Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

26/07/2024

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng : 'sau Hồ Chí Minh, Trường Chinh, ngang Lê Duẩn'

BBC tiếng Việt

Đảng cộng sản Việt Nam đã trải qua 13 kỳ đại hội với 12 tổng bí thư và chủ tịch đảng. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong những nhà lãnh đạo cao nhất tại vị lâu nhất của Đảng cộng sản Việt Nam.

tbt1

Từ trái qua (hàng trên trước) : Các tổng bí thư trong thời gian gần đây : Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người duy nhất đã giữ chức chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam từ tháng 2/1951 đến 9/1969.

Tính sau năm 1986, ông Nguyễn Phú Trọng là người giữ chức tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam nhiều nhiệm kỳ nhất, đồng thời phá lệ cả về giới hạn số nhiệm kỳ và giới hạn tuổi tác.

Thời gian lãnh đạo đảng

So với các đời tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, từ khi Đảng lên cầm quyền từ năm 1945 đến nay, ông Nguyễn Phú Trọng là người giữ chức vụ tổng bí thư lâu thứ nhì, tức 13 năm (từ năm 2011 đến năm 2024), chỉ sau ông Lê Duẩn là 26 năm (từ năm 1960 đến năm 1986).

Trường hợp Tổng bí thư Lê Duẩn có một số điểm cần lưu ý : Từ năm 1960-1976, ông là bí thư thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam (tên gọi trong một giai đoạn lịch sử của Đảng cộng sản Việt Nam). Trong đó, giai đoạn 1960-1969, vị trí của ông trong đảng đứng dưới vị trí chủ tịch đảng của ông Hồ Chí Minh.

Có thể thấy, do tên gọi của chức danh và tính chất của chức danh có một số thay đổi qua từng thời kỳ, nên nếu lấy tiêu chí lãnh đạo cao nhất của đảng để so sánh thì sẽ có khác biệt so với chức danh tổng bí thư/bí thư thứ nhất.

Theo tiêu chí này, ông Nguyễn Phú Trọng xếp thứ ba về thời gian giữ chức vụ cao nhất trong đảng, cụ thể như sau :

- Ông Hồ Chí Minh : làm chủ tịch và tổng bí thư đảng từ năm 1951 đến khi qua đời là năm 1969, tổng cộng 18 năm. Sau khi ông Hồ Chí Minh qua đời, chức chủ tịch đảng bị bãi bỏ.

- Ông Lê Duẩn làm bí thư thứ nhất và tổng bí thư từ năm 1960 đến khi mất vào năm 1986, tổng cộng 26 năm. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ 1960 đến 1969, chức vụ cao nhất là chủ tịch đảng do ông Hồ Chí Minh nắm giữ. Do đó, xét thời gian giữ cương vị cao nhất của đảng, thì cách tính hợp lý nhất đối với ông Lê Duẩn là từ năm 1969 đến 1986, tức 17 năm.

- Ông Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ tổng bí thư từ tháng 1/2011 đến tháng 7/2024, tổng cộng 13 năm.

Điểm đáng lưu ý là ba nhân vật giữ chức vụ đứng đầu đảng lâu nhất đều chết khi đang tại vị.

Ông Nguyễn Phú Trọng đã được bầu vào Bộ Chính trị tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 8 (tháng 12/1997).

Như vậy, ông Trọng đã có 27 năm là ủy viên Bộ Chính trị, cơ quan gồm những nhân vật quyền lực nhất trong hệ thống Đảng cộng sản Việt Nam.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 4 được tổ chức vào năm 1976 sau khi Chiến tranh Việt Nam chấm dứt, Đảng Lao động Việt Nam được đổi tên thành Đảng cộng sản Việt Nam.

Tháng 9/1960, tại Đại hội toàn quốc lần thứ 3 của Đảng, ông Lê Duẩn được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, đảm nhận cương vị bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng. 

Tại Đại hội Đảng lần thứ 4 (năm 1976) và lần thứ 5 (năm 1982) của Đảng, ông Lê Duẩn được bầu giữ chức tổng bí thư.

Ông Trường Chinh giữ cương vị tổng bí thư tổng cộng 16 năm, nhưng thời gian đảng cầm quyền chưa đầy 12 năm, tức từ năm 1945 đến 1956 và nửa cuối năm 1986.

Cùng với ông Hồ Chí Minh và ông Trường Chinh, ông Nguyễn Phú Trọng là một trong ba người duy nhất đã từng có lúc kiêm cả hai chức vụ đứng đầu Đảng và nhà nước.

Ông Nguyễn Phú Trọng là người cao tuổi nhất giữ chức vụ đứng đầu Đảng (80 tuổi) và từng kiêm cả hai chức vụ tổng bí thư và chủ tịch nước.

Ông Trường Chinh giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Việt Nam từ năm 1981 đến năm 1987 (tương đương với Chủ tịch nước hiện nay).

Ông Trường Chinh kiêm cả hai chức vụ tổng bí thư và chủ tịch nước trong thời gian ngắn hơn ông Nguyễn Phú Trọng. Giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 12/1986, ông giữ chức tổng bí thư thay cho Tổng bí thư Lê Duẩn, người đã qua đời khi đang tại nhiệm.

Như vậy, ông Trường Chinh đã kiêm nhiệm hai chức vụ này vào nửa cuối năm 1986, trong khi ông Nguyễn Phú Trọng kiêm cả hai chức vụ này trong thời gian từ ngày 23/10/2018 đến 5/4/2021 sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời vào ngày 21/9/2018 và trước khi bàn giao chức chủ tịch nước cho ông Nguyễn Xuân Phúc.

tbt2

'Chỉ sau Hồ Chí Minh và Trường Chinh'

Giáo sư Alexander L Vuving tại Trung tâm nghiên cứu an ninh Châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (Mỹ) ngày thứ Ba 23/7 đánh giá với BBC News tiếng Việt rằng, nếu xét về hai tiêu chí quan trọng nhất của một người làm quan là liêm khiết và chí công vô tư thì ông Trọng "có thể sánh ngang với Hồ Chí Minh và Nguyễn Văn Linh và hơn các tổng bí thư khác".

"Ngoài ra, bản thân ông Trọng là nhà lý luận, nên về mặt này, ông chỉ kém Hồ Chí Minh và Trường Chinh, ngang hàng với Lê Duẩn và hơn các tổng bí thư còn lại", Giáo sư Vuving nhận định.

Trước đó, vào ngày 19/7, bà Mai Trương, Phó giáo sư khoa học chính trị từ Đại học Marquette (Mỹ), đánh giá với BBC News tiếng Việt "di sản lớn nhất của ông Trọng có lẽ là chiến dịch chống tham nhũng".

"Sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi, rất nhiều người dùng Facebook tại Việt Nam đã chia sẻ hình ảnh của ông kèm những lời vĩnh biệt, cho thấy sự kính trọng và yêu mến rất lớn đối với ông.

Theo tôi, một trong những lý do chính của sự tôn trọng này là do ông có một đời sống cá nhân trong sạch. So với nhiều lãnh đạo khác, ông Trọng ít khi có bê bối cá nhân. Tôi đã phỏng vấn nhiều người dân bình thường và cả những người có địa vị trong xã hội. Rất nhiều người trong số họ cho rằng ông Trọng thật sự là một lãnh đạo không tham nhũng, một trong số hiếm hoi các cán bộ cấp cao thực sự sạch sẽ".

Sinh năm 1944, ông Nguyễn Phú Trọng đã sống qua khoảng thời gian của hai cuộc chiến tranh với Pháp (1945 - 1954) và Mỹ (1955 - 1975), trong đó thời Pháp thì ông còn nhỏ.

Ông Nguyễn Phú Trọng được kết nạp Đảng vào năm 1967, làm tổng biên tập Tạp chí Cộng sản trong 5 năm, rồi làm Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, cơ quan phụ trách công tác lý luận của Đảng từ tháng 11/2001 đến 8/2006.

Giáo sư Zachary Abuza từ trường National War College, thuộc Đại học National Defense (Mỹ) ngày 25/7 cho rằng ông Trọng đã tạo dấu ấn cá nhân trong Bộ Chính trị mà những người tiền nhiệm của ông không có được.

"Ông Trọng là một nhà tư tưởng cộng sản trọn đời và chỉ có 5 năm ở vị trí không chuyên trách về đảng, đó là chức chủ tịch Quốc hội".

"Trong Bộ Chính trị có cơ chế lãnh đạo tập thể nhưng ông Trọng có nhiều quyền lực cá nhân hơn xét về bề dày công tác và tuổi tác", ông đánh giá.

'Nhốt quyền lực'

tbt3

Màn hình có chương trình phóng sự về Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội vào ngày 22/7

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói "nhốt quyền lực trong lồng cơ chế" khi đề cập đến công tác kiểm soát quyền lực.

Cụ thể vào tháng 12/2020, ông Trọng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 như sau :

"Mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn ; lạm dụng, lợi dụng quyền lực cũng phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm. Nói phải nhốt quyền lực trong lồng cơ chế là với ý nghĩa như vậy".

Giáo sư Alexander Vuving đánh giá, về mặt thực hành, ông Trọng "không phải là một nhà tổ chức tốt".

"Ông Trọng muốn 'nhốt quyền lực trong lòng cơ chế' nhưng chính ông lại phá cơ chế trong nhiều vấn đề, đặc biệt là khi ở lại thêm một nhiệm kỳ thứ ba lúc đã tuổi cao sức yếu. Việc phá vỡ cơ chế này của ông đã tạo nên một cuộc khủng hoảng trong vấn đề chuyển giao quyền lực trong Đảng".

Việc ông Trọng làm thêm nhiệm kỳ thứ ba từ Đại hội 13 (năm 2021) là trái với Điều lệ Đảng đang có hiệu lực.

"Ông đặt ra các quy định, tiêu chuẩn trong đảng để lái tình hình theo hướng ông muốn, nhưng cuối cùng chính ông lại bị các quy định, tiêu chuẩn đó trói chân, trói tay, cản trở mong muốn của ông. Ngoài ra, ông cũng không giỏi trong việc chọn người, chọn đúng người và bảo vệ đồng minh".

Đánh giá về tính nhạy bén với thời cuộc, Giáo sư Alexander Vuving đưa ra so sánh về ông Trọng với những người tiền nhiệm :

"Một đức tính quan trọng của người làm chính trị là sự nhạy bén với thời cuộc, với tình thế. Điều này rất khó so sánh vì thiếu mẫu số chung. Ông Trọng cảm nhận được nỗi bức xúc của người dân về nạn tham nhũng và kiên quyết giương cao ngọn cờ chống tham nhũng. Nhưng ông lại không dựa vào dân mà dựa vào chính quyền để chống tham nhũng vì ông muốn 'diệt chuột' nhưng lại có mối lo lớn hơn là 'làm vỡ bình'. Đây là nguyên nhân chính khiến công cuộc 'đốt lò' của ông không bao giờ đạt được kỳ vọng".

Xét về mặt đối ngoại, theo Giáo sư Vuving, ông Nguyễn Phú Trọng đã "tương đối nhạy bén".

Về đối ngoại, theo Giáo sư Vuving, ông Trọng đã tương đối nhạy bén với tình thế sau vụ giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014 và đã có quyết sách linh hoạt như trong quan hệ với Mỹ, gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), sau này là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…

"Tuy nhiên, ông Trọng đã không đánh giá hết tầm quan trọng của các diễn biến mới trong quan hệ quốc tế cũng từ khoảng năm 2013, khi Trung Quốc bắt đầu sáng kiến Vành đai Con đường và xây đảo nhân tạo ở Biển Đông, những diễn biến cho thấy sự chấm dứt của thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh", Giáo sư Vuving nói.

Nhìn vào những người tiền nhiệm của ông Trọng, Giáo sư Zachary Abuza đánh giá ông Nguyễn Văn Linh "đóng một vai trò quan trọng và nổi bật", khi là tổng bí thư đầu tiên của sự nghiệp Đổi mới được đề ra tại Đại hội lần thứ 6 của Đảng cộng sản Việt Nam (tháng 12/1986).

Ông Nguyễn Văn Linh đã ban hành Luật Đầu tư nước ngoài vào tháng 12/1987 và đặt nền móng cho phong trào công nhân và công đoàn. Ông đã đảm nhiệm chức chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam từ năm 1978 đến năm 1980.

"Tôi nghĩ xét trên nhiều phương diện, ông Nguyễn Văn Linh vẫn là nhân vật tạo được sức ảnh hưởng nhất trong quá trình khởi xướng sự nghiệp Đổi mới của đảng", Giáo sư Zachary Abuza đánh giá.

Còn về ông Nông Đức Mạnh, Giáo sư Zachary Abuza cho rằng nhà lãnh đạo này đã tạo sự đồng thuận cao trong đảng mà người kế thừa là ông Nguyễn Phú Trọng đã không thể thực hiện được.

"Tôi nghĩ ông Nông Đức Mạnh đã tạo những nền tảng kinh tế vĩ mô cho sự phát triển thật sự ấn tượng của Việt Nam trong một thập kỷ vừa qua", ông nói.

Nguồn : BBC, 26/07/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt
Read 284 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)