Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

19/04/2024

Chuyện Việt Nam : chiếm đất xây nhà rồi sửa luật, EVN vẫn độc quyền

RFA tổng hợp

Đề xuất sửa Luật để 'xây nhà trong khu bảo vệ di tích' có hợp lý ?

RFA, 19/04/2024

Dự án Luật Di sản văn hóa sửa đổi, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến ngày 17/4/2024, có đề xuất của Chính phủ Việt Nam rằng, khu vực bảo vệ I của di tích được triển khai dự án đầu tư, xây dựng nhà ở riêng lẻ.

vn1

Một khách du lịch đang ngắm vịnh Hạ Long. (Ảnh minh họa) AFP PHOTO

Khu vực bảo vệ I theo Luật Di sản văn hóa, là vùng có yếu tố gốc cấu thành di tích, gồm công trình, địa điểm tiêu biểu của sự kiện lịch sử, văn hóa hoặc gắn với thân thế, sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân, nhân vật lịch sử...

Đề xuất trên được nói đã nhận được nhiều sự không đồng tình từ nhiều thành viên Thường vụ Quốc hội.

Không cần thiết

Một Kỹ sư xây dựng từng làm việc tại Việt Nam và Nhật Bản, không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 19/4/2024 nhận định với RFA :

"Việc sửa Luật để "xây dựng nhà trong khu bảo vệ di tích" phải tuân thủ theo Luật chuyên ngành đã được ban hành, cụ thể ở đây là Luật xây dựng năm 2014 và Luật sửa đổi một số điều trong Luật xây dựng năm 2020. Ngoài ra còn phải theo Luật đất đai nữa. Theo đó, điều 89 Luật xây dựng 2014 và điều 30 Luật xây dựng sửa đổi, muốn xây dựng nhà riêng lẻ trong khu di tích phải xin giấp phép xây dựng, cơ quan có thẩm quyền xem xét công trình có phù hợp với quy hoạch của khu di tích hay không, có ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường hay không ?"

Ngoài ra, Kỹ sư này cho biết thêm, theo Luật đất đai, còn phải xem công trình xây dựng có làm đúng mục đích sử dụng đất hay không. Ông đưa ra ví dụ : đất dùng cho công trình công cộng thì không được xây dựng nhà. Ông nói tiếp, lẽ ra, đã có các Luật chuyên ngành, muốn xây dựng nhà hay bất cứ công trình gì trên đất của khu di tích thì cứ theo Luật chuyên ngành như Luật xây dựng, Luật đất đai mà làm. Nghĩa là, việc đề xuất trên, với ông là không cần thiết.

Nhân việc này, ông chia sẻ thêm thông tin thực tế ở Việt Nam, khi ông làm việc tại đây :

"Tôi nhận thấy nhiều khu di tích đã bị thương mại hóa, người ta đã biến khu di tích thành nơi kinh doanh. Những nơi này, do không có trong quy hoạch, chỉ tự phát, chính quyền địa phương vì muốn bảo đảm thu ngân sách từ khách tham quan nên đã lơ là việc quản lý, vì vậy mà các khu di tích trông rất nhếch nhác".

Mặt khác, theo vị kỹ sư này, nhiều công trình trong khu di tích qua thời gian hàng trăm năm hiện đã xuống cấp, nên cần phải được tôn tạo, tu sửa. Song, theo ông, việc tôn tạo, tu sửa mà cứ làm như mới, không giữ nguyên bản thì không còn là di tích, không đúng với nguyên tắc phục chế, bảo tồn di tích. Ông nói thêm :

"Ngoài ra, về kinh phí trùng tu, tôn tạo cũng hạn chế nên nhiều công trình trong khu di tích phải làm mất nhiều năm. Tôi đã từng trực tiếp trùng tu các cụm tháp Chămpa như cụm tháp Dương Long- ba tháp, cụm tháp Bánh Ít- bốn tháp, tháp Đôi Quy Nhơn- hai tháp, tháp Cánh Tiên... nên tôi thấy rõ điều vừa nói trên !"

vn2

Vịnh Hạ Long được UNESCO hai lần công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới vào năm 1994 và năm 2000. AFP.

Không vì lợi ích của dân

Dù nhận được nhiều phản đối từ thành viên Thường vụ Quốc hội về đề xuất trên, nhưng tại cuộc họp, bảo vệ lý luận của mình, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng đề xuất bổ sung quy định xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ I, nhằm ‘phát huy giá trị của di sản’. ( ! ?)

Ông Trần Anh Quân, một người hoạt động xã hội ở Sài Gòn, hôm 19/4/2024 khi trao đổi với RFA về đề xuất trên, nhận định rằng, Luật Di sản văn hóa ở Việt Nam có rất nhiều bất cập từ trước tới nay. Nhiều ngôi nhà được xếp hạng di tích khiến chủ nhà khổ sở vì, ở thì nguy hiểm, bán thì không được mà sửa cũng không xong. Cho nên việc sửa luật là rất cần thiết để bảo đảm quyền lợi của người dân. Tuy nhiên, theo ông Quân :

"Việc ‘cho phép triển khai dự án đầu tư, xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ I của di tích’ thì lại không phải để bảo vệ người dân trong khu di tích, mà để phá nát các khu di tích. Cái mà người dân cần là được phép sửa chữa, nâng cấp hoặc mua bán những ngôi nhà hiện hữu trong các khu di tích. Còn cái mà quốc hội muốn lại là xây thêm nhà ngay trong vùng lõi của di tích. Tức là phá hết cảnh quan, kiến trúc cũ, xây thêm công trình mới trên phần di sản cần bảo tồn".

Theo ông Quân, đây là điểm rất nguy hiểm, vì xây thêm dự án trên khu di tích có thể làm lệch lạc kiến thức lịch sử, ảnh hưởng tới nhiều đời sau. Ông chia sẻ tiếp :

"Rõ ràng là sau khi đã bán hết rừng vàng biển bạc, thì Quốc hội đang tính ‘phân lô bán nền’ luôn các khu di tích để bổ sung ngân sách hoặc có thể là để làm giàu cho các tham quan. Như cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân từng nói ‘ngân sách như dòng sông đã cạn’, quốc hội bây giờ chỉ cần tiền chứ đâu có cần lịch sử ông cha !"

Đề xuất "lùi"

Từ Sài Gòn hôm 19/4/2024, nhà ngghiên cứu Văn hóa Ngôn ngữ, Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng nhận định :

"Cái đó là một bước lùi, bởi vì trước đây theo tôi biết là người ta đã quy hoạch thì không được xây trong di tích hay khu di sản. Bây giờ chấp nhận xây tức là một bước lùi rất rõ rệt. Tôi không đọc thật là kỹ lưỡng, nếu họ chỉ có vùng lõi tuyệt đối không được xây, còn vùng bảo vệ chấp nhận một số trường hợp nào đó, thì còn có thể chấp nhận".

Giáo sư Hoàng Dũng cho rằng, nếu Chính phủ Việt Nam cho xây dựng nhà trong khu bảo vệ di sản mà không có ranh giới nào cả, ngay trong di tích cũng có thể xây dựng thì, ông lo ngại trong điều kiện ở Việt Nam, luật pháp có cũng như không, thì việc mở rộng ra như vậy rất dễ bị lợi dụng và cuối cùng di tích bị thiệt hại một cách không thể cứu chữa được. Ông Dũng nói tiếp :

"Vô số ví dụ cho thấy việc bảo vệ di sản không tốt. Chính phủ thì có rất nhiều lời nói, kể cả có những văn bản pháp luật kèm theo để bảo vệ di sản, nhưng mà ngay trong luật pháp cũng đã có nhiều chỗ hở, việc thực hiện còn tệ hơn... Có thể nói năm nào cũng có vụ xâm hại di tích được công bố, cho thấy tình hình đáng báo động, "một chập" (cuối cùng-pv) dân ta không còn di tích nào nữa đâu".

Thời gian qua, rất nhiều vụ xâm hại di tích, di sản bị báo chí phanh phui. Mới nhất là ngày 5 tháng 11 năm 2023, Báo Tiền Phong có bài viết "Dự án khu đô thị quây núi đá vịnh Hạ Long làm 'hòn non bộ', với hình ảnh đất đá lấp vịnh, quây núi đá vôi gây xôn xao dư luận. Dự án lấp vùng đệm vịnh Hạ Long làm biệt thự, nhà liền kề bị dư luận xã hội cho là đang hủy hoại một di sản thiên nhiên tầm cỡ quốc tế.

Nguồn : RFA, 19/04/2024

***************************

EVN vẫn độc quyền : sao có thể thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh ?

RFA, 17/04/2024

Tại Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 16/4/2024, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho ý kiến, thông qua Dự án Luật Điện lực sửa đổi, để gấp rút sửa Luật này nhằm thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh.

vn3

Công nhân điện làm việc trên lưới điện tại Hà Nội hôm 14/12/2023 - AFP

Liệu nếu chỉ Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN độc quyền mua bán điện thì có thể có thị trường điện cạnh tranh ? Chuyên gia kinh tế, Phó Giáo sư Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, thuộc Học viện Tài chính Việt Nam, khi trả lời RFA hôm 17/4/2024, cho rằng đây là một bài toán khó :

"Muốn có thị trường điện cạnh tranh là một bài toán lâu dài. Rõ ràng rất nhiều lĩnh vực cho dù tự do cũng chưa chắc tốt bằng độc quyền. Vì thế cho nên trong quá trình Việt Nam đang phát triển đã xem những phân khúc nào cần có cạnh tranh và có thể cạnh tranh thì thực hiện. Còn phân khúc nào không nên cạnh tranh thì Nhà nước có cơ hội đầu tư một cách toàn diện.

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, Trong quá trình thay đổi vẫn còn có sự so sánh, xem xét… Ông Thịnh nêu ví dụ :

"Ví dụ như thị trường phát điện thì các nhà máy điện có thể áp dụng và có thể cạnh tranh nhau để đáp ứng nhu cầu và có điều kiện để từ đó bán điện cho nên kinh tế. Nhưng cũng có những bộ phận người ta nghĩ là chưa nên cho cạnh tranh. Ví dụ như trong hệ thống truyền tải điện chẳng hạn, đây là một vấn đề khó, đầu tư rất lớn nhưng hiệu quả lại tương đối khó khăn trong thu hồi vốn, nên chẳng có ai muốn đầu tư truyền tải điện. Vì vậy Nhà nước đang phân vân thực hiện quá trình thị trường hóa, làm sao để dễ dàng và hợp lý hiện là vấn đề khó đối với Việt Nam".

Trong Nghị quyết về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngoài khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia phát triển năng lượng, Bộ Chính trị nêu rõ cần loại bỏ bao cấp, độc quyền, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng mà cụ thể là ngành điện.

Luật điện lực sửa đổi từ năm 2013 đã quy định, điện lực cùa Việt Nam sẽ chuyển sang ba giai đoạn : phát điện cạnh tranh, bán buôn điện và bán lẻ điện theo thị trường cạnh tranh hoàn hảo từ năm 2022 trở đi. Tuy nhiên cho đến nay, ngay cả giai đoạn chuyển đổi đầu tiên cũng bị cho là chưa hoàn toàn được thực hiện.

Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam ; nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, khi trao đổi với RFA liên quan vấn đề này nhận định :

"Luật điện lực mới sửa đổi đã quy định, điện lực cùa Việt Nam sẽ chuyển sang ba giai đoạn : phát điện cạnh tranh, bán buôn điện và bán lẻ điện theo thị trường cạnh tranh hoàn hảo từ năm 2022 trở đi. Tuy nhiên tiến độ đó cho đến hiện nay là chậm, nên trung ương muốn tiến độ nhanh lên, để người dân mua muốn mua điện ở đâu cũng được, mua theo giá cạnh tranh… Nhưng bây giờ thì chỉ gọi là phát điện cạnh tranh, nhưng cũng chưa hoàn hảo vì chưa phải các loại đem vào cạnh tranh. Ví dụ điện BOT vẫn nằm ngoài khu vực cạnh tranh".

Theo Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, khi việc bán buôn điện nếu thật sự cạnh tranh, thì sẽ có nhiều người tham gia mua đi bán lại điện. Nhưng hiện nay, theo ông, chỉ có một mình EVN làm chuyện đó, không có công ty tư nhân đi buôn điện bán lại, mà chỉ là những công ty con của EVN buôn điện từ Tổng công ty để bán lại với giá cao hơn.

vn4

Công nhân Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đang kiểm tra đồng hồ điện. AFP.

Một người dân ở Sài Gòn không nêu tên vì lý do an toàn, hôm 17/4/2024 cho RFA biết ý kiến :

"Thứ nhất Việt Nam hiện nay vẫn đang đề nghị Hoa Kỳ công nhận có nền kinh tế thị trường. Như vậy trước hết cần phải thay đổi kinh tế thị trường định hướng XHCN trở thành kinh tế thị trường. Thứ hai, chính việc phải thay đổi này phù hợp với mong muốn của chính quyền Việt Nam và nó cũng là nhu cầu có thật tại Việt Nam. Từ căn cứ quan trọng này mới có căn cứ để thay đổi mô hình quản trị năng lượng, cũng như quản trị điện năng nói riêng. Từ đó mới có căn cứ bỏ cơ chế độc quyền hàng chục năm qua".

Theo vị này, bây giờ nếu sửa đổi riêng với Luật Điện lực, mà vẫn giữ kinh tế thị trường định hướng XHCN và vẫn giữ độc quyền kinh doanh điện năng thì sửa luật không thay đổi được gì. Ông nói tiếp :

"Ý kiến thứ ba của tôi là dĩ nhiên điện là mặt hàng tối quan trọng của bất cứ quốc gia nào. Mặt hàng điện vừa đảm bảo sản xuất tiêu dùng, mà nó vẫn phải đảm bảo an ninh quốc gia. Muốn hòa hợp hai cơ chế này, tôi nghĩ phải phá bỏ cơ chế độc quyền, các công ty tư nhân có quyền đầu tư sản xuất và mua bán điện, chính cơ sở này sẽ cho người dân chúng tôi sự lựa chọn có quyền ký hợp đồng với công ty tư nhân hay công ty nhà nước để mua điện".

Trong khi đó để đảm bảo an ninh quốc gia thì theo ông này, tất cả cơ quan công quyền của nhà nước buộc phải mua điện của công ty nhà nước mà thôi. Người này cho biết thêm :

"Trong trường hợp khẩn cấp về an ninh quốc gia, thì các công ty tư nhân mua bán điện vẫn phải tuân thủ theo quy định pháp luật về an ninh quốc gia. Như vậy vừa phá bỏ được cơ chế độc quyền, lại vừa đảm bảo an ninh quốc gia, vừa bảo đảm cho người dân có được tự do mua điện của bất cứ công ty nào thấy phù hợp bản thân hộ gia đình, cũng như các hãng xưởng, công ty kinh doanh…"

Liệu với tỷ lệ tư nhân đầu tư buôn bán sản xuất điện quá thấp như hiện nay, thì khi hoàn tất quy hoạch ngành điện theo Luật điện lực, có thể loại bỏ bao cấp, độc quyền ?

Nguồn : RFA, 17/04/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 120 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)