Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân khi phát biểu tại Bình Định mới đây cho biết Việt am đang đứng thứ 35 trong top 40 nước có quy mô kinh tế hàng đầu thế giới với quy mô kinh tế 435 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.280 USD/người và là điểm sáng trong phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
AFP Photo
Từ những con số, đến thực tế…
Một người dân ở tỉnh Bình Định không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 1/4/2024, trao đổi với RFA rằng, tuy GDP của Việt Nam xếp thứ 35 trong top 40 nền kinh tế lớn trên thế giới, với tốc độ tăng trưởng bình quân 5-6%/năm và GDP bình quân đầu người cũng tăng tương ứng… nhưng đời sống người dân không mấy khả quan :
"Tôi quan sát thì thấy đời sống người dân không tăng, thậm chí giảm sút ở tầng lớp lao động có thu nhập thấp, chiếm đa số trong dân cư, kể cả người về hưu, do nguyên nhân, nhiều doanh nghiệp đóng cửa, thậm chí phá sản do khó khăn trong sản xuất, không cạnh tranh nổi với hàng nhập khẩu, từ đó làm cho nhiều người lao động thất nghiệp. Ngành ngân hàng thừa tiền vì doanh nghiệp không có nhu cầu vay cũng vì nguyên nhân này, thể hiện ở số dư nợ thấp".
Bên cạnh đó theo người dân này, vật giá vẫn đang leo thang. Do đó, không ngẫu nhiên mà trong ngày 1/7/2023 Chính phủ ‘tăng mức lương cơ bản 12,5%’, vì thực chất là để bù vật giá tăng nhằm bảo đảm cho đời sống người lao động. Ông này chia sẻ tiếp :
"GDP năm 2023 của Việt Nam là 435 tỷ USD. Nếu đi sâu phân tích cơ cấu GDP này thì thấy chủ yếu tập trung ở ngành xây dựng, còn các ngành khác tuy có tăng, nhưng ko đáng kể. Điều này thể hiện ở chỗ cấu thành GDP là các ngành công nghiệp, xây dựng, nông-lâm nghiệp, các ngành thuong mại, dịch vụ... Năm 2023 tập trung làm cao tốc Bắc-Nam, sân bay Long Thành với vốn đầu tư rất lớn. Từ đó, ngành này đã kéo theo tăng trưởng GDP cả nước, chứ thực chất thì các ngành khác không phát triển bao nhiêu".
Dù Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên hôm 19/3/2024 có nói Việt Nam không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá… Nhưng thực tế, nhiều năm qua, Việt Nam luôn đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, thậm chí còn cao hơn dự báo của các Tổ chức Tài chính quốc tế. Đơn cử như năm 2023 Quốc hội Việt Nam đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 cao hơn cả dự báo của IMF, ở mức 6 - 6,5%. Trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cho rằng, GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,8% trong năm 2024.
Anh Trần Anh Quân, một người hoạt động xã hội ở Sài Gòn, hôm 1/4/2024 khi trao đổi với RFA cho rằng, con số 435 tỷ đô la và quy mô kinh tế xếp hạng 35 thế giới không phản ánh được đời sống của người dân và không tương xứng với tiềm lực quốc gia. Xếp theo quy mô kinh tế thì chỉ thấy cái lượng mà không nhìn vô cái chất bên trong. Anh Quân nói tiếp :
"Nếu tính GDP cả nước thì xếp thứ 35, nhưng tính theo đầu người, thì chỉ đứng thứ 120 trên thế giới với 4.355USD/người. Sự giàu có và thịnh vượng của một quốc gia được thể hiện ở thu nhập của người dân chứ không phải GDP cả nước. Ví dụ, nếu tính theo GDP cả nước thì Singapore đứng trên Việt Nam hai hạng, với 497,35 tỷ USD ; nhưng xét theo GDP trên đầu người thị họ cao hơn Việt Nam gần gấp 20 lần với thu nhập 82.169 USD/người. Tức là dân Việt làm 20 năm mới có thu nhập bằng dân Singapore".
Ngoài ra theo Anh Quân, cũng phải coi lại về tiềm lực quốc gia. Việt Nam là một nước có rừng vàng, biển bạc, khoáng sản dồi dào, và hơn 100 triệu dân. Với tiềm lực như vậy thì GDP của Việt Nam hoàn toàn có thể xếp cao nhiều bậc hơn so với một đảo quốc nhỏ bé như Singapore. Thế nhưng Việt Nam thua Singapore hai bậc về GDP cả nước và GDP trên đầu người chỉ bằng 5% của Singapore. Anh Quân cho biết thêm :
"Hơn nữa, con số 435 tỷ đô này cũng chưa chắc là thật khi mà quan chức Việt Nam đã quen với việc báo cáo láo để chạy theo thành tích. Ngoài ra cũng phải nói tới việc chênh lệch thu nhập của người dân. Nếu nói trung bình một người dân Việt Nam thu nhập 4.355 USD/năm, thì phải nhắc tới con số 1 triệu 580 ngàn hộ nghèo và cận nghèo. Để chia ra con số trung bình thu nhập 100 triệu đồng/người/năm, tức là có gia đình mỗi tháng chỉ thu nhập một đến hai triệu đồng, bữa đói bữa no, và có những gia đình mỗi ngày ăn xài hàng chục triệu đồng ; phải nói là khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam hiện đang rất lớn".
Như vậy thay vì "tự cao một cách lố bịch" như anh Quân nói, thì Đảng cộng sản phải tự "vả" vào mặt mình khi nắm trong tay một nguồn lực khổng lồ, nhưng lại sử dụng theo kiểu vừa xài vừa phá, khiến người dân chịu cảnh đói kém, làm một đời mới bằng người ta làm một năm.
Người dân thất nghiệp tăng
Vẫn với vấn đề trên, để biết thêm các nhận định của các chuyên gia kinh tế, RFA hôm 1/4/2024 liên lạc Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, và được ông cho ý kiến :
"Việt Nam hiện nay đã có 100 triệu dân, lấy số GDP đó chia cho 100 triệu dân thì ra thu nhập bình quân đầu người. Nhưng xin lưu ý ở Việt Nam giá cả dịch vụ rất rẻ so với các nước có thu nhập cao. Ví dụ như giá cắt tóc gội đầu rẻ hơn hẳn so với các nước có thu nhập cao. Vì vậy nếu tính GDP bình quân đầu người theo sức mua tương đương (PPP-purchasing power parity), thì tôi nghĩ thu nhập của người Việt Nam là cao hơn".
Dù nhìn nhận đời sống của người Việt Nam hiện có cải thiện nhất định, nhưng theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nhu cầu cải thiện về y tế, giáo dục và kết cấu hạ tầng vẫn hết sức cấp bách. Ngoài ra ông Doanh cũng bày tỏ lo ngại tình trạng công nhân mất việt do nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đóng cửa :
"Đó là tình hình có thực và rất đáng quan tâm. Hiện nay số người mất việc làm trở về nông thôn rất nhiều. Trở về quê thì bằng cách này hay cách khác họ vẫn có thể sống sót được, chống chọi được, nhưng thu nhập không cao. Quý I mặc dù GDP bắt đầu khôi phục, nhưng số doanh nghiệp nhỏ và vừa của tư nhân phá sản đang tăng cao, nên công ăn việc làm cho người lao động hiện nay không nhiều".
Ông Doanh cho rằng, Việt Nam cần phải cố gắng nỗ lực hơn nữa, tạo điều kiện để số doanh nghiệp tư nhân hoạt động phải tăng lên. Theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Doanh, hiện Việt Nam có khoảng 900 ngàn doanh nghiệp tư nhân trên 100 triệu dân là chưa cao. Do đó người lao động vẫn có nhu cầu đi lao động nước ngoài như đi lao động ở Nhật Bản, Hàn Quốc hay ở Đài Loan…
Nguồn : RFA, 01/04/2024