Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

28/06/2024

Gỡ thẻ vàng IUU – Ngư dân hay Nhà nước lo ?

RFA tiếng Việt

"Đến nay, chúng ta vẫn chưa hoàn thành đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị VMS và hiện cả nước mới theo dõi, giám sát được khoảng 50% hoạt động của tàu cá, tình trạng tàu vi phạm hoạt động sai vùng xảy ra thường xuyên với số lượng lớn".

iuu1

Tàu cá của ngư dân Việt Nam neo đậu ở cảng thuộc tỉnh Quảng Ngãi hôm 28/10/2020. AFP Photo

Cục trưởng Cục Kiểm ngư - Nguyễn Quang Hùng đưa ra thông tin vừa nêu tại Hội nghị "Bàn giải pháp phối hợp quản lý, giám sát tàu cá giữa các tỉnh và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, xử lý vi phạm hành chính chống khai thác IUU" được tổ chức tại Hà Nội hôm 25/6/2024.

Trong khi đó Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU tại Hội nghị này lại cho biết sẽ quyết tâm không để lọt lưới tàu cá vi phạm IUU.

Chỉ giám sát được 50% tàu cá, sao có thể gỡ thẻ vàng IUU ? Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Hội Nghề cá Thành phố Đà Nẵng, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 28/6/2024, nhận định :

"Ngư dân là những người bị kiểm soát, họ cũng tuân thủ theo tất cả những quy định của nhà nước, nhưng tất nhiên cũng có những lúc do làm ăn không tuân thủ được hết. Ví dụ như hiện nay, việc ghi nhật ký trên tàu chưa tiến hành theo kỹ thuật số, mà ghi bằng tay... Cho nên những lúc biển động không thể ghị kịp, sau đó ghi lại thì có thể quên, ghi tọa độ không chính xác. Nhưng tất cả đều phải tuân thủ yêu cầu của nhà nước về khai báo. Còn chỉ có nhà nước và các cơ quan có trách nhiệm thì họ mới biết họ kiểm soát được tới đâu ?".

Theo ông Trần Văn Lĩnh, cơ sở hạ tầng bến bãi của Việt Nam cũng chưa đủ để kiểm soát hoạt động đánh cá:

"Tất cả những cảng cá của Việt Nam hiện nay thì ngư dân đánh cá về thì họ vào cảng nào thuận lợi cho họ, tức gần nhất để có thể bán cá nhanh hơn. Còn cảng cá mà ngư dân có trách nhiệm đến để khai báo thì hiện nay mỗi tỉnh chỉ có một hoặc hai cảng tối đa. Mà bờ biển Việt Nam dài, cho nên không phải ai cũng có thể khai báo được hết. Điều đó có thể cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc kiểm ngư không thể kiểm tra hết được tất cả các tàu bè ra vào. Vì có thể ngư dân vào gửi cá bán xong tiếp tục ra khơi".

Cũng tại Hội nghị hôm 25/6, Cục trưởng Cục Kiểm ngư - Nguyễn Quang Hùng cho biết, chất lượng nhật ký đánh bắt của các tàu cá hầu hết chưa đảm bảo độ tin cậy trong truy xuất nguồn gốc. Đáng lo ngại theo ông Hùng là tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp và có dấu hiệu gia tăng.

Một Ngư dân ở Quảng Ngãi không muốn nêu tên vì lý do an toàn, khi trả lời RFA cho biết thực tế :

"Dân, ngư phủ đâu có biết được... cứ ra ngoài biển rộng mênh mông làm vậy... chừng đụng nước ngoài bắt mới biết thôi... Nó vô biển mình tới 30 lý nó bắt luôn... Có lên báo nói tình trạng đó có, nói rồi cuối cùng có làm gì đâu…".

Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh Quảng Ngãi - Ông Phan Huy Hoàng, khi trả lời RFA liên quan việc này mới đây cũng cho rằng rất khó kiểm soát :

"Nghề cá thì nhỏ, ngư dân thì đông, một tỉnh hàng ngàn tàu như vậy. Mà bến cảng, bến bãi đâu phải như nước ngoài, tàu đi đánh cá về, mà thật ra là ghe thôi, không phải là tàu lớn có radar, có kiểm soát… Nói chung giống như họ lên rừng khai thác, bây giờ họ ra biển đánh bắt rồi họ về…

EU muốn tất cả nguồn cá của Việt Nam đưa vào chế biến, đưa vào xuất khẩu là phải có xác định nguồn gốc… Nhưng mà không làm được hết đâu. Chỉ có những tàu lớn của công ty lớn khi về có người thu mua, cơ quan giám sát, thì mới xác nhận được khối lượng. Chứ còn ngư dân thì chỉ phát cho họ sổ nhật ký, họ đánh bắt vùng nào, ở tọa độ nào, giờ nào…".

iuu2

Tàu tuần duyên của Indonesia giữ một tàu cá Việt Nam gần khu vực quần đảo Natuna của Indonesia hôm 26/7/2020. AFP Photo.

Ủy Ban Châu Âu EC vào ngày 23/10/2017 đã quyết định cảnh cáo thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam, vì không cải thiện kịp thời và đầy đủ các yêu cầu của EC trong công tác chống hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU.

Từ lúc đó đến nay EC đã bốn lần qua Việt Nam kiểm tra việc cải thiện tình trạng này của Việt Nam. Mới nhất là vào tháng 10 năm 2023, khi đó đoàn thanh tra của EC đã ghi nhận Việt Nam có nhiều nỗ lực, quyết tâm chính trị trong thực hiện những khuyến nghị chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU.

Tuy nhiên trong kỳ kiểm tra thứ tư, EC cho rằng, kết quả tổ chức thực hiện trên thực tế ở địa phương đến nay vẫn còn hạn chế trong việc theo dõi, kiểm soát, giám sát hoạt động tàu cá, xử phạt vi phạm khai thác IUU ; chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp gian lận

Chủ tịch Hội Nghề cá Thành phố Đà Nẵng - Trần Văn Lĩnh cho biết thêm :

"Thật ra thẻ vàng với ngư dân là không quan trọng, tại vì họ làm ăn họ về họ bán cho EU không có bao nhiêu, chủ yếu họ bán tiêu thụ trong nước và những nước khác, còn EU một ít thôi. Cho nên việc gỡ thẻ vàng người quan tâm nhất là nhà nước, bởi vì tất cả những hiệp định mà nhà nước ký với EU. Chứ còn ngư dân thì họ chỉ quan tâm việc tuân theo luật pháp của nhà nước sao cho phù hợp với việc đánh cá của họ, còn gỡ thẻ vàng lúc nào, làm sao để gỡ là chuyện của nhà nước. Việt Nam với EU có những tiêu chí nào thì ngư dân đâu có biết, họ chỉ biết tuân theo luật pháp của nhà nước đang quản lý họ".

Ngoài ra theo ông Trần Văn Lĩnh, còn có nhiều nguyên nhân khác :

"Có một cái nữa làm cho ngư dân cũng mang tiếng, đó là một số tàu của những người buôn lậu núp dưới danh nghĩa ngư dân. Họ buôn lậu dầu trên vùng biển Tây Nam hoặc Đông Nam của tổ quốc. Ví dụ như giá dầu ở Malaysia hay Indonesia rẻ hơn ở Việt Nam rất nhiều. Có một số tổ chức buôn lậu dầu trên biển sử dụng tàu đánh cá có thùng chứa dầu. Nếu mà lọt thì họ buôn lậu được dầu vào, còn không thì coi như họ đánh cá vi phạm IUU bị bắt. Ngư dân thì đôi khi cũng vi phạm vì theo luồng cá, nhưng cố tình vi phạm thì ngư dân không cố tình lắm, mà còn có nhiều cái khác nữa giống như chuyện buôn lậu. Hoặc có những tổ chức họ dẫn vào nước họ đánh cá, nếu lọt thì họ thu tiền. Cho nên có nhiều nguyên nhân, không chỉ có Việt Nam hoặc chỉ có ngư dân tuân thủ luật pháp là được".

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2024 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt trên 749,79 triệu USD. Trong đó, Nhật Bản đứng đầu đạt 130,27 triệu USD, chiếm 17,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước này.

Tiếp sau đó là thị trường Mỹ chiếm 14,8%, đạt 110,97 triệu USD. Thị trường Trung Quốc đứng thứ 3 đạt 100,87 triệu USD, chiếm 13,5% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Xuất khẩu sang thị trường EU đạt 69,45 triệu USD, chiếm 9,26% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong tháng một năm 2024.

Nguồn : RFA, 28/06/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 380 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)