Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

24/05/2024

Bị cấm xuất cảnh vì nợ thuế : cần quy định rõ ràng

RFA tiếng Việt

Chủ tịch kiêm Giám đốc một Công ty trong lĩnh vực hóa chất hôm 18/5/2024 bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế gần một triệu đồng. Ngoài người này, trong thông báo gửi Cục Quản lý xuất cảnh, Bộ Công an, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực IV, Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề nghị tạm hoãn xuất cảnh với một số đại diện doanh nghiệp nợ thuế từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng.

xuatcanh1

Ảnh minh họa chụp tại sân bay Nội Bài - Hà Nội trước đây. AFP PHOTO

Lạm dụng việc cấm xuất cảnh

Trước đó vào tháng 2 năm 2024, một giám đốc doanh nghiệp khác tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng bị tạm hoãn xuất cảnh do chỉ nợ 1,1 triệu đồng tiền thuế, chưa gồm các khoản phạt chậm nộp từ hơn năm trước đó.

Thông tin trên, theo truyền thông Nhà nước, đã khiến nhiều người dân tỏ ra lo lắng. Họ đã tải ứng dụng eTax mobile của Tổng cục thuế để kiểm tra mình có nợ thuế hay không. Trong số đó, tờ VnExpress dẫn một trường hợp khá "đặc biệt" tỏ ra hoang mang sau khi người này kiểm tra và phát hiện mình đang nợ thuế 12 đồng. Mặc dù chỉ 12 đồng (0,00047 USD, chưa tới 1 cent) nhưng người này vẫn lo lắng mình có khả năng nằm trong danh sách cấm xuất cảnh do nhà chức trách không quy định cụ thể số tiền nợ thuế bị cấm xuất cảnh.

Chia sẻ với RFA về câu chuyện trên, một người dân ở Sài Gòn không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 24/5/2024 nói :

"Chuyện đó cách làm có vẻ máy móc quá, đối với một người dân bình thường cũng có thể nợ thuế, chứ chưa nói đến doanh nghiệp. Ví dụ như thuế đất, nếu vô tình không đóng thì cũng không đi được vì cũng là nợ thuế, trong khi thuế đất đâu có bao nhiêu tiền. Cái mà người dân ai cũng phải đóng dù giàu nghèo gì cũng phải đóng, đó là thuế đất và thuế lao động, thay vì mình đi lao động thì trả tiền cho địa phương thuê người lao động, cái đó cũng là thuế... Đó là những cái thuế trên trời rơi xuống, chính phủ nói 4.0 chẳng lẽ không có nổi một cái tin nhắn nhắc thuế".

Trong khi theo người này, trên điện thoại bây giờ cần khuyến cáo điều gì là thành phố, Bộ Công an hoặc Ủy ban thành phố chỉ cần nhắn tin là người dân đều đọc được hết. Ông này nói tiếp :

"Ví dụ người dân có nợ thuế thì Chính phủ nên nhắn tin nhắc, chứ người ta tới sân bay rồi chặn người ta lại thì điều đó là quá tắc trách, lạm dụng quyền lực vô độ... Làm cho người dân bực bội chứ không giải quyết được chuyện gì, trong khi nếu người dân nợ thuế thì chỉ cần nhắc rồi người ta đi nộp, không ai muốn nợ thuế nhà nước bao giờ, vì nợ thuế nhà nước thì trước sau gì cũng phải trả... chứ bây giờ vài ba trăm ngàn cũng chặn người ta lại, tính nhân văn không có".

Ông Trần Anh Quân, một người hoạt động xã hội ở Sài Gòn, hôm 24/5/2024 cũng bày tỏ ý kiến với RFA :

"Bây giờ mọi thông tin của người dân đều được đồng bộ, từ email tới số điện thoại, nếu phát hiện người nào nợ thuế thì cơ quan chức năng hoàn toàn có thể nhắn tin hoặc gửi mail thông báo để người dân tới nộp thuế. Chứ âm thầm cấm xuất cảnh mà không có thông báo nào hết thì chẳng khác nào triệt đường làm ăn của người dân.

Rất nhiều người kinh doanh mua bán cần ra nước ngoài lấy hàng, hoặc đi công tác, hội họp ký hợp đồng... Mua vé máy bay đặt lịch mọi thứ, bỗng dưng tới sân bay thì mới biết mình bị cấm xuất cảnh thì thiệt hại rất nặng nề".

Theo ông Quân, cơ quan hành chính vận hành bằng tiền thuế của dân mà lại làm việc tắc trách, gây hại cho người dân như vậy thì cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn thu của nhà nước. "Vì dân không làm ăn với quốc tế được thì tiền đâu đóng thuế và duy trì bộ máy hành chính", người này nói.

Ngưỡng nợ thuế bị cấm xuất cảnh chưa được áp dụng

Luật Quản lý thuế năm 2019 và Nghị định 126 năm 2020 quy định, các biện pháp cưỡng chế thuế, chặn xuất cảnh như vừa nêu được áp dụng với cá nhân, đại diện doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Theo Bộ Tài chính, trước kia, các cá nhân nợ thuế, chủ doanh nghiệp, nhất là các chủ doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài đã trốn ra nước ngoài trước khi cơ quan Hải quan đề nghị tạm hoãn xuất cảnh. Do đó theo quy định mới, Thủ trưởng các cơ quan thuế có quyền ra quyết định hoãn xuất cảnh, cấm xuất cảnh, để tránh các đối tượng nợ thuế bỏ trốn, chống thất thu ngân sách nhà nước...

Từ Hà Nội hôm 24/5/2024, một luật gia không muốn nêu tên vì lý do an ninh, cho biết ý kiến :

"Về nguyên tắc nợ thuế bị cấm xuất cảnh là một trong những biện pháp chế tài. Nếu về lý mà nợ một triệu hay chỉ 12.000 đồng, thì cứ đóng rồi xuất cảnh chứ có gì đâu. Mình phải chủ động trước, vì mình là cá nằm trên thớt, mình là người dân mình nên phòng bệnh hơn chữa bệnh. Nếu mình biết là mình nợ thì mình nộp luôn, một triệu đối với doanh nghiệp là cái gì, mười mấy ngàn đối với một người dân có là cái gì, đó là về phía người dân".

Vị luật gia nhận định thêm về phía nhà nước :

"Còn về phía Nhà nước, kể cả không nợ thuế, nếu họ muốn bắt vì lý do an ninh quốc gia, họ cũng bắt được, cũng cấm xuất cảnh được, chứ không cần phải dùng thuế. Thuế chỉ là một trong rất nhiều lý do, nhưng lý do thuế thì dù sao cũng là lý do chính đáng, muốn hay không muốn, nhiều ít không quan trọng... Nhưng nợ thuế mà cấm xuất cảnh theo tôi là lý do hợp pháp. Nhưng lý do đó rất dễ khắc phục, còn nợ thì cứ nộp thôi, thì được giải tỏa, có gì đâu. Kể cả không nợ, mà người ta thấy nguy hiểm về lý do quốc phòng an ninh thì họ vẫn cấm xuất cảnh được".

Tuy nhiên luật sư Đặng Đình Mạnh từ Hoa Kỳ hôm 24/5 lại cho rằng :

"Hiện nay, quả là cơ quan thuế có quyền ban hành văn bản ngăn chặn hoặc cấm xuất cảnh đối với công dân hoặc đại điện doanh nghiệp đang nợ thuế. Căn cứ pháp lý của điều này quy định theo Luật Xuất Nhập Cảnh. Điều đáng nói của quy định này khi chúng không nêu về mức độ nợ thuế để áp dụng đã có thể đưa đến hậu quả lạm dụng tràn lan để cấm xuất cảnh công dân.

Thực tế, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận hai trường hợp nợ thuế chỉ khoảng một triệu đồng, thì hai đại diện doanh nghiệp đã bị ngăn chặn xuất cảnh.

Điều đó cho thấy sự vô lý của điều luật và đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung điều luật theo hướng đặt ra định mức nợ thuế tối thiểu áp dụng để tránh sự lạm dụng, gây thiệt hại không chính đáng đối với công dân".

Luật Quản lý thuế năm 2019 và Nghị định 126 năm 2020 không quy định cụ thể số tiền nợ thuế bị cấm xuất cảnh, dẫn tới nhiều trường hợp nợ thuế chỉ một đến hai triệu đồng bị cấm xuất cảnh.

Bộ Tài chính vào năm 2015 từng đề xuất ngưỡng nợ thuế áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với doanh nghiệp từ một tỷ đồng trở lên và cá nhân từ 50 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, hiện tại quy định này chưa được áp dụng.

Nguồn : RFA, 24/05/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 263 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)