Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

16/11/2023

Việt Nam tăng cường nạo vét và bồi đắp ở Trường Sa để ứng phó Trung Quốc !

RFA tiếng Việt

Tăng tốc nạo vét và bồi đắp ở Trường Sa là việc mà Việt Nam buộc phải làm để tăng cường năng lực phòng thủ trước một Trung Quốc ngày càng hung hăng trên Biển Đông.

Đây là nhận định chung của một số chuyên gia Biển Đông khi bình luận với RFA về sự kiện Việt Nam đang đẩy mạnh lấp đất, mở rộng diện tích ở khu vực Trường Sa.

truongsa1

Đảo Sơn Ca chụp từ vệ tinh vào ngày năm 2016 (trái), và năm 2023 (phải) - Planet Labs/CSIS

Như RFA đã đưa tin  hồi tuần trước, các hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Việt Nam đang gia tăng tốc độ nạo vét và lấđất ở quần đảo Trường Sa, với mức độ gấp bốn lần chỉ trong vòng chưa đầy một năm qua.

Báo cáo có tên "Việt Nam đang đẩy mạnh nạo vét ở Trường Sa" , đăng trên trang web Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) hôm 15/11 vừa qua, cho biết tổng diện tích mà Việt Nam bồi đắp được cho tới hiện tại lên tới 750 acres.

Cũng theo báo cáo, từ năm 2012 đến 2022, Việt Nam chỉ bồi đắp khoảng 120 acres ở khu vực Trường Sa.

Bãi Thuyền Chài có sự biến đổi lớn nhất từ trước cho đến nay. Trước đây, bãi này là một trong những tiền đồn nhỏ nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, hơn 210 acres đất mới đã được bồi đắp tại Bãi Thuyền Chài trong năm ngoái, biến nơi đây trở thành thực thể lớn nhất do Việt Nam đang kiểm soát trên Biển Đông.

Các đảo khác như Phan Vinh và Đảo Nam Yết có thêm diện tích đất lần lượt là 163 và 119 acres kể từ khi bắt đầu được bồi đắp vào năm 2021. Cũng từ năm này, Đảo Sơn Ca và Bãi Đá Tiên nữ cũng được Việt Nam mở rộng thêm lần lượt là 82 và 62 acres.

Các chuyên gia của AMTI suy đoán rằng Việt Nam đang nỗ lực mở rộng để xây dựng đường băng thứ hai ở quần đảo Trường Sa, nhưng hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Việt Nam sẽ xây dựng đường băng ở đây, vì công việc chủ yếu hiện nay là tập trung mở rộng diện tích.

Nếu so với phía Trung Quốc, tổng diện tích mà Việt Nam nạo vét và bồi đắp vẫn chỉ bằng 1/4 diện tích mà Trung Quốc thực hiện bồi đắp là 3200 acres từ năm 2013 đến 2016.

Đối phó Trung Quốc

Ông Nguyễn Thế Phương, chuyên gia an ninh quốc phòng cho biết, Việt Nam bắt đầu nghĩ tới việc phải tôn tạo các điểm đảo quan trọng ở Trường Sa từ năm 2019. Từ đó cho đến nay thì tất cả các cứ điểm đảo quan trọng nhất của Việt Nam ở Trường Sa dần dần bắt đầu được cải tạo, mở rộng rất nhiều, và mục đích cuối cùng vẫn là để phần nào đối phó với năng lực tấn công của Trung Quốc ở Trường Sa :

"Thông thường, một cái đảo như vậy thì không nên cải tạo hay xây lp gì thêm, bởi vì nó ảnh hưởng đến rất nhiều thứ như là môi trường…

Nhưng mà đứng dưới góc độ an ninh quốc phòng thì đó là một bước đi mà Việt Nam phải làm. Bởi vì, nếu như không làm thì trong trường hợp có xung đột xảy ra thì Trung Quốc, với cơ sở hạ tầng của họ như vậy thì Việt Nam rất khó để giữ vững chủ quyền của Việt Nam trên các đảo mà Việt Nam đang kiểm soát".

Theo ông Hoàng Việt, nhà nghiên cứu Biển Đông cho biết có hai nguyên do chính khiến Việt Nam tăng tốc hoạt động nạo vét trong năm qua.

Thứ nhất, là do biến đổi khí hậu, nước biển dâng lên và sự tàn phá của nước biển thì nhiều thực thể ở khu vực biển Đông bị thay đổi, bào mòn.

Thứ hai, theo ông Việt, là bài học từ cuộc căng thẳng giữa hai nước Trung Quốc và Philippines trong thời gian vừa qua :

"Trong cuộc căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines ở khu vực Bãi Cỏ Mây gần đây cho thấy một vấn đề quan trọng là Philippines không bồi đắp và xây dựng một căn cứ kiên cố ở đó. Philippines chỉ có những con tàu và nước biển càng làm bào mòn đi thì con tàu đó có thể bị ảnh hưởng bất cứ lúc nào ; và nếu như con tàu đó sụđổ thì Philippines cũng sẽ bị biến mất sự hiện diện ở đó.

Trước tất cả những về vấn đề đó thì Việt Nam muốn tôn tạo lại những căn cứ và thực thể mà Việt Nam đang chiếm giữ. Việc tôn tạo này sẽ giúp cho Việt Nam, thứ nhất là giữ vững được sự hiện diện của mình tại đây. Điều này sẽ có lợi cho Việt Nam trong vấn đề quyền chủ quyền.

Việt Nam cũng muốn xây dựng các cơ sở có thể tìm kiếm và cứu nạn trên biển tại khu vực này, bởi vì ngư dân Việt Nam cũng đi đánh cá tại khu vực này rất là nhiều".

Tăng cường năng lực phòng thủ

truongsa2

Bãi Thuyền Chài chụp từ vệ tinh vào tháng 11/2023. Ảnh : Planet Labs/CSIS

Cho đến nay, các hoạt động xây dựng chủ yếu của Việt Nam trên các điểm đảo quan trọng ở Trường Sa, theo ông Thế Phương, là xây dựng các nhà kho, bến bãi, các ụ phòng không, ụ súng máy, ụ súng chống tăng, bảo vệ bờ biển… Nói chung, việc mở rộng diện tích ra thì Việt Nam sẽ có thêm diện tích để phòng thủ đảo tốt hơn :

"Việc bồi đắp này có hai mặt. Thứ nhất là duy trì hoặc là cải thiện điều kiện sinh hoạt, không những là của bộ đội mà của người dân trên đảo Trường Sa lớn chẳng hạn. Ví dụ như là tăng cường khả năng cung cấp nước ngọt, tăng cường khả năng cung cấđiện, cơ sở hạ tầng, tăng cường khả năng tiếp cận các loại tàu đối với các đảo đó…

Thứ hai là cải thiện năng lực mang tính phòng thủ quân sự. Ví dụ như việc xây đường băng máy bay rất là hữu dụng, nếu có cảng thì các tàu quân sự có thể cập trực tiếp vô, làm tăng cường khả năng tiếp tế, ứng cứu trong các trường hợp.

Đối với những đảo nào chưa có đủ năng lực phòng thủ theo chiến lược được đặt ra thì Việt Nam sẽ cải tạo và mở rộng ra và khiến cho nó thành một cứ điểm mà khiến cho việc tấn công và chiếm đóng cứ điểm đó trở nên tốn thời gian, tiền bạc và sức người hơn".

Theo ông Hoàng Việt, việc tăng cường mở rộng diện tích ở các điểm đảo mà Việt Nam kiểm soát còn giúp Việt Nam giữ vững sự hiện diện của mình ở khu vực Trường Sa, củng cố Quyền chủ quyền và Quyền tài phán chung quanh một vùng biển rộng lớn hơn :

"Nếu giữ được sự hiện diện thì mới có thể nói chuyện được, nếu không giữ được sự hiện diện thì rất khó nói, ngoài việc đưa ra những tuyên bố về mặt pháp lý thôi".

Rủi ro Việt Nam phải đối mặt

Đánh giá về những rủi ro mà Việt Nam có thể phải đối mặt nếu tăng tốc tôn tạo các đảo ở Trường Sa, đặc biệt là từ phía Trung Quốc, thạc sĩ Hoàng Việt nhận định rằng phía Việt Nam, một khi đã quyết thực hiện các hoạt động bồi đắp thì chắc chắn đã lường trước được phản ứng từ Trung Quốc :

"Cá nhân tôi nghĩ là Trung Quốc họ cũng không làm được gì Việt Nam nhiều. Bởi vì, cho đến bây giờ Trung Quốc vẫn đang làm những điều mà từ xưa đến nay họ vẫn làm rồi, chẳng hạn như chuyện cho tàu mang danh nghiên cứu khoa học hay là các tàu hải cảnh, tàu dân quân biển vào khảo sát vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam".

Ông Thế Phương cho rằng Việt Nam có thể sẽ vấp phải phản ứng từ Quốc tế và cả Trung Quốc :

"Sẽ có quan điểm cho rằng Việt Nam đang quân sự hóa y hệt Trung Quốc. Người ta chưa cần biết là phòng thủ hay tấn công, chỉ cần thấy mở rộng các điểm đảo, lắđặt vũ khí thì người ta sẽ cho rằng là quân sự hóa".

Dù quy mô mở rộng, xây đắp của Việt Nam so với Trung Quốc là nhỏ hơn rất nhiều và mục đích của Việt Nam là phòng thủ chứ không phải tấn công. Tuy nhiên, theo ông Thế Phương, phía Trung Quốc chưa chắc đã có cái nhìn như vậy :

"Thứ hai là cũng có liên quan tới Trung Quốc, tức là mục tiêu của anh là để phòng thủ nhưng mà Trung Quốc họ lại không nhìn như vậy, họ nhìn đó là tấn công thì Trung Quốc sẽ tăng cường năng lực trên các đảo của họ. Nó giống như là một vòng xoáy đi lên… Nhưng mà dưới góc độ của một nước nhỏ thì Việt Nam sẽ biết điểm dừng ở đâu".

Bất chấp những rủi ro vừa nêu, ông Thế Phương dự đoán, trong tương lai, Việt Nam sẽ tiếp tục các hành động bồi đắp vì đây là chính sách đã có từ lâu rồi :

"Và phải nhấn mạnh rằng nó đã xảy ra, đang xảy ra và sẽ tiếp tục xảy ra, mang tính phòng thủ và quy mô sẽ nhỏ hơn rất nhiều so với Trung Quốc. Nếu không có các hành vi của Trung Quốc thì Việt Nam cũng chả tính đến các hành động tốn tiền tốn bạc như vậy đâu".

Nguồn : RFA, 16/11/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 243 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)