Úc và Việt Nam nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện
Thu Hằng, RFI, 07/03/2024
Úc và Việt Nam nâng cấp quan hệ song phương lên hàng Đối tác Chiến lược Toàn diện, đưa Úc trở thành một trong 7 đối tác quan trọng nhất của Việt Nam. Thỏa thuận được ký kết ngay hôm nay, 07/03/2024, ngày đầu trong chuyến công du chính thức nước Úc của thủ tướng Phạm Minh Chính.
Thủ tướng Úc Anthony Albanese và thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại lễ ký kết thỏa thuận nâng cấp quan hệ song phương, Quốc hội Úc, Canberra, ngày 07/03/2024. AP - Lukas Coch
Phát biểu trong buổi họp báo tại Canberra, thủ tướng Úc nhấn mạnh thỏa thuận song phương đã đưa "Úc và Việt Nam trở thành những đối tác quan trọng nhất của nhau". Trên mạng X, ông Anthony Albanese ca ngợi "Úc và Việt Nam là những người bạn lâu năm và từ giờ là những đối tác còn thân thiết hơn". Thông tấn xã Việt Nam ca ngợi "sự tin cậy chính trị vào nhau giữa hai nước đã đạt đến mức chưa từng có".
Thủ tướng hai nước cũng đã dự lễ ký kết khoảng 12 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, nông nghiệp, ngân hàng và tài chính. Ngoài ra, theo thông cáo chung, thỏa thuận Đối tác Chiến lược Toàn diện sẽ thúc đẩy mở rộng hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, như môi trường và năng lượng, quốc phòng và an ninh, kinh tế và giáo dục.
Thông cáo cho biết "hai nước sẽ tổ chức đối thoại thường niên ở cấp bộ về năng lượng và khoáng sản để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng và tài nguyên, trong đó có chuỗi cung ứng các loại khoáng sản chủ đạo". Theo Reuters, Úc là nhà sản xuất lớn các khoáng sản được sử dụng trong nhiều lĩnh vực (điện thoại thông minh, ô tô), trong khi Việt Nam được cho là có nhiều mỏ với trữ lượng lớn chưa được khai thác.
Úc là nhà cung cấp than quan trọng cho Việt Nam để sản xuất điện. Khoảng 20 triệu tấn than đã được Úc xuất khẩu sang Việt Nam trong năm 2023, tăng 17% và chiếm khoảng 39% tổng lượng than nhập khẩu của Việt Nam.
Thỏa thuận nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất với Úc đánh dấu thêm một thành công cho chiến lược "ngoại giao cây tre" của Hà Nội, đưa Úc lên ngang hàng về tầm quan trọng với Việt Nam như sáu nước khác là Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ.
Theo trang The Diplomat của Nhật Bản, đây là kết quả các cuộc đàm phán giữa hai nước từ 4 năm qua. Tháng 11/2020, ngoại trưởng Úc Marise Payne lúc đó đã gợi ý với đồng nhiệm Việt Nam Phạm Bình Minh về việc nâng quan hệ song phương lên cấp độ cao hơn. Canberra dường như đã muốn hai bên ký kết thỏa thuận trong khuôn khổ chuyến công du Việt Nam của thủ tướng Anthony Albanese nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ song phương năm 2023.
Thu Hằng
***************************
Việt Nam-Úc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, bàn về Biển Đông và hợp tác khoáng sản
BBC, 07/03/2024
Việt Nam và Úc đã chính thức nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. Úc là nước thứ bảy có quan hệ ở cấp này với Việt Nam.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Úc Anthony Albanese đưa ra tuyên bố chung tại Tòa nhà Quốc hội ở Canberra vào ngày 7/3/2024
Ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng Việt Nam, đã hội đàm với Thủ tướng Úc Anthony Albanese tại Canberra sáng 7/3.
Hai bên thống nhất sáu phương hướng hợp tác, bao gồm :
- tin cậy chính trị, ngoại giao cao hơn, chiến lược hơn ;
- hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư bao trùm, thực chất, hiệu quả hơn ;
- thúc đẩy hợp tác khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh mạnh mẽ hơn
- hợp tác văn hóa, giáo dục - đào tạo, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn diện, sâu sắc hơn ;
- giao lưu nhân dân, kết nối giữa các thế hệ rộng mở và chân thành hơn ;
- hiểu biết, thông cảm và chia sẻ nhiều hơn về hợp tác an ninh quốc phòng.
Hai bên cũng trao 11 văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực bao gồm năng lượng, khoáng sản, nông nghiệp, ngân hàng và tài chính.
Bàn về Biển Đông, hai bên đã thoả thuận trao đổi, chia sẻ thông tin, tăng cường hợp tác, đảm bảo an toàn và tự do hàng hải, hàng không, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Việc nâng cấp quan hệ đánh dấu thành công mới nhất trong chính sách "ngoại giao tre" của Việt Nam do Cộng sản cai trị, sau khi nước này tăng cường quan hệ vào năm ngoái với các cường quốc hàng đầu thế giới trong bối cảnh căng thẳng toàn cầu đang gia tăng, Reuters bình luận.
Hiện Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nga và Úc.
Tăng cường hợp tác khoáng sản
Ông Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam (VTRE)
Việt Nam, nơi được cho là có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới với khoảng 22 triệu tấn, đã thu hút các thợ mỏ từ Australia, theo Reuters.
Công ty trách nhiệm hữu hạn Khoáng sản Blackstone đã đồng ý hợp tác với Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam (VTRE) để giành quyền khai thác tại mỏ lớn nhất nước này, Đông Pao ở tỉnh Lai Châu, trong một dự án trị giá khoảng 100 triệu USD.
Australia Strategic Materials cũng đã ký thỏa thuận ràng buộc vào tháng 4/2023 với VTRE về việc mua 100 tấn đất hiếm đã qua chế biến mỗi năm và cam kết đàm phán một thỏa thuận cung cấp dài hạn hơn.
Tuy nhiên, một số thương vụ đất hiếm đã bị đóng băng sau khi cảnh sát Việt Nam bắt giữ chủ tịch VTRE Lưu Anh Tuấn vào tháng 10/2023 và cáo buộc ông giả mạo biên lai thuế giá trị gia tăng và buôn lậu đất hiếm.
Úc là nhà cung cấp than chính cho Việt Nam, quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện.
Các chuyến hàng than từ Úc đến Việt Nam đã tăng 17% trong năm ngoái lên 20 triệu tấn, chiếm 39% tổng lượng than nhập khẩu của Việt Nam.
Nguồn : BBC, 07/03/2024