Biển miền Trung tiếp tục hứng chất thải (RFA, 09/08/2017 )
Từ Bình Thuận đến Hà Tĩnh, không có nơi nào là bờ biển không có vấn đề, không có nơi nào mà người dân vùng biển không kêu than, thậm chí rên xiết vì biển ô nhiễm. Như vậy, kể từ khi Formosa Hà Tĩnh xả độc ra biển đến nay, còn hàng trăm vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường biển khắp các tỉnh miền Trung, và tình trạng biển bị bức hại ngày càng nặng nề hơn chứ không hề thuyên giảm.
Nước xả thải đen ngòm đổ ra biển Đà Nẵng, ảnh chụp ở cống xả thải phía trước khách sạn Holiday Đà Nẵng. RFA
Các ống xả thải thành phố
Nếu nói về vùng biển còn hy vọng là sạch sẽ, không bị xả thải, có lẽ là biển ở tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, những tưởng đây là vùng biển sạch còn lại của miền Trung. Nhưng có vẻ như độc tố đã đánh thẳng vào "tử cấm thành" này thông qua các ống xả thải hôi thối.
Ông Trần Quốc Viên, một thành viên trong đội thể thao biển Dana Beach Đà Nẵng, chia sẻ :
"Giờ họ ủi đất vào bịt cống, nhưng chưa bịt hẳn, sau đó họ lấy cái ống thẳng ra biển cho chảy cả ngày cả đêm, hôi thối không chịu được. Chính cán bộ cơ quan xử lý môi trường cũng thừa nhận với tụi tôi là nước thải này không qua xử lý mà ! Nói chung với tình hình này thì biển dơ dáy là cái chắc rồi. Hôm qua có một đôi khách Nhật tới đây, họ chịu không nổi, phải bụm mũi."
Ông Viên chia sẻ thêm, hiện tại, có đến 9 đường cống xả thải từ thành phố tuôn thẳng ra biển Đà Nẵng và lưu lượng thải khó mà ước lượng được bao nhiêu mét khối mỗi ngày. Nhưng có một thực trạng dễ nhìn thấy nhất là những ngày mưa, lượng nước thải hôi thối từ thành phố tuôn ra biển khiến cho nước biển đen ngòm, rất khó nhìn. Và sau khi nước đổi màu từ xanh trong sang đen nâu, nếu lội xuống biển, cảm giác hơi nóng ngoài da và sau đó là nổi mẩn ngứa ở những vùng da tiếp xúc với nước biển. Nhiều thành viên trong đội thể thao biển Đà Nẵng phải đi khám da liễu.
Tình trạng nước cống từ thành phố tuôn thẳng ra biển đã kéo dài nhiều tháng nay và mỗi lúc càng thêm hôi thối, đen đúa. Là một nhóm hội viên gắn liền với biển bởi công việc đặc trưng, dường như bất kỳ sự chuyển biến nào của biển, nhóm của ông Viên đều cảm nhận được. Và có vẻ như càng về sau, biển Đà Nẵng càng trở nên dơ dáy và tệ hại bởi những ống xả thải thành phố.
Nhóm các thành viên trong đội thể thao biển Đà Nẵng cũng kêu gọi chính quyền thành phố Đà Nẵng có biện pháp cụ thể và hợp lý để bảo vệ biển, trả sự trong lành về cho biển Đà Nẵng. Vì với đà như hiện tại, chẳng bao lâu nữa, biển Đà Nẵng, nơi được mệnh danh là thành trì cuối cùng của biển còn giữ sự trong lành sẽ đen đúa và dơ dáy. Lúc đó, có muốn cứu cũng không kịp.
Các thành viên trong nhóm thể thao biển cũng cho biết thêm là hầu hết các đường ống cống thải ra biển Đà Nẵng đều chưa qua xử lý nước thải, có cả rác và các loại ve chai nhựa, bao bánh kẹo trong dòng chảy. Hơn nữa, nếu đã qua xử lý thải thì không thể hôi thối đến mức không chịu được như hiện tại.
Biển Hà Tĩnh vẫn cực độc
Sơ Thuyết Mai, người chứng kiến những ngày đầu tiên biển Hà Tĩnh bị nhiễm độc, người dân xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh phải chống chọi để tồn tại ra sao cho đến nay, chia sẻ :
"Đời sống của dân sống bằng nghề biển, cá biển bị nhiễm, giờ dân vẫn đi lưới, cá đánh về rất rẻ. Đời sống dân rất vất vả, kiếm đồng tiền nuôi gia đình ngày càng trở nên khó khăn hơn. Biển chưa sạch đâu, vì mỗi khi dân đi biển về, có một số người ăn cá, vẫn bị tức ngực, khó thở, nhiều người ăn cá muối cũng bị suyễn, nguy cơ tử vong không phải là không có !"
Sơ Thuyết Mai chia sẻ thêm là hiện nay, nếu như dùng tiêu chuẩn cá chết hay không chết để khẳng định biển có còn độc tố hay không là một sai lầm lớn. Bởi theo quan sát của bà cũng như các ngư dân lâu năm ở Kỳ Anh thì hầu hết các loài cá gần bờ đã vắng bóng trong vùng biển Hà Tĩnh, các ngư dân nơi đây phải đi đánh bắt xa bờ. Nhưng hiện tượng cá chết vẫn chưa chấm dứt ở các vùng biển xa bờ.
Như vậy thì không thể khẳng định rằng biển Hà Tĩnh đã hết độc như các phương tiện truyền thông trong nước đã loan báo.
Hiện tại, các ngư dân thuộc các cộng đoàn Công giáo vẫn không dám đánh bắt gần bờ bởi lương tâm Công giáo không cho phép họ nói láo, dối trá với đồng loại, nếu chỉ vì chén cơm manh áo, chấp nhận đánh bắt gần bờ để bán cho người khác cũng đồng nghĩa với việc đang âm thầm đầu độc đồng loại. Chính vì vậy mà các thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ thuộc các cộng đoàn tôn giáo ở Hà Tĩnh vẫn đắp chiếu suốt hai năm nay.
Gần đây, công ty Formosa tiếp tục đắp thêm một khu vực khá rộng lấn biển, trong khi đó, nếu xâu chuỗi sự việc thì kể từ khi bị người dân phát hiện, không thể chôn giấu chất thải trong đất liền cũng như việc mang chất thải đổ ra biển ngày càng khó khăn hơn, có một lượng chất thải rất lớn Formosa không thể mang đi đổ được. Liệu có phải khối lượng khổng lồ mà Formosa đắp lấn biển chính là chất thải của họ ?
Bởi hiện nay, nếu tìm hiểu về quá trình bồi đắp biển của Formosa, không hề có việc vận chuyển đất từ núi hay vận chuyển cát, hút cát từ biển vào để bồi đắp. Vậy khối lượng lấn biển này lấy từ đâu ra ? Và nếu như khối lượng dùng để lấn biển này là chất thải thì về lâu về dài, nó để lại hậu quả gì ?
Đó là những câu hỏi nhức nhối mà không riêng gì sơ Thuyết Mai Trăn trở mà là câu hỏi chung của nhiều người dân miền Trung. Câu hỏi chung của những ai từng tắm táp, bơi lội trong dòng nước xanh trong của biển miền Trung một thuở. Đặc biệt, đây là câu hỏi, là tiếng kêu đau của những ngư dân đang bị mất dần sinh kế trên biển, khi mà các ống xả thải vẫn cứ hồn nhiên xả độc vào biển như chốn không người !
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
*******************
Bộ Tài nguyên và môi trường quá lớn để quản lý (RFA, 14/08/2017)
Khai thác khoáng sản hay du lịch ?
Việc khai thác quặng titan có trong cát ven biển miền Trung đã tạo ra những ảnh hưởng rất xấu đến môi trường trong nhiều năm nay.
Bãi biển Mũi Né, Bình Thuận, nơi có nhiều khu du lịch biển. Ảnh chụp năm 2012. AFP
Vào tháng 11 năm 2013, bùn đỏ từ các khu vực khai thác titan tại huyện Hàm Thuận Nam đã tràn vào khu vực nhà dân, ruộng đồng, làm thiệt hại rất nhiều hoa màu.
Tháng Ba, năm 2014, một cuộc biểu tình lớn tại khu khai thác titan ven biển tỉnh Ninh Thuận, đã dẫn tới bạo động, đốt nhà xưởng, và vài người bị bắt. Lúc ấy, một người dân Ninh Thuận tại khu vực khai thác titan nói với chúng tôi :
"Cái nguồn nước ở đó bị ảnh hưởng, đó là nguồn nước để mình sinh hoạt mà, đâu có nước máy đâu. Họ khoan xuống đó mấy chục mét để lấy quặng titan, sau rồi cái lòng đất nó bị sụt dần dần, sau này dân lên đó cất nhà ở thì bị sụt làm sao ! Rồi ảnh hưởng nguồn nước nữa. Nói chung là ảnh hưởng nhiều mặt lắm, rồi khi lọc quặng titan người ta có bỏ hóa chất gì đó vô nữa."
Theo ghi nhận của báo Tuổi Trẻ trong nước, vào tháng Sáu, năm 2016, một hồ chứa bùn đỏ do khai thác quặng titan lại tràn vào một khu du lịch ven biển có diện tích gần 2 hectares, gây ra rất nhiều thiệt hại.
Theo Tiến sĩ địa chất Nguyễn Thanh Giang, quặng titan có trong cát ven biển miền Trung, nhất là tại hai tỉnh Ninh Thuận, và Bình Thuận, rất dễ khai thác, và theo ông, chính điều đó là làm nên những tác động xấu đến môi trường trong nhiều năm qua. Ông nói với chúng tôi vào năm 2014, ngay sau khi xảy ra vụ bạo động tại Ninh Thuận :
"Chính vì việc khai thác dễ dàng như vậy nên nó dễ trở thành vô tổ chức, làm ảnh hưởng cảnh quan sinh thái, tổn hại các rừng cây chắn sóng, làm sụt mực nước ngầm, ô nhiễm trầm trọng cuộc sống của người dân địa phương."
Các khu vực có quặng titan lại cũng là những khu vực cồn cát ven biển miền Trung rất thuận lợi cho ngành du lịch. Theo báo Tuổi Trẻ, chính việc cấp giấy phép khai thác titan tại Bình Thuận, đã làm ngưng lại các kế hoạch xây khu du lịch tại tỉnh này. Cũng theo báo Tuổi Trẻ trích lời một số nhà khoa học trong nước, không nêu tên, thì chính việc khai thác titan đã kềm chế việc phát triển kinh tế trong mấy năm qua tại Bình Thuận.
Theo Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh, vì giá trị của quặng titan rất lớn nên tỉnh Bình Thuận hy vọng rằng sẽ thu được một nguồn thu lớn từ việc khai thác nó. Nhưng ngay lúc này ông cho rằng tỉnh Bình Thuận nên chọn ngành du lịch để phát triển :
"Theo tôi thì trước mắt nên chọn du lịch, vì du lịch tạo ra nhiều công ăn việc làm, tạo ra nhiều thu nhập cho người dân hơn. Sau khi mà Bình Thuận đã giải quyết được rồi thì mới tính đến việc khai thác một cách rất cẩn trọng, theo các qui định về công nghệ chặt chẽ, để khai thác một lượng nhất định titan."
Tổ chức của chính phủ không quản lý nỗi hoạt động kinh tế
Theo báo chí trong nước, tại tỉnh Bình Thuận có 7 giấy phép khai thác titan do Bộ Tài nguyên và môi trường ký, nhưng hiện nay bị ngưng lại do tác động xấu đến môi trường. Cách đây vài ngày cũng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, giấy phép đổ chất nạo vét xuống biển cũng do Bộ này ký đã bị dừng lại vì sức ép rất lớn của công luận.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi là ông Trần Nhơn nói với chúng tôi :
"Tôi nhìn lại 15 năm thành lập Bộ Tài nguyên và môi trường, tôi thấy vừa rồi các ông ấy có tổ chức kỷ niệm 15 năm, rồi tung hô này khác, nhưng mà tôi thấy 15 năm đó nói chung là thất bại. Cái đám bộ dưới này họ lừa chính phủ, lừa thủ tướng, hễ có gì là cứ lập đề án lên, cứ chạy chọt rồi đưa lên chính phủ quyết. Các anh bộ trưởng này quyền rất lớn nhưng làm ăn rất bê bối."
Ở mức độ rộng lớn hơn, ông Trần Nhơn nói rằng với cách tổ chức của chính phủ hiện hành, với những bộ rất lớn như Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn… không thể giám sát được những hoạt động kinh tế ngày càng phức tạp. Và cũng theo ông Trần Nhơn, thì với mức độ quyền lực quá lớn của các Bộ to lớn này, chính phủ trung ương không biết được những việc diễn ra bên dưới.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng nói đến chuyện ở địa phương không thực hiện đầy đủ những qui định khi tiến hành khai thác khoáng sản :
"Đã có hiện tượng là nhà khai thác không tôn trọng những qui định về bảo vệ môi trường, về hoàn thổ, nhưng mà cơ quan địa phương vẫn chưa phát hiện được."
Trong bài phóng sự ảnh vào ngày 14 tháng Tám, năm 2017, báo Tuổi Trẻ cho biết mặc dù các dự án khai thác titan tại Bình Thuận đã bị dừng lại, nhưng tại nhiều nơi ở Bình Thuận, hoạt động khai thác vẫn diễn ra.
Chúng tôi có liên lạc với ông Hồ Lâm, Giám đốc sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bình Thuận để hỏi về việc này, nhưng không liên lạc được.
Theo ông Trần Nhơn, Bộ Tài nguyên và môi trường nên chỉ làm hai công việc là kiểm soát các vấn đề về môi trường và quản lý đất đai mà thôi.
*****************
Cách chức giám đốc tư vấn nhận chìm bùn xuống biển Bình Thuận (RFA, 11/08/2017)
Ông Hà Quốc Quân, giám đốc tư vấn dự án "nhận chìm bùn" xuống biển Bình Thuận của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 bị cách chức.
Vùng biển Bình Thuận, Mũi Né chụp 14/1/2016. AFP
Quyết định trên do Viện trưởng Viện Ngiên cứu Chiến lược Chính sách Công nghiệp, thuộc Bộ Công Thương ký và có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 8 năm 2017.
Ông Hà Quốc Quân bị kỷ luật bằng hình thức cách chức do thành lập và quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân cũng như kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.
Ông Hà Quốc Quân bị đình chỉ công tác 15 ngày trước khi nhận quyết định bị cách chức vào ngày 10 tháng 8.
Xin được nhắc lại, hồi cuối tháng 6, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 được Bộ Tài nguyên và môi trường cấp phép nhận chìm gần một triệu m3 bùn xuống vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận từ tháng 6 đến tháng 10 năm 2017. Tuy nhiên, dự án này gặp phải sự phản đối mạnh mẽ vì giới khoa học lo ngại có thể gây nên thảm họa môi trường.
Vào ngày 3 tháng 8, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và môi trường xem xét, xử lý đúng quy định của pháp luật đối với dự án nhận chìm bùn nạo vét tại vùng biển Bình Thuận của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, đồng thời cũng yêu cầu Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam khẩn trương đánh giá toàn diện tác động môi trường và các giải pháp bảo vệ môi trường của dự án này.
*******************
Lại xảy ra cá chết trên sông Chà Và (RFA, 11/08/2017)
Cá bè trên sông Chà Và chết hàng loạt một cách bất thường làm nhiều hộ nuôi cá nước lợ tại làng bè Long Sơn, thành phố Vũng Tàu lâm cảnh điêu đứng.
Những người lính đổ cá chết vào thùng rác ở Hồ Tây, hồ lớn nhất tại Hà Nội vào ngày 03 tháng 10 năm 2016. AFP
Nguồn tin từ báo trong nước cho thấy từ một tuần nay cá chết hàng loạt đã lên tới mức 90 tấn. Do không rõ nguyên nhân, người dân đã kéo đến cơ quan hành chính tỉnh Bà Rịa , Vũng Tàu, đòi gặp chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh để thông báo vụ việc.
Tin nói trong số 90 tấn thủy sản chết bất thường gồm cá và tôm hùm của 23 hộ nuôi lồng bè ở Long Sơn.
Sáng ngày 11 tháng Tám, ông Trần Văn Cường, giám đốc Sở Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn Bà Rịa, Vũng Tàu, cho biết kết quả kiểm tra các mẫu cá chết ở bè Long Sơn cho thấy có dấu hiệu của một loại vi khuẩn chuyên gây lở loét và xuất huyết trên thân cá. Ông Trần Văn Cường khẳng định đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc cá chết hàng loạt.
Trước đây người nuôi cá lồng bè tại Long Sơn phải mang cá chết bỏ trên đường để biểu tình chống trình trạng các xí nghiệp sản xuất xả thải khiến môi trường nước nuôi cá bị ô nhiễm.