Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

27/09/2023

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam mang màu sắc ảm đạm

Tổng hợp

Thị trường chứng khoán ảm đạm kéo dài

Hàn Lam, VNTB, 26/09/2023

Dường như không có lực đòn bẩy nào xuất hiện sau khi Việt Nam – Hoa Kỳ thông báo là nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện từ hôm 11-9-2023.

vietnam2

Chứng khoán lao dốc sau tin xấu liên quan đến Covid-19 - Ảnh Bông Mai

Giới đầu tư vừa phải trải qua phiên giao dịch đầu tuần "dầu sôi lửa bỏng", toàn thị trường có gần 900 mã cổ phiếu bị rớt giá, chỉ số VN-Index giảm gần 40 điểm, lùi về mốc 1.153 điểm. Như vậy chỉ trong ba phiên gần đây, chỉ số chứng khoán này đã bị rớt một mạch tổng cộng tới 73 điểm.

Cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup (mã VIC) đã mất 40% kể từ khi Công ty con của tập đoàn này – VinFast (mã VFS) niêm yết trên thị trường Nasdaq (Mỹ) hôm 15-8.

Hiện tượng cổ phiếu bị xả tại mức giá sàn xuất hiện ở hầu hết nhóm ngành, trong đó tập trung nhiều nhất ở nhóm bất động sản, chứng khoán, thép. Lực bán sau đó lan rộng ra nhiều nhóm ngành giao dịch tích cực cuối tuần trước như dệt may, thủy sản, hóa chất.

Mã cổ phiếu VIC giảm sàn còn 46.500 đồng/cổ phiếu. Đây là mức giá thấp nhất kể từ đầu tháng 11-2017. Trước thời điểm hãng ô tô VinFast niêm yết cổ phiếu trên sàn Nasdaq, mã VIC từng nổi sóng tăng giá từ quanh 50.000 đồng cuối tháng 7 lên vùng đỉnh 75.000 đồng/cổ phiếu trung tuần tháng 8-2023.

Sau đó, cổ phiếu VIC bước vào giai đoạn giảm sâu, giá cổ phiếu giảm từ vùng đỉnh xuống còn 46.500 đồng/cổ phiếu, tương đương mất gần 40% giá trị.

Từ khi niêm yết trên sàn Nasdaq thông qua một công ty "rỗng", VinFast đã cho thấy biên độ lên xuống giá cổ phiếu thất thường do tỷ lệ cổ phiếu giao dịch tự do rất thấp (khoảng 1%), 99% còn lại do ông Phạm Nhât Vượng và 2 công ty liên quan nắm giữ.

Dữ liệu FiinRatings vừa công bố cho thấy quy mô trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành trên thị trường còn 923.000 tỷ đồng vào cuối tháng 8-2023, giảm đáng kể với thời đỉnh cao giữa năm 2022 (1,5 triệu tỷ đồng).

Tổng số giá trị đang lưu hành nói trên, từ ngân hàng phát hành chiếm 33%, tương đương 304.000 tỷ đồng : bất động sản 347.000 tỷ đồng (chiếm 37,6%) : còn lại từ doanh nghiệp lĩnh vực năng lượng, xây dựng, sản xuất và dịch vụ.

Tổng giá trị trái phiếu được mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 169.840 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng là nhóm dẫn đầu về giá trị mua lại, chiếm 51,7% tổng giá trị mua lại trước hạn.

Theo một thống kê của FiinRatings, tính đến quý 2-2023 chỉ ra với trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phi ngân hàng, nhà đầu tư cá nhân sở hữu khoảng 40,3%, tiếp đến là tổ chức tín dụng (30,7%), công ty chứng khoán (7,2%), doanh nghiệp bảo hiểm (3,8%) và quỹ đầu tư (1,3%).

Trong khi quy mô tài sản của 87 quỹ đầu tư do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép đạt mức 73.400 tỷ đồng vào cuối năm 2022, nhưng phân bổ tài sản vào trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn hạn chế và chưa phát triển.

Ở dự báo mới nhất về triển vọng kinh tế quý 4-2023, Ngân hàng UOB (tiếng Anh-United Overseas Bank Limited) Việt Nam cho rằng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ cắt giảm lãi suất tái cấp vốn 100 điểm cơ bản nữa vào cuối năm nay.

Báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý 2/2023 thực hiện bởi Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và Thị trường toàn cầu (Global Economics & Market Research) của UOB ghi nhận : Tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam trong quý 2 năm 2023 đã tăng lên 4,14% từ mức đã điều chỉnh 3,28% trong quý 1 năm 2023.

Như đã diễn ra kể từ đầu năm 2023, nguyên nhân chính dẫn đến kết quả tăng trưởng ảm đạm tiếp tục đến từ hoạt động sản xuất và nhu cầu bên ngoài sụt giảm. Xem ra trong nửa đầu năm 2023, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 3,72% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với con số 6,46% trong nửa đầu năm 2022.

"Nhìn xa hơn vào những kết quả này, triển vọng trong thời gian còn lại của năm có thể sẽ gặp nhiều thách thức vì những dữ liệu mới nhất được công bố chưa thật sự ấn tượng. Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của Việt Nam đã quay trở lại mức trên 50 vào tháng 8 năm 2023 sau 5 tháng giảm liên tiếp (dưới 50) và mức thấp nhất (45,3 vào tháng 5) kể từ tháng 9 năm 2021 và là quốc gia có chỉ số kém nhất ở Châu Á vào thời điểm đó. Tuy nhiên, PMI của Việt Nam đã kém hơn PMI chung của khu vực ASEAN trong tháng thứ 12 liên tiếp.

Xuất khẩu của Việt Nam đã giảm 9 trong 10 tháng qua (tháng 8 năm 2023 : giảm 8,5% so với cùng kỳ) trong khi nhập khẩu chứng kiến 10 tháng giảm liên tiếp (tháng 8 năm 2023 : giảm 5,8% so với cùng kỳ). Nhu cầu bên ngoài suy yếu được thể hiện qua xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ (thị trường lớn nhất chiếm 28% tổng xuất khẩu), đã giảm 9 tháng trong 10 tháng qua (tháng 8 năm 2023 : giảm 9,4%)" – trích Báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý 2-2023 của UOB.

Hàn Lam

Nguồn : VNTB, 26/09/2023

Tham khảo :

https://fiinratings.vn/

***********************

Ngân hàng nhà nước sẽ cắt giảm lãi suất : tăng trưởng GDP năm 2023 khó vượt 6%

RFA, 26/09/2023

Ngân hàng Nhà nước sẽ cắt giảm lãi suất thêm 100 điểm cơ bản, xuống 3,50% trong quý bốn để cân bằng giữa tăng trưởng và áp lực lạm phát.

vietnam1

Công nhân đeo khẩu trang khi làm việc tại một nhà máy sản xuất quần áo bảo hộ. AFP

Đó là dự báo của các chuyên gia từ bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và Thị trường toàn cầu của Ngân hàng United Oversea Bank (UOB) và được truyền thông Nhà nước loan trong ngày 25/9.

Chuyên gia UOB cho rằng tốc độ tăng trưởng GDP thực tế trong quý một năm 2023 đã giảm xuống 3,28%, từ mức 5,92% trong quý 4/2022. Hiện, đà tăng trưởng của Việt Nam vẫn chưa phục hồi mạnh, phần lớn là do nhu cầu bên ngoài suy yếu cùng với lĩnh vực sản xuất chưa thực sự khởi sắc.

Do đó, tăng trưởng kinh tế trong quý 2/2023 chỉ tăng 4,14% so với cùng kỳ, đạt tốc độ tăng trưởng lũy kế là 3,72% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2023, thấp hơn nhiều so với mức 6,46% trong nửa đầu năm 2022 cũng như mục tiêu tăng trưởng chính thức là 6,5%.

Qua đó, các chuyên gia UOB dự báo tăng trưởng cả năm 2023 là 5,2% và 6,0% cho năm 2024.

Về mặt lạm phát, chuyên gia UOB cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần và cơ bản của Việt Nam đều có xu hướng thấp hơn mục tiêu chính thức là 4,5%. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, từ đầu năm cho đến tháng tám, lạm phát toàn phần của Việt Nam tăng khoảng 3,1% so với cùng kỳ, cao hơn mức 2,6% của cùng kỳ năm 2022.

"Trong cả năm, chúng tôi nhận thấy áp lực lạm phát của Việt Nam sẽ có rủi ro gia tăng", chuyên gia UOB cho biết trên VietnamPlus.

Cũng theo UOB, tỷ giá USD/VND đã tăng mạnh trong quý 3, bắt kịp các biến động của tỷ giá USD/CNY và giao dịch lên mức cao nhất từ đầu năm đến nay là gần 24.400 đồng. Sự giảm giá của VND được các chuyên gia UOB cho rằng phản ánh đúng thực tế diễn biến kinh tế Việt Nam và xu hướng nới lỏng tiền tệ của cơ quan quản lý.

Cùng lúc đó, Ngân hàng Standard Chartered cũng đưa ra dự báo về tăng trưởng GDP quý III của Việt Nam khi cho rằng GDP quý III sẽ đạt 5,1%, tăng so với mức 4,1 trong quý II. Các chuyên gia của ngân hàng này cho biết, dữ liệu có thể sẽ cải thiện đôi chút so với tháng tám nhờ doanh số bán lẻ.

Ngân hàng Standard Chartered vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2023 ở mức 5,4% - tức thấp hơn mức Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đưa ra là 6,5%.

Trước đó, nhiều tổ chức trong nước, quốc tế, đều dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay dao động dưới mức 6% và khó có thể đạt ở mức như chính phủ VN kỳ vọng.

Nguồn : RFA, 26/09/2023

***********************

Bamboo Airways gặp khó khăn về tài chính, chậm trả lương, 30 phi công nước ngoài nghỉ việc

RFA, 26/09/2023

Khoảng 30 phi công nước ngoài đã nghỉ việc tại hãng hàng không Bamboo Airways trong vòng hai tháng qua vào khi hãng máy bay tư nhân này đang có những khó khăn về tài chính và chậm trả lương cho nhân viên. Hãng tin Reuters dẫn hai nguồn tin giấu tên biết rõ về tin này cho biết.

vietnam3

Bamboo Airways và nhiều hãng hàng không Việt đang tích cực tuyển dụng phi công và tiếp viên. (Ảnh minh họa)

Theo Reuters, số lượng phi công nước ngoài nghỉ việc từ Bamboo Airways chiếm khoảng 10% lượng phi công của hãng trong tháng sáu.

Theo nguồn tin của Reuters, một số phi công tự xin nghỉ việc, một số khác bị cho nghỉ việc.

Hãng Bamboom Airways trong một trả lời với Reuters cho biết hãng đang trong giai đoạn tái cơ cấu mạnh mẽ liên quan đến hệ thống tuyến bay, đội máy bay và nhân lực.

"Bamboo Airways đã giảm một số lượng phi công gần đây để phục vụ mục đích này" – Bamboo Airways viết cho Reuters. Tuy nhiên, hãng này bác bỏ thông tin rằng việc chậm trả lương đã khiến phi công phải nghỉ việc. Hãng cũng không cho biết bao nhiêu phi công đã nghỉ việc.

Reuters tiếp cận được những tin nhắn trong diễn đàn nội bộ của Bamboo và một tin nhắn vào ngày 21/8 từ đại diện công ty cho biết các phi công nước ngoài sẽ nhận được 35% lương tháng của họ vào ngày đó, đây là khoản lương mà các phi công đáng ra đã phải được nhận từ trước đó. Reuters cũng xem được một tin nhắn tương tự vào một tháng trước đó.

Các phi công sau đó đã nhận đủ lương tháng đó nhưng họ vẫn chưa nhận được lương tháng tám đáng nhẽ được trả vào ngày 15/9 , theo thông tin từ nguồn tin giấu tên của Reuters vào ngày 25/9.

Hãng Bamboo Airways được thành lập từ năm 2021 và có kế hoạch niêm yết ở thị trường chứng khoán Mỹ. Tuy nhiên hãng này đã phải trải qua những thay đổi nhanh chóng ở hàng ngũ lãnh đạo sau khi Chủ tịch hãng là ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố và bắt giam vào tháng 3/2022 với cáo buộc "Thao túng thị trường chứng khoán".

Bamboo hiện phục vụ cả đường bay quốc tế và quốc nội và chiếm khoảng 17% thị phần ở Việt Nam, theo thông tin từ hãng.

Vào năm ngoái, Bamboo Airway báo lỗ hơn 17 ngàn tỷ đồng.

Nguồn : RFA, 26/09/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hàn Lam, RFA tiếng Việt
Read 381 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)