Bộ Ngoại giao Mỹ : án tù cho nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam là bất công
BBC, 02/04/2024
Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ quan ngại trước việc Việt Nam tuyên án tù đối với những nhà đấu tranh vì quyền của dân tộc thiểu số và quyền tự do tôn giáo, đặc biệt là 5 bản án kể từ tháng 1/2024.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu với giới truyền thông sau cuộc gặp với Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vào tháng 9/2023
Trong tuyên bố được đưa ra vào hôm thứ Hai (ngày 1/4), Bộ Ngoại giao Mỹ viết :
"Chúng tôi đặc biệt lo ngại về bản án 13 năm tù gần đây của Y Krếc Byă - một tiếng nói ôn hòa vì quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng tại Việt Nam. Chúng tôi cũng tiếp tục quan ngại về bản án nhiều năm tù đối với Nay Y Blang, Danh Minh Quang, Thạch Cương và Tô Hoàng Chương vì hoạt động ủng hộ nhân quyền của họ tại Việt Nam, trong đó có quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng".
Những bản án ‘bất công’
Vào ngày 28/3, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Y Krếc Byă - một nhà truyền đạo thuộc Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên. Ông bị tuyên án 13 năm tù về tội "Phá hoại chính sách đoàn kết".
Những cái tên khác trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đều bị tuyên án trong năm nay. Ông Nay Y Blang - cũng thuộc Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên - bị Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên tuyên án 4 năm 6 tháng tù về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Ba nhà hoạt động còn lại đều bị kết án với tội danh tương tự ông Nay Y Blang. Ông Danh Minh Quang bị Tòa án nhân dân huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng tuyên mức án 3 năm 6 tháng tù giam vào ngày 7/2.
Ngày 20/3, Tòa án nhân dân huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh tuyên án 4 năm tù đối với ông Thạch Cương và 3 năm 6 tháng tù đối với ông Tô Hoàng Chương.
Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định đây là những bản án bất công và lần nữa yêu cầu Việt Nam trả tự do cho những nhà hoạt động này.
"Chúng tôi kêu gọi Việt Nam tôn trọng quyền của các cá nhân trong việc thực hiện các quyền tự do ngôn luận, lập hội và tôn giáo hoặc tín ngưỡng", Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
Trước đó, trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 9/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nêu lên quan ngại về vấn đề nhân quyền . Cụ thể, website Nhà Trắng dẫn lời ông Biden :
"Tôi cũng đã nêu tầm quan trọng của việc tôn trọng nhân quyền là ưu tiên hàng đầu của cả chính quyền của tôi và của người dân Mỹ. Và chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại thẳng thắn về lĩnh vực này".
Tuy nhiên, các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng ông Biden đã không lên tiếng đủ mạnh cho nhân quyền tại Việt Nam và Ấn Độ vì phải ưu tiên cho mối quan hệ hợp tác chiến lược.
"Chính quyền Biden rõ ràng đang gạt nhân quyền sang một bên để thúc đẩy quan hệ đối tác với các chính phủ mà họ coi là quan trọng về mặt chiến lược – đồng thời gửi đi thông điệp rằng Mỹ sẵn sàng dung thứ cho những hành vi xâm phạm nhân quyền trắng trợn", Reuters dẫn lời bà Carolyn Nash, giám đốc Tổ chức Ân xá Quốc tế tại Châu Á.
Những vụ bắt giữ khác
Các blogger bị công an Việt Nam bắt vào cuối tháng 2 - đầu tháng 3/2024. Từ trái qua : Hoàng Việt Khánh, Nguyễn Chí Tuyến, Nguyễn Vũ Bình
Ngoài những bản án được đề cập trong thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, Việt Nam đã khởi tố, bắt giữ nhiều nhà hoạt động trong thời gian gần đây. Động thái này bị các nhóm hoạt động lên án là hành vi đàn áp nhân quyền và diễn ra trong bối cảnh một chỉ thị mật của Đảng cộng sản Việt Nam bị rò rỉ cho thấy đảng sẽ mạnh tay với các hành động đối kháng.
Chính quyền Việt Nam đã bắt giữ ba người chỉ trích nổi tiếng chỉ vài ngày sau khi nước này tuyên bố ứng cử vào nhiệm kỳ tiếp trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc trong khoảng thời gian cuối tháng 2 - đầu tháng 3/2024.
Cụ thể, công an Việt Nam đã bắt giữ blogger Nguyễn Chí Tuyến và Nguyễn Vũ Bình vào ngày 29/2. Sau đó, họ đã bắt giữ Hoàng Việt Khánh vào ngày 1/3. Cả ba người đều bị cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước".
Nói với BBC News tiếng Việt ngay sau khi chồng bị bắt, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, vợ blogger Nguyễn Chí Tuyến, cho hay thời gian trước đó ông Tuyến thường xuyên nhận được văn bản gửi qua đường bưu điện thông báo việc ông bị cấm xuất cảnh.
Bà cũng nói rằng ông "không làm gì sai" khi chỉ phản biện các chính sách, đường lối của đảng và nhà nước – những điều mà "chính phủ Việt Nam cũng rất khuyến khích người dân tham gia".
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) cho biết Việt Nam hiện đang giam giữ ít nhất 163 tù nhân chính trị.
"Chính phủ Việt Nam cần chấm dứt việc đàn áp các blogger, các nhà vận động nhân quyền và các nhà hoạt động, đồng thời trả tự do ngay lập tức cho những người bị giam giữ vì thực thi các quyền dân sự và chính trị cơ bản của họ", HRW lên tiếng trong một báo cáo.
Nguồn : BBC, 02/04/2024
**************************
Hoa Kỳ quan ngại về việc Việt Nam kết án những người thúc đẩy nhân quyền
Reuters, VOA, 02/04/2024
Hôm thứ Hai 1/4, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại về việc những người thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam bị kết án, bao gồm 5 bản án kể từ tháng 1, và bộ kêu gọi chính phủ Việt Nam tôn trọng quyền tự do ngôn luận, lập hội và tôn giáo.
Phông nền của phòng họp báo thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ ở thủ đô Washington.
Giới tranh đấu đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình hình nhân quyền ở Việt Nam và kêu gọi chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nêu lên những lo ngại về tình hình đó trong hoạt động ngoại giao của Mỹ với Việt Nam.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói hồi tháng 3 rằng Việt Nam giam giữ ít nhất 163 tù nhân chính trị và chính phủ Việt Nam đang tiến hành đàn áp các blogger, giới vận động cho nhân quyền và các nhà hoạt động. Chính phủ Việt Nam phủ nhận chuyện vi phạm nhân quyền.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong một tuyên bố hôm 1/4 : "Chúng tôi đặc biệt lo ngại về bản án 13 năm tù gần đây đối với Y Krec Bya, người đã lên tiếng một cách ôn hòa về quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam".
"Chúng tôi cũng tiếp tục quan ngại về bản án nhiều năm tù đối với Nay Y Blang, Danh Minh Quang, Thạch Cương và Tô Hoàng Chương chỉ vì họ vận động ôn hòa cho nhân quyền, trong đó có quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng ở Việt Nam", vẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nói.
Bộ cũng kêu gọi Việt Nam "hãy trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ một cách bất công".
Tổng thống Mỹ Biden đã đến thăm Việt Nam vào năm ngoái và Nhà Trắng cho biết ông đã nêu lên những lo ngại về nhân quyền.
Tuy nhiên, giới tranh đấu đã cáo buộc rằng chính quyền của ông Biden bỏ qua các vấn đề về nhân quyền khi giao dịch với các đối tác Châu Á như Việt Nam và Ấn Độ, những nước mà Washington có mối quan hệ chiến lược quan trọng mà các nhà phân tích cho rằng nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Reuters
Nguồn : VOA, 02/04/2024
****************************
Hoa Kỳ quan ngại về việc kết án những người vận động nhân quyền ở Việt Nam
Thanh Phương, RFI, 02/04/2024
Theo hãng tin Reuters, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm qua, 01/04/2024, đã bày tỏ quan ngại về vụ kết án những người vận động nhân quyền thuộc các sắc tộc thiểu số ở Việt Nam, trong đó có 5 vụ kể từ tháng 1, và kêu gọi chính phủ Hà Nội tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội và tự do tôn giáo.
Ông Y Krec Bya, thuộc tổ chức "Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên", bị bắt hôm 08/04/2023 và đã bị tòa án tỉnh Đắk Lắk kết án 13 năm tù về tội "Phá hoại chính sách đoàn kết". © msfjustice.org
Những nhà hoạt động đã báo động về tình hình nhân quyền ở Việt Nam và kêu gọi chính quyền của tổng thống Joe Biden nêu lên những quan ngại về tình hình này trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ với Việt Nam.
Reuters trích dẫn tổ chức nhân quyền Mỹ Human Rights Watch vào tháng 3 cho biết Việt Nam hiện giam giữ ít nhất 163 tù chính trị và chính phủ Hà Nội đang tiến hành đàn áp các blogger, nhà vận động nhân quyền và các nhà hoạt động. Chính phủ Việt Nam vẫn phủ nhận việc vi phạm nhân quyền.
Trong thông cáo hôm qua, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố : "Chúng tôi đặc biệt lo ngại về bản án 13 năm tù gần đây đối với Y Krec Bya, một tiếng nói ôn hòa cho quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam. Chúng tôi cũng tiếp tục quan ngại về bản án tù nhiều năm đối với Nay Y Blang, Danh Minh Quang, Thạch Cương và Tô Hoàng Chương vì họ vận động ôn hòa cho nhân quyền, trong đó có quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng ở Việt Nam". Bộ Ngoại Giao Mỹ kêu gọi Việt Nam "trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ phi lý".
Ông Y Krec Bya, thuộc tổ chức "Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên", đã bị tòa án tỉnh Đắk Lắk kết án 13 năm tù về tội "Phá hoại chính sách đoàn kết". Trong phiên xử ngày 20/03 tại tỉnh Trà Vinh về cáo buộc "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước", ông Thạch Cương đã bị kết án 4 năm tù và ông Hoàng Chương 3 năm 6 tháng tù. Trước đó, ngày 07/02, tại Sóc Trăng, ông Danh Minh Quang đã lãnh án 3 năm 6 tháng tù cũng về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước". Cũng với tội danh nay, ông Nay Y Blang đã bị tuyên án 4 năm 6 tháng tù ngày 26/01/2024.
Tổng thống Biden đã đến thăm Việt Nam vào năm ngoái và Nhà Trắng cho biết trong chuyến đi này ông đã nêu lên những quan ngại của Hoa Kỳ về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo Reuters, những người vận động nhân quyền cáo buộc chính quyền Biden gạt bỏ các vấn đề nhân quyền khi làm việc với các đối tác Châu Á như Việt Nam và Ấn Độ, những quốc gia mà Washington đang cố duy trì các mối quan hệ chiến lược nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Thanh Phương
**************************
Vụ sư Thạch Chanh Đa Ra : Công an phá hủy giảng đường của chùa Đại Thọ
RFA, 01/04/2024
Công an huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long đưa người và thiết bị tới đập phá giảng đường của chùa Đại Thọ sau khi bắt giữ sư trụ trì Thạch Chanh Đa Ra cách đây không lâu.
Công an địa phương đưa máy múc đến cưỡng chế ngôi giảng đường hôm 1/4/2024 - Ảnh chụp màn hình video
Sáu ngày sau khi bắt giữ sư Thạch Chanh Đa Ra và tín đồ Kim Khiêm với cáo buộc "lợi dụng quyền tự do dân chủ" theo Điều 331 và sáu người khác theo cáo buộc "bắt giữ người trái pháp luật" theo Điều 157 của Bộ luật Hình sự, chính quyền địa phương cưỡng chế, phá hủy công trình là nơi học tập của sư sãi và tín đồ được xây dựng cách đây hai năm.
Một tín đồ của chùa Đại Thọ không chứng kiến vụ việc nhưng được những người thân xung quanh đó thuật lại vụ việc. Người này nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh trong buổi chiều ngày 01/4 :
"Sáng nay có khoảng 100 công an mặc cảnh phục và thường phục cùng nhiều chó nghiệp vụ được điều động đến khu vực giảng đường để ngăn cấm mọi người tiếp cận khu vực này.
Chính quyền cũng điều động khoảng sáu xe múc có gầu đến để phá huỷ giảng đường".
Video một người dân quay lại sự việc và được nhiều tín đồ đăng tải trên mạng xã hội Facebook cho thấy, chính quyền sử dụng xe múc để đập phá công trình trên trong khi công an mặc cảnh phục đi lại trong khu vực.
Một người biết chuyện cho biết, năm 2020, sư Thạch Chanh Đa Ra có ý định xây dựng ngôi giảng đường trên phần đất hiến tặng của bà Thạch Thị Xà Bách ở huyện Tam Bình, tuy nhiên chính quyền địa phương lại cho đây là phần đất của bà Thạch Thị Ôi (em gái bà Bách).
Ông Thạch Chanh Đa Ra có xin phép chính quyền địa phương để xây dựng công trình này nhưng không được chấp thuận, tuy nhiên sau đó vẫn tiến hành xây dựng.
Bình luận về việc chính quyền huyện Tam Bình phá huỷ giảng đường, một tín đồ không muốn nêu danh tính nói với RFA :
"Thật là tàn ác quá đáng khi họ đang tâm đập phá giảng đường mà bá tánh đã xây dựng mấy năm qua ! Chính thể này không ra thể thống gì nữa !"
Phóng viên gọi điện cho Công an huyện Tam Bình để hỏi về việc đưa người đến phá huỷ giảng đường của chùa Đại Thọ nhưng không có người nhấc máy, còn người trực điện thoại của Công an tỉnh Vĩnh Long đề nghị phóng viên đến trụ sở của cơ quan để được cung cấp thông tin trực tiếp của người có thẩm quyền.
Như tin đã đưa, sau khi bắt giữ hòa thượng Thạch Chanh Đa Ra cùng hai tín đồ là Kim Khiêm và Thạch Ve Sanal ngày 26/3, một ngày sau, công an bắt tiếp bốn nhà sư và một tín đồ khác với cáo buộc "bắt giữ người trái pháp luật". Trong số này có sư Dương Khải, một người từng hoạt động nhân quyền và quyền của người bản địa Khmer Krom.
Việc bắt giữ tám người này, cùng với việc kết án ba nhà hoạt động nhân quyền Danh Minh Quang, Thạch Cương và Tô Hoàng Chương trong ba tháng vừa qua nằm trong chiến dịch trấn áp giới hoạt động người Khmer Krom, một sắc dân sinh sống hàng trăm năm nay ở vùng Nam Bộ nhưng hiện nay thuộc nhóm thiểu số ở Việt Nam.
Nguồn : RFA, 0/04/024
******************************
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lên án việc kết án tù những nhà hoạt động tôn giáo người Thượng và Khmer Krom
RFA, 01/04/2024
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 1/4 ra thông cáo báo chí bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Việt Nam bỏ tù năm nhà hoạt động tôn giáo người Thượng và người Khmer Krom
Phiên tòa xét xử ông Y Krếc Byă ở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk hôm 28/3/2024 - Bộ Công An
Hôm 28/3 vừa qua, Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk tuyên án tù 13 năm và năm năm quản chế đối với thầy truyền đạo người Ê – đê là Y Krếc Byă thuộc Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên về tội danh "phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc" theo Điều 116 của Bộ luật Hình sự.
Trước đó, vào ngày 26/1, Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Yên đã kết án nhà hoạt động về quyền tự do tôn giáo Nay Y Blang (người Ê – đê) với bản án bốn năm sáu tháng tù giam về tội danh "lợi dụng quyền tự do dân chủ".
Ba người Khmer Krom là Tô Hoàng Chương, Thạch Cương và Danh Minh Quang cũng đều bị các tòa án ở Việt Nam trong tháng hai và ba vừa qua kết án tù với các mức án tương đương là bốn năm, ba năm sáu tháng tù với các cáo buộc "Lợi dụng quyền tự do dân chủ" theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.
"Chúng tôi dặc biệt quan ngại về việc kết án tù 13 năm đối với ông Y Krếc Byă, người đã cất tiếng nói ôn hòa vì tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam. Chúng tôi cũng tiếp tục quan ngại trước các án tù nhiều năm đối với các ông Nay Y Blang, Danh Minh Quang, Thạch Cương và Tô Hoàng Chương vì cổ vũ một cách ôn hòa cho nhân quyền, bao gồm quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam". – Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ viết.
"Chúng tôi kêu gọi Việt Nam tôn trọng các quyền thực hiện tự do bày tỏ ý kiến, lập hội và tôn giáo hoặc tín ngưỡng của cá nhân. Chúng tôi tái khẳng định kêu gọi Chính phủ Việt Nam trả tự do cho tất cả những người đã bị giam giữ bất công" – Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khẳng định trong thông cáo báo chí.
Nguồn : RFA, 01/04/2024