Vừa lo thiếu điện, vừa đảm bảo tăng trưởng xanh, Việt Nam có thể thực thi mục tiêu kép ?
Miền Nam và miền Bắc Việt Nam đang bước vào đợt nắng nóng gay gắt trên diện rộng đầu tiên trong năm nay. Cảnh một người nông dân ở tỉnh Bến Tre đi trên cánh đồng khô cằn của mình vào ngày 19/3/2024.
Tháng 5 và 6 thường là cao điểm xả thải liên quan đến sản xuất điện ở Việt Nam, do nhu cầu máy điều hòa không khí tăng lên mức cao nhất. Năm nay, khí thải tăng cao đột biến vào đầu năm cho thấy những tháng tới sẽ còn tăng nữa và tổng mức cả năm sẽ phá vỡ các kỷ lục trước đây.
Các nhà máy nhiệt than của Việt Nam đã thải ra 11 triệu tấn CO2, chỉ tính riêng trong tháng 1/2024, theo số liệu từ cơ quan năng lượng Ember.
Hiện Việt Nam đang gia tăng sản xuất điện để tránh nguy cơ mất điện nghiêm trọng như vào thời gian cao điểm nắng nóng như năm ngoái , nhằm trấn an các tập đoàn nước ngoài.
Việt Nam đã gia tăng gần gấp đôi lượng than nhập khẩu trong năm nay so với cùng kỳ năm 2023 vì mục tiêu không để thiếu điện vào mùa khô.
Việt Nam là quốc gia tiêu thụ than đá lớn thứ 10 thế giới . Việc sản lượng nhập khẩu than đá gia tăng như vậy được cho sẽ làm tổn hại đến những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc cắt giảm việc sử dụng năng lượng hóa thạch và nỗ lực giảm ô nhiễm môi trường.
Lượng CO2 phát thải trong tháng 1 đã vượt gần 70% lượng khí thải của cùng kỳ năm 2023 và tăng hơn 30% so với mức trung bình của tháng 1, tính trong 5 năm gần nhất. Điều này cho thấy sản xuất điện năng đang có xu hướng tăng rõ rệt so với năm trước.
Trong tháng 1, lượng điện năng từ các nhà máy nhiệt điện than tạo ra đạt 12,75 terawatt-giờ (TWh), cao hơn 68% so với tháng 1/2023 và là mức tính theo tháng cao nhất kể từ tháng 7/2023.
Nhiệt điện than chiếm 55% tổng sản lượng điện năng trong tháng 1/2024, tăng từ mức trung bình 46% của cả năm 2023.
Tổng điện năng từ tất cả các nguồn đạt 23,35 terawatt-giờ (TWh), cao hơn 30% so với tháng 1/2023.
Hồi năm ngoái, lượng CO2 thải ra từ các nhà máy nhiệt than của Việt Nam đạt kỷ lục là 110 triệu tấn, cao hơn nhiều so với mức 90 triệu tấn của năm 2022.
Nếu tốc độ này được duy trì trong năm 2024, dự kiến lượng CO2 thải ra cả năm của Việt Nam sẽ vào khoảng hơn 130 triệu tấn.
Trấn an nhà đầu tư nước ngoài
CO2 phát thải ra trong tháng 1 đã vượt gần 70% so với cùng kỳ vào năm 2023 và tăng hơn 30% so với mức trung bình của tháng 1, tính trong 5 năm gần nhất. Ảnh : Nhà máy nhiệt điện Phả Lại tại tỉnh Hải Dương, ảnh chụp ngày 14/10/2022.
Ngày 19/3, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã trấn an các nhà đầu tư nước ngoài về nguồn cung năng lượng.
Báo Lao Động dẫn lời ông Chính : "Chúng tôi cam kết không để thiếu điện, tổng nguồn không thiếu, nhưng do điều hành không tốt nên thiếu. Các bạn yên tâm sẽ đủ điện, theo hướng tăng trưởng xanh".
Hai quan chức nước ngoài tham dự buổi gặp với ông Phạm Minh Chính nói với Reuters rằng những cam kết của Thủ tướng Việt Nam mang tính trấn an, nhưng "không rõ ràng" biện pháp nào sẽ được sử dụng để đạt được mục tiêu đó.
Văn phòng Chính phủ Việt Nam đã không phản hồi trước yêu cầu bình luận của Reuters.
Năm 2023, nắng nóng và cúp điện không chỉ ảnh hưởng đến người dân ở ba miền đất nước mà còn tác động tới các "đại bàng" FDI.
Hồi tháng 6-7/2023, việc cúp điện đột ngột ở miền Bắc như tại các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Phú Thọ, Vĩnh Phúc đã gây thiệt hại cho các doanh nghiệp có vốn FDI như Samsung, Canon, Peony... hàng triệu đô la.
Sự hiện diện của nhà máy và dây chuyền sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Foxconn, Canon... đang gia tăng áp lực cho Việt Nam trong việc đảm bảo nguồn cung ứng điện liên tục trong năm nay.
Thậm chí đã có cảnh báo rằng việc mất điện có thể dẫn tới mất luôn "đại bàng" trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia phụ thuộc đáng kể vào FDI.
Năm 2023, đóng góp của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào GDP Việt Nam chiếm khoảng 22%, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê.
Samsung hiện đang là nhà đầu tư FDI lớn nhất Việt Nam và mới đây tuyên bố muốn duy trì vị thế này trong vòng 30 đến 40 năm nữa.
Theo báo Vietnamnet, ông Phạm Minh Chính đã yêu cầu dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Bình đến Hưng Yên "phải được hoàn thành, đóng điện" vào tháng 6 tới. Đường dây này đi qua các tỉnh chịu cúp điện đột ngột vào năm ngoái và hiện tượng thời tiết El Niño đang làm gia tăng rủi ro trong năm nay.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) hôm 19/3, đại diện Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) nói rằng "hiện tượng thiếu điện của Việt Nam là một trong những yếu tố lớn khiến [các doanh nghiệp Hàn Quốc] chần chừ trong việc đưa ra quyết định đầu tư".
Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JCCI) cũng cho rằng "tình trạng thiếu điện nghiêm trọng xảy ra ở khu vực phía Bắc khiến các doanh nghiệp khó khăn trong việc lập kế hoạch sản xuất và dự báo ngày giao hàng".
Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) trong khuôn khổ VBF đã "khuyến nghị Chính phủ (Việt Nam) xem xét điều chỉnh các Thỏa thuận mua bán điện (PPA) theo tiêu chuẩn quốc tế để tạo điều kiện cho các tổ chức đa phương và tổ chức Tài chính Phát triển cho vay các dự án lớn về Chuyển đổi Năng lượng và lĩnh vực năng lượng tái tạo", theo tường thuật của báo Nhân Dân.
Nhiệt điện than vẫn chiếm gần 50% sản lượng điện của Việt Nam, phải "gánh" cả thủy điện (xếp thứ nhì với khoảng 30%) do tình hình khô hạn khiến các đập thủy điện thiếu nước, theo số liệu thống kê hồi năm 2023.
Hồi tháng 1, thủy điện chỉ chiếm khoảng 20,5% tổng lượng điện năng vì hạn hán khiến hồ thủy điện bị thiếu nước nghiêm trọng.
Nếu trong những tháng tới, lượng mưa tăng thì lượng điện năng từ thủy điện có thể tăng đáng kể và giúp giảm lượng điện từ nhiệt điện than.
Trong khi đó, lượng điện mặt trời và điện gió chỉ chiếm 13,6% tổng lượng điện năng của Việt Nam trong năm 2023. Các nguồn điện này có thể đối mặt với những khó khăn liên quan đến những quan ngại về mức độ sinh lời do đó khó tăng tỷ trọng trong ngắn hạn.
Điều này đồng nghĩa, trong một tương lai gần, Việt Nam vẫn phải phụ thuộc rất nhiều về nhiệt điện than và có thể khiến mức khí thải CO2 tăng lên những nấc cao hơn trong vài năm tiếp theo.
Tháng 5/2023, Việt Nam đã thông qua Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Việt Nam đã khẳng định sẽ không xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới nào sau năm 2030 để đảm bảo giảm phát thải carbon và đạt mục tiêu cam kết tại COP 26 về trung hòa carbon, theo Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu hồi tháng 11/2021 mà Việt Nam cùng gần 150 nước đã ký kết.
Đàn áp giới hoạt động môi trường
Cuối năm 2022, Việt Nam ký thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với một nhóm các nước giàu và các ngân hàng phát triển, trị giá 15,5 tỷ USD, để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (net-zero emission) vào 2050.
Các nước tài trợ nằm trong nhóm International Partners Group, bao gồm các quốc gia thuộc khối G7, EU, Na Uy và Đan Mạch.
Thỏa thuận này nhằm giúp Việt Nam đạt đỉnh phát thải vào năm 2030 - sớm hơn 5 năm so với kế hoạch ban đầu - cho phép Việt Nam sản xuất gần một nửa sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo.
Trong các bản kế hoạch trên giấy tờ, Việt Nam được đánh giá là đang đi đúng hướng trên lộ trình loại bỏ hoàn toàn điện than vào năm 2050.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra về tính khả thi và minh bạch của quá trình này, nhất là khi Việt Nam cho bỏ tù các nhà hoạt động môi trường hàng đầu - những người lẽ ra đóng vai trò giám sát độc lập việc thực hiện cam kết đầy tham vọng này.
Ngoài bà Ngụy Thị Khanh mới được trả tự do sau 16 tháng tù, hiện một số nhà hoạt động môi trường khác vẫn đang ngồi tù, như ông Đặng Đình Bách, bà Hoàng Minh Hồng và bà Ngô Thị Tố Nhiên.
Bà Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc Doanh nghiệp xã hội Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE), là người mới nhất bị bắt giữ, chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden rời khỏi Việt Nam sau khi hai nước tuyên bố nâng cấp mối quan hệ lên mức cao nhất.
Trong một phân tích được đăng trên trang của Quỹ Heinrich-Böll-Stiftung từ Đức hôm 10/3, Tiến sĩ Jörg Wischermann từ Viện GIGA Institute for Asian Studies (Viện GIGA nghiên cứu về Châu Á) chỉ ra rằng, trong "Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP" dài hơn 200 trang mà Việt Nam công bố hồi tháng 12/2023 thì "NGO" (Tổ chức phi chính phủ) chỉ xuất hiện có một lần.
Ông nhận định, trên thực tế, các NGO đã không còn có thể lên tiếng trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng.
Các vụ bắt bớ và truy tố, theo ông, cho thấy "sự tương phản sâu sắc" với những cam kết trong thỏa thuận JETP với phía Việt Nam về cơ chế ''tham vấn". Theo đó, các NGO và những tổ chức dân sự đã được định rõ sẽ được tham khảo ý kiến trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Theo ghi chép không công khai của quan chức Anh mà trang Politico tiếp cận được hồi tháng 12/2023, các nhà ngoại giao Anh đánh giá rằng Bộ Tài nguyên và Môi trường của Việt Nam "yếu về mặt chính trị". Các bộ khác thì thường xuyên "chây ì", "trì trệ", "cản trở và quan liêu" trong quá trình thực hiện chuyển đổi năng lượng.
Nguồn : BBC, 01/04/2024