Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

06/12/2023

Kết quả phiếu tín nhiệm, cấm tặng quà lãnh đạo

RFA tiếng Việt

Hà Nội công bố kết quả phiếu tín nhiệm 28 lãnh đạo chủ chốt

RFA, 06/12/2023

Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Hội đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm 28 chức danh khối Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố nhiệm kỳ 2021 - 2026.

tinnhiem1

Quy trình lấy phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân Thành phố bầu - KT&ĐT

Ông Đinh Trường Thọ, Bí thư Quận ủy Đống Đa (Hà Nội), Trưởng ban Kiểm phiếu, ngày 6/12 đã thông báo kết quả kiểm phiếu 28 lãnh đạo chủ chốt được lấy phiếu tín nhiệm, gồm bảy người thuộc khối HĐND thành phố và 21 người khối UBND thành phố. Truyền thông Nhà nước loan tin trên trong cùng ngày.

Theo đó, kết quả cho thấy người có phiếu tín nhiệm cao nhất trong 28 chức danh là ông Nguyễn Quốc Duyệt, Tư lệnh Bộ Tư lệnh thủ đô Hà Nội với 83 (94,32%) đại biểu đánh giá mức tín nhiệm cao, mức tín nhiệm là 5 (5,68%) phiếu, không có đại biểu nào đánh giá mức tín nhiệm thấp.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội, nhận mức tín nhiệm cao đứng thứ hai danh sách, với 82 (93,18%) phiếu tín nhiệm cao, 5 (5,68%) phiếu tín nhiệm và 1 (1,14%) phiếu tín nhiệm thấp. 

Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải nhận mức tín nhiệm cao đứng thứ ba danh sách. Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhận 75 (85,23%) phiếu tín nhiệm cao, 8 (9,09%) phiếu tín nhiệm, 4 (4,55%) phiếu tín nhiệm thấp.

Bà Ngô Minh Hoàng, Giám đốc Sở Ngoại vụ Hà Nội, nhận được nhiều phiếu tín nhiệm thấp nhất trong danh sách 28 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm, với 11 (12,5%) đại biểu ghi phiếu tín nhiệm thấp, phiếu tín nhiệm là 22 (25%), phiếu tín nhiệm cao là 54 (61,36%).

Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và du lịch Thành phố Hà Nội, nhận nhiều phiếu tín nhiệm thấp thứ 2 danh sách 28 người được lấy phiếu tín nhiệm. Cùng đứng thứ 3 danh sách chức danh được nhiều phiếu tín nhiệm nhất là ông Đàm Văn Huân, Trưởng ban Đô thị HĐND Thành phố Hà Nội ;và ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, cùng có bảy phiếu.

RFA, 06/12/2023

***************************

Lại chỉ thị cấm tặng lãnh đạo quà Tết : tác dụng gì ?

RFA, 04/12/2023

Bà Trương Thị Mai – Thường trực Ban Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam vừa ký ban hành Chỉ thị số 26-CT/TW về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024, trong đó nhấn mạnh việc nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp theo mọi hình thức.

quatet1

Người bán hàng quà tặng Tết trên đường phố Hà Nội. AFP PHOTO

Chỉ thị về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024 gồm 7 mục với một số nội dung như : ‘Không tổ chức đoàn của Trung ương thăm, chúc Tết cấp uỷ, chính quyền các tỉnh, thành phố ; Không tổ chức thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp ; Nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức ; Không dự các lễ chùa, lễ hội nếu không được phân công ; Không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi...’

Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, giảng viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng, hôm 4/12/2023 nhận định với RFA :

"Tôi thấy chỉ thị này nó buồn cười, tức là nó buồn mà cũng tức cười. Bây giờ một xã hội không minh bạch, luật lệ không nghiêm, một xã hội mà người dân muốn nói cái đúng cũng không ai nghe, nên ra chỉ thị đó chi cho mất công, mất thời giờ. Theo tôi một xã hội muốn phát triển thì người dân khổ cái gì khổ một cái thôi, những cái khác không khổ mới làm việc được. Ví dụ học hành giỏi, chịu khó học hành thì xã hội phải tạo cái khác sướng cho anh, như vậy mới phát triển. Hoặc là quy định luôn làm cái này phải đóng bao nhiêu tiền, thì người ta đóng để được việc, đánh bài ngửa như vậy đi".

Theo Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc không thể xóa bỏ nạn biếu quà Tết lãnh đạo :

"Trong một xã hội như Việt Nam mà mọi cái không minh bạch, ví dụ như mình xin một cái gì đó, xin một người nào đó một vấn đề gì, hay muốn lấy lòng họ, hoặc bản thân mình thấy chưa xứng đáng nên dùng quà cáp để người đó giúp mình… Cái đó là do xã hội Việt Nam hiện nay quá phụ thuộc vào người quyết định, nên những người có nhu cầu họ muốn con đường ngắn hay họ muốn được chiếu cố… có rất nhiều lý do".

Vào dịp sắp đến Tết, từ nhiều năm qua, Ban bí thư lại ký ban hành một chỉ thị về việc tổ chức Tết, đồng thời nhấn mạnh việc nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo. Đơn cửa như Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Quý Mão năm 2023 được thường trực Ban Bí thư khi đó là ông Võ Văn Thưởng ký ban hành ngày 18 tháng 11 năm 2022. Hay trước đó vào năm 2021, có Chỉ thị số 11-CT/TW về việc tổ chức Tết 2022 cũng do ông Thưởng ký. Vào năm 2020, Đảng cũng ban hành Chỉ thị số 48-CT/TW do Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng ký ban hành về việc tổ chức Tết 2021.

Tất cả các Chỉ thị vừa nêu đều có chung một số điều như Chỉ thị số 26-CT/TW về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024 như vừa nêu.

Một người dân không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 4/12 từ Sài Gòn nói với RFA về thực tế này :

"Nhân viên cấp dưới biếu xén lãnh đạo, địa phương biếu xén trung ương nó đã có từ rất lâu rồi. Tôi nghĩ rằng hồi xa xưa dân tộc mình cũng đã có truyền thống như thế, người dưới biếu người trên, dân thì biếu quan và trò biếu thầy cô… Nhưng nói thật cái lễ nghĩa ngày xưa nó chỉ có tính chất tình cảm nhẹ nhàng là chủ yếu, chứ ít có trường hợp động cơ nhằm trục lợi như bây giờ. Bây giờ nó thô thiển lắm, biếu để lên lương, lên chức rồi thay đổi vị trí công tác…"

Việc Ban Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam hàng năm ban hành Chỉ thị với những điều được lặp đi lặp lại như : nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức, không tổ chức thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp… có đem lại tác dụng ?

Từ Hà Nội hôm 4/12, Nhà Nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai nhận định với RFA về chỉ thị này :

"Những chỉ thị này làm cho có chuyện, chứ nó không chuyển biến gì đâu. Hệ thống các công chức bên dưới, lãnh đạo ở các địa phương thành kén rồi, họ không sợ những cái chỉ thị này, họ có cách để tiêu hóa những cái chỉ thị ấy. Cho nên chỉ thị đấy không làm được gì đâu, vì vấn đề này là vấn đề văn hóa, nhân cách của con người, tính liêm sỉ của con người… nó phải đi liền với đạo đức nhân phẩm, đạo đức ấy được xã hội tán dương hay phê bình thì hãy để xã hội tự quyết định. Còn đằng này ai mà đứng ra chỉ trích một ông quan nào nhận quà, thì sẽ bị trù dập".

Theo Nhà Nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, những chỉ thị như Ban Bí thư vừa đưa ra nếu muốn làm là phải làm lại từ đầu, phải có luật thật nghiêm, quy định rõ ràng. Ông Mai cho rằng Chính quyền Việt Nam đã không học được cái văn minh của nhân loại, không tiếp nhận được đạo lý của người xưa… nên không dạy dỗ được cán bộ những vấn đề liêm sĩ, nên cán bộ coi chuyện nhận quà là bình thường và cứ nhơn nhơn như thế.

Nguồn : RFA, 04/12/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 177 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)