Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

12/03/2024

Làm sao phục hồi niềm tin của giới trẻ và dân chúng vào chính quyền ?

RFA tiếng Việt

Việt Nam cần thay đổi nhiều thì mới mong các nhà khoa học toàn tâm cống hiến

RFA, 12/03/2024

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khi làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, hôm 11/3/2024 đã đề nghị cơ quan này tạo cơ chế để chuyên gia, nhà khoa học toàn tâm, toàn ý cống hiến, sáng tạo. Ông Nghĩa còn mong muốn có chương trình thu hút nhà khoa học trẻ trình độ cao, đồng thời phát huy sự cống hiến, trí tuệ của các nhà khoa học đầu ngành.

niemtin1

Ảnh minh họa chụp tại Buôn Ma Thuột hôm 14/3/2023. AFP

Kêu gọi suông, không đủ

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, nguyên là giảng viên đại học Liège - Bỉ, người đã có hơn 15 năm làm việc tại Việt Nam, vào tối ngày 12/3 nói với RFA từ Sài Gòn :

"Phát xuất từ Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương thì đây là một cái mới. Trước đây là nguyện vọng của Bộ Giáo dục Đào tạo, của Bộ Công nghệ, của các Hiệu trưởng trường Đại học… Lần này từ Ban tư tưởng tối cao của Đảng thì thứ nhất, tôi cho rằng mới nhưng hiệu quả trước mắt thì khó. Bởi vì quản lý khoa học, quản lý tri thức của Việt Nam đã dậm chân theo hướng lạc đường từ bao nhiêu năm qua".

Theo Giáo sư Hưng, mong muốn là một chuyện, nhưng tạo ra một môi trường để thực hiện là chuyện khác :

"Tạo ra môi trường thực hiện đòi hỏi thời gian dài dày công xây dựng và phải có một quá trình năm đến 10 năm để chuẩn bị, mà chuẩn bị khó nhất là chuẩn bị tư duy, suy nghĩ của những người lãnh đạo khoa học, có nhiệm vụ tạo điều kiện cho lớp trẻ để họ có thể thực thi… Cái này ở Việt Nam khá bế tắc, bởi vì chuyện sai đường đã kéo dài quá lâu, gần 50 năm rồi mà chưa tạo được môi trường khoa học. Tại sao ?"

Lý giải nguyên do tại sao Việt Nam cứ loay hoay hàng chục năm qua mà chưa tạo được môi trường phát triển khoa học, vị giáo sư tại Đại học Bỉ, nói tiếp :

"Tự do học thuật cần có tự do tư tưởng, phải để người ta có tự do có sáng kiến, tự do phản biện, tự do giao lưu, tự do ‘nói không’ với những gì không đúng… Khi những điều kiện đó bị hạn hẹp, tất cả những ai có ý kiến phản biện thì thường được coi là tư duy phản nghịch, thế lực thù địch… sẽ bị theo dõi, cấm cản, ngăn cản không cho báo đài phỏng vấn, không cho thuyết trình khoa học, người lãnh đạo nhất là ban tuyên giáo chỉ thích đưa lệnh miệng, không dám viết văn bản… thì những người trí thức chân chính sẽ cảm thấy bị tù hãm, cảm thấy sống tha hương trên chính đất nước của mình".

Ngoài ra, Giáo sư Hưng còn cho rằng, để thực hiện theo mong muốn của ông Trưởng ban tuyên giáo trung ương, còn thêm yếu tố "cần" nữa, đó là cần phải có người có kinh nghiệm, phải biết làm cái gì, giải quyết cụ thể ra sao…

niemtin2

Sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Việt Nam ngày 2/3/2020. Reuters / Kham.

Cần nhiều thay đổi

Việc kêu gọi nhân tài đóng góp xây dựng đất nước hầu như được các lãnh đạo Việt Nam nhắc đến mỗi năm. Vào tháng 3 năm 2023 là ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra lời kêu gọi, khi ông làm việc với Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Và lần này đến phiên ông Trưởng ban Tuyên giáo trung ương.

Từ Paris hôm 12/3/2024, Giáo sư Phạm Minh Hoàng chia sẻ ý kiến của ông với RFA về vấn đề trên :

"Nếu lời tuyên bố này từ một Bộ trưởng Bộ Giáo dục hay một Bộ trưởng không liên quan chính trị thì bình thường… nhưng đây là Trưởng Ban tuyên giáo thuộc về đảng, thì tôi thấy hơi buồn cười. Tại vì đây phải là chủ trương của chính phủ thì mới có nghĩa, nhưng có lẽ ông ấy muốn nhắm đến mọi người, mọi thành phần. Tại Việt Nam cũng như tại hải ngoại có rất nhiều người muốn đóng góp cho đất nước, dù nhiều sinh viên giỏi, thầy cô giỏi tận tâm, nhưng tại sao đất nước vẫn nghèo, vẫn lạc hậu ?"

Theo Giáo sư Hoàng, có rất nhiều điều ngăn chặn bước tiến của Việt Nam, ngăn chặn sự đóng góp của giới trí thức, những người có khả năng… vì lẽ Việt Nam không trọng người tài hoặc chỉ trọng những người có tài nhưng phải làm theo chỉ đạo của đảng :

"Tôi thấy thay đổi đầu tiên Việt Nam cần làm, không chỉ bằng lời nói, vì đã kêu gọi nhiều lắm rồi. Có một số người vì ràng buộc nào đó còn trở về Việt Nam, nhưng chúng ta thấy sinh viên giỏi đi du học xong thường chọn ở lại luôn, đó là những nguồn chất xám đã mất. Lý do vì Việt Nam không cho phép người ta phát triển, ngoài yếu tố như tham nhũng, còn vấn đề phải làm việc với những người không phục vụ xã hội, không phục vụ cho chuyên ngành của họ, họ phục vụ cho các mục đích của đàng".

Giáo sư Hoàng cho rằng, khi nào Việt Nam chưa xóa được những điều ông vừa nêu thì hoặc hết nhiệm kỳ này, đến nhiệm kỳ sau, vẫn sẽ lại có tình trạng kêu gọi như trên.

Và như vậy, chuyện kêu gọi vẫn sẽ chỉ là kêu gọi, không bao giờ thay đổi được, trừ phi Việt Nam thay đổi được vấn đề cốt lõi, đó là phải thay đổi được bộ máy, từ kinh tế đến chính trị… thì người Việt Nam ở nước ngoài cũng như trong nước ai cũng muốn đóng góp cho đất nước. Còn với hoàn cảnh hiện tại, theo giáo sư Hoàng là "bất khả thi" !

Nguồn : RFA, 12/03/2024

***************************

Dân có còn tin vào sự thay đổi về chính sách pháp luật đất đai ?

RFA, 12/03/2024

Luật Đất đai 2024 (sửa đổi) được văn phòng chủ tịch nước công bố với quốc dân hồi tháng 2 vừa qua. Trong đó có sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai 2013, bổ sung mới 78 điều.

niemtin3

Cảnh sát cưỡng chế thu hồi đất của dân tại tỉnh Nam Định hôm 9/5/2012. AFP

Nhiều nội dung trong quy định của Luật Đất đai năm 2024 được đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) "nâng tầm", liên quan đến việc bảo đảm sự bình đẳng giữa các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tạo nên khối đoàn kết bền vững cùng nhau phát triển, cùng nhau sẻ chia lợi ích.

Người dân vẫn không có quyền sở hữu

Tuy nhiên, một số người dân bị thu hồi đất ở Việt Nam không tin mọi sự thay đổi sẽ đem lại điều tốt đẹp hơn. Ông Cao Thăng Ca, một người dân mất đất ở Thủ Thiêm từ hơn 20 năm trước nói với RFA sáng 12 tháng 3 năm 2024 :

"Luật đất đai soạn thảo thì (cô) phải lưu ý vấn đề ai là người soạn thảo. Toàn là những cán bộ có chức có quyền soạn nên họ luôn luôn tạo ra một kẻ hở cho những nhà đầu tư. Người ta không để ý đến những quyền lợi thực chất của nhà nước, cũng như quyền lợi của người dân. Thay đổi thì chỉ là nói thôi, chứ thực chất thì không thay đổi gì cả, nếu ‘đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhà nước quản lý’. Nếu vẫn giữ thế thì có thay đổi bao nhiêu, người dân cũng không có lợi gì hết, mà nhà nước cũng không có lợi gì hết.

Phải thay đổi được cái gốc. Phải công nhận quyền sở hữu của người dân, chứ bây giờ người dân chỉ được quyền sở hữu nhà ở và đất ở ; chỉ được quyền sử dụng đất thôi chứ không có quyền sở hữu".

Bà Phạm Thanh Nghiên, một người dân mất nhà trong vụ cưỡng chế Vườn rau Lộc Hưng đầu năm 2019, nêu quan điểm của bà với RFA :

"Các sự thay đổi về bản chất đều mang lại lợi ích cho đảng cầm quyền hoặc một thiểu số cầm quyền phe nhóm, chứ sự thay đổi đó không mang lại bất kỳ lợi ích tốt đẹp nào cho người dân. Chúng ta nhìn thấy, nếu họ thay đổi chính sách đất đai một cách có tâm, thì họ phải công nhận các quyền sở hữu tư hữu, bởi vì đất đai họ vẫn nói là thuộc về sở hữu toàn dân mà sở hữu toàn dân là ai".

Bà Phạm Thanh Nghiên lấy câu nói của ông Vũ Cao Quận, một cựu chiến binh, một nhà vận động dân chủ đã qua đời để minh họa cho quyền sở hữu đất đai mà bà cho là rất chính xác :

"Sở hữu toàn dân là gì ? Sở hữu toàn dân là sở hữu của nhà nước. Sở hữu của nhà nước là gì ? Sở hữu của nhà nước của chính phủ. Sở hữu của chính phủ là gì ? Sở hữu của chính phủ là sở hữu của quan chức. Họ dựa vào sở hữu toàn dân về đất đai để lấy đất của dân một cách vô tội vạ, tạo ra một tầng lớp dân oan trùng trùng điệp điệp như vậy".

Cần sửa cả bộ máy nhân sự

Tuy điểm chính về quyền sở hữu đất đai vẫn không thay đổi, nhưng một trong những quy định gây biết bao khiếu kiện, đó là bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đã được sửa đổi, bổ sung. Theo đó, nguyên tắc bồi thường theo hướng đa dạng các hình thức. Có thể bồi thường bằng đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền, bằng đất khác hoặc bằng nhà ở.

niemtin4

Hơn 150 nông dân biểu tình ôn hòa tại thủ đô Hà Nội, ngày 16/1/2007. AFP

Mục sư Nguyễn Hồng Quang, một người dân khiếu kiện đất đai mấy chục năm qua chưa được giải quyết, nói với RFA sáng 12/3/2024 :

"Thật ra về luật đã có hàng trăm văn bản pháp lý. Nhưng nếu bộ máy nhân sự mà có cái tâm, vận dụng chính sách theo hướng có lợi người dân thì cũng đã tốt lắm rồi. Không cần thay đổi luật nhiều đâu. Ví dụ thu hồi đất của dân thì phải đền theo giá thị trường. Luật đất đai đã hướng dẫn rất rõ ; đã có luật từ cả chục năm về trước, nhưng họ có đền bù theo giá thị trường đâu. Cho nên đất đai vẫn là miếng mồi béo bở cho các quan tham. Do đó, dù luật có tốt mấy các quan cũng bao che cho nhau, họ lách luật. Những nhân sự hiện nay họ chẳng có ý thức pháp luật ; cũng chẳng vì dân vì nước. Họ chỉ là tay chân, là sai vặt cho những nhóm lợi ích mà thôi".

Theo Mục sư Nguyễn Hồng Quang, điều cần thiết là phải có những quan chức thực sự thanh liêm và có tâm điều hành đất nước thì mới có sự thay đổi, chứ chỉ thay đổi luật mà nhân sự như cũ thì đội ngũ dân oan khắp nước vẫn không giảm.

Giáo sư Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường nói với RFA cách đây 2 năm rằng, luật từ năm 2003 vẫn cho rằng nguyên tắc thu hồi đất thì phải bồi thường theo giá thị trường, nhưng trên thực tế thì người dân luôn bị thiệt thòi. Ông phân tích về cách tính giá đất của Nhà nước mà ông cho là vô lý cùng cực :

"Điều này không cần khảo sát mà ngay trong các tờ trình để đưa ra bảng giá và khung giá của chính phủ đều thừa nhận giá này thấp hơn giá thị trường rất nhiều. Có nghĩa là chính những người trình lên bảng giá để Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh thông qua đều biết giá thấp hơn thị trường rất nhiều.

Phương pháp thứ năm này cho rằng có hệ số để nhân lên cho bằng giá thị trường, nhưng sự thực hệ số này của tất cả các tỉnh tôi nhìn lại thì thấy trung bình nó từ 1,3 đến 1,7. Nhân lên đến 30-40% thì cao nhất cũng chỉ đạt 60% giá thị trường, thấp nhất là khoảng 40% giá trị thị trường, trung bình chỉ khoảng một nửa giá trị thị trường". 

Tôi đã nhiều lần nói và viết rằng Việt Nam phải sớm loại phương pháp định giá thứ năm đi vì đây là một phương pháp định giá phản khoa học. Không có cơ sở gì về lý thuyết định giá, không có cuốn sách giáo khoa nào dạy về Phương pháp thứ năm này cả. Phương pháp này cũng không có trong tiêu chuẩn định giá của khu vực và quốc tế".

Luật Đất đai ở Việt Nam ra đời đã hơn 30 năm với năm lần sửa đổi, lần gần nhất là vào năm 2013. Hiến pháp 2013 vẫn khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Quy dịnh này dẫn đến những vụ tranh chấp đất đai kéo dài giữa người dân và chính quyền.

Luật Đất đai năm 2024 được cho là đã chỉnh lý, bổ sung nhiều quy định để cải thiện đời sống vật chất của nhân dân như : quản lý chặt chẽ hơn việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất, bảo vệ quyền lợi của người sử dụng đất trong giai đoạn chưa thực hiện quy hoạch sử dụng đất (Điều 76) ; đa dạng hóa các hình thức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và người sử dụng đất được ưu tiên đăng ký lựa chọn hình thức bồi thường bằng tiền khi lập phương án (Điều 91).

Bà Phạm Thanh Nghiên kết luận :

"Tôi nghĩ rằng bất cứ một sự thay đổi nào cũng không có về cốt lõi, về bản chất. Đấy chỉ là sự mị dân. Sự đoàn kết thì lại càng kệch cỡm, càng nực cười bởi vì nếu dân có sự đoàn kết thì nó sẽ đe dọa sự cầm quyền của họ. Người dân càng chia rẽ thì họ càng dễ trị, càng cũng cố cái vị thế cầm quyền của họ !"

Nguồn : RFA, 12/03/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 326 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)