Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

27/10/2023

Phá đường dây mua bán ma túy và bỏ xếp hạng trường học

RFA tổng hợp

Vụ ‘4 tiếp viên hàng không’ dẫn đến việc phá hơn 100 đường dây, hội kín mua bán ma túy

RFA, 27/10/2023

Chuyên án ma túy liên quan đến bốn tiếp viên hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) nhận chuyển ma túy từ Pháp về trong nước có 105 đường dây và 255 người mua bán trái phép ma túy.

matuy1

Tang vật vụ các tiếp viên hàng không mang ma tuý từ Pháp về sân bay Tân Sơn Nhất - Hải Quan

Phó Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh, đại tá Mai Hoàng thông báo như vừa nêu vào chiều 27/10 tại hội nghị do Thành ủy TP HCM tổ chức với mục đích sơ kết ba năm thực hiện chương trình hành động số 38 về tăng cường nâng cao hiệu quả công tác phòng/chống và kiểm soát ma túy trên địa bàn thành phố này.

Ông Mai Hoàng nêu rõ những người trong các đường dây lập ra hơn 30 hội nhóm trên các ứng dụng mạng xã hội. Người bán và người mua không biết mặt nhau, thanh toán qua tài khoản ngân hàng không chính chủ ; ma túy mua được giao qua ứng dụng giao hàng.

Vào ngày 16/3, cơ quan chức năng phát hiện nhóm nữ tiếp viên hàng không Vietnam Airlines mang hơn 11 kg ma túy các loại trong vali trên chuyến bay từ Pháp về sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo thông tin được Hải quan và Công an cung cấp cho báo chí, trong bốn vali của các tiếp viên, ngoài các vật dụng cá nhân, có tổng cộng 327 tuýp kem đánh răng (chưa mở nắp, nhiều nhãn hiệu khác nhau, mỗi tuýp được đựng trong một hộp giấy riêng lẻ) và 17 chai nước súc miệng.

Trong các tuýp kem đánh răng bị kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện 157 tuýp chứa tổng cộng hơn 11 kg ma tuý các loại là ketamine và MDMA.

Trong cuộc họp báo hôm 17/3, Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nhóm tiếp viên, sau khi bị phát hiện mang chất cấm về nước, khai rằng khi ở Pháp họ được một người nhờ xách tay số hàng về nước với tiền trả công là 10 triệu đồng. Do quá bận việc, họ chỉ kiểm tra vài tuýp kem, không thấy có gì bất thường.

Theo cơ quan công an, vì các tiếp viên không biết bên trong các tuýp kem đánh răng nhận vận chuyển có chứa ma túy nên chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự.

Vào ngày 22/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc Công an Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định trả tự do cho bốn tiếp viên. Vào ngày 27/3, thêm một tiếp viên Vietnam Airlines bị cho có dính líu trong vụ này. Người này được cho biết cung cấp số điện thoại đầu mối gửi hàng tại Pháp cho bốn nữ đồng nghiệp khác để nhận số hàng chưa ma túy và chia nhau mang về Việt Nam.

Cả năm bị tạm giữ ngay khi khi Hải quan Sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện vụ việc ; tuy nhiên sau đó cả năm đều được cho tại ngoại do gia đình bảo lãnh.

Nguồn : RFA, 27/10/2023

*****************************

Bỏ xếp hạng : Trường học thành nơi ‘hạnh phúc’ ?

RFA, 24/10/2023

Tại buổi Hội thảo về trường học hạnh phúc, được tổ chức tại Hà Nội sáng 20/10/2023, đã có ý kiến đề xuất bỏ xếp hạng học sinh theo điểm tổng kết, nhằm xây dựng môi trường hạnh phúc cho trường học.

matuy2

Một lớp tiểu học ở Hà Nội. Ảnh minh họa / Reuters

Thầy Đỗ Việt Khoa, giáo viên trường Trung học Phổ thông Thường Tín ở Hà Nội, người có nhiều thành tích đấu tranh chống tiêu cực trong giáo dục, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 24/10/2023, liên quan vấn đề này nhận định :

"Không biết ông bà nào có đề xuất cũng gọi là mới, bắt chước Tây một tí, cải cách một tí… nhưng theo tôi chẳng khả thi đâu. Lâu nay điểm số của học sinh, kết quả học tập rèn luyện của học sinh vẫn là điểm tổng kết. Thế còn tiêu chí để đánh giá trường học hạnh phúc cũng không hề dễ".

Theo Thầy Khoa, nếu cho học sinh lựa chọn một cách kín đáo, không công khai theo kiểu trắc nghiệm trên mạng… thì có khi trường có chỉ số hạnh phúc cao, thì lại không được điểm đánh giá của học sinh, vì theo Thầy Khoa, nó phụ thuộc vào sự trung thực của hiệu trưởng. Thầy Khoa giải thích :

"Vì hiệu trưởng có thể bảo học sinh phải đánh giá trường hạnh phúc, thì học sinh cũng phải theo. Bảo học sinh phải cho điểm cao, thì các cháu cũng làm. Học sinh rất sợ, nhất là những hiệu trưởng "côn đồ" như thầy hiệu trưởng cũ của tôi ở Vân Tảo, thì sẽ toàn kết quả giả".

Thầy Đỗ Việt Khoa cho rằng, học sinh đến trường có hạnh phúc hay không phụ thuộc rất nhiều yếu tố :

"Quan trọng nhất là yếu tố trung thực trong đánh giá của các em, lắng nghe dư luận địa phương, học sinh phải đóng góp nhiều hay ít, có bị đóng góp những khoản bất hợp pháp không, có được thầy cô thật sự dạy dỗ làm người trung thực không hay, hay là bắt các em nói dối chẳng hạn… Chuyện này rất khó".

Lâu nay nhiều quy định của ngành giáo dục khiến bệnh thành tích trong trường học ngày càng nặng nề. Cũng chính vì những kiểu quy định như thế nên theo truyền thông nhà nước, nhiều khi trong mỗi lớp học mà có học sinh học kém thì giáo viên chủ nhiệm cũng cố ‘kéo’ lên cho đạt tỷ lệ học sinh lên lớp. Đơn cử như trường hợp một số học sinh trường Trung học cơ sở Tân Mỹ, huyện Thanh Bình – Đồng Tháp đọc viết khó khăn, dù đã học lớp 6 nhưng có chữ đọc được, chữ không. Có học sinh đã phải bỏ học vì mặc cảm không theo kịp bài, ngay chính những em học sinh này khi trả lời báo chí nhà nước, cũng không biết vì sao bản thân lại được lên lớp.

Một phụ huynh ở miền Trung Việt Nam cho RFA biết nhận xét của mình :

"Bệnh thành tích diễn ra ở mọi quy mô từ nhỏ đến lớn, tức là từng lớp trong mỗi ngôi trường, từng ngôi trường ở mỗi địa phương xã, huyện, tỉnh, thành phố… Nói như vậy có nghĩa rằng, nếu lớp nào, trường nào, địa phương nào có tỷ lệ học sinh đạt tỷ lệ khá, giỏi, lên lớp cao thì lớp đó, trường đó, địa phương đó được xét là đạt thành tích cao trong giáo dục, nhờ đó mà giáo viên chủ nhiệm của lớp đó, ban giám hiệu của trường đó, lãnh đạo ngành giáo dục của địa phương đó sẽ được khen thưởng, nâng lương, nâng bậc..".

Trở lại với đề xuất bỏ xếp hạng học sinh theo điểm tổng kết, để trường học trở thành môi trường hạnh phúc, Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng, thuộc Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, khi trao đổi với RFA hôm 24/10, nhận định :

"Ít ai hiểu việc bỏ xếp hạng, thì lập tức trường từ không hạnh phúc trở thành hạnh phúc, ngay cả những người đề nghị là mấy ông hiệu trưởng cũng không nghĩ đến như vậy. Nhưng điều đó phản ảnh việc xếp hạng có những hệ quả tiêu cực, mà là hiệu trưởng họ thấy rõ hơn ai hết tiêu cực đó đối với học sinh, đối với việc quản lý, đối với thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy… báo chí cũng đã nói khá nhiều về những chuyện như vậy".

Nhưng theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng, đó chỉ là một phần của vấn đề, còn muốn trường học trở thành môi trường hạnh phúc thì nó là một hệ vấn đề rất lớn, chứ không đơn giản chỉ là bỏ xếp hạng. Ông nói tiếp :

"Bỏ xếp hạng theo tôi đó là một việc tốt, nằm trong quyền hạn của Bộ Giáo dục, nhưng có những vấn đề của giáo dục Việt Nam vượt ra khỏi tầm của Bộ trưởng Bộ giáo dục. Kinh nghiệm của thế giới, nhiều nước cũng đã bỏ xếp hạng và không phải vì thế mà giáo dục người ta đi xuống".

Từ nhiều năm nay, nhiều chuyên gia cho rằng bệnh thành tích trong ngành giáo dục không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng, dẫn đến chất lượng giáo dục không thực chất.

Một nhóm do Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam dẫn đầu, trong công bố trong năm học 2020-2021 cho biết, đã thực hiện khảo sát, nghiên cứu về "Bệnh thành tích" trong giáo dục, ở 8 trường trên địa bàn 4 tỉnh, thành phố đã cho ra kết quả 97,7% người khẳng định có "bệnh thành tích" trong giáo dục. Thực tế chạy đua thành tích được cho biết khiến cả thầy lẫn trò trong nhà trường luôn phải lo sao đạt được chỉ tiêu đề ra.

Nguồn : RFA, 24/10/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 221 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)