Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

07/08/2024

Chính sách đào tạo nghề cho người bị thu hồi đất : tuyên truyền là chính

RFA tiếng Việt

 

Chủ trương về việc đào tạo nghề và hỗ trợ tạo việc làm cho người có đất bị thu hồi đã được chính phủ Việt Nam ban hành hơn chục năm qua. Tuy nhiên, một số người có đất bị thu hồi cho rằng chính sách này chủ yếu nhằm tuyên truyền chứ hiệu quả không cao.

thuhoidat1

Người dân thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây khiếu kiện vì bị thu hồi đất mà đền bù không thỏa đáng hồi năm 2007 - AFP

Không thiết thực, mang tính chất tuyên truyền

Quyết định số 12 của Chính phủ về cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất thu hồi vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành hôm 31/7. 

Theo Quyết định này, người lao động có đất bị thu hồi sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm trong nước, hỗ trợ vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng… trong thời hạn năm năm kể từ ngày có quyết định thu hồi đất.

Những người được hưởng lợi, theo quy định của chính sách này bao gồm : người lao động có đất nông nghiệp thu hồi và người lao động có đất kinh doanh thu hồi.

Ông Yang, một người dân tộc H’mông ở tỉnh Điện Biên, cho biết gia đình ông có đất rẫy nhưng không thể làm sổ đỏ được. Lý do được Chính quyền địa phương nói rằng đây là đất sẽ được quy hoạch làm trường học hoặc công viên trong tương lai.

Ông Yang nói với RFA rằng điều ông lo ngại nhất là giá cả đền bù chứ không phải ông có được hỗ trợ đào tạo nghề hoặc tạo công ăn việc làm mới hay không. Bởi, theo ông Yang, chính sách này không phù hợp với mình - những người đã ngoài 40, cả đời chỉ sống dựa vào nương rẫy :

"Cái đó nó cũng không thiết thực lắm. Kể cả mình được đào tạo được nghề hay là có làm nghề mới thì người ta bảo anh này là quá tuổi lao động rồi, thế nó mới khổ như vậy đó".

Ông Cao Thăng Ca, một người dân Thủ Thiêm bị thu hồi đất năm 2011, cho rằng đây là một chủ trương đúng đắn, nhưng vấn đề là không có ai thực hiện :

"Đó là một cái chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Nhưng mà người ta có thực hiện hay không mới là quan trọng. Người ta nói ra để cho có để truyền truyền mà người ta có thực hiện hay không, thực hiện tới đâu mới là quan trọng. Không có ai kiểm tra làm cái chuyện đó". 

Từ kinh nghiệm thực tế bản thân mình, ông Ca cho biết gia đình ông thậm chí còn bị làm khó trong việc làm ăn chứ chưa nói tới được hỗ trợ việc làm :

"Mấy ông này ông nói là truyền truyền thôi. Thậm chí là gia đình tôi, con cái tôi đi làm còn bị nó đến tận cơ quan nó đòi đuổi việc do là có ông bố chuyên môn đi khiếu nại tố cáo".

Kết quả thực hiện đến đâu ?

Quyết định số 12 vừa được ban hành nhằm thay thế cho Quyết định số 63 do thủ tướng khi đó là ông Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành hồi năm 2015. Quyết định 63 được nói là đã tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động có đất bị thu hồi.

Ngoài ra, cũng theo quyết định này, người bị thu hồi đất còn được hưởng một số hỗ trợ khác, bao gồm bảo đảm có chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất và công bằng đối với người có đất bị thu hồi…

Trên các phương tiện truyền thông, nhiều lãnh đạo đã từng phát biểu chỉ đạo các địa phương phải chú trọng thực hiện chính sách này. Mới nhất, chiều ngày 17/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các cơ quan hữu trách phải rà soát các hộ gia đình có đất bị thu hồi để không bỏ sót bất cứ ai cần hỗ trợ ; Đồng thời làm rõ tiêu chí, điều kiện để được tiếp cận chính sách hỗ trợ đào tạo cho từng trình độ, tìm việc làm để chỉnh kinh phí phù hợp cho từng địa phương. 

Ông Cao Hà Trực, một người dân khiếu kiện đất đai ở khu Vườn rau Lộc Hưng, cho biết việc tạo công ăn việc làm cho người có đất bị thu hồi là chủ trương của Chính phủ từ lâu. Ngoài việc bồi thường bằng tiền hay bố trí tái định cư thì nhà nước còn tạo điều kiện khác để người dân sớm hòa nhập với cuộc sống mới sau khi bị thu hồi đất cũ. 

Tuy nhiên, theo ông Trực, chính sách này chỉ có trên mặt giấy tờ chứ thực tế thì chưa được các cơ quan chức năng quan tâm thực hiện và cũng không có thông tin báo cáo về kết quả thực hiện ra sao :

"Theo mình và một số bạn bè mình đã từng rơi vào tình trạng này thì họ (nhà nước - PV) không có quan tâm đâu. Mà nếu họ quan tâm thì những cái công việc làm không có phù hợp với sở thích, sở trưởng của người ta. Cho nên là không có làm được".

Chính sách về đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm cho người bị thu hồi đất đã được ban hành từ năm 2012. Từ đó đến nay, chưa có thông tin công khai về ngân sách được chi để thực hiện chính sách này. Chỉ có một vài tỉnh thành báo cáo về quá trình thực hiện chủ trương này và số lượng người được hỗ trợ, chứ cũng không có thông tin về số tiền ngân sách phải chi ra cho các dự án này.

Tháng 6/2024, theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang, từ năm 2016 đến nay, tỉnh này có 21.009 hộ bị thu hồi đất và 24.423 lao động bị thu hồi đất. Cũng trong khoảng thời gian này, có 16.084 lao động được hỗ trợ đào tạo nghề, 13.351 lao động được tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm tại các Trung tâm dịch vụ việc làm.

Tỉnh Sóc Trăng, vào tháng 5/2024, Theo số liệu từ Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tỉnh, tổng số lao động bị thu hồi đất đất nông nghiệp của tỉnh từ năm 2016 đến 2023 là 555 người. Số lao động bị thu hồi đất được hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng từ năm 2016 đến 2020 là 280 người và từ năm 2021 đến 2023 là 275 người. 

Ở thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, tính riêng năm 2023, thành phố này đã tạo việc làm mới cho hơn 2.000 lao động bị thu hồi đất. Số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 175 người. Đã tổ chức được hai lớp học nghề kỹ thuật chế biến món ăn và nghiệp vụ nhà hàng trình độ sơ cấp dưới ba tháng cho người lao động trên địa bàn. 

Tháng 2/2023, cử tri tỉnh Gia Lai chất vấn Bộ Giao thông vận tải về việc bố trí vốn trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 để chi trả kinh phí hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho 217 hộ dân tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai bị thu hồi đất để làm tuyến tránh đường Hồ Chí Minh, chấm dứt việc khiếu kiện đông người, kéo dài, tiềm ẩn mất an ninh trật tự tại địa phương. Đại diện Bộ Giao thông vận tải đã không trả lời trực tiếp nội dung câu hỏi, Bộ này cho biết "việc áp dụng chính sách giải phóng mặt bằng chưa đúng với quy định dẫn đến phải bổ sung kinh phí là lỗi của UBND huyện Chư Sê. Do đó, địa phương có trách nhiệm đối với phần kinh phí đề nghị bổ sung vượt tổng mức đầu tư dự án này.

Nguồn : RFA, 07/08/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 141 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)