Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

23/04/2024

Vàng và tiền trong dân còn rất nhiều !

BBC - RFA

Việt Nam đấu thầu vàng miếng : Xóa bỏ độc quyền mới giải quyết được vấn đề ?

BBC, 23/04/2024

Ngày 22/4, phiên đấu thầu vàng miếng của Việt Nam lần đầu tiên sau 11 năm đã không thể diễn ra. Phiên đấu thầu mới được dời lại một ngày, giữa lúc giá vàng thế giới đang lao dốc.

tien1

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam độc quyền nhập khẩu, kinh doanh vàng trong nhiều năm qua

Nguyên nhân khiến phiên đấu thầu bất thành là không có đủ số thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định, theo tường thuật từ truyền thông Việt Nam.

Dự kiến một phiên đấu thầu khác sẽ diễn ra vào 10 giờ ngày 23/4, với giá tham chiếu là 80,7 triệu đồng/lượng.

Trước phiên đấu thầu hôm nay, giá vàng thế giới đã giảm mạnh : Tối 22/4, giá vàng thế giới đã giảm 55,3 USD/ounce, tương đương 1,7 triệu đồng/lượng. Vào lúc 23 giờ ngày 22/4, giá vàng giảm về mức 2.337,5 USD/ounce. Quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 71,82 triệu đồng/lượng. Việc giá vàng thế giới giảm mạnh có thể tác động tới phiên đấu thầu vàng vào sáng 23/4.

Trước đó, giới quan sát kỳ vọng đây là lần đấu giá quan trọng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam diễn ra sau 11 năm nhằm thăm dò thị trường, thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới.

Lần gần nhất Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức đấu thầu vàng miếng là vào năm 2013.

Chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và thế giới trong thời gian qua được cho là xuất phát từ việc nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng, vị thế độc quyền của vàng miếng SJC, được coi là thương hiệu quốc gia theo Nghị định 24 về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng, có hiệu lực từ năm 2012.

Sự chênh lệch cao giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đã kéo theo nạn buôn lậu vàng trong nhiều năm qua.

'Cần minh bạch trong đấu thầu vàng'

Trong lần đấu giá ngày 23/4, dự kiến sẽ có 16.800 lượng vàng miếng SJC (tương đương với khoảng 631 kg vàng) được bán ra.

Hội đồng Vàng Thế giới cho biết năm 2023, lượng vàng Việt Nam tiêu thụ là 55,5 tấn.

Như vậy, lượng vàng đấu giá lần này chiếm khoảng hơn 1% so với tổng lượng vàng tiêu thụ năm 2023.

Tiến sĩ Công Phạm, Giảng viên cấp cao tại Đại học Deakin (Úc), đánh giá việc đấu thầu vàng giúp bình ổn thị trường nhưng chỉ phát huy tác dụng nếu phiên đấu giá vàng đáp ứng các tiêu chí :

"Thứ nhất là những quy định và thủ tục đấu thầu phải rõ ràng, minh bạch và được phổ biến đầy đủ và công khai.

Thứ hai, phải có sự đối xử công bằng với tất cả người tham gia.

Thứ ba, số lượng vàng đưa vào đấu giá phải đủ lớn và thu hút được nhiều người tham gia.

Thứ tư, phải có cơ quan giám sát chặt chẽ việc tiến hành đấu giá, ngăn người tình trạng gian lận".

"Cuối cùng, cần có đánh giá định kỳ sau mỗi lần tiến hành đấu giá để cải thiện cho những lần sau", ông nói với BBC News Tiếng Việt vào ngày 21/4.

Ngân hàng Nhà nước vừa quản lý và kinh doanh vàng

tien2

Chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và thế giới trong thời gian qua được cho là xuất phát từ việc nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng. Ảnh các thỏi vàng tại một nơi sản xuất ở Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 22/1/2010.

Từ năm 2012, theo nghị định 24/2012, thị trường vàng của Việt Nam liên quan tới sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng do nhà nước độc quyền.

Công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn (SJC) trực thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh được Ngân hàng Nhà nước thuê gia công thương hiệu vàng miếng SJC.

Tiến sĩ Công Phạm đánh giá vai trò của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong thời gian qua :

"Việc ngân hàng trung ương của một quốc gia điều tiết thị trường vàng như một phần trong chính sách ổn định kinh tế vĩ mô được nhiều nước áp dụng. Tuy nhiên, với Nghị định 24, thị trường vàng Việt Nam do Ngân hàng Nhà nước nắm độc quyền điều tiết thuộc mức chặt chẽ nhất so với các nước trong khu vực. Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước không chỉ quản lý mà còn tham gia kinh doanh vàng thông qua Công ty SJC".

"Trong giai đoạn từ sau 2012 khi nghị định 24 được áp dụng, giá vàng trong nước đều cao hơn giá vàng thế giới. Đặc biệt là trong những năm từ 2020 trở lại đây".

"Sự chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế khá lớn, có hệ thống và có chiều hướng tăng đều từ 2012 tới nay đã làm cho quan điểm của Ngân hàng Nhà nước và Công ty SJC cho rằng không có sự làm giá và giá vàng hoàn toàn do cung cầu của thị trường quyết định rất khó thuyết phục".

Vấn đề Ngân hàng Nhà nước Việt Nam độc quyền nhập khẩu, kinh doanh vàng trong những năm qua đã được các đại biểu quốc hội chất vấn tại nghị trường, chuyên gia phân tích và người dân thắc mắc.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có lời giải thích thỏa đáng từ cơ quan chức năng, cùng với đó có những hoài nghi về khả năng nảy sinh tham nhũng khi duy trì độc quyền kinh doanh.

Không dễ 'huy động vàng nhàn rỗi trong dân'

tien3

Nhiều người Việt Nam muốn tích trữ vàng như một cách đảm bảo tài sản trước tình hình kinh tế vĩ mô nhiều biến động. Ảnh : Một cửa hàng kinh doanh vàng tại Hà Nội vào ngày 19/2/2024.

Việc huy động vàng nhàn rỗi trong nhân dân được xem là một vấn đề không dễ dàng dù giới chức Việt Nam đã đề cập trong nhiều năm qua.

Cho đến nay không có con số chính thức về lượng vàng tích trữ trong dân, ngoại trừ con số 400 tấn vàng đã được nhắc đến từ hồi năm 2012.

Tiến sĩ Công Phạm cho rằng trong trường hợp lượng vàng dự trữ đáng kể cũng như một tỷ lệ cao dân Việt quan tâm tới đầu tư vàng hoặc một phần vàng sở hữu, thì viêc huy động vàng "là một chủ trương đúng đắn" nhằm duy trì ổn định dự trữ ngoại hối quốc gia và thị trường vàng.

Tuy nhiên, hiện nay niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng rõ ràng bị ảnh hưởng xấu bởi những vụ án gần đây liên quan tới ngân hàng và thị trường chứng khoán như đại án Vạn Thịnh Phát, vụ án lừa đảo trái phiếu tại công ty Tân Hoàng Minh, vụ Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm bị cáo buộc lừa đảo và thao túng thị trường chứng khoán, chiếm đoạt hơn 4.300 tỷ đồng.

Do đó, Tiến sĩ Công Phạm đánh giá việc cải tổ nhằm làm cho hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán trở nên hiệu quả và minh bạch hơn là bước quan trọng đầu tiên để phục hồi niềm tin trong dân chúng.

Ông đề ra các biện pháp quản lý thị trường vàng dựa trên thực tế các nước đã áp dụng chính sách huy động vàng nhàn rỗi trong dân như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, và Trung Quốc.

Tiến sĩ Công Phạm đề xuất như sau :

"Thứ nhất, một bộ phận lớn người dân có quan tâm và có nhu cầu đối với các sản phẩm đầu tư dựa trên vàng mang lại lợi tức (Gold-based interest-bearing products). Một ví dụ đơn giản và phổ biến là tài khoản tiết kiệm các khách hàng có thể chuyển vàng vào và được rút ra vàng hoặc tiền mặt ra khi cần. Trong trường hợp Ấn Độ, điều tra cho thấy đa số khách hàng ưu tiên lựa chọn tài khoản tiết kiệm vàng trung hạn. Có thể thực hiện điều tra sở thích người Việt liên quan tới sở hữu vàng, đầu tư vàng… Trên cơ sở kết quả điều tra thu được, các ngân hàng có thể đưa ra các sản phẩm đáp ứng sở thích, nhu cầu của họ".

"Thứ hai, cần xây dựng hạ tầng cho thị trường vàng. Hạ tầng bao gồm các công ty kiểm định và cấp chứng chỉ chất lượng vàng nhàn rỗi mà người dân quyết định sử dụng để đầu tư, nhà máy sản xuất vàng lá chuẩn hóa, sở giao dịch vàng cho vàng tái chế và vàng nhập khẩu…".

"Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước có thể coi vàng sẽ là một phần của dự trữ quốc gia bên cạnh các ngoại hối như USD, euro, yen Nhật. Trong trường hợp Trung Quốc, ngoài ngân hàng nhà nước, nước này còn cho phép các ngân hàng sử dụng vàng làm một phần của dự trữ. Khi đó thì các ngân hàng sẽ có động cơ đưa ra các sản phẩm phù hợp để huy động vàng trong dân chúng".

"Thứ tư, ngân hàng nhà nước có thể phát hành đồng tiền vàng quốc gia".

Ông đánh giá các biện pháp hay chính sách thu hút vàng nhàn rỗi được Việt Nam thực hiện đúng và có hiệu quả sẽ giúp giảm chênh lệch giá vàng nội địa và giá vàng quốc tế, và giúp cho Việt Nam giảm quan ngại của Mỹ cũng như làm yếu đi lập luận của một bộ phận chính giới Mỹ liên quan tới thao túng tiền tệ.

'Thêm khó khăn' nếu muốn Mỹ công nhận nền kinh tế thị trường

tien4

Hiện Bộ Thương mại Mỹ đang đánh giá lại trạng thái kinh tế phi thị trường của Việt Nam.

Theo bộ này, ngày 8/9/2023, chính phủ Việt Nam đã đệ đơn chính thức đề nghị phía Mỹ xem xét công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, viện dẫn những cải cách kinh tế trong các năm gần đây.

Quy trình xem xét từ phía Washington sẽ kéo dài 270 ngày.

Như vậy, thời gian phía Mỹ đưa ra quyết định cuối cùng sẽ là vào khoảng giữa tháng 7 tới.

Thời gian qua, các lãnh đạo trong "Tứ Trụ" Việt Nam như Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ luôn kêu gọi Mỹ sớm công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam, thể hiện lòng tin Việt-Mỹ.

Thị trường vàng liên quan chặt chẽ tới thị trường hối đoái và nhất là tỷ giá tiền đồng của Việt Nam và đồng USD.

Do đó, Tiến sĩ Công Phạm đánh giá chính sách điều tiết thị trường vàng trên cơ sở Nghị định 24 "chắc chắn sẽ gây khó khăn cho Việt Nam trong nỗ lực hiện nay vận động thuyết phục Mỹ trao cho quy chế nền kinh tế thị trường".

Một trong các điều kiện cho một nền kinh tế thị trường là một chế độ tỷ giá tự do và không có sự thao túng tiền tệ.

Tiến sĩ Công Phạm đưa ra đánh giá của ông dựa trên số liệu từ United Nations Comtrade Database (Cơ sở dữ liệu thương mại hàng hóa Liên Hợp Quốc) về thâm hụt thương mại Việt Nam và Mỹ.

Ông nhấn mạnh vào cột mốc năm 2012, khi Nghị định 24 về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời.

"Theo tính toán của tôi, với thâm hụt thương mại với Việt Nam tăng đều trong qua thời gian đặc biệt từ sau 2012, Washington sẽ quan ngại Việt Nam tác động lên tỷ giá để thúc đẩy xuất khẩu. Việc Việt Nam duy trì chính sách độc quyền trong thị trường vàng nội địa sẽ là một điểm mà một số người trong chính giới của Mỹ dựa vào để khuyến cáo Quốc hội hoãn hay không giành cho Việt Nam quy chế thị trường tự do".

"Theo nghiên cứu của tôi, giai đoạn có sự chênh lệch lớn giữa giá vàng Việt Nam và quốc tế từ 2018, thậm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam cũng tăng mạnh hơn giai đoạn trước đó. Những số liệu này cũng phù hợp với tình hình giá vàng ở thị trường Việt Nam".

"Thời kỳ chênh lệch giá vàng cao đi kèm với buôn lậu vàng tăng mạnh. Hoạt động buôn lậu vàng thường dẫn tới tăng nhu cầu USD ở thị trường trong nước và giảm tỷ giá tiền đồng so với USD".

Theo Tiến sĩ Công Phạm, mối liên hệ giữa thị trường vàng và tỷ giá hối đoái "chắc chắn là điểm yếu" khiến các nước như Mỹ có thể cho rằng Việt Nam có chính sách thao túng tiền tệ một cách gián tiếp thông qua các biện pháp kiểm soát thị trường vàng.

"Vấn đề này có thể gây căng thẳng quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Mỹ, đặc biệt trong trường hợp Donald Trump thắng cử nhiệm kỳ hai", ông nói với BBC News Tiếng Việt.

Nguồn : BBC, 23/04/2024

***************************

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trước tình hình vàng, đô la biến động !

RFA, 23/04/2024

Tại họp báo về kết quả kinh doanh quý 1 diễn ra sáng 19 tháng 4 vừa qua, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp nếu tỷ giá diễn biến bất lợi. Trong khi đó, theo thông tin từ báo Đầu tư-Chứng khoán, trong quý 1 năm 2024, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng tăng khoảng 2,2%, lên quanh mức 24.800.

tien5

Nhân viên ngân hàng ở Hà Nội đang đếm các đồng đô la Mỹ - AFP

Tiến sĩ kinh tế Đinh Xuân Quân nêu nhận định với RFA :

"Nếu tỷ giá hối đoái tăng quá 2% thì Ngân hàng Nhà nước có quyền tham gia, mua đô la vào hay bán đô la ra vì họ muốn giữ trị giá của đồng Việt Nam thăng bằng. Đó là cái quan trọng. Mà nếu muốn bán đô la ra thì phải có đô la. Đô la từ đâu ra ? Trước hết là khi Việt Nam buôn bán xuất cảng hàng hóa ra ngoại quốc thì Việt Nam nhận được tiền đô la. Thứ hai là do lao động ở ngoại quốc nhận lương bằng đô la. Thứ ba, do Việt Kiều trên khắp thế giới gửi tiền về, mà Việt kiều tại Mỹ là nhiều nhấ.

Việt Nam có thương lượng với Bộ trưởng tài chính Hoa Kỳ, và họ đã nói, nếu Việt Nam thay đổi tỷ giá hối đoái để có thể xuất cảng nhiều hơn thì họ sẽ để ý và có thể trừng phạt. Bởi đó nó thuộc vào cái mà Hoa Kỳ gọi là currency manipulation (thao túng tiền tệ). Do đó, Việt Nam phải rất thận trọng trong vấn đề thay đổi tỷ giá hối đoái. Ngân hàng Nhà nước có thể tham gia vào việc bán đô la ra hoặc mua đô la vào để giữa thăng bằng cho đồng tiền Việt Nam. Họ nói ra (công khai chuyện can thiệp ngoại tệ - NV) là tốt hơn vì đây không phải là một cố gắng để xuất cảng thêm. Đó là một chuyện rất quan trọng".

Việt Nam bị Hoa Kỳ gắn mác thao túng tiền tệ vào tháng 12/2020. Trên nguyên tắc, sau một năm, Washington có thể sẽ áp dụng các hình phạt thương mại nếu quyết định gắn mác thao túng tiền tệ không được gỡ bỏ. Đến tháng 4/2021, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ. Tuy nhiên, Bộ này cũng cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục được giám sát trong các vấn đề tiền tệ. Đến tháng 11/2023, Hoa Kỳ lại đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ.

Thao túng tiền tệ là thuật ngữ mà Chính phủ Hoa Kỳ thường dùng để chỉ cho một quốc gia vi phạm ba tiêu chí sau : Thặng dư thương mại song phương với Mỹ vượt ngưỡng 15 tỉ USD ; Thặng dư cán cân vãng lai vượt ngưỡng 3% GDP ; Can thiệp thị trường ngoại tệ một chiều, kéo dài.

Việc Chính phủ Hoa Kỳ gắn mác thao túng tiền tệ cho một quốc gia nào đó sẽ dẫn đến khó khăn cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của quốc gia đó, dẫn đến ảnh hưởng kinh tế của quốc gia đó.

tien6

Tiền Đồng Việt Nam

Ngoài việc tuyên bố Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp nếu tỷ giá diễn biến bất lợi, tại buổi họp báo sáng 19/4, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - cho biết, kể từ ngày 19/4, Ngân hàng Nhà nước công khai bán can thiệp ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0.

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ nhận định với RFA :

"Từ rất lâu Việt Nam đã theo đuổi chính sách tiền tệ mà trong đó họ kiểm soát dòng vốn và thực hiện việc neo tỷ giá theo đồng đô la Mỹ. Việc áp đặt mức lãi suất thấp đối với tiền Đồng trong khi lãi suất đồng đô la Mỹ vẫn đang ở mức cao cuối cùng sẽ dẫn đến việc nhu cầu tích trữ đồng đô la Mỹ tăng lên và nó sẽ tạo áp lực phá vỡ tỉ giá cố định. Muốn giữ tỷ giá cố định trong khi vẫn giữ lãi suất ở mức thấp buộc lòng Ngân hàng Nhà nước phải bán ra ngoại tệ. Nhưng việc bán ra ngoại tệ chỉ là giải pháp ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu giải quyết ngoại tệ trước mắt đối với một số doanh nghiệp. Về trung và dài hạn, nếu tiếp tục một chính sách như vậy, dự trữ của Ngân hàng Nhà nước sẽ nhanh chóng cạn kiệt.

Sau đó, khi lượng dự trữ bốc hơi nhanh chóng, Ngân hàng Nhà nước buộc phải để tỷ giá đi lên tức tiền Đồng sẽ mất giá so với đồng đô la Mỹ. Việc để tỷ giá đi lên nó chỉ thoả mãn áp lực ngắn hạn từ thị trường chợ đen khi mà nhu cầu giữ đồng đô la Mỹ tăng lên".

Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ kết luận, muốn giải quyết vấn đề tốt hơn thì Ngân hàng Nhà nước phải tăng lãi suất tiền Đồng để tăng sức hấp dẫn của việc giữ tiền Đồng. Nhưng một sự tăng lãi suất như vậy trong khi nền kinh tế vẫn đang khó khăn nó sẽ dẫn đến tình trạng khủng hoảng kinh tế nặng hơn.

Giá đô la Mỹ liên tục tăng trong mấy ngày qua. Các ngân hàng thương mại liên tiếp niêm yết giá mua và bán đô la Mỹ tăng cao với đỉnh mới ở mức trần theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Rạng sáng ngày 23/4/2024, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng 12 đồng dù đồng đô la Mỹ đạt đỉnh 34 năm so với đồng yên Nhật.

Chuyên gia ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nêu một số giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước cần làm :

"Khi tỷ giá nó tăng mạnh như thế thì Ngân hàng Nhà nước có thể can thiệp vào thị trường ngoại hối với một số biện pháp sau : Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước có thể phát hành trái phiếu. Khi người dân mua trái phiếu thì ngân hàng thu một lượng tiền từ lưu thông vào. Và khi một lượng tiền hút vào từ lưu thông thì lượng tiền giảm lên nền kinh tế. Từ đó tỷ giá được kéo xuống.

Cách thứ hai là Ngân hàng Nhà nước có thể bán một số ngoại tệ ra ngoài. Khi bán như thế thì tỷ giá cũng được kéo xuống vì lượng đô la đi vào nền kinh tế dồi dào hơn. Nhưng cách này cũng có một hạn chế vì hiện tại dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đã tiếp cận tới mức ba tháng nhập khẩu rồi. Thành ra, nếu mà bán đô la nhiều quá thì sẽ ảnh hưởng tới dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước.

Cách thứ ba là có những biện pháp can thiệp mang tính hành chính, tức là làm sao ngăn chặn được vấn đề buôn lậu đô la chợ đen. Tại vì tỷ giá trên thị trường tự do hiện tại đang cao hơn nhiều so với tỷ giá chính thức".

Hiện Việt Nam đang phải đối mặt với hai cơn sốt, đó là giá vàng và giá đô la Mỹ. Theo Ngân hàng Nhà nước, nhằm can thiệp kịp thời, xử lý ngay tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm.

Phiên đấu thầu dự kiến diễn ra vào ngày 22 tháng 4 đã bị hủy. Phiên đấu thầu một ngày sau đó đã bán thành công 3.400 lượng vàng với giá trúng thầu cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng.

Nguồn : RFA, 23/04/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC, RFA
Read 311 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)