Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

19/07/2023

Quan hệ Vatican - Hà Nội đạt bước tiến mới

RFA tiếng Việt

Quan hệ Vatican - Hà Nội đạt bước tiến mới tác động thế nào đến Công giáo Việt Nam ?

Chính quyền Hà Nội đồng ý cho Tòa thánh cử một đại diện thường trú tại Việt Nam. Động thái này được cho là một bước tiến quan trọng trong mối quan hệ ngoại giao hai bên. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn lo ngại rằng các giáo sĩ lên tiếng cho các vấn đề xã hội sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn.

suthan1

Tổng Giám mục Marek Zalewski, Sứ thần Tòa Thánh Vatican tại Singapore, Đặc phái viên không thường trú của Tòa Thánh ở Việt Nam, và các thành viên Đoàn chụp ảnh lưu niệm cùng Ban lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn (21/10/2019)

Bước tiến mang lại lợi ích cho việc hành đạo

o chí trong nước loan tin, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân sẽ thăm chính thức Áo, thăm cấp Nhà nước Italia và thăm Tòa thánh Vatican từ ngày 23-28/7.

Theo Reuters, hai bên đã đạt được thỏa thuận về việc Hà Nội cho phép Tòa thánh cử một đại diện thường trú tại Việt Nam và sẽ được công bố nhân chuyến thăm này.

Reuters dẫn lời một vị chức sắc cấp cao của Hội thánh Công giáo Hoàn vũ cho biết Vatican hy vọng thỏa thuận như vừa nêu sẽ là một bước ngoặt trong quan hệ giữa hai phía. Đề nghị Hà Nội cho phép một vị đại diện thường trú của Giáo hoàng tại Việt Nam đã được Vatican đưa ra hơn chục năm qua, và vào năm ngoái, cả hai phía đạt được một thỏa thuận trên nguyên tắc đối với đề nghị này.

Giám mục Nguyễn Thái Hợp, từng là giám mục chính tòa tiên khởi của Giáo phận Hà Tĩnh, bình luận rằng, nếu có một vị đại diện thường trú của Tòa thánh ở Việt Nam sẽ khiến các hoạt động Công giáo ở Việt Nam diễn ra một cách bình thường hơn :

"Dĩ nhiên khi có một vị thường trú thì những công tác của ngài ở Việt Nam về vấn đề tôn giáo, vấn đề ngoại giao sẽ dễ dàng hơn. Trước đây, mỗi năm ngài chỉ được vào đây mấy lần theo quy kết của Bộ Ngoại giao cũng như của Nhà nước Việt Nam.

Còn bây giờ ngài có quyền thường trú ở đây thì công việc ngoại giao, vấn đề đi thăm viếng các giáo phận, sinh hoạt tôn giáo sẽ được bình thường hơn. Đáng lẽ ra là phải như vậy. 

Từ trước đến nay chưa đạt được mức đó thì hi vọng rằng đời sống cũng như sinh hoạt và tương giao giữa Hội đồng Giám mục với Tòa thánh cũng như tương giao giữa Tòa thánh và Nhà nước Việt Nam sẽ bình thường hơn và dễ dàng hơn. Đó là trên lý thuyết thì nói như vậy".

suthan2

Ngày 13/01/2011, Giáo hoàng Benoit XVI đã bổ nhiệm Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore, làm Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam.

Linh mục Đinh Hữu Thoại, từ trong nước bình luận với RFA rằng trong nhiều năm qua, Việt Nam và Vatican đã cử nhiều nhóm làm việc qua lại định kỳ. Việc chính quyền Hà Nội đồng ý cho một vị đại diện thường trực của Tòa thánh ở Việt Nam là kết quả tất yếu của quá trình thúc đẩy quan hệ giữa hai phía. 

Trả lời câu hỏi rằng sự hiện diện của vị đại diện thường trực của Tòa thánh có lợi gì đối với sinh hoạt Công giáo tại Việt Nam, linh mục Đinh Hữu Thoại cho biết :

"Nó thuộc vào sự làm việc của vị đại diện thường trú đó. Về nguyên tắc thì việc có vị đại diện thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam có thể mang đến một số thay đổi, tác động trong quan hệ giữa hai bên. Ví dụ như quan hệ ngoại giao được tăng cường có một vị thường trú thì có thể nắm vững tình hình của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam. Thứ hai là vị đại diện Tòa thánh thường trú có nhiệm vụ thúc đẩy quyền tự do tôn giáo mạnh hơn nữa".

Ông B, một tín đồ Công giáo đang ở Thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra một số lợi ích có thể xảy ra khi có một vị đại diện Tòa thánh ở Việt Nam :

"Tôi nghĩ rằng các nghi lễ cử hành trong Công giáo sẽ được thoải mái hơn, rộng rãi hơn. Các dịp lễ lớn của Công giáo như Giáng sinh hay lễ Phục sinh thì có thể được tự do làm rầm rộ hơn trước đây. 

Thậm chí là chính quyền sẽ cho phép báo chí đưa tin tích cực về những sinh hoạt Công giáo ở Việt Nam nhưng các linh mục mang hơi hướng lên tiếng về các vấn đề xã hội thì sẽ bị hạn chế…".

Lo ngại

Ông B, đánh giá các hoạt động nghi lễ Công giáo ở Việt Nam, đặc biệt là các thành phố lớn điễn ra khá thoải mái, miễn là đừng dính dáng đến các yếu tố chính trị :

"Ví dụ như trước đây có một số thánh lễ cầu cho Công Lý và Hòa Bình, cầu nguyện cho các tù nhân lương tâm… thì chính quyên sẽ tìm cách cản trở, dẹp bỏ.

Hoặc trong các buổi thánh lễ, linh mục có thể nêu các vấn đề xã hội, ví dụ như hiện tại là đang xét xử vụ chuyến bay giải cứu chẳng hạn, thì chính quyền cũng không thích điều đó".

Theo linh mục Đinh Hữu Thoại, hoạt động Công giáo xưa nay ở Việt Nam vẫn thường xuyên bị cản trở, tình hình tự do tôn giáo nói chung không có gì tiến triển, thậm chí Luật tôn giáo tín ngưỡng năm 2016 là một bước lùi của tự do tôn giáo tại Việt Nam :

"Luôn luôn gặp khó khăn trong vấn đề sinh hoạt tôn giáo. Vừa rồi cũng xảy ra nhiều vụ, họ xúc phạm đến thánh lễ của người Công giáo ngay cả khi có mặt của Đức tổng giám mục Hà Nội chủ sự thánh lễ mà họ còn tấn công vào thánh lễ…".

Hãng thông tấn Công giáo độc lập UCA chuyên đưa tin về giáo hội Công giáo tại Châu Á, cho biết Chính phủ Hà Nội đưa ra nhiều hạn chế đối với hoạt động của Hội thánh Công giáo ; như quy định về số giáo xứ…

Thỏa hiệp với chính quyền Việt Nam ?

suthan3

Giáo hoàng Francis tiếp Phó thủ tướng Việt Nam Trương Hòa Bình tại Vatican năm 2018. Ảnh : Reuters

Từ năm 2009, hai bên thành lậNhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican để gặp gỡ bàn về vấn đề liên quan giáo hội Công giáo tại Việt Nam và mối quan hệ song phương hai phía.

Việc cho phép một đại diện thường trú của Giáo hoàng La Mã tại Việt Nam được cho là một bước tiến có thể đưa đến việc thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa hai phía.

Ông B. nhận định rằng chính việc tăng cường mối quan hệ hai bên sẽ khiến lãnh đạo cấp cao của Công giáo Việt Nam bị quản lý chặt hơn.

Nghĩa là, theo ông, đã là quan hệ ngoại giao thì phải "có qua có lại". Và một trong những điều kiện tiên quyết mà chính quyền Hà Nội đặt ra để thúc đẩy mối quan hệ là "không suy cử các chức sắc công khai không nghe theo chính quyền" :

"Trước đây, mối quan hệ giữa Việt Nam và Vatican dường như là song song và không có sự ràng buộc. Bởi vậy những giám mục trước đây chỉ trung thành với giáo lý, với Thiên Chưa mà thôi.

Còn bây giờ, mình không dám nói xấu các giám mục, nhưng mà tôi nghĩ rằng muốn lên làm giám mục chắc chắn cũng có sự nhún nhường hoặc đối thoại với chính quyền.

Những linh mục, giám mục lên tiếng trước các vấn đề xã hội chính trị thì cũng không tới mức độ bị "treo chén", nhưng họ sẽ không được giao cho các trọng trách quan trọng trong giáo hội nữa".

Bình luận về quan điểm này của ông B., linh mục Đinh Hữu Thoại cho biết :

"Cũng không hẳn. Bởi vì những linh mục lên tiếng dấn thân nếu không vi phạm giáo luật thì cũng không thể bị xử lý được.

Các linh mục, tu sĩ chỉ bị bề trên chế tài, xử lý khi vi phạm giáo luật mà thôi, chứ còn lên tiếng là sứ mạng ngôn sứ của một người Kitô hữu chứ chưa nói tới một người linh mục.

Mình lên tiếng đúng, sống đúng với vai trò ngôn sứ thì không ai có thể, nhất là trong giáo hội, ngăn cản chuyện đó".

Nguồn : RFA, 19/07/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 245 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)