Chủ tịch Võ Văn Thưởng từ chức
Thanh Phương, RFI, 20/03/2024
Theo báo chí trong nước, hôm nay, 20/03/2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã "đồng ý để chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thôi giữ các chức vụ" trong Đảng.
Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng. Ảnh chụp ngày 21/03/2023 tại Hà Nội. AP - Hau Dinh
Thông cáo của Văn phòng Trung ương Đảng giải thích : "Theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, ông Thưởng đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính Trị, ủy viên Ban Bí Thư, ủy viên Ban Chấp Hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước".
Thông cáo nhấn mạnh : "Những vi phạm, khuyết điểm của ông Võ Văn Thưởng đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông". Tuy nhiên, thông cáo không nói rõ đó là những vi phạm gì.
Cũng theo Văn phòng Trung ương Đảng, "nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, ông Thưởng đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác".
Trong những ngày qua, đã có nhiều tin đồn về việc chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ buộc phải từ chức. Quyết định của Trung ương Đảng sẽ được Quốc Hội chính thức hóa trong một phiên họp bất thường bàn "về các vấn đề nhân sự" vào ngày 21/03.
Chủ tịch nước là một chức vụ phần lớn mang tính chất nghi thức, nhưng bất cứ ai nắm giữ chức vụ này đều có lợi thế trong cuộc chạy đua để kế nhiệm ông Trọng, dù là với tư cách quyền tổng bí thư hay chính thức được bầu sau Đại hội Đảng cộng sản kỳ tới vào năm 2026.
Thông tin Quốc hội Việt Nam triệu tập phiên họp bất thường được đưa ra sau khi Hoàng gia Hà Lan thông báo Việt Nam đã yêu cầu hủy chuyến thăm cấp nhà nước của Vua và Hoàng hậu vốn được dự kiến diễn ra trong tuần này (19-22/03) theo lời mời của ông Võ Văn Thưởng. Hà Nội yêu cầu hoãn do "những vấn đề nội bộ", nhưng cũng không đề nghị một ngày khác cho chuyến thăm của Vua và Hoàng hậu Hà Lan.
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 20/03/2024
****************************
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Võ Văn Thưởng thôi chức Chủ tịch nước
BBC, 20/03/2024
Chiều ngày 20/3, ông Võ Văn Thưởng đã được Trung ương Đảng đồng ý cho thôi các chức vụ trong Đảng và Nhà nước, bao gồm chức Chủ tịch nước.
Ngày 2/3/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tuyên thệ nhậm chức. Ảnh : TTXVN
Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa XIII đã có cuộc họp bất thường vào chiều 20/3 để cho ý kiến về việc cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác đối với ông Võ Văn Thưởng.
Ông Võ Văn Thưởng là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ông Võ Văn Thưởng "đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng".
Ông Thưởng "chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước".
Căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng của ông Võ Văn Thưởng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để ông Võ Văn Thưởng thôi giữ các chức vụ : Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh nhiệm kỳ 2021-2026.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao cho Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các thủ tục theo quy định.
Ông là Chủ tịch nước trẻ nhất trong lịch sử Việt Nam khi nhậm chức ở tuổi 53, và cũng là chủ tịch nước tại vị ngắn nhất trong lịch sử, mới hơn 1 năm 1 tháng.
Ngôi sao trẻ trên chính trường
Ông Võ Văn Thưởng sinh ngày 13/12/1970 tại xã An Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long.
Năm 1992, ông theo học ngành triết học Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
Giai đoạn 1993 – 2004, ông Thưởng sinh hoạt trong Đoàn Thanh niên Cộng sản và công tác tại Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh
Sau đó ông là Bí thư Quận ủy 12, Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2004-2006.
Năm 2006, ông được Bộ Chính trị phân công giữ chức vụ Bí thư Thường trực trung ương Đoàn 2006. Sau đó, ông được bầu làm Bí thư thứ nhất trung ương Đoàn, giữ vị trí từ năm 2007 – 2010.
Từ tháng 4/2006, ông là ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam.
Cũng trong năm 2007, ông được bầu làm Đại biểu quốc hội khóa XII.
Tháng 1/2011, tại Đại hội đại biểu lần thứ XI của Đảng cộng sản Việt Nam, ông Võ Văn Thưởng trở thành Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Bảy tháng sau đó, Bộ Chính trị phân công ông giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi.
Từ 4/2014 – 1/2016, ông là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Từ 1/2016 – 1/2021, ông là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương.
Từ 2/2021 tới 3/2023, ông là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng
Ngày 2/3/2023, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 4, Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021 – 2026), sau khi nhận 487 phiếu tán thành và 1 phiếu không tán thành, ông Võ Văn Thưởng tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thời điểm nhậm chức, ông Thưởng 52 tuổi và là chủ tịch nước trẻ tuổi nhất.
Theo Hiến pháp năm 2013 – Điều 87, nhiệm kỳ của Chủ tịch nước sẽ theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Trong trường hợp ông Võ Văn Thưởng, nhiệm kỳ của ông sẽ theo Quốc hội khóa XV, tức tới năm 5/2026.
Nguồn : BBC, 20/03/2024
************************
Trung ương Đảng tổ chức hội nghị giữa tin đồn thay đổi nhân sự cấp cao
BBC, 20/03/2024
Chiều 20/3 (thứ Tư), Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam sẽ tổ chức hội nghị, thông tin về lịch làm việc của một số ủy viên trung ương tiết lộ.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại phiên khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội tại Hà Nội ngày 15/1/2024
Lịch làm việc mới cập nhật của một số ủy viên Trung ương Đảng đang công tác tại các bộ ngành và địa phương cho thấy sẽ có một cuộc họp của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam vào chiều 20/3.
Cụ thể, lịch làm việc được đăng trên cả Cổng thông tin Tỉnh ủy Hậu Giang lẫn Cổng thông tin Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang cho biết, ngày 20/3, "Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy (ông Nghiêm Xuân Thành - BBC chú thích thêm) dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII".
Ông Nghiêm Xuân Thành đang là ủy viên Trung ương Đảng.
Lịch làm việc trên Cổng thông tin điện tử Ủy ban Dân tộc cũng cho biết Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Hầu A Lềnh và Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr (ủy viên dự khuyết) cùng dự hội nghị này.
Địa điểm dự họp được ghi trong các lịch làm việc là số 1 Hùng Vương, quận Ba Đình, Hà Nội.
Cuộc họp này không được thông báo rộng rãi, báo chí chưa đưa tin và diễn ra trong bối cảnh có những đồn đoán về sự thay đổi nhân sự cấp cao.
Hình thức hoạt động của Ban Chấp hành trung ương là hội nghị. Các hội nghị được tổ chức theo chương trình toàn khóa này và ngoài ra còn có chương trình hàng năm do Bộ Chính trị triệu tập.
Thông thường, Ban Chấp hành trung ương họp trực tiếp định kỳ 6 tháng một lần.
Trong một diễn biến có thể liên quan, Quốc hội Việt Nam dự kiến sẽ họp bất thường vào thứ Năm ngày 21/3 để xem xét, quyết định "công tác nhân sự".
Reuters dẫn lời một số quan chức và nhà ngoại giao Việt Nam cho biết khả năng vấn đề nhân sự mà Quốc hội thảo luận là việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng xin từ chức. BBC không thể kiểm chứng thông tin này.
Trong quá khứ gần, ngày 18/1/2023, Quốc hội cũng đã có một cuộc họp bất thường để xem xét miễn nhiệm Chủ tịch nước khi đó là ông Nguyễn Xuân Phúc.
Trước đó một ngày, 17/1/2023, Ban Chấp hành trung ương cũng có hội nghị bất thường để xem xét việc ông Nguyễn Xuân Phúc xin thôi giữ các chức vụ.
Ông Phúc khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 - 2026. Cuộc họp bất thường này là hình thức để Ban Chấp hành trung ương đồng ý nguyện vọng của ông Phúc.
Vào tháng 2/2022, Trung ương Đảng cũng mở hội nghị bất thường là để xem xét kỷ luật đối với hai ủy viên trung ương là ông Chu Ngọc Anh, ông Nguyễn Thanh Long. Ông Nguyễn Thanh Long vào tháng 1/2024 đã bị tuyên 18 năm tù tội "nhận hối lộ" 51 tỷ đồng trong vụ Việt Á. Còn ông Chu Ngọc Anh lãnh 3 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.
Trả lời BBC News tiếng Việt ngày 18/3, luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, giải thích :
"Về vấn đề kỷ luật một quan chức cấp cao, nếu ông đó là đảng viên thì đảng có quyền kỷ luật, khai trừ khỏi đảng. Nhưng chức vụ của nhà nước thì hiến pháp quy định là do Quốc hội bầu thì do Quốc hội xem xét".
Ông Thuận nhớ lại chuyện tại Hội nghị trung ương 6, Khóa XII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã bỏ phiếu nhất trí kỷ luật một "ông bự" - người khi đó được gọi là "một đồng chí ủy viên Bộ Chính trị". Nhưng khi đưa ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng - cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng - thì người này không bị kỷ luật.
"Sau vụ đó, nhân vật này mới có tên gọi là Đồng chí X", ông Thuận nhắc lại.
Cập nhật : Sau khi BBC có bài viết này, trong đó có chi tiết lịch dự họp Trung ương Đảng của Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, thì khoảng 8 giờ vào sáng nay (20/3), Cổng thông tin Tỉnh ủy Hậu Giang và Cổng thông tin Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang đã sửa thành :
"Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đi công tác Hà Nội".
Chi tiết đi họp ở cơ quan nào và địa chỉ ở đâu đã được lược bỏ.
Nguồn : BBC, 20/03/2024
***************************
Tập đoàn Phúc Sơn làm gì mà khiến nhiều cán bộ rơi vào vòng lao lý ?
BBC, 20/03/2024
Tập đoàn Phúc Sơn có dự án trên nhiều tỉnh thành khắp Việt Nam và cáo buộc sai phạm tại tập đoàn này đã kéo nhiều quan chức cấp tỉnh, từ Vĩnh Phúc đến Quảng Ngãi, vào vòng lao lý.
Từ trái qua : ông Lê Duy Thành, bà Hoàng Thị Thúy Lan, ông Nguyễn Văn Hậu (Hậu Pháo)
Hôm 20/3, trang Xây dựng chính sách, pháp luật của Chính phủ Việt Nam đã có bài viết thông báo việc Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa có công văn yêu cầu khẩn trương làm việc với Tập đoàn Phúc Sơn để kiểm tra, rà soát các dự án.
Theo đó, hiện tỉnh Khánh Hòa có hai dự án của tập đoàn được phê duyệt từ năm 2014, tới nay đã "treo" trong 10 năm, và ba dự án "chưa hoàn thành đúng cam kết". Bên cạnh đó, Tập đoàn Phúc Sơn vẫn chưa nộp số tiền gần 12.000 tỉ đồng mà tỉnh Khánh Hòa truy thu khi doanh nghiệp này thực hiện nghĩa vụ tài chính tại dự án Khu trung tâm đô thị, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang.
Dự án này từng được Thanh tra Chính phủ kết luận có nhiều vi phạm.
Đáng chú ý, trang này còn liệt kê 15 bị can bị khởi tố, bắt tạm giam trong vụ án Tập đoàn Phúc tính đến thời điểm hiện tại.
Trong số này có một bí thư tỉnh ủy, chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh ; hai chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ; một nguyên chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ; cùng một loạt lãnh đạo Tập đoàn Phúc Sơn và các cá nhân liên quan...
Những thông tin này trên trang của chính phủ cho thấy đây sẽ là một trong những "đại án".
Trong cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 2/2024, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết chỉ riêng hai dự án của tập đoàn này tại tỉnh Vĩnh Phúc "đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước trên 640 tỷ đồng".
Danh sách 9 bị can liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn
Nhiều quan chức bị bắt
Trang Xây dựng chính sách, pháp luật của Chính phủ Việt Nam cho biết, khi mở rộng điều tra vụ án Tập đoàn Phúc Sơn, có ba tỉnh là Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi và Vĩnh Long được xác định là có liên quan.
Từ đó, các tội "Nhận hối lộ", "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi" được khởi tố bổ sung.
Một số quan chức của ba tỉnh nói trên đã bị khởi tố, bắt tạm giam và khám xét.
Mới đây nhất, vào đầu tháng 3/2024, hai quan chức ở Vĩnh Phúc là bà Hoàng Thị Thúy Lan và ông Lê Duy Thành đều bị khởi tố, tạm giam về tội "Nhận hối lộ".
Bà Thúy Lan là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu quốc hội Khóa XV. Bà vốn là một giáo viên trung học cơ sở (cấp 2), sau đó thăng tiến qua công tác đoàn hội. Trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến 2006, bà làm công tác đoàn thanh niên, là ủy viên Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và ủy viên trung ương Đoàn trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến 2006.
Sau đó, bà trở thành Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.
Ông Lê Duy Thành là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc. Ông Thành từng giữ các chức vụ như : Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc ; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.
Với trường hợp bà Lan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết về việc tạm đình chỉ nhiệm vụ đại biểu của bà và cho phép các cơ quan chức năng thực hiện việc khởi tố, bắt tạm giam và khám xét.
Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cung cấp thông tin về vụ án Tập đoàn Phúc Sơn tại họp báo Chính phủ tháng 2/2024
Còn ở Quảng Ngãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, nguyên Giám đốc Sở Giao thông vận tải là ông Đặng Văn Minh và cựu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh là Cao Khoa đều đã bị khởi tố về tội "Nhận hối lộ" và bị tạm giam.
Hàng loạt quan chức thuộc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi cũng nằm trong danh sách bị can : ông Hà Hoàng Việt Phương, Trưởng Ban quản lý khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp, nguyên Phó Giám đốc sở ; ông Phạm Ngọc Thủy, Phó Giám đốc sở, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật & Chất lượng thuộc sở này ; ông Lê Quốc Đạt, Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nguyên Trưởng phòng Quản lý Đầu tư thuộc sở này.
Ở Vĩnh Long, ông Đặng Trung Hoành, Chánh Văn phòng Huyện ủy huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi".
Tuyến đường bờ nam sông Trà Khúc (Quảng Ngãi), dự án được cấp phép từ năm 2012 với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng vào thời điểm đó
Trước đó, ngày 26/2, ông Nguyễn Văn Hậu tức Hậu Pháo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, đã bị bắt với cáo buộc để ngoài sổ sách kế toán doanh thu, gây thiệt hại cho tài sản nhà nước.
Cùng bị bắt với ông Hậu là bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Tổng Giám đốc ; bà Đỗ Thị Mai, Kế toán trưởng ; bà Hoàng Thị Tuyết Hạnh, Kế toán viên ; ông Trần Hữu Định, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Nam Á Group và Nguyễn Hồng Sơn, lao động tự do. Những người này bị điều tra về tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".
Có thể thấy, trong danh sách bị khởi tố đến nay, Quảng Ngãi là tỉnh có nhiều cán bộ lãnh đạo bị liên lụy nhất, không tính "tỉnh nhà" Vĩnh Phúc, nơi Tập đoàn Phúc Sơn đóng trụ sở. Việc lật lại các dự án đã triển khai từ lâu (có công trình từ năm 2012) tại Quảng Ngãi có thể có những ngụ ý sâu xa hơn, theo một nhà quan sát am tường tình hình chính trị-xã hội của Việt Nam chia sẻ với BBC News tiếng Việt.
Trâu bò nhởn nhơ gặm cỏ trên vùng đất thuộc dự án khu đô thị Bàu Giang với tổng mức đầu tư 3.318 tỉ đồng của Tập đoàn Phúc Sơn tại Quảng Ngãi
Tập đoàn Phúc Sơn
Phúc Sơn có xuất phát điểm là một công ty xây dựng nhỏ được thành lập vào năm 2004 tại Vĩnh Phúc.
Đến năm 2009, Tập đoàn Phúc Sơn ra đời, có trụ sở chính ở huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, xây dựng.
Ông Nguyễn Văn Hậu sinh năm 1981 sinh sống tại Hà Nội nhưng quê ông là ở tỉnh Vĩnh Phúc. Ông là người đại diện pháp luật của Tập đoàn Phúc Sơn. Ngoài vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông còn là Tổng Giám đốc.
Ông Hậu còn là đại diện pháp luật của một số doanh nghiệp khác như Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phúc Khánh, Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và bất động sản Thăng Long, Công ty TNHH Một thành viên khu đô thị Bàu Giang, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng công nghiệp Phúc Sơn.
Tập đoàn Phúc Sơn gây chú ý với hàng loạt dự án lớn và quỹ đất lên đến hàng trăm héc ta nhưng chậm tiến độ, "đắp chiếu" tại Vĩnh Phúc :
- Khu Trung tâm thương mại và Nhà ở Phúc Sơn (huyện Vĩnh Tường) với quy mô 127 ha ;
- Khu chợ đầu mối nông sản (huyện Vĩnh Tường) với quy mô 186 ha ;
- Dự án đầu tư và nâng cấp đê tả sông Hồng tổng mức đầu tư là hơn 1.500 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương là 70%, còn lại 30% là ngân sách tỉnh ;
Còn ở Quảng Ngãi, tập đoàn này có một số dự án vẫn chưa hoàn thành như : đường bờ Nam sông Trà Khúc (tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỉ đồng, thời điểm năm 2012) ; Khu đô thị công nghiệp Dung Quất (2.000 tỉ đồng) ; khu đô thị Bàu Giang (3.318 tỉ đồng) và dự án nhà máy nước Quảng Ngãi (540 tỉ đồng)...
Tập đoàn này còn vướng vào rắc rối với những dự án chậm tiến độ tại tỉnh Khánh Hòa. Hiện tỉnh này có hai dự án của tập đoàn được phê duyệt từ năm 2014 tới nay đã "treo" trong 10 năm, khiến "dư luận địa phương bức xúc", còn các thủ tục pháp lý về bồi thường, giải phóng mặt bằng tại hai dự án đều chưa hoàn thành, theo trang Xây dựng chính sách, pháp luật.
Nguồn : BBC, 20/03/2024
******************************
'Vấn đề nhân sự' mà Quốc hội họp cụ thể là gì ?
BBC, 18/03/2024
Quốc hội Việt Nam họp bất thường vào ngày 21/3 là để cho thôi đại biểu đối với một số cán bộ, quan chức trong thẩm quyền của Quốc hội, một nguồn tin chia sẻ với BBC.
Từ trái qua (hàng đầu) : Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại phiên khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội tại Hà Nội ngày 15/1/2024
Trong bản tin trước, BBC đã đưa tin Quốc hội Việt Nam dự kiến sẽ họp bất thường vào thứ Năm ngày 21/3 để xem xét, quyết định "công tác nhân sự", trong bối cảnh có những đồn đoán về sự thay đổi nhân sự cấp cao.
Bức thư do Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường ký gửi cho các đại biểu Quốc hội có nội dung : Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 6, Quốc hội khóa XV để xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Reuters dẫn lời một số quan chức và nhà ngoại giao Việt Nam cho biết khả năng vấn đề nhân sự mà Quốc hội thảo luận là việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng xin từ chức. BBC không thể kiểm chứng thông tin này.
Ngày 18/3, luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nói với BBC News tiếng Việt qua điện thoại rằng, các kỳ họp Quốc hội, dù là bất thường, đều nhằm giải quyết tất cả những vấn đề của đất nước, ví dụ như về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng.
"Trong đó có vấn đề nhân sự, những vị trí mà do Quốc hội bầu. Thông thường, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyết định triệu tập kỳ họp bất thường thì chỉ nêu tiêu đề là bàn chuyện gì chứ không nêu nội dung chi tiết.
"Ví dụ như 21/3 này, Quốc hội có kỳ họp bất thường về vấn đề nhân sự thì chỉ nêu vậy thôi".
"Vấn đề nhân sự thường là có sự thay đổi, bổ sung và đây là những nhân sự do Quốc hội bầu, nên do Quốc hội quyết. Các chức vụ do Quốc hội trực tiếp bầu thì phải họp Quốc hội, chứ không có người nào cấp bậc lớn hơn được đình chỉ, cách chức ông đó", luật sư Trần Quốc Thuận nói với BBC.
Quốc hội là cơ quan bầu ra các vị trí then chốt của bộ máy nhà nước, bao gồm ba vị trí trong tứ trụ :
- Chủ tịch nước (theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội)
- Chủ tịch Quốc hội (theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa trước)
- Thủ tướng Chính phủ (theo đề nghị của Chủ tịch nước)
Một nguồn tin giấu tên tiết lộ với BBC rằng trong dịp này, Quốc hội sẽ biểu quyết, cho thôi đại biểu đối với một số cán bộ như bà Hoàng Thị Thúy Lan, ông Đào Ngọc Dung...
Bà Hoàng Thị Thúy Lan là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu quốc hội. Đầu tháng 3/2024, bà Lan bị khởi tố, tạm giam với cáo buộc "nhận hối lộ". Bà Lan bị cáo buộc liên quan tới Tập đoàn Phúc Sơn và Chủ tịch tập đoàn này là Nguyễn Văn Hậu, còn gọi là Hậu Pháo, người đã bị khởi tố trước đó. Tập đoàn Phúc Sơn có dự án trên nhiều tỉnh thành khắp Việt Nam và vụ việc này đã kéo nhiều quan chức cấp tỉnh, từ Vĩnh Phúc cho đến Quảng Ngãi phải vào tù.
Thông tin ban đầu cho thấy đây sẽ là một trong những "đại án". Trong cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 2/2024, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết chỉ riêng hai dự án của tập đoàn này "đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước trên 640 tỷ đồng".
Ông Đào Ngọc Dung là Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội. Ngày 8/3/2024, Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận Bộ trưởng Đào Ngọc Dung "vi phạm đến mức phải xem xét kỷ luật" do liên quan đến sai phạm tại Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC).
Cụ thể, Ban cán sự đảng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc ; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để bộ này và một số tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong tham mưu, thực hiện cơ chế, chính sách về lĩnh vực đào tạo dạy nghề ; trong thực hiện các gói thầu do AIC và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái AIC thực hiện.
Còn trường hợp nhân sự cấp cao hơn được xem xét trong kỳ họp bất thường lần này thì chưa biết thế nào, nhưng "xác suất là cao", vẫn theo nguồn tin nói trên.
Có kinh nghiệm làm việc tại Quốc hội Việt Nam 14 năm, luật sư Trần Quốc Thuận nói với BBC rằng, theo luật quy định thì Quốc hội mỗi năm họp hai lần, nếu có vấn đề gì do nhu cầu cấp bách thì có thể họp một kỳ họp thứ ba, gọi là kỳ họp bất thường.
"Bất thường thì cũng có khi chỉ là chuyện bình thường như ngoại giao, an ninh, quốc phòng nhưng mang tính đột xuất cần đem ra giải quyết. Bất thường nghĩa là họp nhiều hơn điều mà trong luật của Quốc hội quy định", ông Thuận diễn giải.
Luật sư Thuận nói thêm rằng, các kỳ họp Quốc hội đều nhằm giải quyết tất cả những vấn đề của đất nước, ví dụ như về kinh tế, xã hội rồi an ninh, quốc phòng.
"Về vấn đề kỷ luật một quan chức cấp cao, nếu ông đó là đảng viên thì đảng có quyền kỷ luật, khai trừ khỏi đảng. Nhưng chức vụ của nhà nước thì hiến pháp quy định là do Quốc hội bầu thì do Quốc hội xem xét", ông Thuận nói.
Ông Thuận nhớ lại tại Hội nghị trung ương 6, khóa 12 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã bỏ phiếu nhất trí kỷ luật một "ông bự" - người khi đó được gọi là "một đồng chí ủy viên Bộ Chính trị". Nhưng khi đưa ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng - cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng - thì người này không bị kỷ luật.
"Sau vụ đó, nhân vật này mới có tên gọi là Đồng chí X", ông Thuận nhắc lại.
Trở lại kỳ họp bất thường vào ngày 21/3 sắp tới đây, như đã đề cập ở trên, có thông tin cho rằng vấn đề nhân sự mà Quốc hội thảo luận là việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng xin từ chức.
Hồi tháng 1/2023, Quốc hội cũng đã có một cuộc họp bất thường để xem xét miễn nhiệm Chủ tịch nước khi đó là ông Nguyễn Xuân Phúc.
Ông Phúc từ chức với lý do là chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có hai phó thủ tướng, ba bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong buổi lễ bàn giao công tác ngày 4/2/2023, ông Phúc đã phát biểu rằng : "Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á".
Tuy nhiên, câu nói này của ông Phúc sau đó đã bị gỡ khỏi các tờ báo Việt Nam.
Kế là, ông Võ Văn Thưởng, sinh năm 1970, được bầu làm chủ tịch nước thay cho ông Phúc từ tháng 3/2023.
Ông Thưởng cũng là chủ tịch nước trẻ nhất và cũng là thành viên trẻ nhất trong Bộ Chính trị.
Nguồn : BBC, 18/03/2024