Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

09/08/2024

Hình ảnh người Việt dưới mắt người Đông Á không lấy gì là tốt đẹp

VOA tiếng Việt

12 phụ nữ Việt bị bắt khi nhà chức trách Malaysia chống di dân bất hợp pháp

VOA, 09/08/2024

Sở Di trú Bang Perak của Malaysia, giáp miền nam Thái Lan, mới bắt giữ 33 di dân bất hợp pháp bao gồm 12 phụ nữ Việt làm nghề "chuyên viên quan hệ khách hàng", sau khi khám xét 3 cơ sở kinh doanh gồm một trung tâm giải trí, một nhà hàng và một doanh nghiệp ở thành phố Ipoh trong bang, hai trang tin Ipoh Echo và The Star cho biết hôm 8/8.

nguoiviet1

Ngày 7/8/2024 Đơn vị Thực thi Luật Di trú thành phố Ipoh tiến hành khám xét 3 cơ sở kinh doanh giải trí và đã bắt giữ 33 di dân bất hợp pháp trong đó có 12 phụ nữ Việt làm nghề "chuyên viên quan hệ khách hàng"

Ipoh Echo và The Star dẫn lời Giám đốc Sở Di trú Bang Perak, Meor Hezbullah Meor Abd Malik, nói rằng hoạt động khám xét được Đơn vị Thực thi Luật Di trú thành phố Ipoh tiến hành hôm 7/8, từ 19g tối đến 24g đêm.

Khi nhà chức trách ập vào kiểm tra tại trung tâm giải trí, tất các những phụ nữ Việt làm nghề "chuyên viên quan hệ khách hàng" đều không biết nên đã không chạy trốn, theo tin trên Ipoh Echo và The Star.

Ông Meor Hezbullah Meor Abd Malik nói với Ipoh Echo hôm 8/8 rằng 4 người đàn ông Myanmar là nhân viên pha chế quầy bar tại cơ sở đó cũng đã bị bắt. Ông cho biết thêm rằng Sở Di trú Bang Perak (JIM) cũng tạm giữ 12 nhân viên nhà hàng và 5 thợ rửa xe ở hai địa điểm khác.

Các chủ cơ sở đã nhận 7 giấy triệu tập làm nhân chứng, vẫn vị giám đốc sở di trú bang cho hay.

"Tổng cộng có 33 người nước ngoài, gồm 12 phụ nữ Việt Nam, 7 người đàn ông Myanmar, 6 người đàn ông Ấn Độ, 4 người đàn ông Bangladesh, 2 người đàn ông và 1 phụ nữ Sri Lanka, và 1 người đàn ông Nepal, từ 17 đến 40 tuổi, đã bị bắt giữ vì bị tình nghi đã vi phạm Đạo luật Di trú 1959/63 và Quy định Di trú 1963", ông Meor Hezbullah Meor Abd Malik, nói.

Những người này bị đưa đi tạm giữ tại Trại Di trú Ipoh để điều tra thêm và sẽ bị xử lý theo luật di trú.

Vị giám đốc cho biết thêm rằng hoạt động thanh tra diễn ra vì đã có những lời phàn nàn cũng như dựa trên thông tin tình báo mà JIM thu thập được về 3 cơ sở kinh doanh.

Nguồn : VOA, 09/08/2024

*****************************

3 người Việt nhận tội bán thịt chó mèo tại quán ăn không giấy phép ở Hong Kong

VOA, 09/08/2024

Ba người nhập cư bất hợp pháp từ Việt Nam đã nhận tội phục vụ các món ăn làm từ thịt chó và mèo tại một quán ăn không được cấp giấy phép ở Hong Hong hồi đầu năm nay, South China Morning Post (SCMP) cho biết hôm 8/8.

nguoiviet2

Tòa án West Kowloon ở Hong Kong, nơi diễn ra phiên xét xử hôm 8/8 đối với những người Việt nhập cư bất hợp pháp bán thị chó mèo tại một cơ sở không được cấp phép.

Theo ghi nhận của tờ báo tiếng Anh có trụ sở ở Hong Kong, phiên xét xử tại Tòa án West Kowloon hôm 8/8 cho thấy 3 người Việt Nam đã điều hành một quán ăn bất hợp pháp tại một căn hộ chung cư ở Mong Kok, nơi các nhân viên thực thi pháp luật đã tịch thu hơn 35kg thịt chó và mèo được cho là đã bị buôn lậu vào Hong Kong bằng đường thủy.

Chủ nhà hàng Tran Quang Tan, 50 tuổi, cùng vợ Le Thi Oanh, 44 tuổi, và người phục vụ bàn Nguyen Manh Dat, 26 tuổi, là những người Việt Nam xin tị nạn trên thực tế sau khi nhập cảnh bất hợp pháp vào Hong Kong, theo SCMP. Tờ báo này cho biết cả 3 người đều thừa nhận đã bán đồ ăn bằng thịt chó và sử dụng thịt chó và thịt mèo để tiêu thụ.

Ông Tan nhận tội điều hành doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ăn uống mà không có giấy phép. Thêm vào đó, theo SCMP, ông cũng như vợ ông và người phục vụ bàn đều thừa nhận đã làm việc bất hợp pháp tại Hong Kong.

Ghi nhận của SCMP cho biết bị cáo thứ 4, Tran Nhat Minh, con trai 16 tuổi của hai vợ chồng này không nhận tội trước 3 cáo buộc, gồm bán thịt chó, sử dụng thịt chó và thịt mèo để tiêu thụ cũng như làm việc bất hợp pháp.

Hong Kong không cấp quyền tị nạn vì Công ước Liên Hợp Quốc về người tị nạn năm 1951 không áp dụng cho thành phố này, theo Cơ quan Liên Hợp Quốc về Người tị nạn UNHCR. Thay vào đó, thành phố cấp quyền không trục xuất để đảm bảo rằng những người xin tị nạn không bị trả về một quốc gia nơi họ có nguy cơ bị đàn áp hoặc tra tấn. Hong Kong là nơi nhiều thuyền nhân người Việt chạy trốn sau chiến tranh Việt Nam sống trong các trại tị nạn trước khi được đưa đến một nước thứ ba.

Theo SCMP, những người Việt bị xét xử trong phiên tòa hôm 8/8 đều đã nộp đơn xin không bị trục xuất khỏi Hong Kong.

Hồ sơ bên công tố được SCMP trích dẫn cho biết, Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Bảo tồn (AFCD) của Hong Kong đã phát hiện ra hoạt động kinh doanh mờ ám tại Phố Thượng Hải sau một chiến dịch truy quét ngày 8/2. Một nhân viên chìm của sở này đã đóng giả là khách hàng đặt đồ ăn mang đi có thịt chó từ nhà hàng của những người Việt này.

AFCD, cảnh sát và Sở Vệ sinh Thực phẩm và Môi trường cùng hành động chung vào ngày 29/2 khi đột kích vào căn hộ chung cư và phát hiện ra một lượng thịt động vật được cất giữ trong 34 túi.

Tờ Dim Sum Daily của Hong Kong hồi đầu tháng 3 cũng đưa tin về chiến dịch chung của AFCD phối hợp với Sở nêu trên và cảnh sát Hong Kong nhắm vào một địa điểm bị tình nghi bán thịt chó và mèo ở Mong Kok. Theo nhật báo này, 5 người – gồm 4 nam và 1 nữ đều mang quốc tịch Việt Nam – bị bắt giữ sau khi nhóm điều tra phát hiện ra 35kg thịt chó và thịt mèo cùng thực đơn tiếng Việt cung cấp các món ăn làm từ thịt chó mèo tại một cơ sở trên Phố Thượng Hải, nơi có phòng bếp, phòng khác với bàn ăn và hai phòng ngủ.

Điều tra được nhật báo Dim Sum trích dẫn cho biết cơ sở này đã hoạt động được khoảng 6 tháng và chỉ phục vụ cộng đồng người Việt ở Hong Kong.

Còn theo SCMP, ông Tan khai với cảnh sát rằng ông mua thịt chó và thịt mèo từ các thủy thủ Việt Nam và đã quảng cáo các món ăn từ loại thịt này qua tài khoản Facebook của vợ ông.

Thẩm phán Li Chi-ho đã hoãn tuyên án cho đến khi kết thúc phiên tòa xét xử người con trai của ông Tan, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 9, theo SCMP. Ba bị cáo nhận tội vẫn đang bị giam giữ trong khi người con trai vị thành niên được gia hạn thời gian tại ngoại.

Việc giết mổ và bán thịt chó mèo là bất hợp pháp ở Hong Kong kể từ năm 1950, theo SCMP, và những người vi phạm có thể phải đối mặt với án tù lên đến 6 tháng và mức phạt tối đa là 5.000 đô la Hong Kong (hơn 640 USD). Những hành vi như vậy cũng đã bị cấm ở Trung Quốc đại lục từ tháng 5/2020.

Nguồn : VOA, 09/08/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: VOA tiếng Việt
Read 275 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)