Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam thăm Trung Quốc
RFA, 05/04/2024
Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sang Trung Quốc diễn ra chỉ vài ngày sau chuyến thăm Hoa lục của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn trong hai ngày 3 và 4/4.
Ngày 4/4, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Quảng Tây. VOV
Thông tấn xã hai nước loan tin cho biết vào ngày 4/4, ông Bùi Thanh Sơn gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Quảng Tây. Hai phía lặp lại việc quản lý phù hợp các bất đồng, tăng cường hợp tác biển và thúc đẩy tham vấn về Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC), và giải quyết xung đột thông qua hợp tác đôi bên cùng có lợi.
Hôm 3/4, phái đoàn của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đến thành phố Sùng Tả, Quảng Tây làm việc với Bí thư đảng ủy Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây- ông Lưu Ninh.
Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) loan tin cho biết ông Bùi Thanh Sơn cùng phái đoàn trong ngày 3/4 đến thăm "cây Hữu nghị" do ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trồng tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Phái đoàn của ông Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng thăm Nhà lưu niệm ông Hồ Chí Minh tại Long Châu, khảo sát tuyến đường vận chuyển hàng hóa chuyên dụng cửa khẩu Hữu nghị và Trung tâm Thương mại hoa quả Trung Quốc - ASEAN.
Ông Bùi Thanh Sơn đề nghị tỉnh Quảng Tây và các bộ, ngành, địa phương Việt Nam tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có ; tăng cường giao lưu hữu nghị, trao đổi về lý luận, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong công tác xây dựng đảng, quản lý xã hội, phát triển kinh tế.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Quảng Tây tạo thuận lợi tối đa cho thông quan các cửa khẩu, nhất là đối với nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nhằm góp phần đem lại lợi ích thiết thực cho người nông dân Việt Nam và người tiêu dùng Trung Quốc ; đẩy nhanh xây dựng hạ tầng cửa khẩu, nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa và hiệu suất thông quan tại các cặp cửa khẩu trên đất liền ; hai bên cần thúc đẩy xây dựng kết nối hạ tầng đường sắt, đường bộ.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh hai bên cần phối hợp chặt chẽ quản lý tốt biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc theo ba văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền giữa hai nước và các thỏa thuận liên quan ; cùng nhau tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 25 năm ký kết Hiệp ước Biên giới trên đất liền và 15 năm ký kết ba văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền trong năm 2024.
Nguồn : 05/04/2024
****************************
Vương Nghị nhắn nhủ Bùi Thanh Sơn : ‘Đừng kết bè kéo cánh’
VOA, 05/04/2024
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với người tương nhiệm Việt Nam Bùi Thanh Sơn là Việt Nam ‘cần cảnh giác trước việc tham gia bè cánh để chống đối nước khác trong khu vực’ nhân chuyến thăm hai ngày của ông Sơn đến Trung Quốc.
Ngoại trưởng Việt Nam Bùi Thanh Sơn và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị gặp nhau ở Quảng Tây hôm 4/4/2024
Ông Vương đưa ra lời khuyên với người đồng cấp Việt Nam không lâu sau khi ông Sơn thăm Mỹ và hội đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, trong đó hai bên cam kết thúc đẩy tin cậy song phương và làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Mỹ mới được thiết lập.
Tại Trung Quốc hôm 4/4, ông Sơn gặp và hội đàm với ông Vương, vốn cũng là chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại của Đảng cộng sản Trung Quốc, ở Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây tiếp giáp với Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam cho biết.
Chuyến công cán của ông Sơn đến Quảng Tây diễn ra hơn hai tuần sau khi ông Lê Hoài Trung, trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, sang tỉnh Cát Lâm để hội kiến với người đồng cấp Trung Quốc là ông Lưu Kiến Siêu, trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Trung Quốc.
Như vậy, cả hai quan chức đối ngoại cao nhất của Việt Nam, một bên Đảng và một bên Nhà nước, đều đến thăm Trung Quốc chỉ trong một thời gian ngắn.
Riêng ông Sơn có chuyến thăm 4 ngày đến Washington từ ngày 23-27/3 để đồng chủ trì Đối thoại cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ lần thứ nhất với ông Blinken cũng như thảo luận các giải pháp hiện thực hóa mối quan hệ đối tác mới được nâng tầm trong chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden tới Hà Nội hồi tháng 9.
Nói với ông Sơn, ông Vương đã kêu gọi hai bên cùng bảo vệ công bằng và bình đẳng quốc tế, tiếp tục ủng hộ lẫn nhau trên những vấn đề lên quan đến lợi ích chủ chốt chung, bản tin của Tân Hoa Xã cho biết.
Ông Vương cũng được Tân Hoa Xã dẫn lời kêu gọi ông Sơn cảnh giác "đừng tham gia bè cánh để chống đối nhau trong khu vực và đừng lập những ‘tiểu hội’ nhằm gây tổn hại cho hòa bình và ổn định trong khu vực".
Bản tin của TTXVN và các báo do nhà nước quản lý ở Việt Nam không cho biết những điều ông Vương nói như trên trong cuộc gặp với ông Sơn.
Trước đó, Bắc Kinh đã thể hiện thái độ bực bội khi Hà Nội thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Tokyo và Canberra, hai đồng minh thân cận của Mỹ trong khu vực vốn cùng chia sẻ mối quan ngại của Washington về Trung Quốc.
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Manila quanh Bãi Cỏ Mây ở Biển Đông, Trung Quốc đã cáo buộc Philippines bị "thế lực bên ngoài giật dây" để "khiêu khích Trung Quốc rồi sau đó lu loa lên".
Khi được hỏi về vấn đề này hôm 28/3, ông Nguyễn Đức Thắng, phó phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, đã không lên án Trung Quốc hay ủng hộ Philippines mà chỉ kêu gọi các bên liên quan ‘hết sức kiềm chế’ đồng thời thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Cả hai vị ngoại trưởng, trong cuộc gặp hôm 4/4, đều khẳng định luôn xem đối phương là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình, Tân Hoa Xã cho biết. Riêng ông Sơn còn được dẫn lời nói quan hệ với Trung Quốc là ‘lựa chọn chiến lược’ của Việt Nam.
Việt Nam và Trung Quốc đã tuyên bố cùng tham gia Cộng đồng chia sẻ tương lai hồi cuối năm 2023 nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Hà Nội, ba tháng sau khi Việt Nam đưa Mỹ lên thành đối tác chiến lược toàn diện ngang hàng với Trung Quốc.
Cả Mỹ và Trung Quốc đều đang tìm cách gây ảnh hưởng đối với Việt Nam khi hai cường quốc hàng đầu cạnh tranh với nhau. Ông Sơn, phát biểu khi ở thăm Washington D.C. hôm 26/3, nói rằng Việt Nam ở vị trí đặc biệt có thể giúp bình ổn cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời đề cao đường lối đối ngoại ‘cây tre’, vốn được xem là nỗ lực đa dạng hóa để cân bằng mối quan hệ giữa các cường quốc.
Sau ông Trung và ông Sơn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng sẽ đến Trung Quốc, trong chuyến công du dự kiến dài kéo dài 6 ngày kể từ ngày 7/4 theo lời mời của ông Triệu Lạc Tế, Ủy viên trưởng Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, tức Nhân đại.
Như vậy, với chuyến đi của ông Huệ thì tất cả các lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam đều đã đi thăm Trung Quốc kể từ Đại hội Đảng Trung Quốc lần thứ 20 hồi cuối năm 2022.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến Bắc Kinh gặp ông Tập Cận Bình ngay sau khi Đại hội Đảng bế mạc, trong khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sang dự Diễn đàn Vành đai-Con đường hồi tháng 10 năm ngoái, còn Thủ tướng Phạm Minh Chính trước đó, hồi tháng 9, cũng sang Quảng Tây để tham gia hội chợ Trung Quốc-ASEAN, và bà Trương Thị Mai, Thường trực Ban bí thư, hồi tháng 4/2023 đã dẫn đầu một phái đoàn của Đảng sang Trung Quốc hội kiến với người tương nhiệm là Bí thư Ban bí thư Thái Kỳ. Bà Mai khi ở Bắc Kinh cũng đã được ông Tập tiếp đón.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc lần này, ông Sơn cũng đã gặp Bí thư Khu ủy Quảng Tây Lưu Ninh để thúc đẩy tỉnh này tạo thuận lợi tối đa cho hàng nông sản Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc.
Ngoài ra, ông Sơn cũng đã đến thăm thác Bản Giốc, mà phía Trung Quốc gọi là Đức Thiên, nằm ở biên giới hai nước để khảo sát cách làm thí điểm là cùng tổ chức du lịch chung tại danh thắng này.
Nguồn : VOA, 05/04/2024