Standard Chartered hạ dự đoán mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 xuống 6%
RFA, 25/04/2024
Ngân hàng Standard Chartered vừa hạ mức dự đoán tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 từ 6,7% xuống 6% và cho biết mức tăng trưởng trong quý một năm nay của Việt Nam đã thấp hơn mức dự đoán do những khó khăn về thương mại toàn cầu.
Cảng Quy Nhơn ở Bình Định hôm 29/3/2024 - AFP
Reuters trích dẫn thông báo của Standard Chartered viết: “Thương mại, yếu tố chính của tăng trưởng và đầu tư cho Việt Nam, cũng đối mặt với những thách thức ngắn và dài hạn”.
Dự báo của Standard Chartered cũng hạ mức lạm phát năm từ 5,5% xuống 4,3% sau khi lạm phát trong quý một thấp hơn mức dự đoán.
Theo báo cáo của Tổng cục thống kê Việt Nam, GDP quý một năm nay của Việt Nam tăng trưởng 5,66%. Mức này được nói cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy đà phục hồi kinh tế chưa bên vững. Nguyên nhân được nói là do những bấp bênh từ tình hình kinh tế thế giới tiếp tục gây ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng.
Việt Nam đề ra mục tiêu tăng trưởng cả năm là từ 6 - 6,5%. Để đạt được mục tiêu này, các chuyên gia kinh tế trong nước cho biết tăng trưởng kinh tế các quý cuối năm cần đạt từ 5,85 - 6,28% ở kịch bản tăng trưởng 6% và từ 6,32 - 7,08% ở kịch bản tăng trưởng 6,5%.
Nguồn : RFA, 25/04/2024
****************************
Standard Chartered hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 xuống 6%
VOA, 24/04/2024
Ngân hàng Standard Chartered vừa cắt giảm mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay xuống còn 6%, thấp hơn mức 6,7% được đưa ra trước đó, Reuters và truyền thông Việt Nam dẫn thông báo của Standard Chartered cho biết hôm thứ Tư (24/4), với nguyên nhân đưa ra là do GDP trong quý đầu của năm thấp hơn dự kiến và những trở ngại thương mại toàn cầu.
Một cửa hàng bán quần áo ở Hà Nội. Nền kinh tế Việt Nam đang có những dấu hiệu phục hồi vào đầu năm 2024 nhưng vẫn đối mặt với những thách thức ngắn hạn và dài hạn, theo Standard Chartered.
"Thương mại, nguồn tăng trưởng và đầu tư quan trọng của Việt Nam, cũng phải đối mặt với những thách thức ngắn hạn và dài hạn", Reuters dẫn thông cáo của Standard Chartered nói.
Ngân hàng này cũng cắt giảm dự báo lạm phát trong năm 2024 của Việt Nam xuống 4,3% so với mức 5,5% đưa ra trước đó vì mức lạm phát quý đầu tiên thấp hơn dự kiến.
"Việt Nam đang nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đầu tư nước ngoài tiếp tục bị thu hút bởi môi trường đầu tư thuận lợi và nguy cơ gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ-Trung", VnExpress dẫn lời ông Tim Leelahaphan, Chuyên gia kinh tế về Thái Lan và Việt Nam của Standard Chartered, nhận định. Ông cho biết thêm rằng "Với đà kinh tế đang phục hồi, chúng tôi cho rằng chính sách tiền tệ sẽ ít cần hỗ trợ hơn".
Standard Chartered công bố giảm mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam một ngày sau khi Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng năm 2024 của Việt Nam sẽ đạt 5,5% và tăng dần lên 6% vào năm 2025.
Theo WB, nền kinh tế đang có những dấu hiệu phục hồi khác nhau vào đầu năm 2024. Báo cáo "Điểm lại - Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam" ấn bản tháng 4/2024 của WB nói rằng trong khi xuất khẩu của Việt Nam đang phục hồi, tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong nước lại tăng lên chậm hơn".
Nguồn : VOA, 24/04/2024
****************************
Việt Nam tăng khai thác điện than tối đa để chống mất điện mùa hè
VOA, 24/04/2024
Bộ Công thương Việt Nam vừa ra quyết định kêu gọi các công ty khai thác than tối đa hóa sản lượng để đối phó với nguy cơ thiếu điện trong những tháng hè nóng nực sắp tới, giữa bối cảnh Việt Nam hiện là 1 trong 5 nước tiêu thụ than đá cao nhất Đông Nam Á và đang đặt mục tiêu đưa chỉ số phát thải carbon về 0 vào năm 2050
Việt Nam là quốc gia sử dụng phần lớn năng lượng từ than đá và hiện là 1 trong 5 nước tiêu thụ than đá cao nhất Đông Nam Á.
Trong Quyết định điều chỉnh kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 và các tháng cao điểm mùa khô (tháng 4, 5, 6, 7) công bố hôm 23/4, Bộ Công Công thương nói trong bối cảnh tình hình thủy văn không thuận lợi, các nguồn nhiệt điện, đặc biệt là nhiệt điện than khu vực miền Bắc đã được huy động cao để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tăng cao hơn so với dự báo.
Là quốc gia sử dụng phần lớn năng lượng từ than đá, Việt Nam hiện đang nỗ lực tránh lặp lại tình trạng mất điện nghiêm trọng xảy ra vào năm ngoái, khi tình hình thiếu khoáng sản, thời tiết nắng nóng và hạn hán buộc nước này phải cắt điện tại các khu công nghiệp phía Bắc làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của nhiều cơ sở của các tập đoàn nước ngoài trong khu vực, theo nhận định của Bloomberg.
Với nhiệt độ dự kiến sẽ tăng cao hơn nữa vào mùa hè này, Việt Nam đang cùng các quốc gia khác như Trung Quốc, Indonesia chuyển sang sử dụng loại nhiên liệu hóa thạch bẩn nhất để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tăng vọt trong những tháng sắp tới.
Trong quyết định mới công bố, Bộ Công Thương Việt Nam điều chỉnh tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện và nhập khẩu của toàn quốc năm 2024 lên 310,6 tỷ kWh, tăng hơn 4,3 tỷ kWh điện/năm so với kế hoạch. Trong đó, tổng lượng điện mùa khô là 150,916 tỷ kWh, tăng 2,4 tỷ kWh điện và mùa mưa là 159,684 tỷ kWh, tăng 2 tỷ kWh điện.
Bộ này cũng điều chỉnh điện dự phòng năm 2024 và mùa khô lên 111,468 tỷ kWh, tăng 2,3 tỷ kWh/năm so với kế hoạch dự phòng trước đó.
Theo cơ quan khí tượng Việt Nam, nhiệt độ ở một số khu vực đã lên tới khoảng 40oC (105oF) vào tháng 4, mức cao nhất trong tháng kể từ năm 2016. Chính phủ cho biết một số hồ chứa nước đã giảm xuống chỉ còn 25% mức trung bình theo mùa, đe dọa hạn chế việc sản xuất điện khi cần thiết nhất, theo Bloomberg.
Thời tiết nắng nóng sẽ thúc đẩy mức tiêu thụ điện, với nhu cầu dự kiến tăng 13% trong tháng 5 và tháng 7 so với một năm trước đó, tăng lên so với ước tính trước đó là dưới 10%. Chính phủ đã yêu cầu các nhà sản xuất và hộ gia đình thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện và hạn chế tiêu thụ điện trong giờ cao điểm.
Việt Nam cũng đang dựa vào Trung Quốc để giúp giải quyết một phần thiếu hụt năng lượng. Theo đó, tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ tăng lượng điện nhập khẩu từ quốc gia láng giềng cao hơn khoảng 60% so với kế hoạch, tờ Thanh Niên đưa tin hôm 23/4.
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, Việt Nam là một trong 5 nền kinh tế có mức tiêu thụ than đá cao nhất ở Đông Nam Á. Trữ lượng than đá tại Việt Nam là khoảng 50 tỷ tấn.
Trong tháng 3/2024, Việt Nam nhập khẩu than các loại hơn 5,4 triệu tấn, tương đương 670,9 triệu USD, tăng 30,1% về lượng và tăng 9,2% về trị giá so với tháng trước đó. Tính chung 3 tháng đầu năm, nhập khẩu than các loại đạt hơn 14,6 triệu tấn, trị giá 1,95 tỷ USD, tăng mạnh 76% về lượng, tăng 35,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.
Bộ Công Thương cho biết dự kiến khả năng huy động than tăng trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 là từ 43-47 triệu tấn than thương phẩm/năm. Sau đó, giảm dần vào giai đoạn 2035-2045.
Nguồn : VOA, 24/04/2024