Tổng bí thư Tô Lâm chọn nhân sự như thế nào ?
RFA, 30/08/2024
"Nhân sự được lựa chọn đòi hỏi phải thật sự tiêu biểu, nổi trội, có đủ bản lĩnh, phẩm chất, trí tuệ, có năng lực lãnh đạo, trình độ chuyên môn, có uy tín trong dân, trong Đảng để giải quyết những công việc ở tầm chiến lược.."..
Cuộc họp Tiểu ban nhân sự Đại hội XIV của Đảng - Courtesy baochinhphu.vn
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm - Trưởng Tiểu ban nhân sự Đại hội XIV của Đảng, phát biểu như vừa nêu tại Cuộc họp Tiểu ban nhân sự Đại hội XIV của Đảng và Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư... hôm 29/8/2024.
Chọn phe cánh
Nhiều nhà quan sát tình hình chính trị Việt Nam cho rằng, thực tế không như ông Tô Lâm phát biểu, vì một vài vị trí quan trọng mà ông vừa bổ nhiệm, có vẻ "toàn người theo phe cánh của ông".
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ ở Na Uy hôm 30/8/2024 khi trả lời RFA chỉ ra rằng, nếu nhìn vào cách bố trí nhân sự của ông Tô Lâm, sẽ thấy người của ông Tô Lâm nắm giữ hết các vị trí quan trọng để kiểm soát Đảng cộng sản và Chính quyền :
"Một cách cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công an là ông Lương Tam Quang, một người Hưng Yên. Ông Quang là người thân cận của ông Lâm, cha của ông Quang là cận vệ riêng của cha ông Lâm từ thời chiến tranh chống Mỹ.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp là ông Nguyễn Hải Ninh, cũng là một người Hưng Yên.
Chánh văn phòng Trung ương đảng, vị trí quan trọng đóng vai trò tổ chức các chương trình nghị sự, là ông Nguyễn Duy Ngọc, cũng là một người Hưng Yên".
Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, trưởng Ban tổ chức Trung ương, vị trí phụ trách tất cả các vấn đề nhân sự của Đảng cộng sản, hiện là ông Lê Minh Hưng, một người thân cận của ông Tô Lâm. Cha của ông Lê Minh Hưng là cựu Bộ trưởng Bộ Công an, người đỡ đầu cho sự nghiệp của ông Tô Lâm. Tiến sĩ Vũ nói thêm :
"Thêm vào đó, ông Tô Lâm còn điều động ông Nguyễn Hoà Bình, là một thiếu tướng công an, hoàn toàn không có kinh nghiệm về kinh tế vĩ mô, đảm nhiệm vị trí phó thủ tướng thường trực, chịu trách nhiệm các vấn đề về chính sách kinh tế vĩ mô và đầu tư. Ông Bình sẽ chịu trách nhiệm điều hành chính phủ khi ông Phạm Minh Chính vắng mặt".
Việc bố trí người như hiện nay, theo ông Vũ, là một sự phân hóa rất lớn bên trong Đảng cộng sản :
"Ông Tổng bí thư Đảng cộng sản Tô Lâm đã không còn tin vào người của các vùng khác hoặc người ở các lĩnh vực khác. Chính vì lý do đó mà ông đã chỉ đưa những người tín cẩn của mình vào các vị trí then chốt trong chính quyền. Họ là những người có mối quan hệ gắn bó mật thiết từ gia đình, hoặc người cùng quê, hoặc cùng ngành, dù cho những người được bổ nhiệm không được đào tạo hoặc có kinh nghiệm cần thiết ở những lĩnh vực đó".
Các vị lãnh đạo Chính phủ Việt Nam lâu nay thường nói đến việc đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc và của nhân dân lên trên hết. Thế nhưng, trong thực tế đã và đang diễn ra tại Việt Nam, nhiều chuyên gia nhận định rằng, các vị ấy dường như không quan tâm nhiều đến ‘lợi ích của quốc gia, dân tộc và của nhân dân’.
Không có thay đổi hoặc khác biệt lớn
Ông Trần Anh Quân, một người trẻ hoạt động xã hội ở Sài Gòn, hôm 30/8/2024 khi trả lời RFA, nhận định :
"Việc lựa chọn nhân sự có đủ phẩm chất cách mạng đã được Đảng cộng sản nói từ mấy mươi năm nay rồi. Nó được quy định bằng văn bản trong các kỳ đại hội đảng và trước Tô Lâm thì ông Nguyễn Phú Trọng cũng thường xuyên nói chuyện này. Nhưng trong 18 năm ông Trọng cầm quyền từ ghế chủ tịch quốc hội tới tổng bí thư thì người ta chỉ thấy một đám sâu dân mọt nước nước không thấy nhân tài nào nổi bật trong Đảng cộng sản.
Bây giờ tới ông Tô Lâm cũng lặp lại những tuyên bố cũ của người tiền nhiệm thì chắc chắn Tô Lâm cũng sẽ không khác gì Nguyễn Phú Trọng. Sẽ chỉ là con ông cháu cha lên nắm quyền và dĩ nhiên là không tránh khỏi việc chia phe chia phái, ưu tiên phát triển thế lực cho tổng bí thư".
Theo nhà hoạt động xã hội Trần Anh Quân, qua hàng chục năm, với hàng trăm văn bản quy định và hàng ngàn lời hô hào, nhưng dường như Đảng cộng sản Việt Nam vẫn không tìm ra nhân tài thanh liêm chính trực. Điều đó, vẫn theo ông Quân, chứng tỏ quy trình tuyển chọn nhân sự trong đảng là hoàn toàn sai lầm.
Do đó, ông Quân cho rằng, nếu có một thứ cần thay đổi để tìm kiếm nhân tài lãnh đạo quốc gia, thì chỉ có thể thay đổi quy trình, cơ chế tuyển dụng nhân sự. Mà thay đổi cơ chế, theo ông Quân, chính là từ bỏ nhà nước độc đảng. Vì, nếu ông Tô Lâm thật sự muốn đất nước phát triển thì ông ấy phải dám chấp nhận đa nguyên đa đảng để người dân có thể tự do bỏ phiếu bầu ra những lãnh đạo tài năng.
Trước đó vào tháng 3/2024, tại cuộc họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng, cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khi đó đã nhấn mạnh về việc đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên hàng đầu. Ông Trọng còn cho biết đây là nguyên tắc cốt lõi trong quá trình chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIV.
Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài từ nước Đức khi trả lời RFA cho rằng, các vị lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam nói thì bao giờ cũng rất là hay, nhưng trên thực tế làm bao giờ cũng rất là dở. Ông nêu dẫn chứng :
"Bởi vì nó đã chứng minh qua thực tế hơn hai nhiệm kỳ của ông Trọng, trong công tác nhân sự, tất cả những Ủy viên Bộ chính trị ông ấy lựa chọn thì phần lớn đã bị ngã ngựa. Còn mười mấy Ủy viên Trung ương thì đã bị bắt bị điều tra, một số đã bị xét xử. Có thể nói trong hơn 10 năm qua, công tác nhân sự của ông Nguyễn Phú Trọng hoàn toàn thất bại".
Theo luật sư Nguyễn Văn Đài, nếu thật sự vì đất nước, vì nhân dân… thì điều đầu tiên có thể làm là phải tiến hành dân chủ hóa trong Đảng. Ông Đài giải thích thêm :
"Tức là phải cho tất cả hơn năm triệu đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam có cơ hội để họ được tự do ứng cử và bầu cử trong Đảng… rồi sau đó tiến hành cải cách chính trị để mở rộng ra dân chủ toàn xã hội, đây là cách làm tốt nhất. Chứ nếu như mà vẫn lựa chọn qua tiểu ban nhân sự, rồi thông qua Ban Tổ chức trung ương như cách làm truyền thống từ xưa đến nay thì sẽ tiếp tục thất bại mà thôi".
Theo luật sư Nguyễn Văn Đài, nếu đặt tổ quốc và dân tộc lên trên, thì vấn đề nhân sự của đảng cầm quyền hay lãnh đạo của một quốc gia ban đầu là do tất cả đảng viên lựa chọn, sau đó đến toàn thể người dân lựa chọn, đó mới là vì lợi ích dân tộc. Còn toàn bộ nhân sự cấp cao của Đảng và đất nước đều do một người hay một bộ phận rất nhỏ trong Đảng cầm quyền lựa chọn, thì đó vẫn là vì lợi ích của một nhóm người mà thôi...
Nguồn : RFA, 30/08/2024
****************************
Ông Tô Lâm và những toan tính, nên thâu tóm hay chia sẻ quyền lực
RFA, 29/08/2024
Quốc hội Việt Nam sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước vào tháng 10 tới theo nghị quyết của Trung ương Đảng, qua thông báo sau phiên họp bất thường thứ tám của Quốc hội khóa 15 diễn ra hôm 26/8. Điều đó có nghĩa việc "thâu tóm quyền lực" cho đến Đại hội 14 diễn ra vào năm 2026 của ông Tô Lâm sẽ khó thực hiện.
Tổng bí thư Việt Nam Tô Lâm thăm Trung Quốc hồi tháng 8/2024 - AFP
Chia sẻ quyền lực để giải quyết xung đột nội bộ là điều người lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam đang nghĩ đến ?
Tô Lâm chưa "nhả ghế" Chủ tịch nước
Chiều 26/8, sau khi đã kiện toàn các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong chính phủ còn bỏ trống. Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết Quốc hội sẽ tiến hành bầu chức danh Chủ tịch nước tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 tới.
Như vậy, cho đến thời điểm này, ông Tô lâm vẫn chưa chịu nhả bớt "một ghế" cho người khác, mà theo Luật sư Nguyễn Văn Đài, từ Đức Quốc, người đó có thể là một nhân vật xuất thân từ Quân đội để cân bằng quyền lực với phe công an.
Luật sư Đài cho rằng, ông Tô Lâm sẽ tham dự kì họp thứ 79 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, khai mạc ngày 10, bế mạc ngày 24 tháng 9, tại New York. Có thể ông ấy sẽ thăm Nhà Trắng hoặc có bài phát biểu trước quốc tế. Muốn như vậy, ông Tô Lâm cần phải có chức danh là nguyên thủ quốc gia chứ không thể chỉ là người đứng đầu một đảng :
"Ông ấy muốn sẽ có một bài phát biểu, một sự ra mắt đối với các nhà lãnh đạo trên thế giới ở tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York.
Nếu như ông ấy rời bỏ cái chức vụ Chủ tịch nước trong kỳ họp bất thường vào hôm 26/8 vừa qua thì ông ấy sẽ không được mời tới New York. Bởi vì, tại kỳ họp các nhà lãnh đạo thế giới ở New York thì họ chỉ chấp nhận cho vị trí là nguyên thủ quốc gia. Họ không cho phép người đứng đầu một đảng chính trị được phát biểu ở tại diễn đàn đó. Cho dù, theo luật của nước đó, người đó là người có quyền lực cao nhất họ cũng không chấp nhận được".
Đồng quan điểm với luật sư Đài, ông Nguyễn Tiến Trung (Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn độc lập Việt Nam) cho rằng vào tháng 10, Tô Lâm sẽ phải chia sẻ quyền lực của mình cho một nhân vật khác, mà theo ông, có thể là Đại tướng Lương Cường :
"Tức là Việt Nam vẫn duy trì mô hình "tứ trụ", chứ ông Tô Lâm vẫn chưa thể tập trung hết quyền lực vào tay như Trung Quốc là ông Tập Cận Bình, vừa là người đứng đầu đảng, vừa đứng đầu nhà nước".
Ngoài ra, theo ông Trung, ông Tô Lâm sẽ đi vào lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam khi là người đầu tiên gặp cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với tư cách là vừa đứng đầu đảng, vừa đứng đầu nhà nước. Có như vậy thì theo ông Trung "cái thế của ông ấy càng được mạnh hơn".
Ông Lê Anh Hùng, một nhà quan sát chính trị, hiện đang ở trong nước nhận định rằng dù đã được thông báo nhưng hiện vẫn chưa thể chắc chắn rằng ông Tô Lâm có chuyển giao bớt "chiếc ghế" Chủ tịch nước vào tháng 10 như đã công bố hay không. Tuy nhiên, bản thân ông Hùng nói, ông ủng hộ việc nhất thể hóa hai chức danh Tổng bí thư và Chủ tịch nước :
"Bản thân tôi ủng hộ việc nhất thể hóa, tức là thống nhất hai vị trí Tổng bí thư Đảng và Chủ tịch nước. Để người đứng đầu hệ thống chính trị mang đầy đủ tính chính danh, tức là vừa đứng đầu đảng nhưng mà đồng thời cũng là đứng đầu bộ máy nhà nước".
Lý giải về quan điểm của mình, ông Hùng cho rằng những người không muốn nhất thể hóa hai chức danh, phần lớn do lo ngại về sự tập trung quyền lực. Đó là mối lo có cơ sở vì hệ thống chính trị Việt Nam thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực. Tuy nhiên, theo ông :
"Nhưng nếu ông Tô Lâm mở rộng cái không gian dân sự, mở rộng cả cái quyền tự do của dân sự và chính trị cho người dân để người dân thể hiện cái quyền của mình đối với những vấn đề của đất nước, cho phép người dân lên tiếng về những vấn đề của đất nước, cho phép người dân thực hành các quyền dân sự và chính trị đã được quy định trong Hiến pháp, đấy cũng là một cái cách hữu hiệu để kiểm soát quyền lực nhà nước.
Nếu ông Tô Lâm chấp nhận mở rộng cái không gian sinh hoạt dân chủ cho nhân dân Việt Nam thì việc gộp hai cái chức danh, nhất thể hóa Tổng bí thư Đảng và Chủ tịch nước là rất là cần thiết".
Lãnh đạo mới "cùng phe cánh" ?
Kỳ họp Quốc hội bất thường vừa qua cũng đã chọn ra được ba Phó thủ tướng mới thay thế vị trí khuyết của những người tiền nhiệm đã bị mất chức vụ do dính líu tới các vụ án tham nhũng.
Ba tân Phó thủ tướng bao gồm cựu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình ; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc sẽ kiêm thêm chức Phó thủ tướng cho đến khi tìm được bộ trưởng mới và ông Bùi Thanh Sơn đảm nhiệm luôn Bộ trưởng Ngoại giao.
Đánh giá về ba nhân vật này, ông Nguyễn Văn Đài cho biết hai ông Hồ Đức Phớc và Bùi Thanh Sơn kém hơn về năng lực cũng như kinh nghiệm so với hai người tiền nhiệm là Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam :
"Tôi biết là ông Phó thủ tướng Phạm Bình Minh là một người rất có năng lực. Ông ấy đã làm ngành ngoại giao nhiều năm và là một người được đào tạo rất là bài bản ở nước ngoài.
Thứ hai là ông Vũ Đức Đam. Ông ấy trước đây là một người học cử nhân thạc sĩ đều ở Bỉ, rất có trình độ, phụ trách về mảng kinh tế. Ông ấy hơn hẳn ông Hồ Đức Phớc. Ông Hồ Đức Phớc chỉ được đào tạo ở trong nước thôi. Ông ấy cũng không giỏi bằng người phó thủ tướng tiền nhiệm của mình".
Dù cho rằng những người lãnh đạo mới không đủ năng lực để ngồi vào ghế Phó thủ tướng. Tuy nhiên, theo ông Đài, ông Tô Lâm đưa những người mà ông ấy mong muốn, để gia cố thêm vị thế của mình :
"Nếu như những người như ông Vũ Đức Đam hay ông Phạm Bình Minh còn ở lại thì chắc chắn họ sẽ không bao giờ nghe lời ông Tô Lâm. Còn những Phó thủ tướng mới thì tôi cho rằng đều là những người thuộc phe cánh của ông Tô Lâm. Ông ấy muốn những người làm theo cái gì mà ông muốn, chứ không phải làm theo những gì mà chính phủ hay là người dân muốn".
Còn về ông Nguyễn Hòa Bình, theo ông Đài, ông này đã từng bị chỉ trích rất nhiều liên quan đến các vụ án tử tù oan, đặc biệt là vụ án Hồ Duy Hải đã khiến ông Bình mang "tiếng xấu cho chính bản thân ông ấy, cũng như ngành tư pháp của Việt Nam".
Việc ông Lê Minh Trí vừa được bầu giữ chức Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thay ông Nguyễn Hòa Bình, khiến nhiều người nuôi hy vọng rằng vụ án Hồ Duy Hải sẽ sớm được lật lại. Trong số này có ông Lê Anh Hùng :
"Trước kia, khi là viện trưởng Viện Kiểm sát, ông Trí đã lên tiếng bày tỏ sự bênh vực đối với các trường hợp án oan thì bây giờ, khi ông ấy ở cương vị mới thì chúng ta có quyền hy vọng. Đặc biệt là sau khi sự xáo trộn nhân sự này diễn ra trong bối cảnh là ông Nguyễn Phú Trọng nhân vật bảo thủ đã ra đi và Tô Lâm làm lãnh đạo cho lại hệ thống chính trị ở Việt Nam".
Theo ông Đài, ông Lê Minh Trí, với cương vị là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, ông ấy nên có những hành động cụ thể để chứng minh những kiến nghị của mình về vụ án Hồ Duy hải là đúng :
"Chính bản thân ông đã phát hiện ra những cái sai cơ bản nhất trong vụ án Hồ Duy Hải. Ông đã liệt kê đến gần 30 điểm sai trái trong cái bản kiến nghị.
Bây giờ, chính ông ấy lại ngồi vào vị trí Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì ông ấy phải có trách nhiệm để mà sửa những cái sai lầm của người tiền nhiệm.
Và ông ấy cũng phải chứng minh rằng cái bản kiến nghị của ông ấy là đúng và chính xác. Còn nếu như không làm được điều đấy thì ông ấy thừa nhận là cái việc kiến nghị của ông là sai".
Nguồn : RFA, 29/08/2024