Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

02/10/2023

Việt Nam muốn "vươn tầm" thế giới : Không phải dễ !

RFA tiếng Việt

Cho rằng khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu do đó theo trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - Nguyễn Trọng Nghĩa, Việt Nam cần xây dựng những trung tâm, viện nghiên cứu khoa học tầm cỡ khu vực và thế giới.

vuontam1

Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây. AFP PHOTO

Ông Nghĩa phát biểu như trên trong buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ vào cuối tuần qua.

Không có hy vọng !

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tỏ ra vui mừng khi Việt Nam tăng hai bậc chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu so với năm 2022, xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, theo báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tại Thụy Sĩ công bố ngày 27/9/2023.

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng, giảng viên trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do liên quan vấn đề này, cho rằng :

"Tôi không biết sẽ là bao lâu ? Là 10 năm, 100 năm hay 1.000 năm... Chứ trong thời gian ngắn hạn trước mắt thì không có cơ sở nào để mà ngành khoa học có thể vượt ví dụ là Singapore... Chỉ một số ngành nào đó thì có thể, ví dụ như toán. Chứ còn nói chung thì không có hy vọng gì".

Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ, từ Na Uy hôm 2/10/2023, cho rằng, để có trung tâm nghiên cứu khoa học tầm cỡ thế giới, Việt Nam cần phải làm nhiều điều sau :

"Thứ nhất là phải xây dựng được văn hóa nghiên cứu. Thứ hai là phải có cơ chế đãi ngộ người làm nghiên cứu. Thứ ba là phải có môi trường tự do. Sáng tạo luôn song hành với tự do. Tự do trong suy nghĩ và sau đó là hành động. Thứ tư là phải có một hệ thống học thuật liên đới để kết nối các trung tâm nghiên cứu khoa học. Các trung tâm nghiên cứu khoa học uy tín, dù độc lập, luôn gắn liền với một trường đại học danh tiếng. Do đó muốn có một trung tâm nghiên cứu khoa học tầm cỡ thì phải có một vài trường đại học tầm cỡ thế giới.

Và thứ năm là một trung tâm nghiên cứu khoa học tầm cỡ thế giới thì cơ chế hoạt động của nó cũng phải tương tự với các trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu thế giới khác. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải nhanh chóng thay đổi cơ chế quản lý nghiên cứu và giáo dục".

Theo Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ, để xây dựng được một trung tâm nghiên cứu khoa học tầm cỡ thế giới ở Việt Nam không phải là chuyện một sớm một chiều. Theo ông, điều đó đòi hỏi rất nhiều cải cách, cả về thể chế chính trị, hệ thống giáo dục và nghiên cứu.

Trong khi đó, theo ông Vũ, những điều ông vừa nói hiện vẫn là một điều nhạy cảm trong thể chế độc đoán hiện nay. Vì vậy, ông Vũ cho rằng, chừng nào thể chế hiện nay còn duy trì, thì việc xây dựng được một trung tâm nghiên cứu khoa học tầm cỡ vẫn chỉ là một ước muốn của giới chức lãnh đạo Việt Nam.

vuontam2

Ảnh minh họa chụp tại Buôn Ma Thuột hôm 14/3/2023. AFP PHOTO.

Vì… không có cơ sở

Lâu nay, nhiều lãnh đạo Đảng và Chính phủ Việt Nam hay phát biểu, đề đạt mục tiêu Việt Nam sẽ sớm trở thành cường quốc về một lãnh vực nào đó. Đơn cử như tại Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X hôm 28/3/2010, nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh khi phát biểu bế mạc hội nghị, từng nói mục tiêu năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp, hiện đại. Nhưng đến nay, sắp kết thúc năm 2023, mục tiêu này được nói "còn ở đâu xa lắm" !

Hoặc cách đây ba năm, ông Bùi Tất Thắng, Chánh Văn phòng Tiểu ban Kinh tế xã hội chuẩn bị Đại hội XIII, khi nói về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030, cho rằng Việt Nam có thể trở thành nước phát triển vào năm 2045…

Hay Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng lúc còn là Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, vào ngày 20/9/2020, đã kỳ vọng Việt Nam sẽ có những triết gia tầm cỡ thế giới (?!). Trong khi đó gần một thế kỷ qua cho đến nay, đảng cộng sản Việt Nam luôn rêu rao họ trung thành với triết học Mác - Lê-nin được Chủ tịch Hồ Chí Minh và đảng cộng sản truyền bá ở Việt Nam, thì liệu Việt Nam có thể có những triết gia tầm cỡ thế giới ?

Có ý kiến về các phát biểu của giới chức lãnh đạo Việt Nam mới đây và trước đó về những kỳ vọng và mục tiêu "cao xa", Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, một nhà khoa học người Việt tại đại học Liège, Vương quốc Bỉ, từng có nhiều năm hợp tác trong lãnh vực đào tạo tại Việt Nam, nói với Đài ACTD :

"Việt Nam mình thấy mấy nhà lãnh đạo hay nói vậy. Tôi thấy cái này nói cho vui thôi, chứ đâu có cơ sở gì mà nói như vậy. Đâu có một trung tâm nghiên cứu nào nổi trội đâu ? Chỉ có Viện Nghiên cứu Toán học ở Hà Nội là tương đối đắt giá, nhưng muốn thành trung tâm khoa học đâu chỉ toán học, mà còn có những ngành khoa học khác, phải có điều kiện sinh hoạt rộng mở, cởi mở, để đón nhận nhân tài. Tôi biết nhiều sinh viên đi du học, thì rất đông trong số đó không chịu đi về phục vụ tại Việt Nam".

Lý do theo Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, là vì điều kiện đón nhận nhân tài, để họ có thể phát huy khả năng của họ không có, môi trường chưa rộng mở và tinh thần khoa học chưa được thể hiện sáng tỏ. Ông nói tiếp :

"Khoa học chỉ có thể xây dựng trên môi trường trung thực, tôn trọng sự thật, riêng cái này Việt Nam chưa có gì sáng tỏ. Cho nên nói thật, tôi nghe như vậy thì tôi cũng rất là mong mỏi. Chứ bây giờ tôi thấy nó hoàn toàn tù mù, và không có cơ sở để tôi có thể tin tưởng nó trở thành hiện thực".

Nguồn : RFA, 02/10/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 243 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)