Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

04/07/2017

Nợ và tăng trưởng GDP của Việt Nam

BBC tiếng Việt

Chính phủ Việt Nam 'trả nợ' cho Đạm Ninh Bình ? (BBC, 03/07/2017)

Một chuyên gia kinh tế nói trong việc nhà máy Đạm Ninh Bình lỗ lũy kế 3.058 tỷ đồng, Chính phủ Việt Nam bảo lãnh khoản vay từ Trung Quốc nên phải có "trách nhiệm cuối cùng về thanh toán nợ".

no1

Dự án Đạm Ninh Bình do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) làm chủ đầu tư

Truyền thông Việt Nam cho hay nhà máy Đạm Ninh Bình lỗ lũy kế 3.058 tỷ đồng, xin ngân hàng Eximbank Trung Quốc chậm trả nợ và nơi này cho biết "người chịu trách nhiệm trả nợ không phải là doanh nghiệp mà là Chính phủ Việt Nam".

Dự án Đạm Ninh Bình do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) làm chủ đầu tư, có công suất 560.000 tấn/năm, vốn đầu tư khoảng 667 triệu USD, tương đương 12.000 tỷ đồng, nằm tại tỉnh Ninh Bình, theo VnEconomy.

Trong dự án này, Eximbank Trung Quốc cho vay Vinachem 250 triệu USD, với lãi suất ưu đãi 4%/năm, cố định trong vòng 15 năm, với điều kiện phải ký hợp đồng với nhà thầu HQC của Trung Quốc.

VnEconomy tường thuật, Bộ Tài chính Việt Nam yêu cầu : "Vinachem tập trung mọi nguồn lực của tập đoàn để ưu tiên trả nợ cho khoản vay nước ngoài của dự án Đạm Ninh Bình, trả nợ đầy đủ ngay từ kỳ ngày 21/7/2017, để không làm ảnh hưởng tới uy tín của chính phủ".

Hôm 3/7, trả lời BBC từ Đại học Strasbourg, Pháp, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phú cho hay : "Đạm Ninh Bình là dự án do một doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100%. Các khoản nợ vay, nhất là đối với Eximbank Trung Quốc là do Chính phủ Việt Nam bảo lãnh, do đó trách nhiệm cuối cùng về thanh toán nợ là của chính phủ".

"Chính vì vậy mà Chính phủ đã có yêu cầu Vinachem cố gắng trả nợ đúng hạn, để không ảnh hưởng đến uy tín của chính phủ".

"Tuy nhiên, đây là cách nói tu từ, vì cuối cùng Chính phủ Việt Nam sẽ tìm mọi cách để trả nợ đúng hạn cho Trung Quốc, dù đang ở trong bối cảnh nợ công, nợ xấu rất cao".

'Vấn đề chung'

"Theo như tôi biết, việc Đạm Ninh Bình thua lỗ có yếu tố khách quan từ thị trường (giá vật liệu tăng...), nhưng cũng có yếu tố do nhà máy không hoạt động đúng công suất và không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật thiết kế".

"Phần này liên quan đến công ty HQC, tổng thầu xây dựng nhà máy".

"Tuy nhiên, không biết là Đạm Ninh Bình và Vinachem có yêu cầu bồi thường gì trong hợp đồng hay không".

Chuyên gia nói thêm : "Việc Đạm Ninh Bình thua lỗ cho thấy vấn đề chung của các doanh nghiệp nhà nước : lập dự án, vay vốn nước ngoài, dự án xây dưng nhà máy hoàn thành nhưng không đúng yêu cầu, hoạt động thua lỗ và cuối cùng là xin nhà nước can thiệp để giảm lỗ (can thiệp về vốn hoặc thuế). Nhưng cuối cùng thì cũng sẽ làm ảnh hưởng lên ngân sách nhà nước và nợ công, nhất là nợ nước ngoài".

"Việc Eximbank Trung Quốc nói nợ của Đạm Ninh Bình là do Chính phủ Việt Nam bảo lãnh giống như vụ 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ, trong đó có Tập đoàn dầu khí".

"Hơn nữa, đến nay cách tính nợ công của Việt Nam vẫn chưa rõ ràng".

"Trong nợ công, phải tính đến các khoản nợ của các doanh nghiệp nhà nước, mà cuối cùng là do chính phủ bảo lãnh".

"Như vậy cần phải minh bạch là nợ công của Việt Nam hiện nay là bao nhiêu, trong đó có tính đến nợ của các doanh nghiệp nhà nước do chính phủ bảo lãnh hay chưa ?"

"Theo tôi tìm hiểu, nợ công đã vượt trần quy định (65% GDP) rất xa".

no2

Năm 2001, nợ công mới chỉ chiếm 36,5% GDP ; năm 2005, tỷ lệ này đã lên 40,8% GDP ; năm 2010 là 50% GDP và năm 2015 đã là 62,2% GDP

"Việc để nợ công quá cao sẽ ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế, có nguy cơ vỡ nợ".

"Các khoản nợ nước ngoài này nếu cộng dồn lại đều là những nghìn tỷ đồng và đều do Chính phủ Việt Nam bảo lãnh hết".

Trong một diễn biến khác, tờ Nikkei Asian Review cho hay trước mức trần nợ công, chính phủ Việt Nam đang phải vật lộn để hoàn thành nghĩa vụ thanh toán cho các dự án hạ tầng, tìm kiếm các nhà tài chính sẵn sàng rót vốn cho khu vực tư nhân.

"Chính phủ Việt Nam có những kỳ vọng cao đối với đầu tư của Nhật. Tuy nhiên, nhiều công ty Nhật không tỏ vẻ mặn mà, đưa ra một số yêu cầu cho chính phủ và doanh nghiệp nhà nước sở hữu. Cải cách là yêu cầu bắt buộc đối với Việt Nam để thu hút các khoản tiền cần thiết", tờ báo viết.

"Cán cân nợ công của Việt Nam đã ở mức 64,7% GDP vào cuối năm 2016, cao nhất khu vực Đông Nam Á, tương đương với Lào, và sát ngưỡng 65% mà chính phủ tự áp mức trần".

***********************

GDP Việt Nam cao hơn dự kiến nhưng vẫn 'chịu áp lực' (BBC, 29/06/2017)

Tổng sản phẩm quốc nội sáu tháng đầu năm của Việt Nam tăng 5,73%, hơn mức 5,5% của Bloomberg, theo Financial Times.

no3

GDP nay không được xem là thước đo tốt để đánh giá một nền kinh tế có khỏe mạnh hay không.

Tổng cục Thống kê cho biết GDP 6 tháng đầu năm nay với mức ước tính tăng 5,73% so với cùng kỳ năm trước là 5,1%.

Tuy nhiên với mục tiêu GDP năm 2017 mà Quốc hội Việt Nam đưa ra là tăng 6,7%, truyền thông trong nước nói áp lực tăng trưởng cuối năm là rất lớn.

Tổng cục Thống kê cho biết, cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 15,06%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 32,76%, khu vực dịch vụ chiếm 41,84%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,34%.

Được biết xuất khẩu tăng 18,9% tính tới tháng Sáu, tháp hơn dự đoán 19,6% nhưng lại cao hơn mức xuất khẩu trong tháng Năm là 17,4%.

Trong khi đó nhập khẩu tăng 24,1% tính theo năm, cao hơn dự đoán 23,7% và cao hơn mức tăng vào tháng Năm là 23,9%.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào tuần này cho biết 6 tháng đầu năm 2017 Việt Nam đã thu hút được 19,22 tỷ USD vốn FDI, gồm cả vốn đăng ký và cấp mới - tăng 54,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Tổng cộng có 1.183 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn 11,83 tỷ USD ; có 549 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 5,14 tỷ USD và 2.501 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 2,24 tỷ USD - tăng 97,6% so với cùng kỳ 2016, theo VnEcon.

'Bằng mọi giá'

no4

Việt Nam đã tham gia vào 16 thỏa thuận mậu dịch tự do (FTA) trong đó có Trung Quốc và Nhật

Hồi tháng Năm năm nay, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phú từ Đại học Strasbourg, Pháp bình luận về chỉ tiêu tăng trưởng GDP của Chính phủ Việt Nam đưa ra".

"Đảm bảo đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay nghĩa là Việt Nam muốn đạt chỉ tiêu tăng trưởng bằng mọi giá".

"Và việc này chỉ đáp ứng ngắn hạn, về dài hạn có thể có hại cho nền kinh tế".

"Từ mấy năm nay, năm nào chính phủ cũng ưu tiên đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP".

"Trong khi đó, lẽ ra Việt Nam phải ưu tiên các mục tiêu dài hạn để phát triển bền vững và chấp nhận trong ngắn hạn có thể tăng trưởng GDP không đạt chỉ tiêu".

"Quan trong là một khi ngân sách bị thâm hụt, nợ công quá cao, thì phải giảm chi tiêu công, tiết kiệm đầu tư vào những khoản không sinh lợi, chỉ đầu tư vào sản xuất, kiềm chế lạm phát…"

"Việt Nam nên nghiên cứu kỹ khủng hoảng kinh tế ở các nước như ở Argentina và gần đây nhất là ở Hy Lạp để rút kinh nghiệm về chính sách kinh tế vĩ mô".

"Trường hợp của Hy Lạp rất giống Việt Nam ở chỗ là có nợ công quá cao, khiến nền kinh tế phải mất nhiều năm mới vực dậy được".

Quay lại trang chủ
Read 902 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)