Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2023 đạt 5,05%, chủ yếu dựa vào doanh nghiệp nước ngoài
RFA, 02/01/2024
Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2023 đạt 5,05%, thấp hơn so với mục tiêu được Chính phủ đề ra là 6,5%, chủ yếu vẫn dựa vào xuất khẩu từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI).
Một người bán hàng rong trên phố Hà Nội hôm 27/12/2023 - AFP
Việt Nam từng được coi là nước có nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực, nhưng thời gian gian gần đây đã chậm lại do nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu giảm và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Mức tăng trưởng cao nhất mà Việt Nam đã đạt được là 8,02% vào năm 2022, cao nhất trong vòng 25 năm qua.
Xuất khẩu của Việt Nam trong năm qua giảm 4,4% so với năm 2022 xuống còn khoảng 355 tỷ đô la, theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của kinh tế Việt Nam đều giảm, bao gồm cà phê - giảm 9,6%, điện thoại di động giảm 8,3%.
Số liệu được Chính phủ công bố cho thấy các doanh nghiệp nước ngoài trong năm qua đóng góp 259,95 tỷ đô la, chiếm hơn 73% tổng doanh thu xuất khẩu của Việt Nam.
Theo Thông tấn xã Việt Nam, năm 2023 đánh dấu tám năm liên tiếp Việt Nam có thặng dư thương mại, đạt con số kỷ lục là 28 tỷ đô la, trong đó khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng góp 90% trong các lĩnh vực chính.
Cụ thể, các doanh nghiệp nước ngoài đóng góp hơn 99% trong các sản phẩm điện thoại, hơn 98% về máy tính, 93% về máy móc và hơn 60% về dệt may.
Trong năm qua, kinh tế Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng từ sự suy trầm của kinh tế Trung Quốc, bên cạnh đó là việc các nhà máy bị mất nhiều đơn đặt hàng từ nước ngoài đã dẫn đến làn sóng công nhân bị nghỉ việc tại nhiều nhà máy. Việc thiếu điện vào hè năm 2023 tại miền Bắc cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài tại các khu công nghiệp.
Theo các chuyên gia kinh tế, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm mới 2024 sẽ vẫn có thể đạt mức tương đối khả quan so với khu vực nhưng vẫn còn những khó khăn như việc giảm đơn đặt hàng từ nước ngoài, các khó khăn trên thị trường bất động sản và chứng khoán cũng như nợ công.
Nguồn : RFA, 02/01/2024
*************************
Một năm kinh tế khó khăn, Việt Nam không đạt mục tiêu tăng trưởng
VOA, 30/12/2023
Việt Nam kết thúc năm 2023 với mức tăng trưởng kinh tế cả năm là 5,05%, theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố hôm 29/12, không đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% mà Quốc hội đề ra.
Công nhân đang làm việc tại một xưởng may mặc ở Nam Định. Thị trường thu hẹp khiến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong năm 2023
Nếu không tính hai năm dịch Covid 2020 và 2021 thì tốc độ tăng trưởng 5,05% của Việt Nam là thấp nhất trong vòng 24 năm qua, thấp hơn cả trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 và giai đoạn 2012-2013 khi Việt Nam thắt chặt chính sách tài khóa do lạm phát tăng cao.
Quy mô của nền kinh tế Việt Nam hiện đã đạt 430 tỷ đô la Mỹ, cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Nếu so với cách nay 20 năm thì quy mô kinh tế Việt Nam hiện nay đã tăng hơn gấp 10 lần. GDP của Việt Nam vào năm 2003 là 39,55 tỷ đô la.
GDP bình quân đầu người đạt 4.284 đô la, tăng 160 đô la so với năm ngoái, cũng theo số liệu của cơ quan thống kê được báo chí trong nước dẫn lại.
Tuy nhiên, điểm sáng là Việt Nam đã kiểm soát lạm phát thành công với mức chỉ số giá tiêu dùng, tức CPI, trong cả năm được công bố là 3,25%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là 4,5%.
Tại hội nghị tổng kết ngành tài chính vào chiều ngày 27/12, phó Thủ tướng Lê Minh Khái được trang mạng VnExpress dẫn lời nói rằng kinh tế Việt Nam ‘chịu tác động chưa từng có từ bên ngoài và những vấn đề nội tại’.
Nền kinh tế Việt Nam vốn thiên về xuất khẩu với thị trường chính là Mỹ và khối EU. Nhu cầu các nước này sụt giảm khiến xuất nhập khẩu của Việt Nam giảm 6,6% so với năm ngoái, đạt 693 tỷ đô la.
Nhiều doanh nghiệp không còn đơn hàng, phải đóng cửa. Hàng trăm ngàn công nhân bị mất việc, đời sống hết sức khó khăn. Tăng trưởng tín dụng thấp. Sức mua giảm, hoạt động kinh doanh buôn bán ế ẩm. Thị trường bất động sản gần như đóng băng.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam có mức tăng thấp nhất trong vòng 13 năm qua ở mức 3,62%, cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, được VnExpress dẫn lời nhấn mạnh kết quả tăng trưởng này của Việt Nam là ‘tốt hơn nhiều nước’ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều khó khăn.
"Chúng ta có thể thấy nỗ lực của Việt Nam qua việc tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước", bà Hương được dẫn lời nói.
Nguồn : VOA, 30/12/2023
****************************
Tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 ở mức 5,05% do xuất khẩu giảm
RFA, 29/12/2023
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 dừng ở mức 5,05%, thấp hơn mục tiêu đề ra là 6,5%, và thấp hơn mức tăng trưởng bình quân mỗi năm 5,87% trong thập niên trước.
Nhập khẩu trong năm 2023 giảm 8,9% xuống còn 327,5 tỷ USD. AFP
Tổng cục Thống kê Việt Nam đưa ra số liệu chính thức vừa nêu ngày 29/12. Lý do của tình trạng tăng trưởng chậm lại được giải thích do mức cầu yếu đi trên toàn thế giới, vào khi đầu tư công bị chững lại trong công cuộc chống tham nhũng của đảng.
Theo Reuters, Việt Nam là một trung tâm sản xuất trong khu vực lệ thuộc mạnh mẽ vào mậu dịch. Cụ thể xuất khẩu giảm 4,4% trong năm 2023 xuống còn 355,5 tỷ USD ; trong đó số điện thoại thông minh lắp ráp tại Việt Nam bán ra thị trường thế giới giảm 8,3%. Đây là mặt hàng mang lại nguồn ngoại tệ lớn nhất cho Việt Nam.
Nhập khẩu trong năm 2023 giảm 8,9% xuống còn 327,5 tỷ USD.
Biện pháp bù đắp cho tình trạng xuất khẩu giảm mà Chính phủ Hà Nội đưa ra là gia hạn cắt giảm thuế giá trị gia tăng nhằm thúc đẩy tiêu dùng nội địa, cũng như nỗ lực đẩy mạnh đầu tư công, chủ yếu trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên trong năm 2023, đầu tư công bị chững lại khi mà chiến dịch chống tham nhũng, thường được gọi là "đốt lò" do Tổng bí thư đảng cộng sản- ông Nguyễn Phú Trọng hô hào, được tăng cường.
Vào tháng qua, Quốc hội Việt Nam thông qua mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm 2024 là từ 6,0% đến 6,5% và lạm phát trong phạm vi 4% đến 4,5%.
Nguồn : RFA, 29/12/2024
*****************************
Xuất khẩu lao động tăng kỷ lục
RFA, 29/12/2023
Lao động xuất khẩu từ đầu năm đến ngày 20/12 tổng cộng 155.000 người. Đây là mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
Trên cả nước Việt Nam hiện có gần 50 doanh nghiệp được cấp phép đưa người lao động ra nước ngoài làm việc. Tiền Phong
Thống kê vừa nêu do Thứ trưởng Lao động- Thương binh & Xã hội (LĐ-TB-XH), ông Nguyễn Bá Hoan đưa ra tại hội thảo mang tên "nâng cao hiệu quả xuất khẩu lao động, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đất nước" do báo Người Lao động ở thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 27/12.
Trong những năm vừa qua số lao động trong nước ra nước ngoài làm việc trung bình từ 120.000 đến 140.000 mỗi năm mà thôi.
Trên cả nước Việt Nam hiện có gần 50 doanh nghiệp được cấp phép đưa người lao động ra nước ngoài làm việc.
Tại hội thảo, Thứ trưởng LĐ-TB-XH Nguyễn Bá Hoan nêu ra những hạn chế trong lĩnh vực này. Đó là tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu lao động ; năng lực của một số tổ chức, doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu ; người đi lao động nước ngoài chưa chủ động học nghề, học tiếng ; chưa tìm hiểu kỹ thông tin thị trường ; ý thức tổ chức hạn chế ; vi phạm hợp đồng lao động ; vi phạm pháp luật của nước sở tại ; hết hạn hợp đồng nhưng không về nước đúng hạn ; bỏ trốn khỏi nơi làm việc…
Về mặt Nhà nước, một số cơ chế, chính sách ban hành chậm, thiếu đồng bộ ; chi phí đi làm việc ở nước ngoài cao.
Nguồn : RFA, 29/12/2024
***************************
World Bank : Kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với khó khăn
VOA, 28/12/2023
Ngân hàng Thế giới (World Bank) mới công bố bản cập nhật kinh tế vĩ mô mới nhất của Việt Nam, trong đó nói rằng nền kinh tế Việt Nam "vẫn phải đối mặt với những khó khăn".
Việt Nam từng được nhận xét là có biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ để khuyến khích xuất khẩu, nhưng GDP tăng trưởng không như kỳ vọng.
Trong tình hình đó, theo tổ chức tài chính này, các cơ quan chức năng "có thể xem xét gia hạn thực hiện chương trình hỗ trợ kinh tế (2022-2023) sang năm tới để cho phép các khoản đầu tư theo kế hoạch được thực hiện đầy đủ, hỗ trợ tổng cầu".
World Bank cho rằng trong bối cảnh kinh tế suy thoái, những điểm yếu của khu vực tài chính "đòi hỏi phải tiếp tục cảnh giác".
Đồng thời, theo tổ chức tài chính này, Việt Nam phải "nỗ lực khôi phục niềm tin và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản sẽ là chìa khóa hỗ trợ ổn định kinh tế trong ngắn hạn và tăng trưởng kinh tế trong dài hạn".
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, người theo dõi tình hình Việt Nam, cho VOA tiếng Việt biết : "Nền kinh tế Việt Nam trong năm nay, tức là năm 2023, gặp rất nhiều khó khăn. Xuất khẩu giảm sút. Nhiều doanh nghiệp đóng cửa, các cửa hàng đóng cửa. Người dân gặp khó khăn, tuy rằng nền kinh tế vẫn tăng trưởng ở mức không phải là quá kém".
Theo World Bank, thu ngân sách chính phủ 11 tháng đầu năm 2023 giảm 6,2% so với cùng kỳ năm 2022, do các hoạt động kinh tế "chững lại", trong khi chi tiêu công lũy kế 11 tháng đã tăng 10,6%, phản ánh nỗ lực của chính phủ nhằm "hỗ trợ nền kinh tế đang chậm lại".
Trong năm 2024, ông A cho biết rằng ông hy vọng đời sống của người dân ở Việt Nam "sẽ được cải thiện thêm" nhưng ông cũng nói thêm rằng điều đó "khá là mong manh" vì "bản thân cơ cấu của nền kinh tế Việt Nam này nó sinh ra sự mong manh đó".
Ông nói : "Nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào nước ngoài vào loại nhất thế giới. Cái đó có thể đo bằng lượng xuất [nhập] khẩu trên GDP, lên đến 170-180% của GDP. Xuất nhập khẩu ấy. Một mặt, con số đấy cho thấy rất là tốt, Việt Nam hội nhập rất là sâu vào nền kinh tế thế giới. Nhưng mà hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới mà ở trong nội địa của mình nó không thực sự phát triển thì ở thế giới mà người ta hắt hơi, sổ mũi ở đâu đấy là có ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam này".
Theo World Bank, bất chấp sự sụt giảm nhỏ và có thể chỉ mang tính tạm thời trong xuất khẩu, hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa nói chung trong tháng 11 vẫn ổn định trong bối cảnh nhu cầu bên ngoài phục hồi, tăng lần lượt 6,7% và 5,1%. "Tuy nhiên, xuất khẩu và nhập khẩu lũy kế trong 11 tháng năm 2023 vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2022, giảm lần lượt 5,9% và 10,7%", tổ chức tài chính cho biết.
Ông A lấy ví dụ về tác động "ngoài tầm kiểm soát" đối với Việt Nam như cuộc xung đột ở Dải Gaza cũng như cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, đồng thời nói thêm về việc nền kinh tế Việt Nam "dựa quá nhiều vào đầu tư nước ngoài".
Ông nói thêm : "Khu vực đấy rất là quan trọng, đầu tư nước ngoài rất là tốt. Nhưng mà nếu chính phủ không lưu ý đến chuyện phát triển các doanh nghiệp Việt Nam thực sự thì đến một lúc nào đấy họ không thấy thích nữa thì sẽ xảy ra khủng hoảng khủng khiếp về mặt kinh tế ở Việt Nam".
Theo World Bank, cam kết Đầu tư Trực tiếp Nước ngoài (FDI) lũy kế trong 11 tháng năm 2023 tiếp tục tăng, đạt 28,8 tỷ USD, cao hơn 14,8% so với cùng kỳ năm 2022, bất chấp những bất ổn toàn cầu, "phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế Việt Nam".
Tuy nhiên, tổ chức tài chính này cho biết, con số này vẫn thấp hơn khoảng 10% so với mức trước Covid (2019). Bất động sản chỉ chiếm 3,5% vốn đăng ký trong 11 tháng đầu năm 2023 so với 16,7% cùng kỳ năm 2022, phản ánh tình trạng trì trệ của thị trường bất động sản trong nước.
Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) trong tháng này giảm dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay xuống còn 5,2% so với dự báo trước đó là 5,8%. Trong báo cáo về "Triển vọng phát triển Châu Á", ADB dự báo rằng tăng trưởng trong năm 2024 của Việt Nam duy trì ở mức 6,0%.
"Rủi ro đối với triển vọng bao gồm lãi suất tăng cao liên tục ở Hoa Kỳ và các nền kinh tế tiên tiến khác, có thể góp phần gây bất ổn tài chính ở các nền kinh tế dễ bị tổn thương trong khu vực, đặc biệt là những nước có nợ cao", ADB viết trong thông cáo. "Sự gián đoạn nguồn cung tiềm ẩn do hiện tượng thời tiết El Niño hoặc việc Nga xâm chiếm Ukraine cũng có thể khơi dậy lạm phát, đặc biệt là liên quan đến lương thực và năng lượng".
Nguồn : VOA, 28/12/2023