Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

05/08/2024

Diễn biến trời long đất lở trên chính trường Việt Nam năm 2024

BBC tiếng Việt

Bức tranh chính trị Việt Nam đang trải qua một năm 2024 đầy bất ngờ chấn động, với sự kiện mới nhất là Chủ tịch nước Tô Lâm làm Tổng bí thư.

longtroi1

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vắng mặt trong hàng loạt sự kiện ngoại giao quan trọng từ cuối tháng 12/2023 đến giữa tháng 1/2024

Nhiều nhà quan sát chính trị Việt Nam chia sẻ với BBC News tiếng Việt rằng, những sự việc xảy ra trong đội ngũ lãnh đạo từ đầu năm 2024 đến nay có thể được ví như những cơn "địa chấn chính trị".

Cùng BBC nhìn lại các diễn biến quan trọng trên chính trường Việt Nam từ đầu năm đến nay.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vắng mặt trong các sự kiện quan trọng

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vắng mặt trong hàng loạt sự kiện ngoại giao quan trọng từ cuối tháng 12/2023 đến giữa tháng 1/2024, trong đó có các cuộc tiếp đón lãnh đạo Lào, Indonesia, lãnh đạo cấp cao Đảng cộng sản Trung Quốc.

Việc ông Trọng liên tục vắng mặt trong các sự kiện ngoại giao đã làm dấy lên nhiều đồn đoán về sức khỏe của ông.

Vào ngày 12/1, Bloomberg dẫn lời hai quan chức giấu tên của Việt Nam cho biết ông đã nhập viện "hồi đầu tuần này liên quan đến một loại bệnh chưa được xác định".

Đến hôm 15/1, ông Nguyễn Phú Trọng đã xuất hiện tại kỳ họp bất thường thứ 5 của Quốc hội khóa 15.

Sức khỏe của ông Trọng rồi đây sẽ dẫn tới các biến cố trọng đại của năm 2024.

longtroi2

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng xuất hiện tại kỳ họp bất thường của Quốc hội sáng 15/1

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bị miễn nhiệm

Sáng 21/3, Quốc hội Việt Nam đã thống nhất miễn nhiệm chức vụ chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa 15 đối với ông Võ Văn Thưởng.

Trước đó, trong chiều 20/3, Ban chấp hành trung ương Đảng khóa 13 đã đồng ý cho ông Võ Văn Thưởng thôi giữ các chức vụ : ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng khóa 13, chủ tịch nước, chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Thông cáo của Ban chấp hành trung ương Đảng dẫn báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng cho thấy ông Thưởng đã "vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm", "gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước".

Nói về "sai phạm" của ông Thưởng, đã có đồn đoán về sự liên quan của ông Thưởng đối với những sai phạm tại Tập đoàn Phúc Sơn.

Ông Thưởng là ủy viên Bộ Chính trị thứ hai mất chức trong năm 2024.

Vào tháng 1, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cũng đã mất chức do các vi phạm trong công tác trước đây.

Một năm trước, vào tháng 1/2023, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ chức ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương Đảng, sau đó chính thức mất chức chủ tịch nước.

Một ủy viên Bộ Chính trị khác là Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng đã mất chức vào đầu tháng 1/2023.

Như vậy, tới thời điểm tháng 3/2024, khóa 13 đã có 4 ủy viên Bộ Chính trị mất chức.

longtroi3

Ông Võ Văn Thưởng tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước vào tháng 3/2023

Ông Vương Đình Huệ mất chức chủ tịch Quốc hội

Chiều ngày 2/5, Quốc hội Việt Nam khóa 15 họp bất thường, bỏ phiếu kín chính thức miễn nhiệm chức danh Chủ tịch Quốc hội của ông Vương Đình Huệ, đồng thời cho ông thôi làm đại biểu Quốc hội.

Trước đó vào hôm 26/4, Trung ương Đảng đã đồng ý cho ông Huệ thôi giữ các chức vụ trong Đảng và nhà nước, bao gồm : Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng khóa 13, Chủ tịch Quốc hội khóa 15, nhiệm kỳ 2021-2026.

Mặc dù Đảng không nêu cụ thể ông Vương Đình Huệ đã vi phạm những gì, nhưng vụ miễn nhiệm ông Huệ xảy ra sau vụ thuộc cấp thân tín của ông là Phạm Thái Hà – trợ lý của ông Huệ kiêm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - bị bắt ngày 21/4.

Ông Hà bị khởi tố, bắt tạm giam với tội danh "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" theo quy định tại Khoản 4, Điều 358, Bộ Luật Hình sự 2015, liên quan đến vụ án tại Tập đoàn Thuận An đã được khởi tố trước đó.

BBC đã có bài viết phân tích Quy định số 41-QĐ/TW năm 2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ cấp cao. Theo quy định này, nhiều cán bộ cấp cao trong Đảng cộng sản Việt Nam đã phải chịu trách nhiệm vì sai phạm của thuộc cấp. Ông Huệ có lẽ rơi vào trường hợp này.

Bà Trương Thị Mai mất chức

Theo thông cáo ngày 16/5 của Văn phòng Trung ương Đảng, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 9 đã xem xét cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác đối với bà Trương Thị Mai, ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng khóa 13.

Bà Mai từng được đánh giá là sẽ tiếp tục đảm đương các trọng trách của nhà nước Việt Nam, sau khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mất chức.

Tương tự các trường hợp cho thôi chức ông Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ, thông cáo của Trung ương Đảng không nêu rõ vi phạm cụ thể của bà Trương Thị Mai là gì.

Có thông tin cho rằng bà bị cáo buộc liên quan tới sai phạm tại dự án Đại Ninh ở tỉnh Lâm Đồng.

Dự án này đã khiến nhiều quan to khác "vào lò" như cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp và Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận.

Trong khi đó, cũng có thông tin nói rằng bà bị vu oan giá họa và rằng bà rời chức là do không chịu nổi cuộc đấu đá nội bộ giữa các đồng chí của mình.

longtroi4

Bà Trương Thị Mai là nhân vật thân tín của ông Nguyễn Phú Trọng.

Đại tướng Lương Cường thay bà Trương Thị Mai

Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm thường trực Ban Bí thư thay bà Trương Thị Mai.

Thông báo đã được đưa ra vào chiều ngày 16/5 tại Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành trung ương Đảng khóa 13.

Con đường binh nghiệp của ông Cường chủ yếu tập trung vào công tác chính trị, chứ không phải sĩ quan tác chiến.

Tại Việt Nam, Đảng cộng sản lãnh đạo toàn diện nên vai trò của cán bộ sĩ quan chính trị trong quân đội luôn đặc biệt quan trọng.

Nghị quyết 51 năm 2005 của Bộ Chính trị đã định hình rõ hơn vai trò của cán bộ sĩ quan chính trị. Những sĩ quan chuyên trách về chính trị như ông Lương Cường có nhiều lợi thế trên chính trường.

longtroi5

Đại tướng Lương Cường giữ chức vụ Thường trực Ban Bí thư thay bà Trương Thị Mai.

Bổ sung bốn gương mặt vào Bộ Chính trị

Trong ngày làm việc đầu tiên (16/5), Hội nghị lần thứ 9, Ban chấp hành trung ương Đảng khóa 13 đã bầu bổ sung 4 ủy viên Bộ Chính trị.

Theo thông cáo do Văn phòng Trung ương phát ra chiều cùng ngày, Ban chấp hành trung ương Đảng đã bầu bổ sung 4 ủy viên Bộ Chính trị khóa 13, gồm :

- Ông Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng ;

- Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ;

- Bà Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương ;

- Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

longtroi6

Từ trái qua : ông Nguyễn Trọng Nghĩa, bà Bùi Thị Minh Hoài, ông Lê Minh Hưng, ông Đỗ Văn Chiến

Ông Trần Thanh Mẫn làm chủ tịch Quốc hội

Với 475/475 đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội hôm 20/5 đã thông qua nghị quyết bầu ông Trần Thanh Mẫn giữ chức vụ chủ tịch Quốc hội khóa 15 nhiệm kỳ 2021-2026.

Ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội, là người được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội vào đầu tháng 5/2024 sau khi ông Vương Đình Huệ bị miễn nhiệm.

Trước khi được bầu làm phó chủ tịch Quốc hội vào tháng 4/2021, ông từng giữ chức chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, bí thư Thành ủy Cần Thơ, chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Do chưa tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ, việc ông Mẫn kế nhiệm chức vụ chủ tịch Quốc hội là một "trường hợp đặc biệt".

Đại tướng Tô Lâm làm chủ tịch nước

Sáng 22/5, Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm đã được Quốc hội bầu làm chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 15.

Nghị quyết bầu ông Tô Lâm làm chủ tịch nước được Quốc hội thông qua với 472/473 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.

Thực ra, ghế chủ tịch nước của ông Tô Lâm đã được Đảng cộng sản Việt Nam quyết định từ trước. Hôm 18/5, ông đã được Trung ương Đảng giới thiệu để Quốc hội bầu cho vị trí chủ tịch nước.

Trong vòng ba năm qua, người dân Việt Nam đã chứng kiến ba lần tuyên thệ nhậm chức của ba chủ tịch nước khác nhau. Trong đó, hai người đã bị miễn nhiệm trước khi kết thúc nhiệm kỳ do liên quan đến sai phạm, đó là các ông Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng.

Trước khi ngồi vào vị trí chủ tịch nước, ông Tô Lâm không phải là "Tứ Trụ" cũng như không là thường trực Ban Bí thư.

Nếu không vào "Tứ Trụ", ông Tô Lâm sẽ phải về hưu vào 2026, sau khi đã làm hai nhiệm kỳ bộ trưởng Công an.

Nhưng một khi đã ở trong "Tứ Trụ" thì Quy định 214 của Bộ Chính trị có xét "trường hợp đặc biệt".

Khi đã vào "Tứ Trụ", ông có thể sẽ có suất đặc biệt tại Đại hội 14 để kéo dài sự nghiệp chính trị của mình vào Đại hội Đảng 14, khi ông đã quá 65 tuổi.

longtroi7

Ông Tô Lâm tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước

Tướng công an Nguyễn Duy Ngọc làm chánh Văn phòng Trung ương Đảng

Sáng 3/6, Đại tướng Lương Cường - Thường trực Ban Bí thư - đã trao quyết định của Bộ Chính trị cho Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc làm chánh văn phòng Trung ương Đảng thay cho ông Lê Minh Hưng sau khi ông này trở thành trưởng Ban Tổ chức Trung ương thay bà Trương Thị Mai, người mất chức do "khuyết điểm".

Ông Ngọc khi đó là một trong sáu thứ trưởng Bộ Công an và là ủy viên Trung ương Đảng.

Một số ý kiến cho rằng, việc Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc làm chánh văn phòng trung ương Đảng là một cơ hội để ông có thể thăng tiến - có thể tăng khả năng được tái ứng cử Ban chấp hành trung ương khóa 14 và dọn đường cho ông vào Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư khóa 14.

Ông Ngọc được coi là nhân vật thân tín của ông Tô Lâm, thủ trưởng cũ của ông trong Bộ Công an.

Ông Ngọc cùng quê Hưng Yên với ông Tô Lâm.

longtroi8

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc được Bộ Chính trị phân công làm chánh văn phòng Trung ương Đảng

Thượng tướng Lương Tam Quang làm bộ trưởng Công an

Chiều 6/6, Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, đã trở thành tân bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2021-2026.

Trước đó, vào ngày 22/5, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc bầu Đại tướng Tô Lâm làm chủ tịch nước. Quốc hội cũng đã thông qua nghị quyết phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ bộ trưởng Bộ Công an đối với Đại tướng Tô Lâm.

Trước khi ông Lương Tam Quang trở thành bộ trưởng, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng thường trực Bộ Công an, đã được phân công điều hành bộ này.

Việc chọn Thượng tướng Lương Tam Quang, người chưa làm trọn một nhiệm kỳ ủy viên Trung ương Đảng và do đó chưa đủ tiêu chuẩn vào Bộ Chính trị, cho thấy đã có những tính toán mới tại nhóm quyền lực nhất của Đảng cộng sản Việt Nam.

Ông Lương Tam Quang cùng quê Hưng Yên với ông Tô Lâm.

longtroi9

Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang chưa đủ tiêu chuẩn vào Bộ Chính trị

Ông Đinh Tiến Dũng mất chức

Ngày 21/6, Ban chấp hành trung ương Đảng khóa 13 đã đồng ý để ông Đinh Tiến Dũng thôi giữ chức vụ ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng khóa 13.

Trước đó, ông Dũng đã thôi chức bí thư Thành ủy Hà Nội.

Theo kết luận của Bộ Chính trị, tổ chức đảng do ông Dũng lãnh đạo trong giai đoạn 2016-2021 khi ông làm Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã "thực hiện không đúng, không đầy đủ chức năng, nhiệm vụ" liên quan đến việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và liên quan đến quản lý nhà nước về ngân sách (vụ AIC).

Như vậy, tới thời điểm này, đã có 7 ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 mất chức, trong đó có 5 người mất chức trong năm 2024.

longtroi10

Ông Đinh Tiến Dũng là người mới nhất của Bộ Chính trị khóa 13 mất chức

Bà Bùi Thị Minh Hoài làm bí thư Thành ủy Hà Nội

Bà Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương, đã được Bộ Chính trị điều động, phân công giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025 hôm 17/7.

Theo đó, bà Hoài thôi tham gia Ban Bí thư, thôi giữ chức Trưởng ban Dân vận Trung ương, để tham gia Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố, giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Với sự phân công này, bà Hoài, 59 tuổi, trở thành nữ bí thư Thành ủy đầu tiên của Hà Nội, thay cho người tiền nhiệm là ông Đinh Tiến Dũng - người đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ hồi tháng 6.

Trước bà Hoài, ba đời bí thư thành ủy Hà Nội gần đây nhất là ông Hoàng Trung Hải (2016-2020), ông Vương Đình Huệ (2020-2021) và ông Đinh Tiến Dũng (2021-2024) đều được coi là những nhà kỹ trị - tức có chuyên môn, học vấn về kỹ thuật hoặc kinh tế và có quá trình công tác trong các lĩnh vực này.

Cả ba ông về sau đều gặp trục trặc trong sự nghiệp chính trị.

longtroi11

Thường trực Ban Bí thư Lương Cường (phải) trao quyết định của Bộ Chính trị phân công bà Bùi Thị Minh Hoài giữ chức bí thư Thành ủy Hà Nội

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, sinh ngày 14/4/1944, qua đời hồi 13 giờ 38 phút ngày 19/7/2024 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Trước đó, vào ngày 18/7, Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam đã ra thông báo về tình hình sức khỏe của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Thông báo cũng cho biết Bộ Chính trị đã phân công Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì công việc của Ban chấp hành trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Sức khỏe của ông Trọng đã suy giảm trong nhiều năm qua.

Vào năm 2019, ông từng một lần "gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe", mà có thông tin nói là đột quỵ, khi ông đang có chuyến công tác tại tỉnh Kiên Giang.

Chủ tịch nước Tô Lâm làm Tổng bí thư

Tại hội nghị bất thường của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam vào sáng ngày 3/8, Chủ tịch nước Tô Lâm đã được bầu làm Tổng bí thư nhiệm kỳ Đại hội Đảng 13, thay cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ông được Ban chấp hành trung ương Đảng biểu quyết với tỷ lệ tán thành 100%.

Tại buổi họp báo sau khi nhậm chức, ông Tô Lâm khẳng định sắp tới công cuộc chống tham nhũng sẽ được tiếp tục, với phương châm, giải pháp như thời gian qua.

Theo lời ông Tô Lâm, chống tham nhũng vẫn sẽ "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", như những gì ông Nguyễn Phú Trọng từng nói nhiều lần.

Nguồn : BBC, 05/08/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt
Read 313 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)