Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

26/07/2023

Sao chưa thấy Nhà nước chiếu cố tới Tiền công đức của các đền chùa ?

VNTB - RFA

Biển thủ ‘tiền công đức’ : chưa có vụ án nào ở Việt Nam

Phạm Lê Đoan, VNTB, 26/07/2023

‘Vụ trộm’ xảy ra tháng 12/2013 khi ban quản lý đền Hoàng Mười tổ chức đếm tiền công đức cuối năm.

congduc1

Biển thủ ‘tiền công đức’ ở Việt Nam vẫn dừng ở mức nghi vấn, dù đã từng có vụ việc cụ thể xảy ra.

Do tiền công đức ở đây khá lớn nên UBND xã Hưng Thịnh cử thêm một số cán bộ tài chính, thủ quỹ phối hợp với Ban quản lý để đếm tiền. Trong lúc mọi người đang đếm tiền, ông Nguyễn Đình Tường, phó ban quản lý phát hiện ông Dương Ngọc Hải (cán bộ ban tài chính xã) giấu một gói tiền trong người đem đến vùi dưới chăn trên một chiếc giường trong phòng đếm tiền.

Ngay sau khi ông Tường phản ánh, ban quản lý lập biên bản và tiến hành kiểm tra. Tổng số tiền trong gói tiền bị trộm là 20 triệu đồng. Ban quản lý tổ chức kiểm điểm, ông Hải thú nhận "đã bàn với một số anh em cất số tiền này để tết uống rượu". Sau đó ông Hải bị UBND xã kiểm điểm tiếp và đình chỉ việc đếm tiền thường niên ở đền Hoàng Mười.

Trước đó, tháng 6/2013, sau vụ ban quản lý cũ thuê xe chở bảy bao tiền công đức đi thuê doanh nghiệp Trung Long ở thành phố Vinh đếm bị phát hiện, UBND xã Hưng Thịnh giải tán ban quản lý cũ, thành lập ban quản lý mới. Hai hòm công đức cũng được thay bằng két sắt.

Bắt đầu từ năm 2014, đền ông Hoàng Mười tại xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, đã thay ban quản lý mới, trung bình mỗi năm nộp ngân sách 11 tỷ đồng. Trong khi đó, từ năm 2002 – 2013, tổng số tiền ngân sách đền ông Hoàng Mười nộp là 1,5 tỷ. Số tiền nộp mỗi năm chênh lệch hàng trăm lần khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của ban quản lý cũ, cũng như việc quản lý tiền công đức.

Phía ban quản lý cũ đưa ra lời giải thích : bảy bao tiền nêu trên không phải tiền công đức, mà gọi là tiền hành sai, tức tiền của người đi lễ để trên bàn thờ hoặc trên các con thú quý trong đền. Số tiền này dùng để chi tiền công cho người lau tro, quét bụi, thay nước… và trả công cho anh em trong ban quản lý vì 5% trong tổng tiền công đức không đủ.

Mười năm trước, tháng 6/2013, ông Đào Minh Tú, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết chỉ tính ở dịp lễ đầu năm, một ngôi chùa nhỏ trong khuôn viên chùa Hương đã thu được 6 tỷ đồng tiền lẻ. Với số tiền khổng lồ đó, nhà chùa không có khả năng kiểm đếm, buộc phải nhờ đến một chi nhánh ngân hàng ở địa phương đếm suốt một ngày mới xong.

Chuyện nhà chùa, nhà đền phải nhờ đến ngân hàng hay các công ty kiểm đếm tiền lẻ như vụ việc ở đền Hoàng Mười lúc đó không còn là chuyện lạ.

Như lời kể của ông Đào Minh Tú, chùa Hương (Hà Nội) dịp lễ đầu năm, người nhà chùa cứ cách giờ lại phải mang bao tải đi thu nhặt tiền lẻ được đặt trên các mâm cúng, voi chầu, bệ thờ… Hay suối Giải Oan (Yên Tử, Quảng Ninh), giếng Ngọc (đền Hùng, Phú Thọ)… đều lâm vào tình cảnh bị tắc nghẽn vì tiền lẻ. Đến nỗi nhiều năm nay, ban quản lý di tích đền Hùng đã phải làm một tấm lưới chặn tránh việc tiền lẻ rơi xuống giếng nước.

Rồi kể từ khi đền Trần (Nam Định) phục hồi nghi lễ rước kiệu ấn quanh hồ thì quan khách cũng có thói quen mới là ném tiền lẻ vào kiệu ấn lấy may. Cứ đến giờ kiệu ấn đi qua, hàng trăm khách mời có thẻ – chủ yếu là quan chức và người nhà – chen lấn để ném tiền. Thậm chí lực lượng an ninh bảo vệ cũng sẵn sàng giúp đỡ bằng cách tập hợp tiền lại rồi vò thành nắm lớn ném vào kiệu ấn.

Tại chùa Bái Đính (Ninh Bình), khách hành hương không chỉ nhét tiền lẻ vào tay, vào nếp áo mà còn nhét vào tai tượng Phật. Bất cứ chỗ nào có thể nhét tiền đều được tận dụng tối đa. Ngay tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) cũng phải chứng kiến cảnh du khách rải tiền lẻ cầu may trắng cả mái nhà Thái học.

Mười năm trước, tiền giọt dầu đặt trên các đĩa ở bệ thờ, nhét vào các địa điểm được coi là linh thiêng trong các chùa ở miền Bắc dù chỉ có mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng, ít khi vượt quá 5.000 đồng nhưng khi "tập kết" lại không hề là con số nhỏ. Và số bạc này ở năm 2023, chắc rằng con số còn gấp bội, khi mệnh giá thấp nhất hiện nay cho tiền giọt dầu là 2.000 đồng.

Không xảy ra chuyện biển thủ nào những khoản tiền trên, gần như là điều… không tưởng, bởi, quan sát các đại án tham nhũng đã, đang bị bóc gỡ cho thấy các đối tượng đã lợi dụng triệt để kẽ hở luật pháp để trục lợi.

Điều này dễ dàng nhận thấy qua vụ án kit-test Việt Á hoặc hàng loạt vụ giao đất trái luật, gây thất thoát tài sản công ở nhiều tỉnh, thành. Ngay cả khi pháp luật hình sự, tố tụng đã quy định kín kẽ nhưng cơ chế giám sát quyền lực đối với người thực thi pháp luật không chặt thì cũng bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.

Vụ án "chuyến bay giải cứu" đang xét xử, dù còn nhiều ẩn khuất, vẫn cho thấy quá rõ điều này.

Phạm Lê Đoan

Nguồn : VNTB, 26/07/2023

***************************

Rửa tiền và tham nhũng qua… thùng công đức ?

Ngọc Lan, VNTB, 25/07/2023

"Việc kiểm tra tổng thể vấn đề quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử – văn hóa, đình, chùa trên toàn quốc thực sự cần thiết, là dịp để tổng hợp, đánh giá đầy đủ hơn về hoạt động này" – Bộ Tài chính nêu quan điểm trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ.

congduc2

Liệu có thể rửa tiền qua phương thức ‘tiền công đức’ ở một số chùa chiền được xây dựng từ ‘tài trợ’ của cá nhân nào đó ?

Minh bạch tiền công đức

Đề xuất này xuất phát từ kết quả đợt kiểm tra tiền công đức tại các di tích, đình, chùa ở tỉnh Quảng Ninh do Bộ Tài chính tiến hành, vừa xong và báo cáo Thủ tướng.

Sau đợt kiểm tra với Quảng Ninh, Bộ Tài chính cho rằng đến nay chưa có báo cáo đánh giá tổng thể về hoạt động này trên phạm vi cả nước mà mới chỉ dừng ở phạm vi di tích, theo cách làm riêng của mỗi địa phương.

Nhà chức trách cho biết cả nước có 54.000 di tích các loại/hạng. Tại các di tích này, mỗi năm tổ chức khoảng 9.000 loại lễ hội ; trong đó có khoảng 7.000 lễ hội truyền thống, gần 1.400 lễ hội tôn giáo và hơn 400 lễ hội lịch sử, cách mạng. Tiền công đức vận động từ tín đồ, đạo hữu trong, ngoài nước và do bá tánh phát tâm cúng dường rất lớn nhưng lâu nay nguồn thu này không được kiểm toán, hầu như không bị buộc phải công khai, minh bạch.

Để giải quyết khoảng trống pháp lý đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, có hiệu lực thi hành từ ngày 19/3/2023. Theo văn bản pháp luật này thì tất cả các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, dù nằm trong phạm vi địa bàn di tích được xếp hạng, được kiểm kê hay không, Nhà nước cũng không quản lý tiền công đức, mà người đại diện cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo tự quyết, tự chịu trách nhiệm.

Dường như đang có ít nhất hai lo ngại từ phía quản lý: tham nhũng tiền công đức, và rửa tiền vì hiện tại các chùa do doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư kiểu "dự án tâm linh" đang phát triển theo hướng kinh doanh "bất động sản tâm linh" – chùa Ba Vàng, chùa Bái Đính ở miền Bắc là những đơn cử.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có tổng số 450 di tích lịch sử – văn hóa, trong đó có 5 di tích quốc gia đặc biệt, 47 di tích cấp quốc gia, 70 di tích cấp tỉnh và 328 di tích đưa vào danh mục kiểm kê của địa phương.

Về thu, chi tiền công đức, tài trợ tại các di tích, năm 2022, tổng số thu là 70,8 tỷ đồng, không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng.

Theo đánh giá của các chủ thể được giao quản lý di tích, năm 2022 là năm thứ ba liên tiếp chịu tác động của đại dịch Covid-19, số thu tiền công đức, tài trợ cả năm 2022 chỉ bằng khoảng 40% đến 60% số thu công đức, tài trợ năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch. Tổng số chi năm 2022 là 54,4 tỷ đồng.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, tổng số thu là 61 tỷ đồng (không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng), gần bằng số thu cả năm 2022. Tổng số chi là 29,4 tỷ đồng.

Chùa Ba Vàng : oan Thị Kính hay còn gì khác ?

Khi tin tức về các số liệu trên được công khai trên báo chí, đặc biệt là trong báo cáo có phần nhận xét rằng, "còn trên 50 di tích tại địa phương không có số liệu báo cáo tiền công đức, trong đó có chùa Ba Vàng (ở Uông Bí) thuộc di tích cấp tỉnh, được đánh giá có số thu công đức tốt", thì lập tức chùa Ba Vàng đã phát đi thông cáo cho rằng việc "báo chí đưa tin chùa Ba Vàng không báo cáo thu chi tiền công đức là hoàn toàn sai sự thật, gây tổn hại đặc biệt nghiêm trọng đến uy tín của chùa Ba Vàng nói riêng và Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung".

Sáng sớm ngày 24/7/2023, tiếp tục có "Thông cáo số 2 : Chùa Ba Vàng tiếp tục khẳng định việc báo chí đưa tin "chùa Ba Vàng không báo cáo tiền công đức" là thông tin sai sự thật", trong đó có đoạn :

"Giả sử chùa Ba Vàng đã được giao – nhận "văn bản" đó nhưng không báo cáo thì tại sao UBND Thành phố Uông Bí không nhắc nhở, đôn đốc chùa Ba Vàng thực hiện ? Cho đến nay, chùa Ba Vàng không hề được UBND Thành phố Uông Bí nhắc nhở, đôn đốc thực hiện văn bản nào liên quan đến báo cáo thu chi tiền công đức. Giả sử tại thời điểm này, nếu cái gọi là "văn bản" đó được công bố thì cũng là văn bản lần đầu tiên chùa Ba Vàng nhìn thấy và không phải chịu trách nhiệm vì chưa từng biết đến sự tồn tại của nó.

Vì vậy, chùa Ba Vàng tiếp tục khẳng định việc báo chí đưa tin "chùa Ba Vàng không báo cáo tiền công đức" là thông tin hoàn toàn sai sự thật, xuyên tạc, gây hiểu nhầm chùa Ba Vàng không chấp hành pháp luật, làm mất uy tín của chùa Ba Vàng nói riêng và Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung. Theo quy định tại khoản 4 Điều 40 Luật Báo chí năm 2016, "Cơ quan báo chí, người phỏng vấn và người trả lời phỏng vấn phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đăng, phát trên báo chí".

Hồ sơ vụ việc hiện có ở nhiều tòa soạn cho thấy, ngày 23/5/2023, UBND thành phố Uông Bí đã có công văn gửi Ban trị sự chùa Ba Vàng với nội dung đề nghị báo cáo việc quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử văn hoá, đình, chùa trên địa bàn thành phố Uông Bí.

Công văn nói rằng trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND thành phố Uông Bí đã ban hành Quyết định số 2501/QĐ-UBND ngày 15/5/2023 về việc thành lập Đoàn kiểm tra đối với các di tích lịch sử – văn hoá, đình, chùa trên địa bàn thành phố (ngoài Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử đã được Đoàn kiểm tra liên Bộ thực hiện kiểm tra).

UBND thành phố Uông Bí đề nghị Ban Trị sự chùa Ba Vàng báo cáo nội dung quản lý tiền công đức tại chùa trước ngày 15/6/2023, để có cơ sở tổng hợp, báo cáo Sở Tài chính.

Chùa Ba vàng do đại đức Thích Trúc Thái Minh đứng đầu. Ông được nhiều người biết đến trong vụ cúng "oan gia trái chủ" bị báo chí phát giác hồi năm 2019. Báo chí Nhà nước đã có những điều tra được công bố công khai, xác định chùa Ba Vàng đã tổ chức "giải vong" cho hàng ngàn người, thu mỗi năm hàng trăm tỷ đồng từ người đến "thỉnh vong"…

Ngọc Lan

Nguồn : VNTB, 25/07/2023

************************

Thành phố Uông Bí đề nghị Chùa Ba Vàng bổ sung báo cáo về tiền công đức

RFA, 24/07/2023

Thành phố Uông Bí vào ngày 24/7 ban hành công văn đề nghị Chùa Ba Vàng trên địa bàn báo cáo bổ sung công tác quản lý tiền công đức tại chùa theo thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính về công tác trong lĩnh vực này.

congduc1

Chùa Ba Vàng - Dân Trí/BTC

Công văn vừa nêu được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Thành phố Uông Bí. Theo công văn này, trước đó Thành phố Uông Bí thực hiện việc thành lập đoàn kiểm tra theo hai công văn : một do Ủy Ban Nhân Dân (UBND) tỉnh Quảng Ninh ký ngày 19/4/2023 và một do Sở Tài chính tỉnh ngày 15/5/2023 về việc báo cáo kết quả kiểm tra quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử-văn hóa, đình chùa theo quy định của Bộ Tài Chính.

Đến ngày 23/5, Thành phố Uông Bí ban hành công văn gửi đến các nơi liên quan, trong đó có Chùa Ba Vàng. Tuy vậy, Ban Trị sự của cơ sở tôn giáo có thu tiền công đức này phản hồi chưa nhận được công văn của Thành phố Uông Bí.

Thành phố Uông Bí cho biết đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan kiểm tra quy trình chuyển nhận văn bản giữa các đơn vị ; và nay yêu cầu Chùa Ba Vàng bổ sung báo cáo công tác quản lý tiền công đức.

**************************

Chùa Ba Vàng và Bộ Tài Chính tranh cãi về việc báo cáo tiền công đức

RFA, 23/07/2023

Chùa Ba Vàng không báo cáo vấn đề thu, chi tiền công đức và nại lý do không hề được yêu cầu là không đúng.

congduc2

Các em học sinh tại một khóa tu mùa hè ở Chùa Ba Vàng. Chùa Ba vàng

Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính Sự nghiệp (TT-HH-SN) thuộc Bộ Tài chính Việt Nam, bà Vũ thị Hải yến, vào chiều ngày 23/7 khẳng định như vừa nêu với truyền thông Nhà nước.

Theo lời bà Vũ thị Hải Yến, Bộ Tài chính có được thông tin về việc Chùa Ba vàng không báo cáo vấn đề thu, chi tiền công đức dựa trên báo cáo của Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Ninh. Cụ thể vào ngày 23/5, UBND Thành phố Uông Bí ra văn bản về việc kiểm tra quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử- văn hóa, đình chùa trên địa bàn thành phố. Ban Trị sự Chùa Ba Vàng là một trong những nơi nhận văn bản này do UBND Thành phố Uông Bí gửi đi.

Một nội dung trong văn bản gửi cho Ban Trị sự Chùa Ba vàng là trước ngày 15/6 phải có báo cáo nội dung quản lý tiền công đức tại chùa này.

Vào ngày 21/7 vừa qua, Bộ Tài chính gửi báo cáo đến Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái của Chính phủ Hà Nội về kết quả thực hiện thí điểm công tác kiểm tra việc quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử- văn hóa, đình chùa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, và đề xuất kế hoạch kiểm tra tương tự trên phạm vi toàn quốc.

Trong báo cáo của Bộ Tài chính, Chùa Ba Vàng là một trong hơn 50 di tích không có dữ liệu báo cáo.

Chùa Ba Vàng liền có thông báo cho rằng không có đoàn điểm tra nào đến cơ sở này để trực tiếp kiểm tra việc thu, chi tiền công đức, cũng như không hề nhận được văn bản nào yêu cầu Chùa Ba Vàng nộp báo cáo thu, chi tiền công đức.

Ban Trị sự Chùa Ba Vàng trong thông báo còn nói báo chí Nhà nước đưa tin về việc cơ sở này không báo cáo thu, chi tiền công đức là hoàn toàn sai sự thật, gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của Chùa Ba Vàng nói riêng và Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung.

Chùa Ba vàng do Đại Đức Thích Trúc Thái Minh đứng đầu. Ông được nhiều người biết đến trong vụ cúng "oan gia trái chủ" bị báo chí phát giác hồi năm 2019. Báo Nhà nước đã có những điều tra được công bố công khai, xác định chùa Ba Vàng đã tổ chức "giải vong" cho hàng ngàn người, thu mỗi năm hàng trăm tỷ đồng từ người đến "thỉnh vong".

Sau khi vụ việc bị phát giác, Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã bị bãi nhiệm tất cả các chức vụ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam và phải sám hối đại tăng.

Vào năm 2022, Chùa Ba Vàng lại gây "bão" trên mạng xã hội nhân ngày lễ Vu lan báo hiếu được tổ chức tại chùa. Các hình ảnh và video cho thấy Đại đức Thích Trúc Thái Minh cùng các đệ tử liên tục gom tiền cúng dường của các phật tử nhân lễ này.

Sau đó, giới chức thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, đã yêu cầu gỡ những video hoạt động cúng dường ở chùa Ba Vàng khỏi mạng xã hội vì gây ảnh hưởng không tốt.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Lê Đoan, Ngọc Lan, RFA tiếng Việt
Read 468 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)