan sát trong báo cáo nhận thấy rằng Chính phủ thiếu hướng dẫn cụ thể, thời hạn và thông số cho quá trình thu thập.
Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam còn đào tạo bắt buộc các nhân viên ngoại giao về quy định, chính sách và luật chống buôn người.
Khuyến nghị từ phía Hoa Kỳ
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra các khuyến nghị sau cho Chính phủ Việt Nam :
- Phối hợp với các tổ chức phi chính phủ và xã hội dân sự để sửa đổi luật chống buôn người, bao gồm việc hình sự hóa hoàn toàn hành vi buôn bán mại dâm các nạn nhân 16 và 17 tuổi để phù hợp với luật pháp quốc tế.
- Nghiêm khắc truy tố tất cả các hình thức buôn người, trừng phạt những kẻ buôn người, kể cả trong các trường hợp liên quan đến các quan chức bị cáo buộc đồng lõa.
- Phối hợp với các xã hội dân sự để đào tạo cán bộ xác định nạn nhân, tăng cường phối hợp liên ngành để xác định và hỗ trợ nạn nhân trong các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm lao động nước ngoài ; các nạn nhân buôn bán mại dâm ; lao động trẻ em ; và các nạn nhân của các hoạt động lừa đảo trên mạng.
- Loại bỏ tất cả các khoản phí tuyển dụng người lao động phải trả và các hoạt động tuyển dụng mang tính trục lợi đối với người lao động di cư ra nước ngoài hoặc lao động nước ngoài đến Việt Nam ; tăng cường nỗ lực giám sát các công ty tuyển dụng lao động, công ty môi giới, và các biện pháp bảo vệ được nêu trong hợp đồng lao động nước ngoài.
- Mở rộng đào tạo cho nhân viên công tác xã hội, nhân viên cứu hộ, các nhà ngoại giao, và cơ quan tư pháp về việc chăm sóc tâm lý nạn nhân, và các phương pháp làm việc khác đặt nạn nhân lên đầu.
Báo cáo Buôn người 2023 xác định các nước hạng hai nằm trong danh sách theo dõi là các nước chưa đáp ứng đủ các yêu cầu tối thiểu để chống lại nạn buôn người, đang nỗ lực để đạt các yêu cầu này nhưng không thể cung cấp bằng chứng về nỗ lực đã tăng cường so với năm trước đó.
Nguồn : RFA, 16/06/2023