Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

11/04/2024

Hà Nội làm khó hội nghị doanh nhân Đài Loan 'do áp lực từ Trung Quốc'

BBC tiếng Việt

Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA) cho biết một hội nghị quốc tế thu hút hàng ngàn doanh nhân, quan chức, nhà lập pháp Đài Loan tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội đã bị nước chủ nhà Việt Nam gây vô số phiền nhiễu do "áp lực từ Trung Quốc".

dailoan1

Hội nghị Thường niên Tổng hội Thương mại Đài Loan Thế giới (WTCC) lần thứ 30 diễn ra từ 7/4 - 10/4/2024 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội

Đây là hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Thường niên Tổng hội Thương mại Đài Loan Thế giới (WTCC) lần thứ 30 diễn ra trong khoảng thời gian từ 7/4 - 10/4/2024.

Thông điệp bằng video của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn được gửi tới để (dự kiến) phát vào lễ khai mạc hội nghị hôm 9/4 cho thấy tầm vóc của sự kiện này.

Hội nghị trùng hợp với kỷ niệm 30 năm Đài Loan đầu tư vào Việt Nam.

Không cho mang cờ

dailoan2

Màn hình với dòng "Tiệc tối của Bộ Ngoại giao" vào tối ngày 8/4 được đổi thành "Tiệc chào mừng", bảng tên trên bàn có hình cờ Đài Loan cũng bị lấy đi khiến khách không thể tìm thấy chỗ ngồi của mình.

Trong một bài viết hôm 10/4 trên CNA, Trần Gia Luân, phóng viên CNA có mặt tại hội nghị ở Hà Nội, đưa tin rằng WTCC đã chuẩn bị cho sự kiện từ nhiều tháng trước.

Tuy vậy, do "sự can thiệp từ phía Đảng cộng sản Trung Quốc", danh sách quan chức, khách mời của Đài Loan và Việt Nam phải thay đổi nhiều lần.

Điều đó đã dẫn đến việc nhân viên phục vụ sự kiện không biết phải sắp xếp bao nhiêu ghế cho đến sát giờ khai mạc.

Theo CNA, Đảng cộng sản Trung Quốc đã yêu cầu Việt Nam không cho xuất hiện hình cờ Đài Loan trong các hoạt động của WTCC.

Bất cứ hình ảnh, ấn phẩm có từ ngữ thể hiện Đài Loan là một quốc gia hay "bộ" đều bị thay thế.

Thậm chí phía Việt Nam còn cảm thấy "hình ảnh cờ Đài Loan xuất hiện trên dây đai hành lý của các doanh nhân đến từ các nước khác là không phù hợp", theo CNA.

dailoan3

Bảng tên trên bàn có hình cờ Đài Loan bị dán đè lên

Nhà báo của CNA đã mô tả chi tiết các rắc rối nảy sinh trong toàn sự kiện.

Nửa tiếng trước khi bữa tiệc tối hôm 8/4 diễn ra, những tấm bảng tên có hình lá cờ Đài Loan đặt trên bàn tiệc đã bị thu dọn.

Điều này khiến khách tham dự không thể tìm thấy chỗ của mình, gây ra hỗn loạn và làm gián đoạn sự kiện.

Trước đây, khi các doanh nhân Đài Loan tổ chức các cuộc gặp quan trọng tại Việt Nam, họ thường tổ chức hát quốc ca Việt Nam và quốc ca của Trung Hoa Dân Quốc.

Tuy nhiên, lần này Việt Nam yêu cầu phía Đài Loan không hát.

Cuối cùng, phía Đài Loan chỉ đành phát một video quốc ca nhưng không có hình ảnh lá cờ nào trong đó.

Thêm vào đó, ông Vương Định Vũ - một nhà lập pháp thuộc đảng Dân tiến của Đài Loan tham dự hội nghị của WTCC tại Hà Nội - chia sẻ với BBC News Tiếng Việt rằng sự kiện còn gặp nhiều trở ngại khác.

Cụ thể, một số quan chức Đài Loan đã gặp khó khăn trong quá trình xin thị thực Việt Nam.

Bài phát biểu qua video của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và Phó Tổng thống Lại Thanh Đức  trong ngày khai mạc hội nghị đã bị chuyển sang dạng văn bản.

Ông Vương Định Vũ cho rằng các sự cố trên đều có sự can thiệp của Bắc Kinh.

'Đặc biệt nghiêm trọng'

"Việc tổ chức sự kiện ở Việt Nam luôn luôn phiền toái nhưng lần này tình trạng gián đoạn đặc biệt nghiêm trọng", CNA dẫn lời một doanh nhân Đài Loan đã kinh doanh nhiều năm tại Việt Nam.

Vị doanh nhân cho biết thêm rằng ông thông cảm cho "thế kẹt" của Việt Nam nhưng làm phiền các doanh nhân Đài Loan như vậy là rất thiếu tôn trọng.

CNA viết rằng đây là hội nghị quốc tế kéo dài bốn ngày với nhiều hoạt động, địa điểm, chi phí lên tới 18 tỷ đồng VN, thu hút hàng ngàn doanh nhân và quan chức Đài Loan tới Việt Nam không chỉ để dự hội nghị mà còn tận dụng cơ hội để tham quan các tỉnh thành, giúp thúc đẩy nền kinh tế địa phương của Việt Nam và cải thiện chuỗi cung ứng.

Sau chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam đã trở thành điểm đến đầu tư nước ngoài quan trọng của các doanh nhân Đài Loan.

Việt Nam khẳng định không chọn phe và áp dụng chính sách đối ngoại đa phương, khiến các doanh nhân Đài Loan cảm giác có an toàn chính trị nhất định.

"Nhưng hiện nay họ (Việt Nam) đang hợp tác với Đảng cộng sản Trung Quốc ngay trước mặt các doanh nhân Đài Loan từ khắp thế giới, điều này có thể ảnh hưởng đến nhận thức của các doanh nhân Đài Loan về Việt Nam", nhà báo Trần Gia Luân của CNA viết.

Việt Nam 'tin Đài Loan thuộc Trung Quốc' ?

dailoan4

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam Vũ Bá Phú (trái) và Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công (giữa) tại sự kiện của WTCC ngày 9/4.

Trả lời BBC News Tiếng Việt, ông Vương Định Vũ nói rằng các chuyến thăm Trung Quốc của lãnh đạo Việt Nam trong thời gian gần đây có thể liên quan đến những thay đổi xảy ra trong hội nghị của WTCC.

Có thể kể đến cuộc gặp gỡ của Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ với Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 8/4 tại Bắc Kinh.

Theo Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), ông Vương Đình Huệ đã khẳng định "Việt Nam kiên quyết thực hiện chính sách ‘Một Trung Quốc’, tin rằng Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc và kiên quyết phản đối mọi hình thức của các hoạt động ly khai ‘Đài Loan độc lập’".

Khi đưa tin về cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn tại tỉnh Quảng Tây vào hôm 4/4, tờ Hoàn Cầu Thời báo đã tường thuật rằng ông Sơn khẳng định Việt Nam tuân thủ chính sách "Một Trung Quốc".

Tờ báo này còn cho biết thêm rằng ông Sơn đã nhấn mạnh Việt Nam kiên quyết ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong các vấn đề liên quan đến Đài Loan, Tân Cương và Tây Tạng, đồng thời phản đối việc lợi dụng nhân quyền và dân chủ để can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.

Báo Việt Nam không đưa chi tiết này mà thỉ thuật lại ngắn gọn rằng ông Vương Đình Huệ khẳng định Việt Nam nhất quán thực hiện chính sách "Một Trung Quốc".

Quan hệ Việt Nam - Đài Loan

Trao đổi với BBC Tiếng Việt, ông Vương Định Vũ cho rằng Đài Loan là một trong các đối tác hàng đầu của Việt Nam.

Trong những năm qua, Đài Loan và Việt Nam đã duy trì mối quan hệ kinh tế và thương mại quan trọng.

Nhà lập pháp Đài Loan ước tính rằng nếu kể cả các công ty Đài Loan đăng ký kinh doanh tại Singapore rồi sau đó đầu tư vào Việt Nam thì Đài Loan có thể là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.

Trong bối cảnh Việt Nam mong muốn phát triển ngành bán dẫn, ông Vương cho rằng quốc gia này cần khôn khéo trong việc duy trì quan hệ đối tác với Đài Loan và Mỹ - hai cái tên lớn trong ngành bán dẫn toàn cầu.

Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc cho biết Việt Nam là quốc gia nhận đầu tư lớn thứ hai từ Đài Loan.

Trong 30 năm qua, Đài Loan đã đầu tư vào nhiều ngành tại Việt Nam, từ dệt may, nội thất gỗ, giày dép trong những năm đầu tiên, đến các ngành điện tử, công nghệ cao trong những năm gần đây.

Đài Loan là nhà đầu tư lớn thứ tư và đối tác thương mại lớn thứ năm của Việt Nam với quy mô đầu tư FDI hơn 37 tỷ USD, tính đến tháng 3/2024, theo Bộ Công thương Việt Nam.

Liên quan đến hoạt động của WTCC tại Việt Nam trong những ngày vừa qua, báo chí Việt Nam chỉ đưa tin ngắn gọn về chuỗi sự kiện Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Đài Loan và Triễn lãm quốc tế Xúc tiến Đầu tư Việt Nam - Đài Loan 2024 khai mạc vào ngày 8/4 và bế mạc vào ngày 9/4 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội.

Chuỗi sự kiện này do WTCC cùng Công ty cổ phần Xúc tiến đầu tư và thương mại DVL IPT của Việt Nam phối hợp tổ chức.

Báo chí Việt Nam không thông tin về các sự cố diễn ra trong buổi tối ngày 8/4 tại buổi gặp gỡ, ăn tối của WTCC.

Nguồn : BBC, 11/04/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt
Read 600 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)