Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

02/09/2023

Điều trần về tự do tôn giáo ở Việt Nam

RFA - VOA

USCIRF điều trần về tự do tôn giáo Việt Nam trong ngày 7/9

RFA, 02/09/2023

Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) sẽ tổ chức buổi điều trần về tình hình tự do tôn giáo Việt Nam trước chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Joe Biden.

tongiao1

Công an huyện Krông Ana, tỉnh Đak Lak bị tố cáo bắt cóc Tín đồ Tin Lành Tây Nguyên hồi tháng 12/2022 - Fb Người Thượng vì công lý

Trong thông cáo phát đi ngày 1/9, USCIFR cho biết buổi điều trần trực tuyến về tự do tôn giáo ở Việt Nam và cách chính phủ Hoa Kỳ có thể làm việc với nhà nước Việt Nam về các vi phạm quyền tự do sẽ diễn ra ngày 7/9, ba ngày trước chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Việt Nam.

USCIRF ghi nhận rằng Việt Nam vẫn gia tăng việc cưỡng bức từ bỏ đức tin cũng như đe dọa, giam giữ, và bỏ tù các nhà hoạt động và lãnh đạo tôn giáo. Ngoài ra, việc thực hiện lỏng lẻo Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo 2018, đặc biệt ở các địa phương và cộng đồng tín ngưỡng thiểu số, đã cản trở việc thực hiện đầy đủ quyền tự do tôn giáo. 

Buổi điều trần có sự góp mặt của Chủ tịch USCIRF Abraham Cooper, Phó chủ tịch Frederick A. Davie cùng tham luận đoàn. Thông cáo ghi rõ, tại buổi điều trần này, các nhân chứng sẽ nói về vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam, bao gồm kinh nghiệm trực tiếp, và cũng sẽ thảo luận về các chính sách Hoa Kỳ có thể áp dụng để Việt Nam có thêm tự do tôn giáo. 

Hôm 13/6 USCIRF ra thông báo về chuyến đến Việt Nam từ ngày 15-19/5 để đánh giá về tình hình tự do tôn giáo.

Phái đoàn có những cuộc làm việc tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với giới chức Chính phủ, các cộng đồng tôn giáo, đại diện các tổ chức xã hội dân sự để thảo luận về những mối quan tâm về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Phó Chủ tịch Frederick A. Davie cho biết nguyên văn: "Trong khi USCIRF công nhận có những tiến triển tiệm tiến về tự do tôn giáo tại Việt Nam trong những năm qua, cơ quan này tiếp tục nhận thấy có những điểm quan ngại tồi tệ và đáng kể. Ủy hội đặc biệt quan ngại về những vụ bị cưỡng bức từ bỏ niềm tin mà ngày càng tăng trong năm qua; bản chất giới hạn của Luật Tín ngưỡng- Tôn giáo, tính chất phức tạp của luật này cũng như những quy định đăng ký nặng nề; và thực tế áp dụng Luật Tín ngưỡng- Tôn giáo không thống nhất, vênh nhau tại các nơi trên khắp cả nước…"

Thông cáo của USCIRF nêu ra quan ngại về hai dự thảo nghị quyết thực hiện Luật Tín ngưỡng- Tôn giáo đưa ra vào tháng 6/2022. Hai dự thảo này bị cho nếu được chuẩn thuận sẽ hạn chế thêm nữa quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Trong báo cáo thường niên năm 2023, USCIRF khuyến nghị xếp Việt Nam là Quốc gia cần quan tâm đặc biệt, vì vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng, liên tục, và có hệ thống.

Từ tháng 2/2002, USCIRF đề nghị Chính phủ Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào lại "Danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm" (CPC) về tự do tôn giáo. Lý do được nêu rõ, dù có một số lĩnh vực tiến bộ đáng chú ý, nhưng những vi phạm có hệ thống, tiếp diễn và nặng nề" đối với tự do tôn giáo vẫn tiếp diễn.

Vào tháng 11/2022, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào "Danh sách Giám sát Đặc biệt" vì can dự hoặc dung dưỡng cho những vi phạm nghiêm trọng về tự do tôn giáo.

Nguồn : RFA, 02/09/2023

***************************

USCIRF điều trần về tự do tôn giáo ở Việt Nam trước chuyến thăm của Tổng thống Biden

Trước chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) sẽ tổ chức buổi điều trần về tình hình tự do tôn giáo Việt Nam ngày 7/9, nhằm thảo luận các cách thức để chính phủ Hoa Kỳ có thể làm việc với chính phủ Việt Nam như thế nào để giải quyết các vi phạm.

tongiao2

Phái đoàn USCIRF gặp các nhóm tôn giáo độc lập tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 18/5/2023. Photo Facebook Trung Kien Pham.

"Bất chấp những cải thiện trong cả mối quan hệ song phương Hoa Kỳ-Việt Nam cũng như các điều kiện tự do tôn giáo ở Việt Nam trong thập kỷ qua, USCIRF đã ghi nhận sự gia tăng các trường hợp cưỡng bức từ bỏ đức tin cũng như đe dọa, giam giữ và bỏ tù các nhà hoạt động và lãnh đạo tôn giáo", USCIRF nói trong một thông cáo về việc tổ chức buổi điều trần trực tuyến.

 

Dự kiến các nghị sĩ Quốc hội, nhân viên quốc hội, công chúng và giới truyền thông sẽ tham dự buổi điều trần này.

Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa phản hồi ngay đề nghị bình luận của VOA về thông báo điều trần của USCIRF.

Tổng thống Biden sẽ thăm Việt Nam vào ngày 10/9, hội đàm với Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và các quan chức hàng đầu Việt Nam, theo thông cáo của Nhà Trắng hôm 28/8.

Khi được hỏi liệu ông Biden có nêu vấn đề nhân quyền trong chuyến thăm Việt Nam không, Phát ngôn viên Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho VOA biết rằng ông Biden "không bao giờ né tránh" việc nêu vấn đề nhân quyền với bất kỳ nhà lãnh đạo nào.

Nhà sư Khmer Trương Thạch Dhammo ở Toronto, Canada, từng tị nạn ở Thái Lan sau các vụ đàn áp Phật giáo Nam tông ở Nam Bộ, sẽ tham dự buổi điều trần của USCIRF với tư cách như là một nhân chứng. Ông hiện là Chủ tịch Hiệp hội Tu sĩ Phật giáo Khmer Krom Bắc Mỹ và là Giám đốc Tôn giáo của Liên đoàn Khmer Campuchia-Krom (KKF).

"Chúng tôi hy vọng rằng chuyến thăm lần này của Tổng thống Biden sẽ gây áp lực và tháo gỡ được một số vấn đề, trong đó có đề cập đến vấn đề tôn giáo nói chung và đồng thời có vấn đề người dân bản địa nói riêng", nhà sư Trương Thạch Dhammo nói với VOA.

Ông Trương Thạch Dhammo đồng thời lên án việc chính quyền hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng của Việt Nam bắt giam ba nhà hoạt động Khmer hồi cuối tháng 7/2023 với cáo buộc "Lợi dụng quyền tự do dân chủ" bao gồm các ông Thạch Cương, Tô Hoàng Chương và Danh Minh Quang.

"Sự thật đó là cách vu khống cho người dân bản địa… không phải chỉ đối với ba người nói trên mà họ còn quấy nhiễu và đồng thời bắt bớ một số nhà hoạt động ôn hòa của người Khmer Krom ở trong nước".

Trong Báo cáo thường niên năm 2023 và cũng như các báo cáo trước, USCIRF đề nghị Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách các Quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC) vì "có hành vi vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng, liên tục và có hệ thống".

Trong khi đó Bộ Ngoại giao Mỹ dường như vẫn còn "nhẹ tay" đối với Hà Nội, theo các nhà hoạt động tôn giáo. Vào tháng 11/2022, Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt (SWL), một danh sách tiệm cận với CPC. Hà Nội ngay sau đó lên án việc xếp hạng này.

Chính quyền Việt Nam vào các dịp khác nhau luôn bác bỏ cáo cuộc vi phạm tự do tôn giáo, đồng thời cho rằng các báo cáo 2023 của USCIRF và 2022 của Bộ Ngoại giao Mỹ là "thiếu khách quan".

"Là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo với đời sống tín ngưỡng, tôn giáo phong phú, Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo…", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói hồi tháng 5/2023.

Hôm 31/8/2023, khi được báo giới hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc tổ chức Khmer Kampuchea Krom phát biểu về tình hình người Khmer ở Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng, nói: "Chúng tôi bác bỏ những thông tin không có cơ sở, sai sự thật về tình hình người Khmer ở Việt Nam.

"Đồng bào Khmer là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam, chung sống bình đẳng và hòa hợp, cùng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc suốt chiều dài lịch sử của đất nước", bà Hằng cho biết thêm.

Nguồn : VOA, 01/09/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt, VOA tiếng Việt
Read 15915 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)