Một số hồ thủy điện phía Bắc, miền Trung buộc phải xả lũ ; nguy cơ vỡ đập ở Đăk Nông
RFA, 07/08/2023
Một số hồ thủy điện ở Lai Châu, Huội Quảng, Trung Sơn, Khe Bố, Sông Ba Hạ, Srêpôk 3 và Buôn Kuôp phải xả tràn do lưu lượng nước về các hồ tăng cao. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho truyền thông hay tin trên trong ngày 7/8.
Phần bê tông trên đập Đắk N'Ting bị nứt, gãy do mưa lũ và sạt lở đất. LĐO/C.Mai
Theo EVN, trong ngày 7/8, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (Trung tâm) đã vận hành tăng cao thủy điện, một số hồ thủy điện phải xả tràn.
Trung tâm cũng đã đề nghị các đơn vị phát điện trong hệ thống tuân thủ nghiêm các mệnh lệnh điều độ để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện trong bối cảnh mưa, lũ diễn ra ở nhiều khu vực.
Trước đó, trong ngày 5/8, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai gửi công văn đề nghị EVN chủ động vận hành hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, nhằm ứng phó với diễn biến mưa lớn, lũ và đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn nước. Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai nêu rõ, trong bảy ngày qua, khu vực Bắc Bộ đã xảy ra mưa lớn từ 150-250mm, mực nước các hồ thủy điện có xu hướng gia tăng nhanh.
Để ứng phó với diễn biến mưa lớn, lũ và đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn nước, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị EVN chỉ đạo các chủ hồ chứa chủ động vận hành phát điện để sử dụng hiệu quả nguồn nước ; rà soát phương án đảm bảo an toàn công trình và hạ du ; triển khai thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng.
Cũng trong ngày 7/8, ông Lê Đình Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quảng Sơn tỉnh Đắk Nông cho truyền thông hay, sau nhiều ngày mưa lớn, thân và chân đập thủy lợi Đắk N'Ting, huyện Đăk G'long xuất hiện nhiều vết nứt, sụt lún, nguy cơ vỡ, gần 100 người phải sơ tán.
Vẫn theo ông Tuấn, vết nứt, sụt lún xuất hiện ở đập và xung quanh hồ chứa nước Đắk N'Ting từ hôm 1/8. Đến nay, vết nứt khu vực đồi gần chân đập kéo dài khoảng 500 m, sâu khoảng 150 m và chưa có chiều hướng dừng lại.
Hiện, phần đồi bên phải đập đang bị sụt lún với diện tích khoảng 10 ha là đất hoa màu của người dân. Ước tính có gần một triệu mét khối đất có nguy cơ bị sạt trượt. Thân đập cũng xuất hiện nhiều vết nứt lớn, 10-20 cm.
Tờ VNExpress dẫn lời ông Tuấn rằng : "Theo tính toán nếu đập vỡ, mực nước ở khu vực hạ lưu sẽ dâng lên khoảng 2 m nên chúng tôi đang rà soát để di dời thêm 140 hộ dân ở Đắk N'Ting".
Dự án hồ thủy lợi Đắk N'Ting có tổng mức đầu tư gần 137 tỷ đồng, sức chứa hơn 1,2 triệu m3 nước, phục vụ tưới cho gần 700 ha cây trồng xã Quảng Sơn. Để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền xã hiện đã chốt chặn các lối ra vào đập và sơ tán hàng chục hộ dân trong khu vực có nguy cơ.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, trong ngày 7/8, yêu cầu tỉnh Đắk Nông phải tính đến kịch bản vỡ đập để đảm bảo an toàn cho hạ du. Đồng thời, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng để chỉ đạo các bộ ngành phối hợp sửa lại các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện nay về các công trình hồ đập.
**************************
WHO và UNICEF cảnh báo về chiến lược tiếp thị sữa sai lệch ở Việt Nam
VOA, 07/08/2023
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) vừa đưa ra cảnh báo về các chiến lược tiếp thị sữa công thức ở Việt Nam mà các tổ chức này cho rằng những quảng cáo về việc cải thiện chiều cao và cân nặng là không có đủ căn cứ khoa học.
Một cửa hàng bán sữa bột công thức ở Việt Nam. WHO và UNICEF cảnh báo về các chiến lược tiếp thị sữa mà họ cho là "sai lệch" ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác.
Trong mộttuyên bố chung đưa ra nhân Tuần lễ thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ từ ngày 1/7 tháng này, WHO và UNICEF nói rằng có những tuyên bố gây hiểu lầm khi tiếp thị sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh, cả trên toàn cầu và ở Việt Nam. Hai tổ chức bảo vệ sức khỏe người dân và trẻ em toàn thế giới khuyến cáo rằng các chiến dịch tiếp thị sữa ở Việt Nam là "mang tính lợi dụng".
Hai tổ chức đưa ra cảnh báo sau khi WHO công bốbáo cáo toàn cầu về Tiếp thị sữa công thức ảnh hưởng đến quyết định nuôi dưỡng trẻ. Nghiên cứu đa quốc gia này tiết lộ các chiến lược tiếp thị sai lệch về sữa công thức ở Việt Nam, trong đó "thường có các tuyên bố không có cơ sở khoa học như sữa công thức có thể giúp trẻ phát triển chiều cao, cân nặng hoặc trí não".
Các hình ảnh từ những quảng cáo sữa công thức trên truyền hình ở Việt Nam thường cho thấy trẻ em sau khi uống sữa trở nên cao lớn hoặc thông minh hơn.
"Những tuyên bố tiếp thị gây hiểu lầm làm trầm trọng thêm những thách thức mà các bậc cha mẹ phải đối mặt, bằng cách làm tăng sự lo lắng về việc cho con bú và chăm sóc trẻ sơ sinh", WHO và UNICEF nói trong tuyên bố chung đưa ra hôm 1/8.
Theo tiết lộ của báo cáo, các công ty sữa công thức "đã sử dụng nhiều chiêu khuyến mãi khuyến khích để thu hút các chuyên gia y tế".
"Ở Việt Nam, các chuyên gia y tế đã nói về việc nhận tài trợ cho nghiên cứu, hoa hồng từ việc bán hàng và các sự kiện quảng cáo được thanh toán toàn bộ chi phí", báo cáo của WHO cho biết. "Cũng có bằng chứng cho thấy quan hệ đối tác giữa các công ty sữa công thức và cơ sở dinh dưỡng".
Một bác sỹ không được nêu danh tính ở một bệnh viện công ở Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng các công ty sữa công thức "tài trợ cho khoa (của bệnh viện) từ 5 đến 10 triệu đồng để đổi lấy việc giới thiệu 15-20 phút (về sản phẩm sữa của họ)", theo báo cáo.
Một bác sỹ bệnh viện công khác ở Thành phố Hồ Chí Minh, cũng được trích lời nói trong báo cáo, cho biết những nhân viên tiếp thị của các công ty sữa công thức thường mời các bác sỹ đi "ăn trưa và nói về (sản phẩm) sữa" ở các địa điểm bên ngoài bệnh viện. Một bá sỹ khác, cũng không được nêu danh tính, nói các công ty sữa công thức thường đưa cho họ "các hộp sữa miễn phí và thậm chí cả vali, mũ bảo hiểm, USB và sạc điện dự phòng, v.v".
Báo cáo, được thực hiện trên 8 quốc gia đại diện cho các Châu lục và vùng lãnh thổ khác nhau, cho rằng sữa ở Việt Nam được tiếp thị qua nhiều kênh và nhiều cách khác nhau, phổ biến và tràn lan.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy việc tiếp thị này có ảnh hưởng lớn đến thái độ của bà mẹ, người tiếp xúc. Theo đó, 82% bà mẹ ở Việt Nam biết về sữa công thức giai đoạn 2 (trẻ ở độ tuổi 6/12 tháng) và 96% trong đó cho rằng sữa công thức là cần thiết. Điều này làm suy giảm tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ, theo nghiên cứu.
WHO và UNICEF cho rằng việc quảng bá tiếp thị sai lệch ở Việt Nam đã vi phạm Nghị định số 100 của Chính phủ năm 2014 về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, trong đó cấm quảng cáo sữa công thức cho trẻ dưới 24 tháng và yêu cầu ghi nhãn, thông tin, giáo dục và quảng cáo phù hợp.
Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia đã tăng cường các biện pháp bảo vệ chống lại việc tiếp thị không phù hợp về các sản phẩm thay thế sữa mẹ, theo báo cáo.
Các chuyên gia của WHO cho rằng để giải quyết các lỗ hổng của pháp luật, cần kiểm soát truyền thông qua nền tảng kỹ thuật số, củng cố các cơ chế giám sát và thực thi pháp luật để bảo vệ sức khỏe và sự phát triển của trẻ em khỏi các hoạt động tiếp thị thương mại gây hại.
WHO và UNICEF kêu goi Việt Nam tăng cường luật quảng cáo vào năm 2024 để bảo vệ trẻ sơ sinh và bà mẹ đồng thời nỗ lực để cải thiện khả năng tiếp cận của cha mẹ với thông tin khách quan về dinh dưỡng và nuôi dưỡng trẻ sơ sinh, không chịu ảnh hưởng của thương mại.
************************
Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo bị bắt vì ‘tuyên truyền chống Nhà nước’ sau hai năm mãn hạn tù
VOA, 07/08/2023
Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Hoàng Nam, một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo từng phải thụ án nhiều năm tù vì "gây rối trật tự công cộng", vừa bị công an An Giang bắt giam vì cáo buộc "sử dụng mạng xã hội để chống phá nhà nước".
Nguyễn Hoàng Nam, tín đồ Phật giáo Hòa hảo, bị công an An Giang bắt giữ hôm 1/8 với cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước" theo điều 117 của BLHS, một điều khoản thường được chính quyền dùng để đàn áp các tiếng nói bất đồng chính kiến.
Công an tỉnh An Giang đượcNhân Dân trích dẫn cho biết hôm 4/8 rằng họ bắt giữ ông Nam, 42 tuổi ngụ tại thành phố Châu Đốc, để điều tra về hành vi "Phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", một cáo buộc thường được dùng để bắt giam các nhà hoạt động dân chủ và những người bất đồng chính kiến ở quốc gia Đông Nam Á do Đảng cộng sản cầm quyền.
Bà Lâm Thị Ý Trinh, vợ của ông Nam, hôm 7/8 cho VOA biết chồng bà bị 6 nhân viên công an mặc thường phục đến nhà bắt đi hôm 1/8. Theo bà Trinh, chồng bà bị những người này cưỡng ép đưa đi mà không đưa ra lời giải thích nào.
"Họ bịt miệng lại thì chồng (tôi) vùng vẫy, nói ‘Tôi làm gì mà các ông bắt tôi ? Tôi làm gì mà các ông bắt tôi ?, chỉ kêu lên được có hai tiếng nói đó là họ bịt mắt (chồng tôi) luôn, không cho la, rồi 6 (người đó) bắt (chồng tôi) lên xe chở đi luôn", bà Trinh nói và cho biết công an sau đó đã khám xét nơi ở của hai vợ chồng bà cùng các con nhỏ.
Lệnh bắt tạm giam ông Nam được Công an tỉnh An Giang phối hợp cùng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an thi hành, theo Nhân Dân. Vẫn theo tờ báo cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Việt Nam, cơ quan chức năng thu giữ 7 điện thoại di động, 2 USB, 1 laptop, 307 trang tài liệu và 10 video clip mà họ cho là "có nội dung tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước" và nhiều đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.
Theo bà Trinh cho biết, hơn 100 nhân viên công an và lực lượng cơ động đến khám xét nhà bà trong khi không cho người dân quay phim chụp ảnh khi họ thực hiện việc khám xét. Bà Trinh nói rằng ngoài bảy chiếc điện thoại, công an cũng thu giữ các quyển sách ghi chép của con và chồng bà.
"(Phần) viết của (chồng tôi) ghi cái này cái kia mà không phải là tuyên truyền (nhưng) họ khép (anh) ấy là có 307 trang giấy mà họ lấy từ gia đình đi 5 cuốn sách đó chứ thực ra anh Nam không làm gì hết", bà Trinh nói.
Kết quả điều tra của công an được tờ Nhân Dân trích dẫn nói rằng ông Nam là "đối tượng phản động, lợi dụng tôn giáo để hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước trong thời gian vừa qua".
Vào năm 2018, ông Nam cùng với 5 người khác cũng là tín đồ Phật giáo Hòa hảo độc lập bị kết án tổng cộng 24 năm tù giam vì tội "gây rối trật tự công cộng", một bản án bị tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (HRW) lên án. Ông Nam được ra tù sau khi thi hành bản án 4 năm vào giữa năm 2021.
Theo cáo buộc của Công an được Nhân Dân trích dẫn, ông Nam, sau khi chấp hành xong hình phạt tù trở về địa phương đã "không chịu cải tạo mà tiếp tục lợi dụng không gian mạng, tạo nhiều tài khoản mạng xã hội để đăng tải, phát tán nhiều tài liệu, hình ảnh, video, thậm chí livestream để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước" và " xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước…"
Bà Trinh cho biết kể từ khi ra tù, chồng bà chỉ "tối ngày ở nhà giúp" vợ công việc buôn bán gia đình chứ "không có làm gì gọi là tuyên truyền".
Các đăng tải trên trangFacebook cá nhân của ông Nam chia sẻ những bài viết và livestream với một số nội dung chỉ trích chính quyền và lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, trong đó có ông Hồ Chí Minh.
Đại diện HRW chỉ trích việc bắt giữ ông Nam của chính quyền Việt Nam.
"Bằng việc bắt giữ ông Nguyễn Hoàng Nam, Việt Nam cho thấy họ đang tăng cường chiến dịch nhằm bịt miệng những người thẳng thắn ủng hộ tự do tôn giáo như thế nào", Phó Giám đốc ban Á Châu của HRW Phil Robertson, nói trong mộtđăng tải trên mạng xã hội X. "Những cáo buộc và truy tố Nguyễn Hoàng Nam trước đây là không có thật, và lần bắt giữ mới nhất này cũng vậy".
Tổ chức có trụ sở ở New York của Mỹ hồi tháng 2/2018 đã lên tiếngkêu gọi Việt Nam chấm dứt đàn áp các nhà hoạt động tôn giáo sau khi các tín đồ Phật giáo Hòa hảo, trong đó có ông Nam, bị đưa ra xét xử vì khởi xướng một cuộc biểu tình phản đối hành vi của công an nhắm vào các tín đồ ở An Giang. Theo HRW, công an vẫn thường xuyên sách nhiễu các thành viên độc lập của nhóm tôn giáo thiểu số này, vốn có quá trình hiềm khích với nhà nước từ rất lâu.
Nói với VOA trong một lầntrả lời phỏng vấn vào tháng 7/2021, ông Nam khẳng định ông chỉ vì thể hiện niềm tin tôn giáo mà bị chính quyền kết án 4 năm tù. Ông cũng nói sẽ tiếp tục lên tiếng phản đối những hành vi đàn áp tôn giáo của nhà cầm quyền và những bất công khác trong xã hội.