Báo Nga loan tin ông Putin chuẩn bị thăm Triều Tiên, Việt Nam
Reuters, VOA, 11/06/2024
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thăm Triều Tiên và Việt Nam trong những tuần tới, tờ báo Vedomosti của Nga đưa tin ngày 10/6. Đồng thời, một quan chức nói với Reuters rằng chuyến thăm Việt Nam đã được lên kế hoạch diễn ra vào ngày 19/6 và 20/6 nhưng chưa được xác nhận.
Tổng thống Nga Vladimir Putin dự Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg ngày 7/6/2024. Báo Vedomosti của Nga đưa tin ông Putin có thể thăm Việt Nam sớm nhất là vào tháng 6 và rất có thể là ngay sau chuyến thăm Triều Tiên.
Đại sứ Nga tại Triều Tiên Alexander Matsegora xác nhận với tờ báo rằng chuyến thăm của ông Putin tới Bình Nhưỡng đang được "tích cực chuẩn bị".
Báo này đưa tin ông Putin có thể thăm Việt Nam sớm nhất là vào tháng 6 và rất có thể là ngay sau chuyến thăm Triều Tiên.
Một quan chức Việt Nam nói với Reuters rằng thời gian chuyến thăm Hà Nội đã được thống nhất nhưng chương trình nghị sự vẫn đang được thảo luận. Quan chức này cho biết, năng lượng, hợp tác quân sự, giải quyết các khoản thanh toán và thỏa thuận trong lĩnh vực giáo dục là một trong những vấn đề chính dự kiến sẽ được thảo luận.
Vedomosti dẫn lời đại diện thương mại của Nga tại Việt Nam cho biết vào tháng trước rằng vấn đề thương mại cấp bách nhất giữa hai nước là hỗ trợ ngân hàng để giải quyết thanh toán.
Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời yêu cầu bình luận.
Quan hệ với Triều Tiên
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã đến thăm Nga vào tháng 9 năm ngoái để hội đàm với ông Putin. Ông Kim đã đến thăm trung tâm phóng không gian Vostochny Cosmodrome của Nga ở vùng Viễn Đông của Nga và ông Putin hứa sẽ giúp Triều Tiên chế tạo vệ tinh.
Điện Kremlin cho biết Nga muốn xây dựng quan hệ đối tác với Triều Tiên "trong mọi lĩnh vực" nhưng chưa xác nhận ngày của chuyến thăm.
Nga đã tăng cường quan hệ với Triều Tiên và các quốc gia thù địch với Mỹ như Iran kể từ khi bắt đầu cuộc chiến với Ukraine – các mối quan hệ này đang là nguồn gây lo ngại cho phương Tây.
Hoa Kỳ và Ukraine hồi tháng 1 đã cáo buộc Nga bắn phi đạn đạn đạo tầm ngắn do Triều Tiên cung cấp vào Ukraine, điều mà Nga từ chối xác nhận hoặc phủ nhận.
Vedomosti cho biết ông Putin và ông Kim có thể thảo luận về việc liệu Nga có tiếp nhận lao động nhập cư từ Triều Tiên hay không. Nga đang thiếu hụt lao động trầm trọng vì chiến tranh Ukraine ; hàng trăm nghìn người đã đi chiến đấu hoặc trốn ra nước ngoài để tránh bị động viên.
Chuyến đi duy nhất trước đây của ông Putin tới Triều Tiên là vào năm 2000, năm đầu tiên ông làm tổng thống.
Reuters
**************************
Tổng thống Putin thăm Việt Nam tuần tới trong bối cảnh có đủ 'Tứ Trụ' ?
BBC, 10/06/2024
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tới thăm Việt Nam và Bắc Hàn vào tuần tới, báo Vedomosi của Nga đưa tin hôm 10/6.
Lần gần nhất ông Putin công du tới Việt Nam là vào năm 2017
Một nguồn tin cho Reuters hay rằng chuyến thăm Việt Nam của ông Putin dự kiến sẽ diễn ra vào 19-20/6 nhưng vẫn chưa ấn định.
Đại sứ Nga tại Bắc Hàn Alexander Matsegora xác nhận với trang Vedomosti rằng chuyến thăm của ông Putin tới Bình Nhưỡng đang được "tích cực chuẩn bị".
Báo này đưa tin ông Putin có thể thăm Việt Nam sớm nhất là vào tháng Sáu và rất có thể là ngay sau chuyến thăm Bắc Hàn.
Một quan chức ở Việt Nam nói với Reuters rằng tuy ngày thăm đã được thống nhất, chương trình nghị sự vẫn đang được thảo luận.
Cũng theo quan chức này, những vấn đề liên quan tới năng lượng, hợp tác quân sự, giải quyết vấn đề thanh toán và một thỏa thuận trong lĩnh vực giáo dục dự kiến sẽ nằm trong chương trình nghị sự.
Ngay từ trước chuyến thăm Bắc Kinh của ông Putin ngày 16-17/5, đã có các thông tin về khả năng ông Putin sẽ thăm Việt Nam sau đó.
Hà Nội thậm chí được cho là đã hoãn cuộc họp với quan chức hàng đầu Liên Hiệp Châu Âu (EU) - vốn đã được lên lịch vào 13-14/5 - để chuẩn bị cho khả năng ông Putin thăm Việt Nam vào thời gian này.
Ngày 15/5, Tiến sĩ Ian Storey, học giả của Viện ISEAS (Singapore) đã nhận định với BBC News tiếng Việt rằng những "bất ổn chính trị" ở Việt Nam sẽ khiến ông Putin chưa tới Việt Nam.
Ông Storey khi đó đã đặt vấn đề rằng trong bối cảnh Việt Nam đang khuyết mất hai vị trí trong "Tứ Trụ", liệu ông Putin có muốn được quyền chủ tịch nước tiếp đón ?
Ngoài ra, ông cũng nói thêm rằng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang không có sức khỏe tốt và có lẽ không thể gặp ông Putin.
Khi đó, Việt Nam vẫn còn chưa có chủ tịch quốc hội và chủ tịch nước và đang trải qua một thời kỳ xáo trộn chưa từng thấy ở dàn lãnh đạo Việt Nam.
Chỉ trong vòng hơn một tháng, Việt Nam lần lượt miễn nhiệm một chủ tịch nước và một chủ tịch Quốc hội.
Hàng loạt quan chức cấp cao khác cũng bị kỷ luật đảng hoặc bị khởi tố hình sự trong giai đoạn này.
Những xáo trộn ấy khiến Việt Nam được cho là dần mất đi hình ảnh một đất nước "ổn định chính trị" mà giới lãnh đạo luôn quảng bá.
Thăm Việt Nam khi đủ 'Tứ Trụ' ?
Giờ đây, với việc ông Tô Lâm nhậm chức chủ tịch nước và ông Trần Thanh Mẫn trở thành chủ tịch Quốc hội, lần lượt vào ngày 22/5 và 20/5, "Tứ Trụ" đủ người, lại có thông tin ông Putin sẽ tới thăm Việt Nam.
Về chương trình nghị sự giữa hai quốc gia, báo Vedomosi từng có bài viết vào tháng 5/2024 dẫn lời người đại diện thương mại của Nga tại Việt Nam cho biết vấn đề thương mại cấp bách nhất là hỗ trợ ngân hàng trong việc thanh toán giao dịch giữa hai quốc gia.
Một thỏa thuận vũ khí mới cũng từng được cho sẽ là một chủ đề thảo luận giữa Nga và Việt Nam.
Sau khi Nga xâm lược Ukraine, Việt Nam dường như đang tăng tốc đa dạng hóa kho vũ khí của mình, thông qua mua vũ khí từ Mỹ, Israel, Châu Âu và gần đây là Hàn Quốc.
Các chuyên gia về quốc phòng - an ninh nhận định với BBC News Tiếng Việt việc Việt Nam "chuyển hệ" sang mua vũ khí, khí tài của phương Tây, giảm phụ thuộc vào Nga đã bắt đầu từ hơn một thập niên trước và là một xu hướng dài hạn.
Lần gần nhất ông Putin có chuyến công du tới Việt Nam là vào năm 2017.
Bên cạnh Trung Quốc, Việt Nam và Bắc Hàn là một trong số ít "bạn bè" của Nga ở Châu Á.
Diễn biến gần đây trong quan hệ Việt Nam và Nga
Ngày 5-8/6, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã dẫn Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint-Peterburg lần thứ 27 được tổ chức tại TP Saint-Petersburg (Nga).
Diễn đàn được tổ chức với chủ đề "Nền tảng đa cực - hình thành các trung tâm tăng trưởng mới".
Tại đây, ông Quang cho biết Việt Nam đánh giá cao sáng kiến "Đối tác Đại Á - Âu" của Tổng thống Putin về kết nối các tiến trình liên kết kinh tế khu vực, trong đó có Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) và ASEAN.
Ông Quang cũng nêu ra một số đề xuất giúp gia tăng kết nối kinh tế Á – Âu.
Sau khi ông Tô Lâm nhậm chức chủ tịch nước vào ngày 22/5, ông Putin là một trong những vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên gửi điện và thư chúc mừng Chủ tịch nước Tô Lâm nhậm chức.
Tổng thống Putin bày tỏ hy vọng rằng trên cương vị Chủ tịch nước, ông Tô Lâm sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác song phương mang tính xây dựng trên mọi lĩnh vực, vì lợi ích của hai dân tộc, nhằm củng cố an ninh và ổn định tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Khi đó, Chủ tịch Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga Vyacheslav Volodin cũng đã chúc mừng tân Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Ông Volodin đã nhấn mạnh việc hợp tác giữa các đại biểu Quốc hội Nga và Việt Nam nhằm thúc đẩy củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Ngày 23/5, hãng Thông Tấn Nga TASS dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói Nga quyết tâm tiếp tục đối thoại thực chất thường xuyên với Việt Nam và cho rằng Hà Nội đã có cách tiếp cận cân bằng và có trách nhiệm về cuộc chiến ở Ukraine.
Khi nhắc tới cuộc chiến ở Ukraine, Việt Nam luôn sử dụng cụm từ "chiến dịch quân sự đặc biệt" – cách Nga gọi cuộc xâm lược ở Ukraine - trong các phát ngôn chính thức.
Việc Việt Nam bỏ phiếu trắng tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về vấn đề Ukraine-Nga vào tháng 2/2023 được đánh giá là nỗ lực duy trì mối quan hệ cân bằng với cả Nga và Mỹ.
Ông Putin đã có chuyến thăm hai ngày 15-16/5 tới Trung Quốc
Tuy nhiên, trong bối cảnh Nga ngày càng xích lại với Trung Quốc, Việt Nam được cho là cần hạn chế quan hệ đối tác chiến lược với Nga để bảo toàn vị thế cân bằng trước ba cường quốc Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Trong bài viết ngày 22/3 trên trang Fulcrum của Viện ISEAS (Singapore), Tiến sĩ Ian Storey cho rằng cuộc chiến ở Ukraine đã khiến Nga phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc về mặt kinh tế và chính trị.
Theo ông Storey, "không có quốc gia nào khác ở Đông Nam Á bị ảnh hưởng bởi điều này nhiều như Việt Nam. Điều này tác động lớn đến tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc về các vấn đề trên Biển Đông, cũng như việc hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với Nga".
Việt Nam và Nga đã thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1950, trở thành Đối tác chiến lược năm 2001 và nâng cấp mối quan hệ lên mức cao nhất là Đối tác chiến lược toàn diện tháng 7/2012.
Tới nay, Việt Nam luôn khẳng định "là bạn, là đối tác tin cậy của Liên bang Nga", luôn nhắc tới sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô trước đây cũng như Nga ngày nay.
Các lãnh đạo Việt Nam luôn gọi quan hệ Việt Nam và Nga là quan hệ truyền thống "đồng chí, anh em".
Gần đây đã có thông tin Việt Nam muốn gia nhập khối BRICS, một nhóm quốc gia mà Trung Quốc và Nga đóng vai trò chủ chốt.
Việt Nam là điểm đến an toàn của Tổng thống Putin ?
Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp tại thành phố Sochi (Nga) vào tháng 9/2018
Vị tổng thống Nga từng công du Việt Nam vào các năm 2001, 2006, 2013, 2017.
Việt Nam nằm trong số ít quốc gia bao gồm Bắc Hàn, Trung Quốc... có lãnh đạo "nhiệt liệt chúc mừng" ông Putin tái đắc cử để bước vào nhiệm kỳ 5 tổng thống Nga trong cuộc bầu cử bị phương Tây chỉ trích là "giả hiệu".
Ông Putin bị Tòa án Hình sự Quốc tế (International Criminal Court - ICC) phát lệnh truy nã vào tháng 3/2023 vì liên quan đến các tội ác chiến tranh, bao gồm cả việc bắt nhiều trẻ em từ Ukraine đưa về Nga.
Từ thời điểm đó, ông Putin đã công du đến các nước không phải là thành viên của ICC.
Việt Nam hiện không phải là thành viên của ICC, nên ông Putin sẽ không bị bắt theo lệnh truy nã của ICC nếu công du đến đây.
"Khả năng Việt Nam bắt giữ ông Putin theo lệnh của ICC thì cũng giống như trẻ em đắp người tuyết ở Sài Gòn. Việt Nam là một trong những nơi an toàn nhất để Putin công du nước ngoài", Giáo sư Zachary Abuza từ trường National War College (Mỹ) nói với BBC News Tiếng Việt.
Bên cạnh việc Nga là nhà cung cấp vũ khí truyền thống, mối quan hệ đặc biệt giữa Hà Nội và Moscow được coi là sự kế thừa về tình cảm từ thời Liên Xô.
Nhiều lãnh đạo cấp cao, quan chức các cấp, trí thức, doanh nhân Việt Nam từng học tập tại Liên Xô và nước Nga thường giữ tình cảm đặc biệt với Nga và cả ông Putin.
Nguồn : BBC, 10/06/2024