Hàng chục ngàn doanh nghiệp buộc phải rút khỏi thị trường trong hai tháng
RFA, 04/03/2024
Tổng cục Thống kê Việt Nam mới đây cho biết, bình quân 1 tháng có gần 31.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Như vậy số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 2 tháng đầu năm 2024 là khoảng 63.000 doanh nghiệp.
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây. AFP Photo
Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất tư nhân ở Quận 2 – thành phố Hồ Chí Minh, không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 4/3/2024 cho RFA biết thực tế :
"Tình hình sáu mươi mấy ngàn doanh nghiệp rút khỏi thị trường thì cũng đúng thôi, vì kinh tế đi xuống. Nhưng hai tháng vừa qua cũng có khoảng 130 ngàn doanh nghiệp đăng ký mới. Có đi cũng có đến, nhưng nói chung tình hình vẫn khó khăn. Thứ nhất là giá nguyên liệu tăng, thứ hai là giá năng lượng tăng, thứ ba là đầu ra hầu như hoàn toàn giảm sút rất lớn, tới khoảng 30-40 %, lượng hàng xuất khẩu cũng rất ít… Còn thị trường trong nước thì điêu đứng, rơi vào tình trạng người bán thì có người mua thì không".
Theo vị giám đốc này, hiện tại ở Việt Nam những mặt bằng lớn đẹp nằm giữa ngay trung tâm thành phố đều không có người thuê. Ông cho biết nguyên nhân :
"Do kinh doanh chịu không nổi, cái chính là do thu nhập người dân không có, đầu tư nước ngoài vào không có, việc làm không có, người dân không có tiền tiêu xài… nên sức mua giảm và kéo theo cả nền kinh tế. Đặc biệt là những hệ thống bán lẻ vất vả lắm. Tôi sợ tình hình còn bi đát hơn thời năm 2023. Mình hy vọng thôi, chứ thật sự đối với một nhà sản xuất nhỏ như tôi thì thật lòng mà nói rất bi đát".
Vị này còn cho biết thêm, đối với ngân hàng có vốn cho vay mà không ai vay, còn người vay thì không dám vay, vì vay không để làm gì. Theo vị Giám đốc này, hầu như toàn bộ hệ thống tiêu dùng, thu nhập của người dân lao dốc một cách khủng khiếp và khó khăn rất nhiều.
Không chỉ doanh nghiệp tư nhân, đầu năm 2023, hàng loạt doanh nghiệp nhà nước than lỗ từ vài trăm đến đến hàng chục ngàn tỷ đồng, xin được hỗ trợ hoặc tăng giá. Đơn cử như Tổng công ty Hàng không Việt nam -Vietnam Airlines dù có doanh thu trong năm 2022 phục hồi bằng hai năm trước đó cộng lại, nhưng vẫn than lỗ hơn 10 ngàn tỷ đồng với nguyên nhân được hãng này giải thích là do giá nhiên liệu và tỷ giá biến động mạnh.
Một doanh nghiệp nhà nước độc quyền khác là Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN cũng cho biết năm 2022 lỗ đậm gần 29.000 tỷ đồng. Sau đó EVN cũng cho biết năm 2023 chịu lỗ 17.000 tỷ đồng.
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, nhận định với RFA hôm 4/3/2024 về vấn đề này :
"Đây là một tình hình rất đáng quan ngại, bởi vì các doanh nghiệp đó tạo ra công ăn việc làm và đóng thuế cho ngân sách nhà nước. Việc doanh nghiệp đóng cửa là bởi vì trong thời gian qua, nông nghiệp Việt Nam có bước phát triển tốt, nhưng công nghiệp của Việt Nam nhất là công nghiệp chế biến gặp nhiều khó khăn, do các sự kiện vận tải ở biển đỏ - Trung Đông, cũng như việc nhập các nguyên vật liệu và việc xuất khẩu sang thị trường Châu Âu có nhiều khó khăn".
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Nhà nước có các biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng rất tiếc là các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đó chưa được thực hiện một cách có hiệu quả. Ông Doanh nói tiếp :
"Số doanh nghiệp đóng cửa lớn hơn số doanh nghiệp đăng ký mới, vì vậy sức ép lên công ăn việc làm, cũng như là việc bảo đảm nguồn thu ngân sách từ khu vực kinh doanh trong nước là khó khăn. Trong khi đó thì diễn biến của đầu tư nước ngoài cũng không đạt".
Đối với lĩnh vực ngân hàng thì theo ông Doanh đã có giảm đáng kể lãi suất cho vay để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể vay mượn. Ngoài ra ông Doanh cho biết thêm :
"Các cơ quan nhà nước cũng đang cố gắng vận dụng chuyển đổi sang kinh tế số và chính phủ điện tử, để giảm bớt các chi phí về thời gian và tiền bạc trong khi thực hiện các thủ tục kinh doanh. Tuy vậy, cho đến nay số những giấy phép con vẫn đang ở mức độ rất lớn, khoảng 6.000 giấy phép con".
Và theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, lời kêu gọi của Thủ trưởng Chính phủ là ‘phải xem xét loại bỏ các giấy phép con để cho người dân có thể tự do kinh doanh theo pháp luật’… là một lời kêu gọi cần phải được thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới.
Còn theo Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ khi trả lời RFA mới đây, nếu chính phủ tư nhân hoá các công ty nhà nước và cho phép một số công ty tư nhân khác tham gia vào cùng một lĩnh vực để tăng tính cạnh tranh… thì việc tăng hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp mới có thể thực hiện được.
Nguồn : RFA, 04/03/2024
***************************
Việt Nam 2 tháng đầu năm : Gần 63.000 doanh nghiệp dừng hoạt động ; xuất nhập khẩu tăng
VOA, 01/03/2024
Xấp xỉ 63.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2024, nhiều hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái và gấp đôi thời Đại dịch, theo Tổng cục Thống kê của nhà nước. Vẫn tổng cục cho hay xuất nhập khẩu của cả nước tăng gần 20% từ đầu năm đến nay so với 2 tháng đầu năm 2023.
Biểu đồ về số doanh nghiệp rút lui và gia nhập thị trường Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2024, theo Vietnambiz.
Số liệu do Tổng cục Thống kê công bố và được nhiều báo Việt Nam, trong đó có Vietnambiz, Vneconomy, dẫn lại hôm 29/2 cho thấy có đến 62.980 doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 2 tháng qua, tăng 22,5% so với cùng khoảng thời gian của năm ngoái.
Con số kể trên bao gồm gần 49.300 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng hơn 27% so với cùng kỳ của năm 2023 ; hơn 10.000 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tăng 6,5% ; và doanh nghiệp giải thể là gần 4.000, tăng 14,5%.
Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cả trong tháng 1 lẫn tháng 2 thể hiện "xu hướng tăng tiếp tục diễn ra", các báo đưa ra nhận xét.
Trong diễn biến ngược lại, vào 2 tháng đầu năm 2024, có 41.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động ở Việt Nam, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù vậy, dưới góc nhìn của trang Nhà báo & Công luận, với con số bình quân mỗi tháng trong giai đoạn từ đầu năm đến nay có gần 31.500 doanh nghiệp rút đi, số lượng doanh nghiệp "phá sản" áp đảo so với số được thành lập mới.
Theo quan sát của VOA, mức độ các doanh nghiệp dừng hoạt động như nêu trên cao hơn gấp đôi mức trung bình mỗi tháng hồi quý 1/2021, là lúc mà Đại dịch Covid-19 bị coi là nguyên nhân chính khiến kinh tế Việt Nam đình trệ hết sức nghiêm trọng.
Khi đó, khoảng 13.400 doanh nghiệp rời thị trường mỗi tháng, một thực trạng đã bị và các quan chức và giới chuyên gia kinh tế xem là "điều rất đáng lo ngại" vì họ lưu ý rằng đó là lần đầu tiên trong một thập kỷ gần đây, số lượng doanh nghiệp "tháo chạy" khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp mới tham gia.
Khoảng 13.400 doanh nghiệp rời thị trường mỗi tháng - Ảnh minh họa
Trên một bình diện khác của nền kinh tế Việt Nam trong 60 ngày đầu tiên của năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt hơn 59,3 tỷ đô la, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm trước, cũng theo Tổng cục Thống kê.
Tách ra từ con số nêu trên, giá trị xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là hơn 43 tỷ đô la, tăng gần 15% và chiếm gần 73% tổng kim ngạch, đồng thời cũng lớn gấp gần 3 lần khu vực kinh tế trong nước, dù khối này đạt hơn 16 tỷ đô là và tăng hơn 33%.
Ở chiều ngược lại, trong cùng khoảng thời gian đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt hơn 54,6 tỷ đô la, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt gần 19,7 tỷ đô la, tăng hơn 27% ; và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 35 tỷ đô la, tăng hơn 13%.
Theo tính toán của VOA, các số liệu đó cho thấy khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã xuất siêu hơn 8 tỷ đô la trong khi khối trong nước nhập siêu gần 3,7 tỷ đô la.
Nguồn : VOA, 01/03/2024