Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

06/07/2024

Theo chân Tập Cận Bình : Đảng cộng sản Việt Nam chọn an ninh hơn phát triển

BBC tiếng Việt

Ông Nguyễn Phú Trọng nói gì với lực lượng công an ‘còn Đảng thì còn mình’ ?

BBC, 06/07/2024

Người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam muốn lực lượng công an làm tốt vai trò "thanh bảo kiếm" của Đảng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", đấu tranh "từ xa" và bảo vệ tốt công tác chuẩn bị cho Đại hội 14.

npt1

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại tinh thần công an chỉ biết "còn Đảng thì còn mình".

"Tôi đề nghị các đồng chí... có giải pháp khắc phục triệt để tình trạng lộ, mất bí mật nhà nước, ‘trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường’", Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu.

Vào ngày 4/7, Hội nghị của Đảng ủy Công an Trung ương đã diễn ra với nội dung trọng tâm là sơ kết 6 tháng đầu năm và bàn về phương hướng, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2024.

Ông Nguyễn Phú Trọng cho biết "vì điều kiện không thể về dự trực tiếp được" nên đã gửi một bài phát biểu dài 4.384 từ tới hội nghị.

Vậy văn bản này, ngoài sẻ chia giữa những người đồng chí, còn những điểm mấu chốt nào ? BBC News tiếng Việt xin nêu 5 điểm quan trọng dưới đây.

1. Đoàn kết dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng

Trong cuộc chiến chống tham nhũng, hay còn gọi là "đốt lò", mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người khởi xướng, Bộ Công an giữ vai trò là vũ khí sắc bén, hay nói như ngôn ngữ của ông Trọng là "thanh bảo kiếm".

Tuy nhiên, trong bối cảnh công tác nhân sự chuẩn bị cho Đại hội Đảng 14 đang diễn ra, đã có những đánh giá rằng cuộc chiến chống tham nhũng đang bị các phe nhóm sử dụng để đấu đá nội bộ, giành lợi thế về mình.

Giáo sư Zachary Abuza từ Đại học National War College (Mỹ) từng nhận định với BBC News tiếng Việt  rằng có thời điểm ông Trọng đã không còn có thể kiểm soát quyền lực của Đại tướng Tô Lâm (lúc bấy giờ là bộ trưởng Công an).

"Ông Trọng đã trao cho ông Tô Lâm quyền lực để chống tham nhũng và ông Tô Lâm đã sử dụng quyền lực đó để hạ tới 5 hoặc 6 ủy viên Bộ Chính trị. Và điều này đã gây ra những bất ổn chính trị chưa từng thấy ở Việt Nam. Tôi không nghĩ rằng ông Trọng có thể kiểm soát được tình hình vào lúc này", ông Abuza nói.

Trong bài phát biểu gửi về hội nghị của Đảng ủy Công an Trung ương, ông Trọng nhấn mạnh sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, cùng sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng.

"Nhìn lại 6 tháng đầu năm 2024, có thể thấy, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Trung ương Đảng, sự giám sát của Nhà nước, quản lý, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành Trung ương, cấp uỷ, chính quyền địa phương, sự đồng lòng, ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân", ông viết.

Trong lời tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước mới đây của ông Tô Lâm , "đoàn kết trong ban lãnh đạo Đảng" cũng là một ý nổi bật.

Dù sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng là "đương nhiên" trong nền chính trị Việt Nam, việc ông Trọng nhấn mạnh lại ý này, cùng với lời khẳng định "đoàn kết", trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

2. Giữ bí mật, không để lộ thông tin

Công tác nhân sự của Đảng cộng sản Việt Nam, dù là vấn đề liên quan đến lợi ích công, có tính chất quan trọng đối với vận mệnh đất nước, vẫn luôn được giữ bí mật.

Điều này đã được luật hóa bằng Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và Quyết định 1722 ngày 3/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Các sắp xếp nhân sự của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, vì thế, chỉ được công bố sau khi đã làm xong.

Có thể thấy, các vụ họp Ban Chấp hành Trung ương Đảng gần đây để "cho thôi" các ủy viên Bộ Chính trị đang nắm các trọng trách trong Đảng và chính quyền, như Chủ tịch nước Võ Văn ThưởngChủ tịch Quốc hội Vương Đình HuệThường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai,… đều được giữ bí mật tới sau khi có quyết định chính thức.

Các trường hợp bổ nhiệm mới thay thế các vị trí trên cũng được tiến hành theo cách tương tự.

Tuy nhiên, bằng các cách thức bí ẩn nào đó, thông tin các vụ sắp xếp nhân sự đã xuất hiện "một cách không chính thức" trên mạng xã hội rất nhiều ngày trước khi Đảng cộng sản chính thức công bố.

Các vụ thôi chức của ông Thưởng, ông Huệ, bà Mai… đều được một số trang mạng xã hội đưa sớm, và sau đó đã chứng minh được tính chính xác, như thể các trang mạng này có "tay trong" ở trong nhóm lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng vậy.

npt2

Trong thông điệp gửi lực lượng công an, ông Trọng nhấn mạnh vai trò "thanh bảo kiếm" của Đảng

Trong thông điệp gửi Bộ Công an, ông Trọng đề nghị "các đồng chí cần nắm chắc tình hình, làm tốt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, bảo vệ đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược ; có giải pháp khắc phục triệt để tình trạng lộ, mất bí mật nhà nước, ‘trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường’. Tập trung các biện pháp phòng, chống thâm nhập, tác động chuyển hóa nội bộ, cài cắm nội gián của các thế lực địch, phòng, chống suy thoái, ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’, nhất là ở các cơ quan trọng yếu, cơ mật".

Ông Trọng có nhắc đến việc "chống thâm nhập, tác động chuyển hóa nội bộ, cài cắm nội gián…" như là một số nguyên nhân của việc rò rỉ thông tin.

Về chuyện tuồn thông tin ra ngoài, một số nhà quan sát chia sẻ với BBC News tiếng Việt các khả năng sau :

- Các phe nhóm đấu đá tự tuồn thông tin ra ngoài để tạo dư luận có lợi cho mình

- Đảng cộng sản Việt Nam tự tuồn thông tin ra ngoài để thăm dò dư luận

- Một số nhân vật "tự diễn biến" trong Đảng tuồn ra ngoài

Khả năng có gián điệp cài cắm, theo đánh giá của các nhà quan sát, là rất thấp.

Trước đây, mỗi khi các kỳ đại hội đảng đến gần, người ta lại chứng kiến hàng loạt website như Quan Làm Báo, Chân Dung Quyền Lực… đăng tải "chuyện đấu đá cung đình". Trong những năm gần đây, mạng xã hội đã thay thế vai trò các website nói trên để "làm nhiệm vụ" tương tự.

Giờ đây, khi công tác chuẩn bị cho Đại hội 14 (dự kiến diễn ra đầu năm 2026) đang đến giai đoạn nước rút, các cuộc họp, hội nghị của Trung ương Đảng sẽ thảo luận và thống nhất các nội dung quan trọng, đặc biệt là về văn kiện và nhân sự, ông Trọng đã nhấn mạnh công tác bảo vệ thông tin, trước hết là cho Hội nghị Trung ương 10 dự kiến diễn ra vào tháng 10/2024.

3. Bảo vệ Hội nghị Trung ương 10

npt3

Ông Nguyễn Phú Trọng cảnh báo tình trạng rò rỉ thông tin nội 

Ông Trọng viết trong bài phát biểu rằng "các công việc chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng đang được tiến hành chuẩn bị rất khẩn trương ; Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII tới đây sẽ bàn, thảo luận và cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng (về dự thảo các văn kiện và phương hướng công tác nhân sự Đại hội XIV). Đây là những vấn đề mà cả nước quan tâm, nhưng đồng thời đây cũng là những vấn đề thường xuyên bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng kích động, nói xấu…".

Từ đó, ông chỉ đạo lực lượng công an "tăng cường các giải pháp bảo vệ an ninh quốc gia, tuyệt đối không để các vụ việc mất an ninh, trật tự ở cơ sở chuyển hoá thành các vụ việc phức tạp về an ninh quốc gia trong mọi tình huống ; làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ phục vụ các công việc hệ trọng của Đảng".

Công tác này bao gồm giữ gìn bối cảnh thuận lợi cho các hoạt động của Đảng, chẳng hạn không để xảy ra các vụ việc gây bất ổn và gây dư luận bất lợi ; theo dõi và ứng dụng công nghệ "để ngăn chặn các nguy cơ, thách thức từ không gian mạng đang rất phức tạp hiện nay".

Cuộc bộ hành thu hút nhiều người của nhà sư Thích Minh Tuệ vừa qua cũng được chính quyền coi là có tiềm năng phát sinh các tình huống phức tạp, bất lợi. Vì thế, việc nhà sư tu hạnh đầu đà phải dừng bước, xét từ tập quán quản lý xã hội của Đảng cộng sản Việt Nam, là điều hiển nhiên phải đến.

Từ chỉ đạo của ông Trọng, cũng có thể dự báo sắp tới công an sẽ siết chặt hơn nữa việc giám sát, quản lý và xử phạt các phát ngôn trên mạng.

4. Phòng ngừa từ sớm, từ xa

npt4

Vụ việc liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh đã gây ra căng thẳng ngoại giao giữa Việt Nam và Đức

Đây không phải là điều gì mới, nhưng một lần nữa được ông Trọng nhấn mạnh, như đã từng nhấn mạnh khi ông đến phát biểu trực tiếp tại Hội nghị Đảng ủy Công an Trung ương năm 2023 vào tháng 12 năm ngoái. Điều đó cho thấy công tác này đang và sẽ được đẩy mạnh.

Chức năng chính của lực lượng công an là bảo vệ an ninh nội địa. Tuy nhiên, với các đòi hỏi phòng ngừa "từ sớm, từ xa" thì từ lâu hoạt động của Bộ Công an không còn giới hạn trong biên giới Việt Nam. Ngày càng có nhiều bằng chứng về việc Bộ Công an thực hiện các chiến dịch bí mật ở nước ngoài.

Vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Đức vào năm 2017 bị phía Đức chính thức kết luận có vai trò của Bộ Công an Việt Nam.

Sau vụ bắt giữ ông Đường Văn Thái vào tháng 4/2023, đã có các nhận định là công an Việt Nam đã sang tận Bangkok để bắt cóc ông này.

Các nhóm người tị nạn tại Thái Lan, đặc biệt là các nhóm người dân tộc ở Tây Nguyên (hay còn gọi là người Thượng), gần đây đã phàn nàn việc họ bị công an theo dõi, tiếp cận.

5. Chống tham nhũng ‘không có vùng cấm’

Ông Trọng chỉ đạo lực lượng công an "bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng điều tra, xử lý tội phạm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo với tinh thần ‘không ngừng’, ‘không nghỉ’, ‘không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai’ ;..".

Chỉ đạo của ông Trọng gợi ý rằng chiến dịch chống tham nhũng sẽ tiếp diễn, với mức độ quyết liệt không giảm.

Tuy nhiên, theo đánh giá của một số nhà quan sát với BBC News tiếng Việt, chiến dịch "đốt lò" đang ngày càng được sử dụng vào mục đích đấu đá nội bộ, chứ không chỉ đơn thuần là chống tham nhũng, tiêu cực.

Phát biểu với BBC News tiếng Việt gần đây, nhà quan sát chính trị Nguyễn Quang A từ Hà Nội còn cho rằng phương pháp chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã sai từ gốc. Theo ông, nếu không có pháp quyền, không có sự giám sát độc lập và minh bạch, thì dù "bắt hết ông nọ đến ông kia" cũng không mang lại kết quả.

Bên cạnh đó, dù Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai", nhưng thực tế cho thấy, hàng loạt lãnh đạo cấp cao có sai phạm đã được "cho thôi" mà không chịu các hình thức kỷ luật đảng hoặc bị xử lý hình sự. Thực tế này thách thức tuyên ngôn "không có vùng cấm" của người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam.

npt5

Ông Nguyễn Xuân Phúc (giữa) sau khi phải "thôi chức" chủ tịch nước do "sai phạm" vẫn thường xuyên xuất hiện tại các sự kiện quốc gia

Kết thúc bản thông điệp rất dài của mình, ông Trọng đã dụng công để đánh vào tình cảm của lực lượng công an.

Ông viết : "Tôi tha thiết mong rằng, các đồng chí tiếp tục coi trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt của cả nhiệm kỳ và những năm tiếp theo. Với tinh thần ‘Phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân’, ‘Còn Đảng thì còn mình’, ‘Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất’, các đồng chí cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ ; đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong nội bộ lực lượng Công an nhân dân".

Nguồn : BBC, 06/07/2024

******************************

An ninh trật tự ở cơ sở là cánh tay nối dài của Công an : Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định

RFA, 02/07/2024

"Lực lượng an ninh trật tự ở cơ sở là cánh tay nối dài của Công an nhân dân".

npt6

Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây. AFP

Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu như vừa nêu hôm 2/7/2024, khi dự buổi lễ ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh với 4.861 tổ bảo vệ an ninh, trật tự và 15.031 thành viên.

Có gì lạ khi ông Tô Lâm phát biểu "Lực lượng an ninh trật tự ở cơ sở là cánh tay nối dài của Công an nhân dân" ? Ông Trần Anh Quân, một người trẻ hoạt động xã hội ở Sài Gòn, hôm 2/7/2024 khi trao đổi với RFA cho rằng :

"Trước đây Tô Lâm từng nói công an là "thanh bảo kiếm" sắc bén của Đảng, của chế độ với phương châm "chỉ còn biết còn Đảng thì còn mình". Bây giờ Tô Lâm lại nói lực lượng an ninh trật tự ở cơ sở là cánh tay nối dài của công an. Thì tức là lực lượng này được lập ra để bảo vệ chế độ chứ không phải để bảo vệ người dân. Với những phương châm này thì an sẽ dùng lực lượng này như là một công cụ để trấn áp người dân hơn là bảo vệ an ninh xã hội".

Theo ông Quân, hiện nay lực lượng công an chính quy của Việt Nam đã rất đông. Mỗi tỉnh có từ 3.000 đến 4.000 công an chính quy với nhiều lực lượng như an ninh mạng, an ninh điều tra, cảnh sát giao thông, cảnh sát hình sự, quản lý hành chính... Còn riêng cấp xã phường thì mỗi địa phương cũng có 5-7 công an chính quy, chưa kể dân phòng dân phố, công an xã bán chuyên. Bây giờ lập thêm lực lượng an ninh cơ sở thì ông Quân cho rằng quá rườm rà và không cần thiết. Đó là chưa kể dự kiến ngân sách chi cho lực lượng an ninh cơ sở này lên tới hơn 3.500 tỷ đồng là quá tốn kém. Ông Quân cho biết thêm :

"Ngoài ra, khi lập ra lực lượng an ninh cơ sở nữa thì tức là bộ công an đã thừa nhận rằng dù lực lượng chính quy hiện nay đã có mặt khắp hang cùng ngõ hẻm, cùng với gần 300.000 dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên vẫn không thể đảm bảo được an ninh xã hội. Trộm cướp, cờ bạc, ma tuý và nhiều tệ nạn khác vẫn diễn ra khắp nơi. Nhưng vẫn chưa có cách nào ổn định xã hội, mà thậm chí càng ngày càng nguy hiểm, tính chất các vụ án càng ngày càng phức tạp hơn".

npt7

Lực lượng công an ở Đà Nẵng trước đây. AFP.

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Theo Bộ Công an, sau khi hoàn thiện dự kiến Việt Nam có 83.944 tổ bảo vệ an ninh trật tự, với 291.409 thành viên.

Một người dân ở miền Trung Việt Nam không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 2/7 cho RFA biết ý kiến :

"Như Chủ tịch nước Tô Lâm nói ‘Lực lượng an ninh trật tự ở cơ sở là cánh tay nối dài của Công an nhân dân’… thì theo tôi cánh tay càng nối dài thì chi ngân sách càng tăng. Theo như thông tin công bố lễ ra mắt thì lực lượng này hiện có tổng cộng 291.409 thành viên tham gia Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Với mức hỗ trợ 300 ngàn một người mỗi tháng, ngân sách phải chi gần 540 tỷ đồng mỗi tháng cho lực lượng này. Qua đây cũng cho thấy, tình hình an ninh trật tự sắp tới... sẽ ‘rất căng’ !"

Theo quy định của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, lực lượng này được huấn luyện, bồi dưỡng về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ… theo quy định của Bộ Công an. Thông tư 14/2024 của bộ trưởng Bộ Công an còn quy định rõ danh mục, tiêu chuẩn trang bị công cụ hỗ trợ lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, bao gồm dùi cui cao su, dùi cui kim loại, áo giáp chống đâm, găng tay bắt dao…

Trở lại với phát biểu của ông Tô Lâm mới đây, luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài từ Đức quốc hôm 2/7/2024 khi nhận định với RFA cho rằng :

"Ông Tô Lâm nói như vậy là hoàn toàn chính xác. Nhưng rất ngạc nhiên khi ổng công khai thừa nhận chuyện đó. Bởi vì trước đây lực lượng an ninh ở cấp cơ sở, ví dụ như dân phòng hay đội tự vệ thì đều do UBND cấp xã phường tuyển chọn theo nhu cầu của từng địa phương… và họ tính toán số lượng và dùng ngân sách cấp xã phường trả lương cho những người đó. Nhưng từ khi ông Tô Lâm lên làm Bộ trưởng công an thì ông đã cố gắng để mà thu tóm lực lượng này về Bộ Công an".

Tuy nhiên theo ông Đài, Quốc hội nhiệm kỳ khóa 14 đã bác bỏ yêu cầu vừa nêu của của Bộ Công an cũng như của ông Tô Lâm. Ông Đài nói tiếp :

"Sang Quốc hội khóa 15 này, họ đã phải chấp thuận và thông qua cái đó. Nguồn ngân sách rất lớn chi cho lực lượng này, mà ở trong các nước độc tài, cơ quan hay bộ nào thu tóm được lực lượng đông đảo với nguồn ngân sách lớn thì đương nhiên họ có sức mạnh về chính trị trong chế độ đó".

Theo Luật sư Đài, khi cánh tay nối dài của công an càng lớn, càng mạnh trên phạm vi cả nước, thì sức mạnh của bộ công an trong hệ thống chính trị của chế độ cộng sản càng mạnh hơn.

Nguồn : RFA, 02/07/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt
Read 380 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)