Tình trạng các quan chức sợ trách nhiệm, không dám ra quyết định ngày càng phổ biến, trở thành một "nạn dịch". Nhiều chuyên gia đánh giá đây là tác dụng phụ từ chiến dịch "đốt lò" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chiến dịch "đốt lò" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày càng quyết liệt
Phát biểu tại phiên thảo luận sáng 25/5, nhiều đại biểu Quốc hội đề cập đến tình trạng sợ trách nhiệm của cán bộ trong thời gian qua.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn Hà Nội, phản ánh rằng nhiều cán bộ, công chức và viên chức có thái độ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm trong quá trình làm việc.
"Nhân dân thấy rõ điều đó. Có người còn cho đó là đặc điểm nổi bật của cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian qua. Thực sự đau và thực sự buồn", ông Trí phát biểu.
Đồng tình với quan điểm này, Đại biểu Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết riêng để khắc phục tình trạng "không dám hành động vì sợ sai".
Tuy nhiên, theo Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, đoàn Bình Thuận, nguyên nhân không phải do Việt Nam chưa có cơ chế bảo vệ/xử lý cán bộ.
"Chúng ta đã có nhiều văn bản của Đảng, Chính phủ về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức".
"Và có Kết luận 14 của Trung ương, Nghị định 73 của Chính phủ về khuyến khích cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Vậy thì từ nguyên nhân nào ?", ông Thông đặt vấn đề.
Tác dụng phụ của ‘đốt lò’ ?
Đã có nhiều chuyên gia đánh giá rằng việc các nhà chức trách sợ trách nhiệm hay không dám ra quyết định là do sợ chiến dịch "đốt lò" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như tình trạng đấu đá nội bộ.
Một bài viết được đăng tải vào ngày 17/5 trên Reuters đánh giá rằng các cuộc đấu đá nội bộ ở chính trường VIệt Nam đã "làm chậm lại một cách đáng kể các hoạt động của chính quyền, trì hoãn việc phê duyệt các dự án và khiến hàng tỷ đô la từ nguồn vốn công và từ nước ngoài bị đình trệ, gây ra lo lắng cho các nhà đầu tư nước ngoài".
Bài viết ngày 17/5 trên The Diplomat của tác giả David Hutt, nhà nghiên cứu từ Viện Trung Âu về Nghiên cứu Châu Á (CEIAS), cũng phân tích ảnh hưởng của chiến dịch "đốt lò" tới kinh tế.
Cụ thể, ông Hutt viết :
"Vấn đề bây giờ là liệu điều này [chiến dịch đốt lò] có làm suy yếu nền kinh tế hay không. Nhiều người nói là có. Quan chức bây giờ đang trì hoãn các quyết định quan trọng vì sợ bị khiển trách về việc làm thất thoát tiền nhà nước".
Bài viết ngày 9/5 trên trang Fulcrum của Viện nghiên cứu ISEAS (Singapore) của Phó Giáo sư Jonathan London, nhà quan sát chính trị đương đại Việt Nam, cũng có ý kiến tương tự.
Ông cho rằng việc bắt giữ hàng loạt quan chức trong nỗ lực chống tham nhũng đã gây ra "tình trạng tê liệt chính trị trên toàn hệ thống".
Bài viết ngày 6/5 trên Bloomberg của chuyên gia tài chính Shuli Ren cũng cho rằng chiến dịch "đốt lò" khiến các quan chức quá sợ hãi nên không dám đưa ra bất kỳ quyết định nào.
Những ý kiến kiểu này xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt là từ sau thời điểm ông Võ Văn Thưởng mất chức vào cuối tháng Ba.
Các nhà quan sát hoặc là nhắc tới việc bộ máy hành chính Việt Nam sẽ ngày càng "trì trệ", hoặc là nhắc tới sự nghi ngại các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Ảnh hưởng tới nền kinh tế
Sự "trì trệ" nói trên đã bắt đầu gây ra những ảnh hưởng tiêu cực.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn BBC News tiếng Việt vào ngày 17/5, Giáo sư Carl Thayer, một nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm, nói rằng dù từng là một điểm đầu tư hấp dẫn nhờ yếu tố chính trị ổn định, Việt Nam đang dần mất đi lợi thế này. "Các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt ra nghi vấn về tình hình ổn định chính trị ở Việt Nam", ông nói.
Điều này không quá ngạc nhiên trong bối cảnh cụm từ "bất ổn chính trị" liên tục được báo chí quốc tế sử dụng khi nhắc tới Việt Nam.
Theo bài viết ngày 17/5 nói trên của Reuters, các nhà đầu tư nước ngoài đã cắt giảm lượng sở hữu chứng khoán có giá trị khoảng gần 2 tỷ USD, mặc cho những diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán.
Việc rút vốn bắt đầu từ đầu năm 2023 và những đợt rút vốn ròng lớn nhất diễn ra trong các tuần có biến động chính trị.
Cụ thể, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán 4.700 tỷ VND giá trị cổ phiếu trong tuần bắt đầu từ ngày 26/3. Tính tới nay, đây vẫn là tuần tồi tệ nhất.
Điều này diễn ra ngay sau khi ông Võ Văn Thưởng xin thôi chức vào ngày 20/3.
Ông Petri Deryng, đại diện của Pyn Elite Fund, một quỹ đầu tư cổ phiếu của Phần Lan hoạt động tại Việt Nam, nói với Reuters :
"Những biến động chính trị dường như không ảnh hưởng đến các nhà đầu tư nội địa ở thời điểm hiện tại, nhưng tôi cảm thấy nó đã gây ra những tác động đến các nhà đầu tư nước ngoài".
Một bài viết đăng ngày 22/5 trên NikkeiAsia cũng nhắc tới khó khăn của các nhà đầu tư nước ngoài khi vào thị trường Việt Nam.
Theo bài viết, các công ty Hàn Quốc và Nhật Bản, vốn đang gia tăng đầu tư vào Việt Nam, đã bắt đầu lên tiếng bày tỏ lo ngại.
"Dự án phát triển theo của chúng tôi tại Hà Nội có khả năng bị trì hoãn ít nhất một đến hai năm", một giám đốc cấp cao của một công ty thương mại Nhật Bản cho biết.
Ngày 16/5, Reuters đã trích dẫn một bức thư của Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ phương Tây gửi tới chính phủ Việt Nam.
Bức thư nêu rõ Việt Nam đã bỏ lỡ ít nhất 2,5 tỷ USD viện trợ nước ngoài trong ba năm qua và có thể mất thêm 1 tỷ USD nữa do những trì trệ của bộ máy hành chính.
Nội dung bức thư cho thấy sự thất vọng của các nhà đầu tư nước ngoài với những rào cản pháp lý và các thủ tục phê duyệt kéo dài ở Việt Nam.
"Khoảng 1 tỷ USD tiền tài trợ cho phát triển đang chờ được phê duyệt, 2,5 tỷ USD đã được hoàn trả do hết hạn tài trợ", bức thư viết.
Theo hai quan chức nước ngoài được Reuters phỏng vấn, những yếu tố trên liên quan trực tiếp tới chiến dịch "đốt lò" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Việt Nam cũng đang gặp khó khăn trong việc giải ngân vốn đầu tư công.
Theo thông tin do Bộ Tài chính công bố, giải ngân vốn đầu tư công bốn tháng đầu năm 2024 đạt 16,41% tổng kế hoạch và đạt 17,46% kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao.
So với cùng kỳ năm 2023 (giải ngân đạt 14,66% tổng kế hoạch và 15,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) thì giải ngân năm nay có tăng, nhưng vẫn khiêm tốn.
Nguồn : BBC, 26/05/2024